Hệ thống Disanso.vn và bộ công cụ Trealet.com tích hợp các giải pháp lưu trữ và biểu diễn dữ liệu do Phòng thí nghiệm tương tác Người-Máy (trường ĐH Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) nghiên cứu và phát triển được kỳ vọng sẽ giúp các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ, viện bảo tàng ở Việt Nam đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số.
Số hóa các loại hình tư liệu
Trong suốt hai năm kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, rất nhiều bảo tàng ở cả Việt Nam và trên thế giới hoặc ‘đóng băng’ hoạt động, hoặc ‘loay hoay’ chuyển hướng tổ chức các hoạt động trực tuyến đầu tiên trên website, fanpage của bảo tàng. Có duy nhất một biệt lệ là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam ở Thái Nguyên bởi từ trước khi dịch bệnh xảy đến, Bảo tàng này đã bắt đầu thực hiện số hóa và đăng tải lên các kênh trực tuyến với sự giúp đỡ của PGS.TS Lê Thanh Hà và cộng sự tại Phòng thí nghiệm tương tác Người-Máy.
Thành viên Phòng thí nghiệm tương tác Người-Máy hướng dẫn các em học sinh tham quan thực tế ảo tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.
“Khi truy cập vào trang http://disanso.vn, bạn có thể thấy những hiện vật của bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam cùng một số đơn vị khác, từ hình ảnh các hiện vật thể khối dưới dạng mô hình 3D cho đến các di sản văn hóa phi vật thể dưới dạng hình ảnh, video và thậm chí là các mô hình 3D chuyển động”, PGS.TS Lê Thanh Hà chia sẻ. Cách đây ba năm, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng hai bộ cơ sở dữ liệu: thứ nhất là bộ cơ sở dữ liệu đa phương tiện cho các loại hình văn hóa phi vật thể với các đoạn video, mô hình 3D cho các loại hình văn hóa dân tộc cũng như một số loại hình sân khấu như chèo tuồng; thứ hai là bộ cơ sở dữ liệu đa phương tiện dành cho di sản văn hóa, “bộ cơ sở dữ liệu này được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình hệ tri thức Việt số hóa, trong đó có loại dữ liệu văn bản, dữ liệu 3D, dữ liệu văn hóa thể khối, v.v.”, PGS.TS Lê Thanh Hà mô tả.
Việc số hóa được lượng dữ liệu ấy không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, nhất là khi nghiên cứu ứng dụng KH&CN để bảo tồn và phát huy di sản là một hướng nghiên cứu có vẻ không mấy gần gũi với những nghiên cứu mà PGS.TS Thanh Hà và Phòng thí nghiệm đã làm trước đây. Là một người chuyên về công nghệ, PGS.TS Thanh Hà thừa nhận rằng mình “đã phải học và đọc thêm rất nhiều các vấn đề về văn hóa; và bản thân các cán bộ Bảo tàng cũng phải tìm hiểu về công nghệ để phối hợp cùng chúng tôi”. Tuy nhiên, anh không thực sự xem đó là một khó khăn, “tôi cho rằng đó là điều tất yếu phải làm. Đây là một nghiên cứu liên ngành, chỉ khi nắm được những kiến thức cơ bản thì chúng tôi mới hiểu được thế mạnh và điểm yếu của từng bên, từ đó đưa ra được phương án phối hợp công việc phù hợp”., chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều các hiện vật cũng như các video, mô hình 3D chuyển động của các trích đoạn và động tác cơ bản của múa chèo, mô hình 3D tượng người phụ nữ quý tộc, thần Shiva, v.v. Bên cạnh đó, các hiện vật và loại hình trình diễn cũng được phân loại cụ thể theo tỉnh thành và dân tộc. “Cả Bảo tàng và khách tham quan đều phản hồi tích cực với những tài nguyên đã được số hóa, thậm chí với những tài nguyên được đăng tải ở dạng video, chúng tôi ghi nhận lượt xem gần 1 triệu lượt xem video về các loại hình văn hóa phi vật thể.”, anh Hà chia sẻ.
Thực chất, số hóa trong lĩnh vực bảo tàng chính là hoạt động tạo ra bản sao số của những hiện vật (bao gồm những hiện vật đang được bảo quản và đang được trưng bày) và những tư liệu ở nhiều dạng khác nhau trong không gian thực vào trong không gian máy tính. Tuy nhiên, với mỗi một loại hình thì sẽ có những phương pháp số hóa khác nhau. Với loại hình vật thể, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các thiết bị chuyên dụng như máy quét 3D; tùy vào tính chất của hiện vật, nhóm sẽ lưu ý đến các đặc điểm phức tạp trên bề mặt để lựa chọn công nghệ quét 3D và xử lý hậu kỳ cho phù hợp. Trong trường hợp số hóa các di sản phi vật thể dưới dạng các điệu múa, nhóm nghiên cứu sẽ sử dụng mô hình chuyên dụng để thu nhận các chuyển động của người và áp dụng các công nghệ phục dựng 3D hoạt hình để chuyển đổi các điệu múa được biểu diễn bởi các nghệ sĩ thành các chuyển động 3D của các nhân vật hoạt hình trong máy tính. Giờ đây, khi vào trang website http://disanso.vn
Với mong muốn có thể chuẩn hóa nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, nhóm nghiên cứu đã liên hệ để tiếp tục làm việc với Trung tâm lưu trữ quốc gia IV nhằm tìm kiếm giải pháp số hóa 3D phù hợp nhất với kho tư liệu mộc bản. “Từ năm 2009, kho mộc bản triều Nguyễn đã được công nhận là di sản tư liệu thế giới đầu tiên ở Việt Nam, việc số hóa 3D kho tư liệu này là việc làm cần thiết nếu muốn bảo tồn và lưu trữ chúng”, PGS.TS Thanh Hà nhận xét, “tuy nhiên, khác với những hiện vật trước mà nhóm từng tiếp cận, công nghệ số hóa 3D và hiển thị mô hình 3D của mộc bản có phần phức tạp hơn. Độ phân giải cho mô hình 3D mộc bản phải lớn gấp rưỡi cho đến gấp ba lần so với các mẫu bình thường, đồng thời phải hiển thị rõ chi tiết từng nét đục/khắc trên nền gỗ do các nghệ nhân lịch sử để lại trên bề mặt mộc bản.”.
Khách tham quan có thể vào mục mộc bản trên trang Disanso để chiêm ngưỡng 10 tấm mộc bản 3D đầu tiên đã được quét và hiển thị thành công trên nền website. “Chúng tôi vẫn đang tìm cách hoàn thiện quy trình quét tối ưu, đồng thời tìm kiếm phương pháp Trí tuệ nhân tạo giúp khôi phục lại những tấm/phần mộc bản đã bị mất hoặc hư hại. Hy vọng trong hai năm tới, phòng thí nghiệm có thể đưa hàng trăm tấm mộc bản đến gần hơn với khách tham quan trực tuyến”, PGS.TS Lê Thanh Hà chia sẻ.
Hiện tại, Disanso bước đầu đã trở thành điểm nối trực tiếp đến nhiều ứng dụng của văn hóa Việt Nam, đồng thời là cổng thông tin cho một phần tài nguyên di sản của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trung tâm Lưu giữ Quốc gia IV, Nhóm Xẩm Hà Thành,... Xa hơn, “Tôi mong muốn Disanso sẽ trở thành một cổng thông tin lưu trữ chung cho cộng đồng cơ sở GLAM (Phòng trưng bày, Thư viện, Kho lưu trữ, Viện bảo tàng) ở Việt Nam”, anh bày tỏ kỳ vọng của mình, “tất nhiên đó là một giấc mơ rất lớn và nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như sự đổi mới của những người đứng đầu - mà các cán bộ tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một minh chứng, nhưng chỉ cần có bất kỳ cơ hội nào thì chúng tôi cũng sẽ nỗ lực thực hiện để mở rộng Disanso nhất có thể”.
Cần xử lý những “lỗ hổng”
Việc tham gia nhiều dự án khác nhau đã giúp cho nhóm nghiên cứu Tương tác Người-Máy nhận ra những vấn đề tiềm ẩn nhưng có thể làm chậm bước tiến của quá trình số hóa trong các bảo tàng. Một trong số đó là “kỹ thuật lưu trữ dữ liệu và trình bày dữ liệu của các bảo tàng hiện nay chưa được đồng bộ và tiện dụng”, anh nhận định.
Dù trước đây, đã có một số đơn vị GLAM thực hiện việc lưu trữ số hóa, tuy nhiên hoạt động này vẫn chỉ mang tính nhỏ lẻ mà chưa được đầy đủ, hoàn chỉnh. Đại dịch COVID-19 xảy đến và trở thành lực đẩy chính, buộc các đơn vị tổ chức các hoạt động trực tuyến nhiều hơn, lúc này ‘lỗ hổng’ về việc lưu trữ mới thực sự trở thành một vấn đề lớn. “Các đơn vị vẫn chủ yếu lưu trữ dữ liệu dựa trên kinh nghiệm của cá nhân và còn thiếu cái nhìn tổng thể nên các dữ liệu được lưu trữ rải rác, thiếu tập trung và không đồng bộ, dẫn đến khó khăn khi trưng bày trực tuyến các sản phẩm ra công chúng”.
Trên thực tế, ở Việt Nam hiện tại vẫn chưa có nền tảng nào tích hợp lưu trữ và chia sẻ dữ liệu một cách an toàn, phân loại theo các đối tượng tham quan khác nhau. Mỗi khi có nhu cầu tổ chức một triển lãm trực tuyến, các bảo tàng sẽ khá lúng túng và lúc này mới bắt đầu liên hệ các đơn vị bên ngoài để tìm kiếm giải pháp.
Với mong muốn hỗ trợ các bảo tàng thực hiện các cuộc triển lãm, trưng bày chuyên đề, giới thiệu các bộ sưu tầm hiện vật,.. trên các tài nguyên đa phương tiện, Phòng thí nghiệm Tương tác Người-Máy hiện đang xây dựng một bộ công cụ chứa các dữ liệu trực tuyến, hỗ trợ tổ chức các triển lãm và trưng bày trực tuyến sao cho sống động, tiện dụng và giúp người dùng có trải nghiệm tốt hơn. Cụ thể, hệ thống mang tên Trealet sẽ cung cấp các công cụ lưu trữ dữ liệu, video, audio, các mô hình 3D tĩnh và 3D động và cho phép bảo tàng hiển thị nó theo các định dạng tự chọn - sao cho tiện dụng và sinh động nhất có thể. Về cơ bản, hệ thống sẽ hỗ trợ cho ba nhóm người dùng: nhóm GLAM - nhằm giúp cộng đồng sáng tạo nội dung này số hóa công tác trưng bày và khai thác tài nguyên di sản của mình; những người tạo ra nội dung - dựa trên bộ dữ liệu của nhóm GLAM để tạo ra nội dung mới, các hình thức trải nghiệm khác nhau; và cuối cùng là nhóm hưởng thụ những nội dung đó - người dùng phổ thông với mong muốn khám phá di sản nghệ thuật và văn hóa từ các nội dung đã được chia sẻ.
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang tìm kiếm các phương án để đảm bảo vấn đề bảo mật và bảo vệ bản quyền dữ liệu của các dữ liệu, đồng thời phát triển các hình thức trình bày dữ liệu dưới dạng phát sóng trực tiếp, các ‘pin’ để gắn trên bản đồ, ảnh 360 độ, biểu diễn dưới dạng lưới hoặc đồ thị liên kết. “Dự kiến hệ thống sẽ đưa ra bản thử nghiệm vào cuối năm nay và bản hoàn thiện để phục vụ các khách tham quan vào đầu năm 2022”, PGS.TS Lê Thanh Hà cho biết.
Anh Thư