Cho đến nay đã có 7 con tàu cổ bị đắm trong vùng biển Việt Nam được Chính phủ cho phép khai quật khảo cổ học. Từ cuộc khai quật con tàu cổ Hòn Cau đầu tiên ở toạ độ X, năm 1990 đến cuộc khai quật con tàu cổ Bình Châu năm 2013 đã mang về một số lượng hiện vật khổng lồ chủ yếu là chất liệu gốm sứ Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan với nhiều loại hình khác nhau cùng những chất liệu khác như gỗ, kim loại, xương, ….
Năm 1992, sau hơn 3 mùa khai quật, con tàu chìm dưới cát biển 0.6 - 1m, dưới độ sâu 40m so với mặt biển đã được khám phá. Con tàu có chiều dài 32,71m, rộng 9m được các nhà khoa học xác định đã bị chìm từ năm 1690 cùng hơn 60 nghìn hiện vật đã được đưa lên từ lòng biển.
Năm 1991, cuộc khai quật còn tàu đắm tại vùng biển Hòn Dầm (Kiên Giang) ở độ sâu 17 m, có chiều dài gần 30 m, rộng 7 m đã được thực hiện và thu được hơn 10 nghìn hiện vật, chủ yếu là đồ gốm men ngọc có nguồn góc Thái Lan với nhiều sắc độ khác nhau.
Trong những năm 1997-2000, tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam) đã được Chính phủ cho phép tổ chức khai quật khảo cổ học. Tàu cổ nằm ở độ sâu 72m, dài 29,4m, rộng 7,2m. Tổng số hiện vật thu được hơn 240 nghìn. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam Hà Nội được tiếp nhận sưu tập 789 hiện vật độc bản bản bao gồm những hiện vật chỉ có 1 bản duy nhất và đồ dùng của thuỷ thủ đoàn là đồ gốm sứ Trung Quốc, Thái Lan, những vật dụng khác bằng kim loại như nồi, chảo, cốc, tiền đồng, nhẫn vàng... Bảo tàng Lịch sử Việt Nam còn được tiếp nhận hơn 4300 hiện vật trong số 10 % chia cho các bảo tàng được xác định là đồ gốm Việt Nam có niên đại thế kỷ 15.
Cùng thời gian khai quật tàu cổ Cù Lao Chàm, năm 1998-1999, con tàu cổ ở vùng biển Cà Mau cũng được tiến hành khai quật khảo cổ học. Con tàu bị chìm ở độ sâu 36m, dài 24 m, rộng 8m. Hàng hoá trong con tàu này là đồ gốm sứ Trung Quốc. Các vật dụng của thuỷ thủ đoàn cũng thấy nhiều chảo gang, đèn, chậu, hộp, khoá bằng đồng, dấu triện và nghiên mực đá...
Tàu cổ Bình Thuận được Chính phủ cho phép khai quật năm 2001-2002. Tàu dài 23,4 m, rộng 7,2m, nằm ở độ sâu 39-40 m. Cuộc khai quật khảo cổ học đã đưa lên bờ trên 60 nghìn hiện vật là đồ gốm Trung Quốc được xác định niên đại vào cuối thế kỷ 16 đầu thế kỷ 17. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam được nhận một sưu tập gồm 246 hiện vật.
Năm 2013, xác tàu cổ đầu tiên tại Bình Châu đã được trục vớt (có niên đại từ 500-700 năm trước), kèm theo gần 4.000 món đồ sứ thời Minh, Thanh.
Với 6 con tàu cổ đã được khai quật, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những bảo tàng đã được tiếp nhận những sưu tập hiện vật rất có giá trị nhưng cũng đặt ra một thách thức không nhỏ đó là công việc bảo quản những sưu tập hiện vật này. Phần lớn hiện vật khai quật từ những con tàu đắm lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia là hiện vật chất liệu gốm, do vậy trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến việc bảo quản hiện vật chất liệu gốm có nguồn gốc khai quật khảo cổ học dưới biển.
Lớp muối kết tinh trên hiện vật gốm
Sưu tập hiện vật chất liệu gốm khảo cổ học dưới biển lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia bao gồm nhiều loại hình, nguồn gốc xuất xứ khác nhau do vậy tình trạng cũng khác nhau. Sưu tập đồ sứ Trung Quốc đa phần đều ở tình trạng tốt, lớp men khá bền vững, xương gốm chắc. Tuy nhiên sưu tập gốm sứ Việt Nam, đặc biệt sưu tập đồ gốm Cù Lao Chàm có tình trạng không ổn định, những dấu vết còn lại của lớp màu vẽ trên men chỉ cần chạm nhẹ đã có thể bong ra, lớp men bị rạn, bong tróc thêm nhiều, phần xương gốm có hiện tượng mủn, bề mặt có nhiều vết bẩn che khuất các hoạ tiết trang trí. Tình trạng khác nhau này là do kỹ thuật và trình độ chế tác gốm khác nhau: nhiệt độ nung, loại đất làm xương gốm, kỹ thuật tráng men, chất liệu và kỹ thuật vẽ màu …
Lớp men
trên hiện vật gốm bị phá vỡ
Những vấn đề nêu trên nguyên nhân chính là do lượng lớn muối từ biển đã xâm nhập và ở lại trong hiện vật. Mặc dù đã được ngâm nước ngọt để loại bớt muối ngay sau khi được vớt lên, nhưng do nhiều lý do chủ quan và khách quan quá trình loại muối này chưa hoàn thành nên vẫn còn một lượng muối khá lớn nằm trong xương gốm trước khi hiện vật được làm khô. Khi hiện vật khô, nước bay hơi để lại muối dưới dạng tinh thể bên trong hiện vật hoặc dưới lớp men của hiện vật phá vỡ kết cấu của xương gốm làm cho hiện vật bị nứt, vỡ đồng thời gây ra những ảnh hưởng không tốt khác cho hiện vật. Loại muối là quá trình đặc biệt quan trọng đối với sưu tập hiện vật gốm khai quật dưới biển. Chính vì vậy, để bảo quản hiện vật được lâu dài, trước tiên chúng tôi đã tiến hành loại muối cho hiện vật.
Hiện vật gốm trước và sau bảo quản
Loại bỏ muối trong xương gốm thường dựa vào sự khuyếch tán của muối trong nước rửa hiện vật. Có một vài phương pháp rửa muối hoà tan khác nhau:
- Quá trình ngâm rửa tĩnh.
- Quá trình ngâm rửa dòng chảy.
- Quá trình ngâm rửa động.
- Quá trình làm sạch muối bằng siêu âm: phương pháp này chỉ phù hợp với cho hiện vật có độ bền cao.
Tuỳ thuộc vào tình trạng của hiện vật mà chúng ta lựa chọn phương pháp cho phù hợp. Đối với sưu tập hiện vật gốm khai quật dưới biển tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chúng tôi đã lựa chọn phương pháp ngâm rữa tĩnh: đặt hiện vật ngập trong nước cất, ngâm và định kỳ thay nước cất. Sử dụng Nitơrat bạc kiểm tra nước ngâm cho đến khi nước ngâm không còn clorua mới kết thúc quá trình loại muối. Nhẹ nhàng vớt hiện vật lên và làm khô.
Thử clorua trong nước ngâm hiện vật
Tuy nhiên, như trên đã nói ở trên do dấu vết vẽ màu trên nhiều hiện vật rất dễ bị bong ra nên rất có thể sẽ bị mất đi trong quá trình ngâm loại muối, vì vậy đối với những hiện vật này chúng tôi thực hiện gia cố những dấu vết màu vẽ này trước khi ngâm loại muối. Dưới đây là tóm tắt qui trình bảo quản sưu tập vật gốm khai quật dưới biển mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã và đang thực hiện:
- Vệ sinh các vết bẩn trên bề mặt: thử độ tan, của lớp màu vẽ trên men, kiểm tra độ bền vững của lớp men để lựa chọn phương pháp làm sạch phù hợp hiệu quả và an toàn cho từng hiện vật.
- Gia cố các lớp mầu vẽ trên men.
- Ngâm loại bỏ muối gây hại cho hiện vật.
- Ổn định bề mặt, gia cố các lớp men bong tróc và màu vẽ trên men.
- Tư liệu hóa quá trình bảo quản: chụp ảnh và ghi chép lại toàn bộ quá trình trước, trong và sau bảo quản.
Cán bộ bảo quản đang gia cố lớp trang trí màu trước khi ngâm loại muối hiện vật gốm khai quật dưới biển
Sau khi hoàn thành hiên vật được lưu giữ trong kho bảo quản với môi trường nhiệt độ và độ ẩm ổn định (Độ ẩm tương đối (RH): 50 ÷ 60%; Nhiệt độ (T): mùa hè 22 ÷ 260C; mùa đông từ 18 - 220C và không được thay đổi lớn hơn 5%RH và 40C trong 24 giờ)
Đến nay, sưu tập hiện vật gốm khai quật dưới biển tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được bảo quản và loại muối thành công có tình trạng ổn định, đáp ứng tốt cho công tác nghiên cứu, trưng bày và phát huy tác dụng.
Năm 2018, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã được Chính phủ, Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện khai quật con tàu đắm cổ, còn tàu thứ 7 tại vùng biển Dung Quất, Quảng Ngãi, Việt Nam. Đây là một trọng trách lớn, thể hiện niềm tin của các cấp lãnh đạo đối với Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Để tránh những hư hại không đáng có như trước đây, chúng tôi đã và đang tập trung toàn lực nghiên cứu xây dựng qui trình, thiết lập dây chuyền loại muối cho hiện vật ngay sau khi hiện vật được đưa lên từ lòng biển tại hiện trường khai quật. Song song với đó, với sự tư vấn của các chuyên gia Hàn Quốc, chúng tôi cũng đang chuẩn bị các phương án xử lý các hiện vật chất liệu khác tại hiện trường khai quật, đặc biệt là thân tàu bằng gỗ - một công việc mới, hết sức khó khăn đòi hỏi nhiều kiến thức, thời gian và kinh phí.
Ths. Nguyễn Thị Hương Thơm