Chủ Nhật, 08/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

20/02/2019 15:49 3350
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Phần 2: Thực hiện kế hoạch năm tài chính (2014 – 2015) cấp cho Dự án bảo vệ, bảo quản và phục chế di sản văn hóa bên ngoài đất nước Nhật Bản của Quỹ SUMITOMO (Nhật Bản), hai chuyên gia Nhật Bản là ông Kawai Hisamitsu và ông Katayama Tsuyoshi của Viện Mỹ thuật Nhật Bản đã phối hợp với các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đã khảo sát, nghiên cứu xây dựng phương án và thực hiện bảo quản, tu bổ Tượng Phật A Di Đà.

Bức tượng Phật A-di-đà đã được phục hồi bảo quản bằng phương pháp bảo quản khoa học, trên cơ sở tôn trọng các kỹ thuật chế tác cổ, đảm bảo nguyên tắc bảo tàng học, giữ nguyên tối đa tính nguyên gốc của hiện vật, hài hòa giữa mục đích bảo tồn lưu giữ lâu dài, phát huy giá trị và phục vụ công tác nghiên cứu.

Tượng phật A-di-đà là một tác phẩm điêu khắc gỗ sơn thếp vàng có kích thước; cao 116.5cm, rộng 53cm, đường kính 48cm; gồm thân tượng và bệ tượng. Bức tượng là  một hình mẫu đại diện cho tác phẩm của các nhà điêu khắc Phật giáo Nhật Bản thuộc trường Điêu khắc Phật Giáo Kei trong suốt thời đại Kamakura của Nhật – thế kỷ 13.

Tác phẩm điêu khắc chính (thân tượng) được làm từ khối gỗ dùng kĩ thuật nối ghép (yosegi- zakuri). Bề mặt được sơn một lớp sơn màu đen với những phần trang trí bằng vàng được gắn vào đó và có cả những chiếc lá vàng đã được cắt tỉa. Nhân vật chính này mặc một chiếc áo choàng và tay trái buông thấp với lòng bàn tay hướng ra phía trước và ngón tay cái cùng ngón trỏ trạm vào nhau. Tay phải đưa cao ngang vai với lòng bàn tay hướng về phía trước còn ngón trỏ và ngón cái thì trạm nhau. Cả hai tay tạo thành Phật A- di- đà rai gõ ấn, đưa tâm hồn đến miền đất tịnh độ. Đôi chân của Phật hơi mở rộng và ngài đang đứng trên đài sen.  Quầng hào quang lẽ ra phát ra quanh bức điêu khắc đã biến mất.

Ảnh hiện vật trước và sau bảo quản

2.1. Tình trạng hiện vật trước khi bảo quản

Có thể nhìn thấy một số vết bùn đất và bụi bẩn trên bề mặt do tác động qua thời gian. Nhìn chung, bề mặt sơn mài của hiện vật có xuất hiện những vết nứt và cung cấp những bằng chứng về một số phần đã bị mất. Phần có các sắc tố vàng và có gắn các lá vàng của mảng trang trí đã bị mất do hư hỏng theo thời gian. Phần nối giữa các lọn tóc xoắn ốc của tóc vào đầu đã không còn chắc chắn và khoảng một nửa trong số các lọn tóc đã mất đi. Phần búi tóc ở trên đầu của bức tượng cũng đã bị mất.

Do khả năng kết dính không còn cao như ban đầu, một số thành phần đã được gắn lại lần trước. Đặc biệt, phần màu ở vai phải được thêm vào trong quá trình sửa chữa trước đây và phần nhựa tổng hợp được sử dụng để gắn hông trái và phần dưới trong sửa chữa gần đây đã bị lồi ra. Cả hai tay đã được gắn lại không đồng đều ở cổ tay. Một phần của tay áo mở đã bị mất. Một phần đường viền của chiếc áo choàng gần chân đã có dấu hiệu bị chuột cắn hỏng.

     

 

Toàn bộ bề mặt được bao phủ bởi một lớp sơn mài mới được quét gần đây, đồng thời cũng dễ dàng nhìn thấy những vết đắp thêm hoặc mất đi trên bề mặt sơn. Chất kết dính được sử dụng để gắn các phần riêng biệt với nhau đã xuống cấpnhiều phần đã bị rời ra hoặc bị nới lỏng. Những cánh hoa sen không còn được đều nhau và một vài cánh đã mất.

 

2.2. Quá trình bảo quản, tu sửa Tượng phật A-di-đà gồm 4 nội dung chính như sau:

1.     Khảo sát và tháo dỡ.

2.     Làm sạch bề mặt, gia cố mảng sơn thếp vàng bị bong tróc và hạt tóc bị nới lỏng.

3.     Bổ sung các phần bị khuyết mất.

4.     Tu bổ lại các phần tu sửa trước đây đã bị xuống cấp, mất tính thẩm mĩ.

2.2.1. Giai đoạn khảo sát và tháo dỡ.

Phần thân tượng được gắn ghép vào đài sen của bệ tượng bằng chốt mộng ở phần chân; còn đài sen được ghép nối với đế tượng bằng trục trụ tâm (khúc gỗ hình trụ dài 30cm đã bị mối mọt xông một số vị trí) và một loại keo dính màu đen. Các chuyên gia đã tiến hành tháo dỡ, tách rời thân tượng và bệ tượng. Ở phần thân tượng tiếp tục tháo dỡ hai bàn tay, hai chân, viền ống tay áo và đuôi áo choàng. Còn phần bệ tượng tiến hành tách rời đài sen và một số cánh sen.

2.2.2. Làm sạch bề mặt, gia cố mảng sơn thếp vàng bị bong tróc và các hạt tóc bị nới lỏng.

 

Cán bộ bảo quản tác nghiệp

Sử dụng máy hút bụi chuyên dụng, bàn chải và chổi lông mềm để loại bỏ các vết bụi đất bẩn trên hiện vật. Loại bỏ keo động vật màu nâu bị lão hóa trên hiện vật bằng tăm bông hay vải gạc thấm nước ấm 40oC – 50oC; cậy bỏ lớp keo tổng hợp màu đen, màu vàng bị dây ra trong lần tu sửa trước bằng dụng cụ chuyên dụng, loại bỏ đầu đinh bị gỉ bằng máy mài mini.

 Gia cố các mảng sơn thếp bị bong tróc bằng Binder 17 nồng độ 24% màu vàng nhạt và trong; Primal 2235 nồng độ 46% màu trắng sữa, cả hai loại keo này đều có nguồn gốc là Acrylic. Đầu tiên quét một lớp Binder pha với nước cất theo tỉ lệ 1:2 hoặc 1:1 có cho thêm một ít acetone để tăng khả năng thẩm thấu và loại bỏ lượng dư bằng cách thấm khăn ẩm; khoảng 10-15 phút sau dùng chổi mềm đầu nhỏ chấm keo hoặc dùng kim tiêm bơm dung dịch Primal pha với nước cất theo tỉ lệ 1: 1 hoặc 1:2 vào khoảng hở của mảng sơn thếp với bề mặt gỗ, chờ khoảng 15-20 phút keo cô lại có độ kết dính thì kích hoạt keo bằng bàn là nhỏ ở 70oC trong vòng 5-10 phút. Để loại bỏ phần keo dư đã bị khô sử dụng acetone tẩm tăm bông hoặc chổi mềm cắt ngắn đầu.

 
Chuyên gia Kawai Hisamitsu đang tác nghiệp

Binder có tác dụng liên kết các phần tử làm cấu trúc mạch gỗ ổn định và bền vững hơn. Quá trình quét phủ dung dịch Binder do có nước đã làm các mảng sơn thếp mềm hơn vì thế khi dán gắn các mảng sơn thếp bằng keo Primal cũng dễ dàng hơn. Để thuận tiện cho việc gia cố các hạt tóc bị nới lỏng các chuyên gia sử dụng kim tiêm một cách khéo léo, bơm từ từ hai loại keo Binder và Primal với nồng độ và quy trình như gia cố các mảng sơn thếp bị bong tróc.

2.2.2. Bổ sung các phần bị khuyết mất và chèn các khoảng hở

Do Tượng A-di-đà có nguồn gốc ở Nhật nên loại gỗ được sử dụng để bổ sung các phần bị khuyết mất là gỗ cây Hinoki (cây Bách hội). Đây là một loại cây có họ với cây Thông, là một trong những loại gỗ quý, tốt nhất ở Nhật, đồng thời loại gỗ này dễ gia công chế tác, ít biến dạng trong quá trình sử dụng, có hương thơm dịu nhẹ, chuyên dùng để tu bổ các di tích lịch sử.

a.      Các hạt tóc và hạt pha lê trên đầu Tượng phật A-di-đà

Các hạt tóc bị mất được các chuyên gia Nhật khắc trổ thủ công rất tỉ mỉ và công phu từng hạt một. Tổng số hạt tóc được bổ sung là 234 hạt tóc, đường kính các hạt tóc từ 3-7mm, số vòng xoắn hạt tóc là 3- 4,5 vòng. Màu hạt tóc mới được tạo ra bằng cách quét lớp sơn sống trộn với bột sumiko (bột than từ một loại gỗ) sau đó để khô và tiếp tục rắc thêm một lớp bột sumiko. Lúc này hạt tóc có màu đen, để màu của hạt tóc mới tạo ra gần với màu của hạt tóc gốc thì phủ lên một lớp màu đen Acrylic, tiếp đó phủ một lớp bột đất sét. Gắn các hạt tóc mới vào đầu Tượng bằng hỗn hợp keo sơn mì (sơn sống trộn với bột mì) có độ kết dính cao. Tùy từng kích thước các hạt tóc gốc ở từng khu vực khác nhau mà gắn các hạt tóc mới có kích thước tương ứng.

Gắn các hạt tóc phục chế lại vào chỗ bị khuyết thiếu

Hạt pha lê màu đỏ ở vị trí chính giữa trên đầu Tượng phật bị mất đã được bổ sung bằng hạt mới. Các chuyên gia đã sử dụng keo da bò 30% trộn với sơn chì màu đỏ để gắn hạt pha lê.

 

b. Phần viền áo, tà áo, ống chân váy bên phải, đuôi áo choàng bên trái, ống tay áo bên phải, cổ tay trái, một cánh sen, một phần của đế bệ tượng.

Với kỹ năng điêu khắc tinh xảo, các chuyên gia đã khéo léo bổ sung các phần bị khuyết mất vào hiện vật một cách chính xác, hài hòa giữa phần nguyên gốc và phần mới bổ sung. Do đó đã tạo ra một hiện vật có cấu trúc ổn định và hoàn thiện hơn.

Các bước tạo ra các chi tiết, bộ phận khuyết mất để bổ sung vào hiện vật. Đầu tiên qua quá trình chạm khắc tạo hình các bộ phận cần được bổ sung có bề mặt nhẵn, tiếp đó quét lớp nền tảng sơn sống trộn với bột đất để khô sau đó mài giấy ráp nhúng nước - quá trình này thực hiện 2-3 lần, đây là điểm đặc trưng của kỹ thuật sơn mài vì sản phẩm điêu khắc có bề mặt không được láng mịn nên phải phủ lớp nền tảng để che, điền đầy phần mặt điêu khắc tạo nên bề mặt mịn bóng và khiến tác phẩm hoàn mỹ, quét tiếp một lớp sơn sống để khô (sơn sống khô nhanh trong môi trường độ ẩm cao), sau đó quét lớp nền tảng là hỗn hợp đất màu ngà hòa với nước cất dạng sệt và keo da bò 13%, để khô trong vòng 4h, tiếp tục quét một lớp sơn chì màu cam chờ khô rồi quét lớp bột vàng pha với nước cất và keo da bò 13% - đây là phương pháp sử dụng bột vàng theo cách truyền thống (keo da bò là chất kết dính bột vàng với bề mặt chi tiết), dùng mảnh tre mềm cọ mài cho nhẵn những điểm nhấp nhô, sau cùng phủ lớp màu Acrylic sao cho giống với màu xung quanh vị trí cần bổ sung.

 

Chuyên gia Katayama Tsuyoshi đang tác nghiệp

 

Chuyên gia Kawai Hisamitsu đang tác nghiệp

Gắn các chi tiết mới bổ sung bằng chốt tre và keo hai thành phần. Riêng cánh sen mới được tạo ra được đóng gắn vào đài sen bằng đinh đồng và keo da bò 30%.

   

Phần tay áo trước, trong và sau quá trình tu sửa

 
 

Phần gấu áo trước, trong và sau quá trình tu sửa

c. Chèn các khoảng hở

Theo thời gian dài, gỗ bị co ngót nên xuất hiện các khoảng hở giữa các chi tiết lắp ghép với nhau, cụ thể là ở bệ tượng và lỗ chốt mộng ở chân. Vì thế để ổn định cấu trúc cho hiện vật, các tấm gỗ mỏng được tạo hình cho phù hợp để chèn vào các khoảng hở.

2.2.4. Tu bổ lại các phần tu sửa trước đây đã bị xuống cấp, mất tính thẩm mĩ.

Đặc biệt, phần màu ở vai phải được thêm vào trong quá trình sửa chữa trước đây bị rạn nứt, bạc màu; phần nhựa tổng hợp được sử dụng để gắn một phần ống tay áo trái vào thân hiện vật bị lồi ra, tràn sang hai bên mất tính thẩm mĩ; các khe nứt nhỏ được trám bằng sáp màu vàng do đó màu sắc không hài hòa với các vị trí xung quanh.

 

 
Ảnh hiện vật trước và trong quá trình xử lý phần cổ và vai tượng

Trước hết ta phải loại bỏ phần màu, nhựa tổng hợp và sáp bằng các dụng cụ chuyên dụng. Tiếp đó trám vá các khoảng hở sau khi loại bỏ các thành phần tu sửa trước bằng keo sơn mì (sơn sống trộn với bột mì) và cục xô (sơn mì trộn với mùn cưa của cây bách hội). Sơn mì trong trường hợp này có tác dụng tăng khả năng kết dính giữa cục xô và bề mặt cần trám vá. Khoảng 2-3 ngày sau thì vị trí trám vá khô, tiếp tục làm nhẵn bề mặt bằng máy mài mini. Quá trình quét các lớp nền tảng, mài nước, quét lớp sơn sống- sơn chì màu cam, quét lớp bột vàng, cọ mài phần nhấp nhô, làm màu Acrylic giống với kỹ thuật thực hiện ở phần 3.2.

Đinh sắt được đóng trên phần bệ Tượng bị oxi hóa sùi gỉ đỏ, do đó sau khi loại bỏ phần gỉ đỏ thì quét một lớp Paraloid 20%, tiếp đó quét một lớp sơn sống lên trên mũ đinh. Một số đinh gỉ ở các vị trí dễ nhổ bỏ thì đóng lại bằng đinh đồng được phủ sơn chống gỉ.

    

 

Quá trình tu sửa phần tà áo

Sau khi bảo quản, phục dựng, các chuyên gia cũng khuyến nghị: Cần bảo quản bức tượng trong môi trường ổn định với nhiệt độ 20-23 độ và độ ẩm 55-60%. Sự biến thiên về nhiệt độ và độ ẩm tương đối không được quá 5 % trong vòng 24 h.

Một số hình ảnh hiện vật sau bảo quản

 

 
 

Ths. Nguyễn Thị Hương Thơm

CN. Ngô Thị Thu Hiền

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ: