Do vị trí nằm bên bờ biển Đông, Việt Nam có bờ biển dài, vùng biển rộng với hàng ngàn hòn đảo lớn, nhỏ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Biển, đảo là bộ phận cấu thành phạm vi chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đã từ lâu, Biển Đông luôn giữ vai trò là cầu nối văn minh, là “ngã tư” tuyến đường huyết mạch giao lưu văn hóa và thương mại quốc tế giữa phương Đông với phương Tây.
Điều đó đã được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử, trên đất Việt Nam từ Bắc đến Nam qua các di tích thương cảng cổ như: Óc Eo (An Giang) hình thành từ thế kỷ 2 sau Công nguyên; Vân Đồn (Quảng Ninh) hình thành từ thời Lý (thế kỷ 11-13); Thăng Long (Hà Nội), Phố Hiến (Hưng Yên), Hội An (Quảng Nam) hình thành từ thời Hậu Lê (thế kỷ 15-18)... cùng với nhiều tàu đắm cổ trên vùng biển Việt Nam được phát hiện và khai quật đã góp phần phản ánh vai trò, vị thế của Việt Nam trong sự phát triển giao thương, buôn bán bằng đường biển với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Cho đến nay, đã có 7 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam được phát hiện và khai quật, trong đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tham gia khai quật 5 con tàu cổ có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 như: tàu Hòn Cau (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu Hòn Dầm (tỉnh Kiên Giang), tàu Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam), tàu Cà Mau (tỉnh Cà Mau), tàu Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận). Con tàu đắm thứ 6 ở Bình Châu (Quảng Ngãi) do công ty TNHH Ánh Dương khai quật và hiện nay, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang tiến hành khai quật con tàu thứ 7, đó là tàu Dung Quất trên vùng biển Quảng Ngãi.
Hiện vật thu được từ 5 con tàu cổ chủ yếu là hàng hóa, đó là đồ gốm sứ có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là bảo tàng duy nhất được lưu giữ đầy đủ những hiện vật từ tàu đắm gồm: toàn bộ hiện vật độc bản từ 5 con tàu đắm và một phần hiện vật là những sản phẩm hàng hóa trên con tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) với số lượng khá lớn (khoảng 5.000 hiện vật).
Trong những năm qua, để phát huy giá trị những sưu tập hiện vật từ 5 con tàu đắm cổ, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động như: trưng bày, giới thiệu, giáo dục, xuất bản phẩm...
Trưng bày thường trực và trưng bày chuyên đề trong và ngoài nước: đây là nghiệp vụ chủ yếu để bảo tàng thực hiện chức năng của mình nhằm đưa sưu tập hiện vật quý, có giá trị từ 5 con tàu đắm cổ lần lượt giới thiệu tới công chúng. Trong hệ thống trưng bày thường trực Bảo tàng Lịch sử quốc gia, sưu tập hiện vật của tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) là điểm nhấn trưng bày thể hiện sự phát triển kinh tế thương mại thời Hậu Lê. Cùng với đó, Bảo tàng đã nghiên cứu, tổ chức các trưng bày chuyên đề về những hiện vật phát hiện trên 5 con tàu đắm cổ ở trong nước và nước ngoài như: Chuyên đề “Di sản văn hóa Biển Việt Nam” tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2012 và tiếp tục được phát huy tại Bảo tàng Lạng Sơn năm 2013; chuyên đề: “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” tổ chức tại Hàn Quốc năm 2017. Trong hầu hết các trưng bày chuyên đề với các chủ đề khác cũng luôn có sự hiện diện của những sưu tập hiện vật từ 5 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam như: Chuyên đề “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại” tổ chức tại Nhật Bản năm 2013; chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 2016-2017 và tiếp tục tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia năm 2018... qua đó, không chỉ quảng bá di sản văn hóa biển Việt Nam tới công chúng mà còn góp phần khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, hình thức phát huy giá trị sưu tập hiện vật thông qua triển lãm ảnh cũng được tổ chức thực hiện, như triển lãm ảnh về "Chủ quyền biên giới và biển đảo Việt Nam" tại Thái Bình (tháng 8/2014) và tiếp tục phát huy tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Hà Nội ) vào tháng 6/2014.
Hiện vật của tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) được giới thiệu tại hệ thống trưng bày thường trực BTLSQG
Chương trình giáo dục: Trong những năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức nhiều chương trình giáo dục trong đó, nội dung về những hiện vật tàu đắm được khai thác khá hiệu quả và thành công và đã cung cấp cho học sinh, trẻ em có những tiếp cận, nhận thức mới về các khía cạnh lịch sử, văn hóa Việt Nam, đặc biệt là khía cạnh về giao lưu kinh tế, văn hóa phát triển đất nước thời Lê nói chung và trong dòng chảy lịch sử Việt Nam nói chung, tiêu biểu là các chương trình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử với chủ đề về Di sản văn hóa biển Việt Nam; Biển, đảo Việt Nam. Đặc biệt, năm 2012, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Bảo tàng Hải Dương tổ chức Câu lạc bộ Em yêu lịch sử với chủ đề; “Gốm sứ Hải Dương với con đường tơ lụa trên biển” tại Bảo tàng Hải Dương - quê hương của những sản phẩm gốm trên tàu đắm Cù Lao Chàm. Qua đó đã giúp các em học sinh hiểu thêm về giá trị và ý nghĩa sản phẩm gốm quê hương mình, từ đó khơi dậy niềm tự hào về quê hương cũng như ý thức bảo tồn nghề gốm truyền thống.
Chương trình Câu lạc bộ Em yêu lịch sử với chủ đề“Gốm sứ Hải Dương với con đường tơ lụa trên biển” do BTLSQG phối hợp với Bảo tàng Hải Dương tổ chức tại Bảo tàng Hải Dương, năm 2012
Xuất bản ấn phẩm: đây là hoạt động cũng được Bảo tàng quan tâm phát huy giá trị hiện vật tàu đắm, trong đó có những ấn phẩm chuyên san về 5 con tàu cổ như: “Tàu cổ Cà Mau” xuất bản năm 2002, “Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam” xuất bản năm 2008, Kho báu từ “Con đường tơ lụa trên biển” - Đồ gốm sứ khai quật từ những con tàu đắm dưới đáy biển Việt Nam (phối hợp với Bảo tàng Quảng Tây, Trung Quốc) xuất bản năm 2008. Bên cạnh đó là các ấn phẩm mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia hợp tác với bảo tàng nước ngoài xuất bản với nhiều ngôn ngữ khác nhau (tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản...) mà trong đó hiện vật từ 5 con tàu đắm là một nội dung không thể thiếu, như: “Việt Nam - Câu chuyện vĩ đại” (phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Kyushu Nhật Bản xuất bản năm 2013), “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” (phối hợp với CHLB Đức xuất bản năm 2016), “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam” (phối hợp với Viện Nghiên cứu Di sản biển Quốc gia Hàn Quốc xuất bản năm 2017)… Kết quả các công trình nghiên cứu, xuất bản đó không chỉ nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phát huy giá trị hiện vật các tàu đắm của Bảo tàng mà còn giúp các nhà nghiên cứu và công chúng trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn về nhiều khía cạnh giá trị của sưu tập mà ở các hình thức phát huy khác chưa thể hiện hết được.
Ấn phẩm giới thiệu hiện vật từ 5 con tàu cổ ở vùng biển Việt Nam
Bên cạnh những ấn phẩm chuyên san, Bảo tàng còn giới thiệu những hiện vật tàu đắm qua nhiều bài viết với nhiều cấp độ khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng như: bài viết giới thiệu trưng bày, giới thiệu sưu tập, hiện vật tiêu biểu dành cho các đối tượng khách tham quan Bảo tàng (trên website, trưng bày bảo tàng ảo 3D…); bài viết nghiên cứu, khai thác từng khía cạnh, chủ đề từ sưu tập hiện vật; bài viết nghiên cứu phục vụ định hướng chuyên môn, nghiệp vụ của Bảo tàng… đăng trên website, chuyên san (Thông báo khoa học) của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các phương tiện truyền thông và tổ chức Tọa đàm khoa học: “Nghiên cứu, phát huy giá trị tài liệu, hiện vật chủ quyền biển đảo Việt Nam” tháng 11/2017 tại Bảo tàng…
Với những kết quả phát huy hiệu quả như vậy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, một trong 5 bảo tàng của Việt Nam được phân chia hiện vật tàu đắm, được đánh giá là bảo tàng có nhiều hoạt động và phát huy hiệu quả nhất sưu tập hiện vật này.
Trên cơ sở thành tựu đó, trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục đẩy mạnh phát huy sưu tập với nội dung sâu sắc và hình thức đa dạng hơn, nhất là trong hệ thống trưng bày thường trực của Bảo tàng thì phần trưng bày giới thiệu sưu tập hiện vật tàu đắm cần được bổ sung, nâng cấp thành trưng bày chuyên đề hoặc trưng bày sưu tập bổ trợ (bổ sung đầy đủ hiện vật của tất cả các tàu đắm và các tài liệu trưng bày bổ trợ thể hiện sâu sắc hơn) vì đây là một trong những sưu tập hiện vật quý hiếm của Bảo tàng và là nội dung quan trọng nên cần được thể hiện như điểm nhấn trưng bày. Định hướng xuất bản cũng cần được tập trung vào những ấn phẩm chuyên đề theo từng sưu tập tàu đắm hoặc khai thác các vấn đề, chủ đề, khía cạnh cụ thể góp phần khẳng định vị trí địa-kinh tế, địa-văn hóa của Việt Nam. Đó sẽ là cơ sở khoa học cho những nhà nghiên cứu, người xây dựng chính sách phát triển kinh biển Việt Nam hiện nay đảm bảo hiệu quả, khả thi đồng thời góp phần giúp người dân trong nước nhận thức rõ hơn về vị thế, vai trò của biển Việt Nam đối với đời sống của mình cũng như đối với sự phát triển chung của đất nước và giúp công chúng thế giới nhận biết những giá trị, lợi ích của vị thế biển Việt Nam trong hội nhập phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự… khu vực và thế giới.
Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan