Một bộ ống vàng và bạc cổ có niên đại khoảng 5.500 năm và được khai quật ở Bắc Caucasus ở Nga có thể là bộ ống hút uống cổ nhất còn sót lại trên thế giới.
Bộ ống này có tổng cộng tám ống, thành ống mỏng, mỗi ống dài hơn một mét với đầu đục lỗ hẹp, được tìm thấy trong quá trình khai quật một gò đất gần Maykop, Nga, vào mùa hè năm 1897. Các ống này, hiện nằm trong Bảo tàng Hermitage ở St Petersburg, có niên đại từ thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên, và được làm từ các đoạn kim loại ghép lại với nhau. Bốn trong số tám ống cũng có được trang trí bằng hình con bò bằng vàng hoặc bạc.
Các chuyên gia khảo cổ trước đây đã gợi ý rằng các ống này có thể là vật dụng được sử dụng trong đám tang, hoặc là các quyền trượng. Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia ở Nga cho biết đây có thể là ống hút để uống bia từ một chiếc bình dùng chung trong một nhóm người.
Nguồn ảnh: Antiquity
Các nhà nghiên cứu viết: “Nếu đúng, những đồ vật này đại diện cho bằng chứng vật chất sớm nhất của việc uống rượu qua các ống dài - một thói quen đã trở nên phổ biến trong các bữa tiệc vào thiên niên kỷ thứ ba và thứ hai trước Công nguyên các cộng đồng cổ đại phía đông.”
Báo cáo trên tạp chí Antiquity, nhóm nghiên cứu đề xuất tám ống này là các ống hút uống nước “được thiết kế để tiêu thụ một loại đồ uống cần phải lọc trong quá trình tiêu thụ”.
Các nhà nghiên cứu cho biết giả thuyết của họ xuất phát từ bằng chứng bao gồm các văn bản từ Iran và Iraq có niên đại từ thiên niên kỷ thứ năm đến thứ tư trước Công nguyên, mô tả những người sử dụng ống hút để uống. Thêm nữa, vào thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên nghệ thuật Lưỡng hà thường “vẽ các nhóm người đang nhâm nhi bia qua ống dài từ một chiếc bình dùng chung”.
Các tác giả nói thêm rằng một thân cây sậy, được bọc trong lá vàng, cũng như hai ống hút bằng kim loại, trước đây đã được tìm thấy trong mộ của người phụ nữ được gọi là Nữ hoàng Puabi ở Nghĩa trang Hoàng gia ở Ur, có niên đại khoảng 4.500 năm trước.
Đầu đục lỗ của bộ tám ống này cũng giống với đầu lọc bằng kim loại của ống hút bằng cây sậy ở Levant và Lưỡng Hà vào thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên.
Các tác giả viết: “Bộ tám ống uống trong lăng mộ Maykop có thể là dụng cụ dùng bữa cho tám cá nhân, những người này có thể đã ngồi uống bia từ cùng một chiếc bình lớn duy nhất được tìm thấy trong lăng mộ.” Nhóm nghiên cứu cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng về tinh bột lúa mạch ở đầu của một ống - tuy nhiên đây cũng không phải là bằng chứng khẳng định sự hiện diện của một thức uống như bia.
Giáo sư Augusta McMahon tại Đại học Cambridge, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết công trình này rất thuyết phục, đồng thời nói thêm rằng các giả thuyết mà nhóm tác giả đề xuất khá kỳ lạ nhưng cũng có mục đích thực dụng. “Trước đây, bia có lẽ rất nhiều cặn, và ống hút lọc là một dụng cụ cần thiết,” McMahon nói và cho biết thêm rằng loại dụng cụ này nổi tiếng ở Mesopotamia trong thiên niên kỷ thứ ba đến thứ hai trước Công nguyên. “Những chiếc ống hút này cho thấy tầm quan trọng của việc ăn uống chung trong quá khứ như một tác nhân mạnh mẽ tạo ra các kết nối xã hội, như các bữa tiệc ngày nay.”
Nguồn: https://www.theguardian.com/world/2022/jan/19/ancient-metal-tubes-unearthed-in-1897-could-be-oldest-surviving-drinking-straws
Phạm Nhật theo Theguardian