Công chúng/khách tham quan là mục tiêu “sống còn” của mỗi bảo tàng bởi bảo tàng không chỉ muốn công chúng biết đến mà còn muốn họ hiểu rõ hơn về bảo tàng và mong muốn đến bảo tàng.
Để đáp ứng thực tiễn phát triển và nhu cầu thưởng lãm giá trị lịch sử văn hóa ngày càng cao của đông đảo khách tham quan, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá nhu cầu công chúng cũng như nhận thức, xác định được xu hướng phát triển bảo tàng hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước thay đổi, củng cố thêm căn cứ thực tiễn về hướng hoạt động, nhất là hoạt động ứng dụng công nghệ trong trưng bày và giới thiệu trưng bày làm tăng khả năng kết nối, tương tác cũng như cung cấp thông tin về kho tư liệu, hiện vật quý hiếm đang lưu giữ tại Bảo tàng, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động để tạo ra những sản phẩm hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm khác biệt, góp phần thu hút khách tham quan. Đây cũng là chủ đề mà Hiệp hội Bảo tàng quốc tế (ICOM) nêu ra trong ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2021: “Tương lai của các bảo tàng: Phục hồi và đổi mới”. ICOM kêu gọi các bảo tàng, các chuyên gia và tổ chức có liên quan cùng sáng tạo, chia sẻ các phương thức mới để cùng tạo ra giá trị, các mô hình kinh doanh mới cho những thiết chế văn hóa và các giải pháp mang tính sáng tạo trước những thách thức xã hội, kinh tế và môi trường hiện nay.
Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được thực hiện trong nhiều năm qua nhằm tạo cơ sở dữ liệu với thông tin chi tiết và mang đến những trải nghiệm cho người sử dụng. Tất cả hướng tới xây dựng một di sản số (E- Heritage) cho di sản văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở những kinh nghiệm và hiệu quả bước đầu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và từng bước hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng như:
1. Trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia”
Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D (tương tác thực tại ảo) trong giới thiệu trưng bày bảo tàng. Từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã ứng dụng công nghệ này để giới thiệu 2 trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam” với mục đích nhằm phát huy trưng bày lâu dài và tới rộng rãi công chúng sau khi trưng bày chuyên đề kết thúc, đặc biệt là đối với công chúng chưa hoặc không có điều kiện thăm quan trưng bày đồng thời cũng là một cách thức lưu trữ tư liệu sau trưng bày (các trưng bày chuyên đề thường chỉ kéo dài khoảng 3 - 6 tháng và trước đây, Bảo tàng chỉ xuất bản ấn phẩm dưới dạng: tờ gấp, cataloge, sách).
Trưng bày ảo 3D chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam”
Trưng bày ảo 3D chuyên đề: “Đèn cổ Việt Nam”
Trên cơ sở kinh nghiệm ban đầu, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục lập kế hoạch và thực hiện xây dựng nội dung giới thiệu hệ thống trưng bày thường trực từ thời Tiền sử, đến thời Trần và chuyên đề “Văn hóa Óc Eo”. Từ năm 2014 - 2019, thực hiện số hóa 11 Bảo vật quốc gia và Nhật ký Conali; thử nghiệm số hóa 3D với 34 hiện vật trên các loại hình, chất liệu khác nhau phục vụ chương trình số hóa “Tri thức Việt”… Tuy sự đầu tư còn gặp một số hạn chế nhưng Bảo tàng cũng đã cố gắng từng bước tiếp cận, nghiên cứu thực hiện được một số phần trưng bày như hiện nay công chúng được tham quan qua website của Bảo tàng. Trong quá trình phát huy, Bảo tàng cũng đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía công chúng và đồng nghiệp về sự phù hợp với xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại. Đặc biệt là phần tương tác, tìm hiểu giá trị những hiện vật tiêu biểu mà thông thường khi tham quan trưng bày bảo tàng, khách tham quan sẽ bị hạn chế trong việc quan sát kỹ tất cả các chi tiết hoa văn hoặc nội dung giới thiệu sâu, phong phú về hiện vật. Thực tế, khi xem trưng bày ảo khách tham quan sẽ thấy dễ hiểu, chi tiết và đầy đủ thông tin hơn tham quan trưng bày thật. Chẳng hạn, khi quan sát trống đồng Ngọc Lũ trong tủ kính tại trưng bày thực của Bảo tàng thì khách không thể tìm hiểu được hết những giá trị của Bảo vật quốc gia này nhưng khi tham quan trên trưng bày tương tác ảo 3D thì có thể quan sát được các chi tiết hoa văn trang trí cũng như các thông tin cụ thể về hiện vật và tự tương tác các nội dung tham quan mà mình mong muốn...
Bảo tàng ảo 3D giới thiệu phần Văn hóa Đông Sơn thuộc trưng bày thường trực BTLSQG
Từ năm 2020, Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp ứng dụng 3D và hoàn thiện giới thiệu trưng bày ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Nội dung được cập nhật, bổ sung, đổi mới cách thức tiếp cận, theo đó, thông tin được giới thiệu với các cấp độ khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của công chúng, phù hợp với điều kiện thời gian, nhu cầu tra cứu thông tin từ khái quát đến trải nghiệm, tương tác 3D hoặc khai thác tư liệu, tìm hiểu, nghiên cứu sâu (cấp độ giới thiệu chi tiết với các tài liệu, hình ảnh, clip, các bài nghiên cứu liên quan một cách sâu sắc, phong phú).
Trưng bày ảo 3D Bảo vật quốc gia giới thiệu về 20 Bảo vật quốc gia lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Việc ứng dụng công nghệ trong trưng bày là xu hướng tất yếu, không thể thiếu đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhưng việc nghiên cứu, xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ trưng bày hiệu quả là vấn đề gặp khó khăn, bởi xây dựng nội dung cho ứng dụng công nghệ cũng có những yêu cầu đặc thù. Chẳng hạn, có những tài liệu, hiện vật rất có giá trị về mặt nội dung lịch sử, văn hóa nhưng lại không đảm bảo hoặc ít giá trị về mặt thẩm mỹ, nghệ thuật, nhất là loại hiện vật dưới dạng văn bản giấy, do đó khi ứng dụng công nghệ ảo 3D, 4D… sẽ khó tạo được sự hấp dẫn. Khi thực hiện cần nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng công nghệ nào phù hợp với từng loại hình hiện vật để phát huy tối đa hiệu quả ứng dụng. Bởi suy cho cùng, công nghệ chỉ đóng vai trò là công cụ chuyển tải, tăng cường hiệu quả phát huy nội dung (nhanh chóng, rộng rãi) sinh động, hấp dẫn, thu hút công chúng. Tuy nhiên, nếu nội dung nghèo nàn thì ứng dụng công nghệ không thể đảm bảo được tính sinh động, hấp dẫn hoặc công chúng cứ xem mãi một nội dung hay trải nghiệm mãi một ứng dụng công nghệ thì sẽ thấy nhàm chán. Bên cạnh đó để bảo tàng ảo thực sự hấp dẫn còn cần đầu tư đồng bộ về kỹ thuật, đường truyền cũng như chi phí vận hành…
Vì vậy, trong lần nâng cấp này, cùng với nội dung được nghiên cứu kỹ lưỡng, chi tiết thì việc cập nhật ứng dụng 3D và đổi mới hình thức giới thiệu mang lại cho công chúng sự tương tác, trải nghiệm khác biệt, mới lạ và sâu sắc hơn.
Khách tham quan trưng bày tương tác ảo 3D chuyên đề “Bảo vật quốc gia” truy cập vào đường link: https://baovatquocgia.baotangso.com
2. Tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online)
Tourday là cơ hội tham quan bảo tàng miễn phí, là sự kiện hoạt động văn hóa được Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử quốc gia (CLB TNV) thực hiện từ năm 2017 và đã tổ chức được 12 buổi, định kỳ vào các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tourday đã đón 820 khách tham quan (trong đó có 30% khách quốc tế đang sinh sống, làm việc, học tập tại Hà Nội), họ là những người yêu thích lịch sử, văn hóa ở nhiều lứa tuổi khác nhau, quốc tịch khác nhau, chủ yếu là giới trẻ.
Từ đầu năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hoạt động này tạm dừng do phải giãn cách xã hội. Trong bối cảnh đó, ý tưởng thực hiện tham quan bảo tàng trực tuyến miễn phí (Tourday online) của CLB TNV đã được hình thành nhằm đảm bảo việc tiếp cận lịch sử văn hóa của khách tham quan được duy trì, CLB TNV nghiên cứu hình thức tham quan trưng bày bảo tàng online trên nền tảng ứng dụng Zoom có hỗ trợ tính năng chia phòng họp nhỏ (breakout room) thuận tiện cho công tác tổ chức và quản lý.
Buổi tham quan bảo tàng trực tuyến đầu tiên (Tourday online) được Câu lạc bộ Tình nguyện viên tổ chức vào ngày 12/9/2021 với chủ đề:“Theo dòng lịch sử: Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần”. Sau chưa đầy 24 giờ mở link đăng ký trên Fanpage: facebook.com/BTLSQG.VNMH, sự kiện đã được sự đón nhận và quan tâm của đông đảo công chúng với gần 100 khách tham dự, được phân chia vào 2 phòng Zoom.
Công chúng tham quan bảo tàng trực tuyến (Tourday online)
Đến với chương trình, khách tham quan có cơ hội được nghe những tình nguyện viên trẻ (tour guide), nhiệt tình, dễ mến giới thiệu về sự hình thành, phát triển, vai trò của các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc. Du khách được ngắm nhìn các hiện vật đang trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng thông qua không gian trưng bày ảo 3D trên website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, với hiện vật trưng bày rõ nét đem lại hiệu ứng cao, kết hợp cùng các hình ảnh hỗ trợ được trình chiếu trên phần mềm power point, video.
Kết thúc phần tham quan trưng bày, du khách tham gia giao lưu trực tiếp với hướng dẫn viên, qua những câu hỏi mà khách quan tâm, thắc mắc và được giải đáp đã bổ sung thêm thông tin, kiến thức, sự hiểu biết về các triều đại Lý, Trần trong lịch sử dân tộc. Tiếp theo phần giao lưu là chương trình trò chơi (mini game) được tạo trên phần mềm Menti với những câu hỏi về Văn hóa Đại Việt thời Lý - Trần, đây là một trong những hoạt động tăng tính hấp dẫn, sinh động, đem đến những trải nghiệm mới, khác biệt cho du khách. Cuối chương trình, Ban Tổ chức cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp cho hoạt động tourday lần tiếp theo thông qua phiếu trả lời câu hỏi khảo sát, thăm dò ý kiến khách tham quan.
Đây là sự kiện văn hóa dành cho công chúng có cơ hội tham gia buổi tham quan trực tuyến tìm hiểu về những giá trị của các tài liệu, hiện vật, sưu tập hiện vật quý giá đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng trong thời kì dịch bệnh phức tạp như hiện nay.
Tourday online góp phần đa dạng hóa các sản phẩm ứng dụng công nghệ trong hoạt động giới thiệu trưng bày dành cho công chúng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng như tăng cường sự kết nối bảo tàng với khách tham quan.
3. Giờ học lịch sử online
Giờ học lịch sử và Câu lạc bộ Em yêu lịch sử là hoạt động giáo dục hiệu quả, thu hút đông đảo học sinh, trẻ em tham gia. Đây là mô hình đã trở thành “thương hiệu” của BTLSQG. Tuy nhiên, trong điều kiện giãn cách xã hội, học sinh không thể tham gia chương trình tại Bảo tàng, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục sang hình thức học online. Để bảo đảm phục vụ rộng rãi tới khách tham quan và đáp ứng nhu cầu học lịch sử của các em học sinh, bên cạnh việc duy trì tổ chức các chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm dành cho khách tham quan tại Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn tổ chức nghiên cứu, xây dựng các chương trình Giờ học lịch sử online phù hợp với tình hình mới nhằm tích hợp các hoạt động thường xuyên với tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Không phải đến khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì việc thực hiện Giờ học lịch sử online mới được thực hiện mà trong những năm gần đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm phát huy một cách hiệu quả những giá trị lịch sử văn hóa của các sưu tập hiện vật đang được trưng bày và lưu giữ tại bảo tàng đến khách tham quan thông qua Giờ học lịch sử online. Từ năm 2019, Bảo tàng đã phối hợp với Công ty Microsoft Vietnam LLC (FPT) nghiên cứu, xây dựng chương trình học Lịch sử online và đã tiến hành buổi học thử nghiệm vào tháng 5/2019 cho học sinh THCS (Trường Vinschool). Đầu năm 2020, dịch bệnh bùng phát, để đảm bảo hoạt động này được duy trì liên tục cũng như phòng, chống lây lan của dịch bệnh, Bảo tàng đã từng bước chuyển hướng hoạt động các chương trình giáo dục từ trực tiếp đến bảo tàng sang hình thức học online thông qua ứng dụng Zoom. Với hình thức này, cho dù ở đâu, các em chỉ cần trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet và được cán bộ bảo tàng cấp mã là có thể vào Zoom tham gia lớp học.
Học sinh tham gia giờ học lịch sử online
Trên cơ sở các nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật, cán bộ giáo dục Bảo tàng đã nghiên cứu, xây dựng nội dung chương trình học lịch sử online phù hợp với từng nhóm học sinh. Đối với học sinh chưa học lịch sử ở nhà trường, chương trình tập trung giới thiệu các nhân vật, sự kiện lịch sử; đối với học sinh đã học lịch sử, chương trình được thiết kế gắn kết với nội dung trong sách giáo khoa. Chương trình học lịch sử online được bắt đầu triển khai từ tháng 7/2020, với 2 nhóm học thử nghiệm cho học sinh Tiểu học và Trung học cơ sở. Các bài giảng được thiết kế hấp dẫn, nội dung truyền tải cô đọng, hình ảnh, phim tư liệu, phim hoạt hình sinh động, kết hợp với phương pháp truyền đạt qua chuyện kể và tổ chức trò chơi bằng câu hỏi, hoạt động tương tác, đã tạo ra sự hứng thú học tập cho các em.
Ưu điểm nổi trội của Giờ học Lịch sử online là thông tin, tư liệu, hình ảnh hiện vật phong phú, hấp dẫn; giúp học sinh chủ động sắp xếp thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại… do đó, đây đang là hướng hoạt động phù hợp trong thời đại công nghệ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay. Hơn nữa, phương thức học online không chỉ tạo ra sân chơi vui học bổ ích cho các em học sinh trong những ngày nghỉ dịch mà còn mở ra cơ hội tương tác với nhiều đối tượng khách tham quan, góp phần quan trọng trong việc quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa của dân tộc. Giờ học lịch sử online miễn phí được thực hiện từ tháng 7/2020 đã thu hút nhiều học sinh tham gia. Tính đến 30/8/2021, Bảo tàng đã tổ chức được 275 buổi học với 5.360 lượt học sinh tham gia, gồm các đối tượng học sinh lớp 2,3, 4, 5,6 ở Hà Nội và các tỉnh thành: TPHCM, Vũng Tàu, Cà Mau, Sơn La, Nghệ An… (trong đó, có một số em là người Việt đang sinh sống ở nước ngoài). Tháng 6/ 2021, để kịp thời phục vụ, đáp ứng nhu cầu của học sinh đúng vào dịp hè khi mà năm nay các em phải ở nhà thay vì được đến bảo tàng, đi tham quan, nghỉ mát... giống như các kỳ nghỉ hè trước đó bởi dịch COVID-19, Bảo tàng đã gấp rút hoàn thành và đưa vào giảng dạy chương trình “Giờ học lịch sử online” mang chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” gồm 5 buổi học tìm hiểu về các tấm gương anh hùng nhỏ tuổi như: Kim Đồng, Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Bá Ngọc...
Sức hấp dẫn của chương trình giáo dục online này không chỉ ở nội dung gắn liền với các nhân vật lịch sử, anh hùng nhỏ tuổi mà còn đặc biệt ở cách truyền tải nội dung cô đọng, dễ hiểu, dễ nhớ qua giao diện bài giảng được thiết kế rất bắt mắt. Mỗi nhân vật lịch sử sẽ lần lượt được tìm hiểu qua bốn phần: Giới thiệu Nhân vật lịch sử; Câu chuyện/Sự kiện lịch sử; Hiện vật lịch sử và Di tích lịch sử. Ở cuối mỗi giờ học là một trò chơi với những câu hỏi đua tài trí tuệ gắn liền với chủ đề buổi học được xây dựng và thiết kế sinh động, hấp dẫn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.
Để tiếp cận và mở rộng đối tượng công chúng, nhằm đưa chương trình đến với đông đảo các em học sinh tiểu học không chỉ ở Hà Nội mà còn ở các tỉnh thành trên cả nước, Bảo tàng đã mở link đăng ký online qua website, fanpage:facebook.com/BTLSQG.VNMH. Chỉ sau 2 ngày số lượng học sinh đăng ký tham gia khóa học chủ đề “Sáng mãi những tấm gương anh hùng” đã lên đến hơn 500 em (vượt số lượng đề ra cho khóa học thứ I, hè 2021), trong đó có rất nhiều em đến từ các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Tham gia lớp học này, các em học sinh, đặc biệt là các bạn ở các tỉnh, thành phố như Cà Mau, Sơn La, Nghệ An… vô cùng hào hứng, thích thú khi lần đầu tiên được tiếp cận với cách học lịch sử sáng tạo, hấp dẫn, sinh động (thông qua kết hợp các hình thức kể chuyện, hỏi đáp, âm nhạc, hình ảnh hiện vật của bảo tàng, phim hoạt hình, phim tư liệu, trò chơi…). Các em bày tỏ sự mong muốn được một lần về Thủ đô, sẽ đến Bảo tàng để tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật lịch sử đã được nhìn và nghe giới thiệu qua các buổi học lịch sử Online này. Cứ thế, qua các giờ học lịch sử online miễn phí của bảo tàng và tự nguyện, không bắt buộc của người học là các em học sinh, tình yêu với lịch sử đã và đang tiếp tục được lan tỏa.
Sự hấp dẫn, bổ ích mà mỗi chương trình học lịch sử online của Bảo tàng đem lại đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhóm thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, có những học sinh người Việt sống tại nước ngoài cũng tìm hiểu và tham gia chương trình. Đây cũng là một cách tiếp cận ứng dụng công nghệ số sáng tạo, đưa bảo tàng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi, từ đó phát huy được những giá trị của di sản văn hóa đang được Bảo tàng Lịch sử quốc gia lưu giữ. Đặc biệt, thông qua chương trình giáo dục, Bảo tàng mong muốn khơi dậy ở thế hệ trẻ lòng yêu thích, say mê với lịch sử dân tộc.
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cung cấp cho khách tham quan một phương thức tiếp cận mới, thuận lợi, đa dạng phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, góp phần từng bước hiện đại hóa các hoạt động bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ là không gian riêng cho những nhà khoa học, những người nghiên cứu lịch sử hay những người đến tham quan theo chương trình tour, mà còn là nơi mà mọi đối tượng công chúng được trải nghiệm, học hỏi những kiến thức mới qua các hình thức chuyển tải khác nhau, trong đó, ứng dụng công nghệ số đóng vai trò ưu việt.
Để Bảo tàng Lịch sử quốc gia thu hút, hấp dẫn công chúng cũng như trở thành nơi công chúng lựa chọn, trước hết cần nghiên cứu nhu cầu của công chúng để từ đó đổi mới những hoạt động, kịp thời đáp ứng những nhu cầu ấy. Trong đó, ứng dụng công nghệ trong trưng bày, giới thiệu trưng bày bảo tàng chỉ là một trong nhiều giải pháp nhưng đó là giải pháp quan trọng, phù hợp xu hướng phát triển của các bảo tàng hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ sẽ góp phần từng bước hiện đại hóa các hoạt động bảo tàng, đặc biệt là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên toàn cầu khiến cho việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động Bảo tàng càng trở nên cấp thiết và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và tại các bảo tàng, di tích trong cả nước nói chung đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Những khó khăn, thách thức đó là công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng lưu trữ cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mạng Internet), kinh phí đầu tư, chuẩn bị nội dung, tài liệu hóa, nguồn nhân lực xây dựng và vận hành… ở bảo tàng còn hạn chế. Đặc biệt, với sự phát triển càng mạnh thì công nghệ càng nhanh bị lạc hậu, việc cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại lại cần đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí lớn. Vì vậy, việc đầu tư ứng dụng công nghệ số cần được tính toán kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn hiện vật, đặc biệt là nhóm hiện vật cấp thiết, hiện vật có giá trị cao. Bên cạnh đó, lựa chọn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ sao cho phù hợp là việc làm rất cần thiết và quan trọng trong việc số hóa tài liệu, hiện vật cũng như xây dựng Bảo tàng số của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai.
BẢO TÀNG LỊCH SỬ QUỐC GIA