Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam,vốn là vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ XVII. Đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu được chúa Nguyễn thuần phục. Đến đời vua Minh Mạng (1820-1840), Hà Tiên là 1 trong 6 tỉnh Nam Kỳ. Ngày nay, Kiên Giang là tỉnh được thành lập sau năm 1975 bao gồm tỉnh Rạch Giá cũ, vùng Hà Tiên và Phú Quốc. Trung tâm của tỉnh là Tp. Rạch Giá, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 250 km . Phía Bắc Kiên Giang giáp giới Campuchia, với đường biên giới 56,8 km. Phía Tây là vịnh Thái Lan, với đường bờ biển dàì hơn 200 km. Kiên Giang được biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Kiên Giang nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam,vốn là vùng đất thuộc trấn Hà Tiên cũ do Mạc Cửu khai phá vào thế kỷ XVII. Đầu thế kỷ XVIII, Mạc Cửu được chúa Nguyễn thuần phục. Đến đời vua Minh Mạng (1820-1840), Hà Tiên là 1 trong 6 tỉnh Nam Kỳ. Ngày nay, Kiên Giang là tỉnh được thành lập sau năm 1975 bao gồm tỉnh Rạch Giá cũ, vùng Hà Tiên và Phú Quốc. Trung tâm của tỉnh là Tp. Rạch Giá, cách Tp. Hồ Chí Minh khoảng 250 km . Phía Bắc Kiên Giang giáp giới Campuchia, với đường biên giới 56,8 km. Phía Tây là vịnh Thái Lan, với đường bờ biển dàì hơn 200 km. Kiên Giang được biết đến là vùng đất văn hóa và du lịch nổi tiếng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Kiên Giang có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng vịnh Thái Lan, rất gần với các quốc gia thuộc Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Singapore. Kiên Giang cũng là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối giữa các tỉnh miền Tây Nam bộ với bên ngoài. Đặc biệt, Kiên Giang có hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, diện tích biển khoảng 63 000 km2. Đây là tiềm năng rất phong phú để phát triển kinh tế biển, một lợi thế hơn hẳn so với nhiều tỉnh khác, nhất là trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Trong vùng biển tỉnh Kiên Giang từ năm 1990 đến nay, đã có nhiều cuộc khai quật khảo cổ học và khảo sát tìm kiếm những dấu tích tàu cổ có niên đại từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVI.
Chúng tôi là người đã tham gia nghiên cứu và công bố về đồ gốm sứ trong các con tàu đắm trong vùng biển Việt Nam (Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân, 2008) và cũng trực tiếp phụ trách khoa học trong 2 đợt khảo sát tàu đắm cổ tại vùng biển Kiên Giang năm 2004 và 2008 (Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu, 2004 & 2008). Trên cơ sở những tài liệu đó, trong bài viết này chúng tôi trình bày tổng quan về kết quả nghiên cứu các con tàu cổ đã khai quật và khảo sát trong vùng biển Kiên Giang. Đồ gốm sứ là loại hàng hóa chủ yếu còn được tìm thấy trong các con tàu đắm cổ đã phát hiện tại vùng biển này. Cho đến nay, đồ gốm Thái Lan xuất khẩu đã được khai quật trong tàu cổ Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam (1997-2000); tàu cổ Hòn Dầm 1, tirnh Kiên Giang (1991), và phát hiện trong đợt khảo sát cac di tích tàu cổ Hòn Thơm, Hòn Dầm 2 năm 2004 và 2008. Trong dịp khảo sát tại huyện đảo Phú Quốc năm 2008, chúng tôi còn gặp nhiều loại hình đồ gốm Thái Lan thuộc dòng gốm men ngọc và vẽ nâu rỉ sắt thuộc các sưu tập tư nhân. Tuy không có điều kiện xác định nguồn gốc từ con tàu nào cụ thể nhưng rất đáng chú ý vì sự tương đồng với các chủng loại đồ gốm Thái Lan đã khai quật, có thể làm tài liệu tham khảo. ( Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân, 2008, tr31-32 ).
Bản đồ: Sáu con tàu cổ đã khai quật trong vùng biển Việt Nam
1. Tàu cổ Hòn Dầm 1, tỉnh Kiên Giang, thế kỷ XV, khai quật khảo cổ học năm 1991.
Vào tháng 5 năm 1991, con tàu cổ ở vùng biển Hòn Dầm, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) ( ở đây chúng tôi gọi là Hòn Dầm 1) đã được khai quật. Đây là chiếc tàu cổ đã được Jeremy và Rosemary Harper thông báo trong cuộc hội thảo gốm sứ ở Hồng Kông năm 1978 .
Xí nghiệp liên hợp trục vớt cứu hộ Visal (Bộ Giao thông - Vận tải) cùng Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Kiên Giang đã tổ chức khai quật trên cơ sở những kinh nghiệm có được từ tàu cổ Vũng Tàu. Cuộc khai quật này có thợ lặn Việt Nam và các chuyên gia khảo cổ học nước ngoài là Michael Flecker và Waren Blake.
Con tàu này nằm ở độ sâu hơn 17m và bị vùi trong cát biển có chỗ tới 2m. Tàu có chiều dài gần 30m và rộng gần 7m. Đáng tiếc là cuộc khai quật này không có bản Báo cáo khai quật còn lưu giữ được đến nay. Đồ gốm phía trên mặt tàu bị hàu biển đóng kết lại thành khối lớn. Kết quả cuộc khai quật đã trục vớt được gần 16.000 chiếc đồ gốm men ngọc và men nâu. Các chuyên gia khảo cổ học cho rằng những đồ gốm này được sản xuất từ lò gốm Sawankhalok và Sukhothai ở Bắc Thái Lan vào thế kỷ XV (Phạm Quốc Quân & Nguyễn Quốc Hùng, 1993).
Số lượng đồ gốm trong tàu cổ Hòn Dầm 1, theo tài liệu của Phạm Quốc Quân và Nguyễn Quốc Hùng (Phạm Quốc Quân, Nguyễn Quốc Hùng, 1993) là 16.000 chiếc nhưng theo Warren Blake and Michael Flecker là 1.248 chiếc. Có lẽ đây là số liệu đợt khảo sát trước khi khai quật. Loại hình đồ gốm bao gồm 13 kiểu bát, đĩa, chén, bình, vò, lọ…với kích thước to nhỏ rất khác nhau (Warren Blake and Michael Flecker,1994). Bảng thống kê của Warren Blake and Michael Flecker cho thấy số lượng tập trung nhất là loại lọ rất nhỏ (jarlet) (706 chiếc), thứ đến là loại bát nhỏ và loại rất nhỏ (345 chiếc).
Đặc điểm chung về nguồn gốc của những đồ gốm trong tàu này là gốm men ngọc và men nâu được sản xuất ở vùng lò gốm Sawankhalok và Sokhothai ở Bắc Thái Lan.
Gốm men ngọc (celedon) có màu xanh, màu tàn thuốc. Gốm men nâu màu da lươn, lông thỏ, màu vàng hay trắng xám. Gốm men ngọc có loại hình và men ảnh hưởng từ gốm thời Nguyên Trung Quốc. Tiêu biểu là loại đĩa men ngọc dáng chậu miệng loe, gờ cắt khấc, đường kính 30cm, có chiếc đường kính tới 38cm, nặng 3 kg. Trong lòng khắc chìm dưới men bằng que răng lược tạo hình 4 bông hoa sen theo chiều bổ dọc. Thành ngoài tạo những đường sọc nổi hoặc chìm chạy xiên từ đáy lên miệng không đều đặn chau truốt như cánh sen cánh cúc nổi thường gặp trên đồ Celedon Việt Nam hay Trung Quốc cùng thời. Quan sát chân đế đồ gốm men ngọc đều thấy màu đỏ gạch hoặc xám trắng, có một vòng tròn là dấu tích kỹ thuật nung. Hoa văn trang trí sóng nước trong lòng bát đĩa với các bước sóng ngắn hay dài. Giữa các bước sóng được khắc các loại hoa dây hình sin có tay mướp, hoa thiên lý, hoa phù dung hay hoa sen. Ngoài ra còn thấy các loại hoa văn tạo bằng các đường cong chồng lên nhau, chữ V hay hồi văn tam giác bên trong có những gạch chéo.
Hoa sen, hoa cúc là đề tài khá phổ biến và được thể hiện thành công của nghệ nhân gốm Thái. Có khi cánh hoa sen tạo gần giống hình lá đề, tương tự như các băng hoa văn đắp nổi hoặc phù điêu trên các đế gốm hay các bệ đá của tượng Phật. Lại có khi, người ta dùng que răng lược tạo bông sen nhiều lớp cánh gần giống loại hoa cúc đại đóa mãn khai. Nhiều trường hợp, bát đĩa trong các cánh là các đường vạch tạo gân với sự cách điệu cao, xen giữa các cánh hoa lớn có cánh nhỏ tạo cảm giác nhiều lớp cánh. Chính giữa lòng bát đĩa có khi là bông hoa cúc nhụy tròn, xung quanh nhiều lớp cánh, hay bông hoa sen nở với nhiều lớp cánh đơn, quanh bông hoa là những đường hồi văn kép, các đường gợn sóng.. Duy nhất có 1 chiếc bát có trang trí nổi 2 con cá quay ngược chiều như đang đuổi nhau trong bố cục tròn nhưng khác lạ so với những bát đĩa trang trí cá của gốm Việt Nam và Trung Quốc cùng thời.
Trong sưu tập Hòn Dầm còn thấy loại lọ gốm có tai, miệng nhỏ, cổ thót, thân hình cầu dẹt hay hình thoi, chỉ cao trên dưới 5 cm. Phổ biến loại lọ nhỏ có 2 tai, men ngọc, men nâu hay men trắng xám rạn. Xương gốm có màu hồng, màu xám, dưới trôn có dấu con kê tròn không men.
Bên cạnh đó, sưu tập có loại chum cao 60-70 cm, miệng có viền nổi, cổ ngắn hình trụ, vai phình, thân hình trứng, thuôn dần xuống đế. Vai đắp nổi 4 tai ngang, men nâu đen phủ không trùm chiều cao, thường để lộ giáp đế. Bình gốm men xám hình chân đèn cao 27 cm có miệng loe, cổ cao hình trụ, vai phình, thân vát, đế bằng.
Đồ gốm sành không men có loại nồi miệng loe, cổ eo, vai xuôi, thân phình, màu xám, cao 15 cm. Cùng phát hiện với những đồ gốm, các thợ lặn khai quật đã đưa lên những đồng tiền "Vĩnh Lạc Thông bảo'' (1403-1424) càng củng cố thêm cho niên đại của con tàu cổ Hòn Dầm 1 là thế kỷ XV.
2.Tàu cổ Phú Quốc, thế kỷ XV-XVI, khảo sát năm 2004.
Thực hiện Quyết định số 304/QĐ-BVHTT ngày 11 tháng 2 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông Tin, Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam điều tra, khảo sát tàu cổ bị chìm tại 9o46’564 vĩ độ Bắc; 103o33’625 kinh độ Đông, thuộc vùng biển Phú Quốc tỉnh Kiên Giang ( Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu, 2004).
Kết quả khảo sát cho thấy dấu tích con tàu nằm ở độ sâu 35 m theo hướng Đông -Tây và bị nghiêng về hướng Bắc. Hàng hóa trên tàu, ngoài đồ gốm còn có ngà voi. Chiều dài vỏ tàu khoảng 25 m. Xác tàu nằm sâu dưới lớp phù sa non, chỉ hở một phần chưa xác định được là đuôi hay mũi tàu. Be tàu đã vỡ hoàn toàn. Khu vực hiện vật tràn ra khỏi tàu khá rộng. Toàn bộ hiện trường tàu đắm đã bị phá hủy do ngư dân khai thác trái phép. Số hiện vật tìm được không nhiều và hầu như bị vỡ mẻ. Tuy không đủ điều kiện cho việc tổ chức một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước nhưng các hiện vật tìm được đã cho thấy dấu tích một con tàu chở hàng hóa đồ gốm và ngà voi của Thái Lan. Những đồ gốm này mang lại những thông tin mới về niên đại gốm Thái tham gia xuất khẩu.
Gốm men ngọc bao gồm các loại đĩa tạo dáng chậu có vành miệng loe, gờ cắt khấc (đường kính miệng 26,5-28cm), trong và ngoài khắc chìm hoa sen và cánh sen. Lọ tỳ bà với miệng loe, cổ eo, thân dưới phình, cao trung bình 25cm. Lọ hình cầu dẹt, cao 11-12,5cm, có miệng nhỏ, xung quanh miệng gắn 2-3 tai nổi. Cũng có loại lọ hình quả dưa, cao 12,5cm, miệng nhỏ, xung quanh thân chia nhiều dọc nổi.
Hũ miệng đứng, vai phình, thân thuôn, cao 14cm, xung quanh khắc rạch những đường sọc tạo cánh cúc.
Gốm men nâu có loại bình cao 27cm, cũng là cùng loại và kích thước với chiếc bình trong tàu cổ Hòn Dầm (Michael Flecker, 1992. Hình 18). Nhưng loại đồ gốm men nâu điển hình của gốm Thái là loại lọ dáng quả lê, miệng loe, cổ eo ngắn, gắn 2 tai dọc thân, cao 13,5-18cm. Có lẽ đây là một loại đồ đựng rượu, xung quanh thành ngoài còn rõ dấu vết của kỹ thuật vuốt tay trên bàn xoay, phần đáy không men. Một loại lọ rất bé khác cũng mang đặc điểm loại hình gốm Thái là lọ miệng nhỏ có gờ viền, cổ ngắn, gắn 2 tai dọc nổi, vai xuôi, thân phình thu nhỏ về đáy, đáy bằng để mộc. Thân khắc lõm 2 băng cánh hoa và 3 đường chỉ chìm, phủ men nâu vàng.
Ngoài ra, phải kể tới loại chén miệng cúp, thành cao, sâu lòng, đế thấp và nhỏ, cao trên dưới 5,4 cm. Xung quanh thành ngoài trang trí các vạch thẳng song song lõm hình lòng máng. Dường như kiểu dáng này gần gũi với loại chén men ngọc thời Tống.
Gốm hoa lam ở đây chỉ là loại vẽ màu nâu đen rỉ sắt. Điển hình trong nhóm là loại đĩa dáng chậu, đường kính 27-32cm, cao 7-8cm, giữa lòng vẽ cá trong ô tròn, vành miệng vẽ lá trúc, thành ngoài vẽ mây.
Một loại đĩa khác có dáng miệng loe, thành vát, đường kính 24,5cm, cao 6,5cm, trong lòng vẽ hình cá và còn dấu kê 4 hay 5 mấu.
Loại bát vẽ men đen rỉ sắt ở đây có miệng loe, thành cong, đế thấp, đường kính 16-17cm, cao 7-8cm, giữa lòng vẽ một cành hoa cúc, gờ miệng vẽ băng lá trúc. Đây là một nét trùng hợp về kiểu dáng và trang trí của gốm châu Á mà chúng ta đã gặp trên gốm thời Nguyên, gốm hoa lam Việt Nam, thế kỷ 14-15 và gốm vẽ nâu rỉ sắt Thái Lan... Dù có sự khác nhau do nguồn nguyên liệu và kỹ thuật chế tạo nhưng sự tương đồng của loại hình và trang trí trên các mẫu bát đĩa Thái Lan so với 2 vùng nói trên là chắc chắn. Qua nghiên cứu, so sánh các tài liệu gốm sứ Thái Lan đã công bố, các tác giả Báo cáo cho rằng đồ gốm tìm được trong tàu cổ này thuộc thế kỷ XV-XVI. Việc phát hiện tàu đắm Phú Quốc đã đánh dấu thêm một di chỉ khảo cổ học về tàu đắm cổ trong vùng biển Kiên Giang và góp phần nghiên cứu mối giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam trong các thế kỷ trước đây.
Trong khi khảo sát tàu đắm Phú Quốc, đoàn chúng tôi nhận được thông tin của một số ngư dân thị trấn An Thới, khi lặn bắt cá mú tại vách phía Đông Hòn Ông Đội đã phát hiện nhiều đồ gốm cổ. Để tiết kiệm thời gian và chi phí khảo sát, đoàn đã thống nhất xin ý kiến Ban chỉ đạo được kiểm tra thông tin trên.
Hòn Ông Đội nằm cách cảng An Thới khoảng 6 km về hướng Đông Nam và cách tàu đắm Hòn Dầm 1 (đã khai quật năm 1991) khoảng 3 km về hướng Đông.
Sau một ngày khảo sát với 6 ca lặn trong phạm vi bề ngang 100m dọc theo vách Đông và Đông Nam Hòn Ông Đội, chúng tôi đã phát hiện nhiều đồ gốm cổ nằm rải rác ở bờ vách Nam phía mũi Ông Đội. Tuy nhiên, với địa thế bên vách núi đá, có thấy đồ gốm nhưng không thấy mảnh gỗ tàu cổ nào nên chưa đủ cơ sở kết luận về một di chỉ tàu đắm. Đây có thể là hiện trường một con tàu chở đồ gốm, vì gặp sự cố đã trôi giạt và bị va đập vào vách núi Ông Đội để lại. Đoàn khảo sát đã mang lên 9 đồ gốm gồm các loại bình, vò, đĩa, nồi, nắp thuộc các dòng gốm men vàng, men nâu, men ngọc, men xám và men trắng vẽ rỉ sắt. Những đồ gốm này không chỉ có nguồn gốc sản xuất ở Thái Lan mà còn cả ở lò gốm phía Nam Trung Quốc thuộc thế kỷ XIV-XV.
3.Tàu cổ Hòn Thơm và Hòn Dầm 2, thế kỷ XV, khảo sát năm 2008.
Thực hiện Quyết định số 1452/QĐ-BVHTTDL ngày 02 tháng 4 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Kiên Giang phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Việt Nam khảo sát , thăm dò tàu cổ đắm trong khu vực vùng biển Phú Quốc tại đảo Hòn Thơm tọa độ 09o57’752 vĩ độ Bắc; 104o03’479 kinh độ Đông và đảo Hòn Dầm tọa độ 09o59’621vĩ độ Bắc; 104o01’897 kinh độ Đông. Tham gia đoàn khảo sát có 30 người gồm cán bộ Sở Văn hóa Thông tin Kiên Giang , Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng Liên danh Công ty TNHH Hoàng Đức Lợi và DNTN Bảo Trân, Trong số này có 14 thợ lặn Việt Nam và 8 chuyên gia khảo cổ học dưới nước mang quốc tịch Pháp, Úc,và Italia cùng với các phương tiện ,trang thiết bị cần thiết cho việc khảo sát. (Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu, 2008).
Tàu Bảo Trân BĐ - 0331H
a) Di tích tàu cổ Hòn Thơm nằm cách cảng An Thới khoảng 10 km về phía Nam và cách đảo Hòn Thơm khoảng 2 km về phía Đông. Trong 3 ngày, từ 16 tháng 4 đến 19 tháng 4, đoàn đã thực hiện hơn 20 ca lặn, mỗi ca tiến hành trong 40 phút kể cả thời gian giảm áp dưới nước. Sau mỗi ca lặn, đoàn khảo sát đều tổ chức hội ý, đánh giá kết quả và dự kiến công việc cho ca lặn tiếp theo. Song, đáng tiếc là hiện trạng con tàu đã bị phá hủy, trong khu vực hiện trường hầu như chỉ còn những mảnh đồ gốm Thái Lan bị vỡ, dính hàu biển. Dấu vết còn lại của di chỉ là một ụ nổi hình bầu dục, cao 1m, dài 70m, rộng 40m, nằm theo trục hướng Bắc chếch Đông 30,0. Giữa ụ là một hố sâu lộ ván đáy tàu, kích thước 6m x 3m. Căn cứ vào dấu vết hiện trường còn lại, đoàn khảo sát quyết định thổi lớp bùn cát theo 2 luống rộng 2m dọc theo chiều dài ụ nổi để xác định trữ lượng hiện vật còn lại. Tuy nhiên, lẫn trong bùn cát hầu như chỉ còn mảnh đồ gốm vỡ. Đoàn khảo sát đã mang lên 73 hiện vật gốm men ngọc, men nâu và đồ sành. Các loại hình gốm men ngọc gồm chén, bát , đĩa và lọ.
Dấu vết tàu đắm Hòn Thơm hiện lên trên màn hình máy tính thông qua thiết bị siêu âm và quét bề mặt
Đưa hiện vật thu được trong đợt khảo sát lên tàu
+ Chén men ngọc: có 8 chiếc với 4 kiểu
Kiểu 1: Thành đứng, đế hơi choãi, đáy bằng để mộc. Thành ngoài khắc lõm hình cánh hoa cúc.
Kiểu 2: Miệng loe, thành cong, đế đứng, phần sát chân đế để mộc. Thành ngoài khắc lõm hình cánh hoa cúc.
Kiểu 3: Miệng loe, thành cong, đáy bằng để mộc.
Kiểu 4: Miệng loe, thành cong, đáy lõm để mộc
+ Bát men ngọc: có 13 chiếc, đường kính miệng từ 10 đến 20 cm; cao từ 3,5 đến 10 cm. Phần nhiều trong số này không trang trí hoa văn. Một số tiêu bản trang trí khắc lõm cánh hoa cúc hoặc khắc chìm hoa sen, sóng nước. Bát men ngọc có 3 kiểu:
Kiểu 1: Miệng loe, thành cong, đáy lõm, phần đáy để mộc.
Kiểu 2: Miệng loe, thành đứng, đáy lõm, phần đáy để mộc.
Kiểu 3: Miệng loe, thành vát, trong lòng in nổi băng cánh cúc,đáy lõm, phần đáy để mộc.
+ Đĩa men ngọc: có 5 chiếc, cùng kiểu dáng, miệng loe ngang, thành cong, đế thấp. Điểm khác ở số đĩa này là trên diềm miệng với 2 kiểu trơn và cắt khấc cánh sen. Đĩa men ngọc có 3 cỡ:
Cỡ lớn: 2 chiếc, đường kính miệng khoảng 30 cm.
Cỡ trung bình: 2 chiếc, đường kính miệng khoảng 20 cm.
Cỡ nhỏ: 1 chiếc, đường kính miệng 7,8 cm.
+ Đĩa bồng men ngọc: có 1 chiếc, cao 13,5 cm, miệng loe, thành cong, chân choãi , giật 3 cấp. Thành miệng ngoài khắc 3 đường chỉ chìm.
+ Lọ hình cầu men ngọc: có 2 chiếc, miệng nhỏ, thành miệng cúp, cổ ngắn, thân hình cầu dẹt, chân đế thấp, vai gắn 2 tai hình khuyên dọc thân.
+ Lọ hình trứng men ngọc: có 1 chiếc, miệng nhỏ, cúp, vai hơi xuôi gắn 2 tai hình khuyên, thân hình trứng, chân đế thấp. Vai có 3 đường chỉ chìm. Đường kính miệng 3 cm, cao 12,5 cm.
Ngoài số đồ gốm men ngọc trên, còn có một số đồ sành và gốm men nâu:
+ Nắp sành: có 1 chiếc, hình chỏm cầu, giữa gắn núm hình búp sen.
+ Nghiên mực sành: có 1 chiếc, hình tròn, mặt phẳng, rìa mặt tạo gờ nổi hình sống trâu, có một lỗ thoát nước hình chữ V, chân đế choãi.
+ Mảnh đáy chum gốm men nâu: Kiểu đáy bằng, kiểu dáng, kích thước tương tự loại có gốm men nâu cỡ lớn tìm thấy trên tàu đắm Phú Quốc khảo sát năm 2004.
+ Mảnh miệng lọ hình trứng men nâu: 1 mảnh thuộc loại lọ nhỏ thân hình trứng, miệng loe bẻ, cổ eo ngắn gắn 2 tai dọc thân.
Các hiện vật gốm men thu được từ đợt khảo sát là những cứ liệu xác đáng để đưa ra những nhận định về nguồn gốc và niên đại hàng hóa trên tàu. Qua phân tích và đối sánh những đặc điểm loại hình, kiểu dáng, loại men, hoa văn trang trí và kỹ thuật chế tác với những hiện vật tương đồng đã được công bố trong và ngoài nước, chúng tôi cho rằng, tàu đắm cổ Hòn Thơm là một tàu buôn chở đồ gốm Thái Lan xuất khẩu có xuất xứ từ các lò gốm Shawankhalok và Shingburi, thế kỷ XV. Đặc biệt, hiện vật trên tàu hoàn toàn giống với các loại đã thu được trong đợt khảo sát tàu đắm Phú Quốc năm 2004 (Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu,2008, tr 6-8).
b) Di tích tàu cổ Hòn Dầm 2, nằm cách cảng An Thới khoảng 5 km về hướng Đông Nam, dưới độ sâu 10 m. Tại đây, đoàn tiến hành 2 ca lặn khảo sát, một ca do các thợ lặn Việt Nam, một ca do các chuyên gia khảo cổ Pháp và Italia thực hiện. Tuy nhiên, kết quả cho biết toàn bộ di chỉ đã bị phá, hiện vật trong tàu đã bị khai thác trộm đến cạn kiệt. Dấu vết còn lại của di chỉ là một hố sâu hình lòng chảo, đường kính khoảng 60m, trên bề mặt còn rải rác những mảnh đồ gốm vỡ. Đoàn chúng tôi mang lên 17 tiêu bản đồ gốm men, thuộc các dòng men trắng vẽ lam, men thúy lam, men ngọc, men nâu và đất nung. Loại hình gồm bát, hộp, bình tỳ bà, lọ hình trứng, hũ, ấm, kendy.
- Đồ gốm sứ Trung Quốc: 1 mảnh miệng bát, kiểu miệng loe, trong lòng vẽ lam, thành ngoài men thúy lam, màu tươi sáng, cốt sứ mịn, mỏng, đanh chắc. 7 mảnh bát, miệng loe, thành cong; đế bát, chân đế thấp, gờ đế cạo men. Thành ngoài và lòng bát vẽ hoa lá , xương sứ trắng mịn, đanh chắc. Đây là những đồ sứ Trung Quốc, thời Minh, thế kỷ XV.
- Đồ gốm men Thái Lan gồm các dòng men nâu và đất nung:
+ Nắp hộp hình chỏm cầu dẹt, núm hình cuống quả đào, hỏng men, đường kính miệng 9,6 cm.
+ Nắp ấm, hình chỏm cầu, núm hình búp sen, hỏng men., đường kính miệng 5,8 cm.
+ Thân hộp hình bát giác hỏng men, đường kính miệng 2,7 cm, cao 2,7 cm.
+ Mảnh miệng bình tỳ bà, mảnh miệng và mảnh đế lọ hình trứng, men nâu. Mảnh vòi kendy hình nhũ hoa, hỏng men.
+ Hũ gốm đất nung, miệng loe, cổ eo, thân gãy, đế thấp, xương gốm màu đỏ gạch, vỡ mất mảnh.
+ Lọ hình trứng, miệng nhỏ, cổ eo, gắn 2 tai dọc thân, thân thuôn, chân đế thấp, hỏng men.
+ Hũ sành, vành miệng loe ngang có gờ viền, cổ eo, thân hình quả dưa, chân đế thấp, xung quanh thân có hàu bám. (Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu,2008, tr 8-10).
Số hiện vật gốm sứ thu được tại di chỉ Hòn Dầm 2, ngoài những loại hình tương tự ở di chỉ Hòn Thơm còn có một số mánh bát sứ mang đặc điểm của đồ sứ lò Cảnh Đức Trấn, thời Minh, thế kỷ XV. Nếu chỉ căn cứ vào số lượng ít ỏi này thì khó có thể nói đây là đồ dùng của thủy thủ đoàn hay hàng hóa xuất khẩu cùng với đồ gốm Thái Lan. Tuy nhiên qua khảo sát một số sưu tập gốm tư nhân ở Rạch Giá và đảo Phú Quốc, chúng tôi thấy có khá nhiều đồ gốm sứ do ngư dân đã trục vớt tại vùng biển Phú Quốc bán lại cho các chủ nhân sưu tập có những đặc điểm tương tự, trong đó có cả những hiện vật đồ sứ hoa lam đề mác hiệu Đại Minh Tuyên Đức niên chế. Do vậy, chúng tôi có thể đặt ra 2 giả thiết :
+ Nếu những đồ sứ thời Minh của các sưu tập tư nhân có xuất xứ từ di chỉ Hòn Dầm 2, thì với số lượng nhiều như vậy, có thể khẳng định, tàu đắm Hòn Dầm chở đồ gốm xuất khẩu của Trung Quốc và Thái Lan, thế kỷ XV.
+ Nếu số đồ sứ vớt được trong tàu Hòn Dầm 2, đợt khảo sát này là đồ dùng của thủy thủ đoàn, thì đây có thể là chiếc tàu buôn của người Trung Quốc chở đồ gốm Thái Lan xuất Khẩu. Cách vùng biên Kiên Giang không xa, tại vùng biển Cà Mau cũng đã phát hiện một con tàu cổ chở hàng gốm Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan xuất khẩu ở thế kỷ XIV (Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân, 2008, tr 10).
4.Mấy điều nhận xét :
4.1. Cho đến năm 2008, trong vùng biển Kiên Giang đã phát hiện và khai quật khảo cổ học về 6 con tàu cổ. Đó là :
+ Tàu cổ Hòn Dầm 1, khai quật năm 1991, chở hàng gốm Thái Lan xuất khẩu, thế kỷ XV.
+ Tàu cổ Phú Quốc, khảo sát năm 2004, chở hàng gốm và ngà voi Thái Lan, thế kỷ XV- XVI.
+ Tàu cổ tại di chỉ Hòn Ông Đội, khảo sát năm 2004, chở hàng gốm Thái Lan và Trung Quốc, thế kỷ XIV- XV.
+ Tàu cổ Rạch Tràm (Bãi Thơm), khảo sát năm 2007, chở đồ gốm sứ Trung Quốc, thế kỷ XI- XIII.
+ Tàu cổ Hòn Thơm, khảo sát năm 2008, chở đồ gốm Thái Lan, thế ky XV.
+ Tàu cổ Hòn Dầm 2, khảo sát năm 2008, chở hàng gốm Thái Lan và Trung Quốc, thế kỷ XV.
Trong 6 con tàu cổ trên, chỉ có tàu cổ Hòn Dầm 1, khai quật năm 1991, là hiện trạng được bảo vệ và tổ chức khai quật kịp thời, đúng pháp luật, còn các trường hợp khác đều bị ngư dân và những người săn lùng cổ vật tự ý khai thác trái phép. Không những thế, hiện trường các tàu cổ đều bị phá hủy nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, xác định cấu trúc, xuất xứ, chủ nhân của các tàu cổ. Đây là vấn đề đặt ra với chính quyền các cấp tỉnh Kiên Giang, cần tăng cường hơn nữa với công tác bảo tồn các di sản văn hóa của địa phương.
Việc nghiên cứu về dấu tích 6 con tàu cổ phát hiện ở vùng biển Kiên Giang cho thấy, các con tàu tìm thấy ở những độ sâu khác nhau từ 10-12 m đến 35 m. Vùng biển Kiên Giang có lớp bùn cát dày, có xác tàu vùi sâu dưới 2m, do vậy đây là điều cần lưu ý cho việc khảo sát , khai quật những con tàu cổ tiếp theo.
4.2. Hàng hóa trong các con tàu cổ đã phát hiện ở vùng biển Kiên Giang chủ yếu là hàng gốm sư và ngà voi. Hàng hóa thuộc đồ gốm sứ Trung Quốc đã thấy xuất hiện từ thời Tống, thế kỷ XI- XIII. Nhiều khả năng đây là loại thuyền buôn Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á. Ở vùng biển tỉnh Quảng Ngãi, năm 2013 đã khai quật một tàu cổ thời Nguyên, thế kỷ XIII- XIV chở đồ gốm sứ (Nguyễn Đình Chiến, Phạm Quốc Quân & Đoàn Ngọc Khôi, 2017). Tàu cổ ở vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, tìm thấy đồ gốm men hoa lam Việt Nam, đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan, thế kỷ XIV (Nguyễn Đình Chiến - Lê Công Uẩn, 2002). Tiếp theo thế kỷ XV- XVI, nhiều tàu cổ khác cũng thấy đồ gốm sứ Trung Quốc được phát hiện cùng đồ gốm Việt Nam và Thái Lan như tàu cổ Cù Lao Chàm , tỉnh Quảng Nam, thế kỷ XV. (Phạm Quốc Quân & Tống Trung Tín, 2000). Tàu cổ di chỉ Hòn Ông Đội và tàu cổ Hòn Dầm 2, cũng thấy đồ gốm sứ Trung quốc bên cạnh đồ gốm Thái Lan xuất khẩu, thế kỷ XV- XVI. Như vậy, những con tàu cổ phát hiện và khai quật khảo cổ học trong vùng biển Kiên Giang, trong khoảng thời gian 1990-2008, đã chứng tỏ một tiềm năng to lớn cho việc nghiên cứu con đường tơ lụa trên biển Đông.
Những ảnh hưởng về tạo dáng và trang trí thể hiện trên đồ gốm sứ trong khu vực sẽ còn là đề tài nghiên cứu hấp dẫn và lý thú cho tất cả chúng ta. Hơn thế nữa, những phát hiện này còn khẳng định tuyến đường lịch sử từ rất xa xưa nối liền châu Á với châu Âu. Các loại hình và trang trí trên những đồ gốm sứ Trung Quốc còn mạng đậm dấu ấn văn hóa giao lưu với Việt Nam, Thái Lan. Dường như đó cũng là những bằng chứng sống động về sức sống văn hóa truyền thống đã từng tồn tại và phát triển qua nhiều thế kỷ.
Cũng qua phát hiện các tàu cổ bị đắm ở vùng biển Kiên Giang, chúng ta còn có dịp tiếp cận nhiều hơn với đồ gốm sứ Thái Lan và không ở đâu cho ta những căn cứ sinh động hơn để tìm hiểu về lịch sử giao thương gốm Thái, những loại hình và trang trí mang tính đồng đại với nghề sản xuất gốm ở các nước khác trong khu vực.
Đối chiếu so sánh với những phát hiện khảo cổ học về đồ gốm sứ trên lãnh thổ Việt Nam, nghiên cứu những đồ gốm sứ trong các con tàu cổ ở biển Đông còn gúp chúng ta phác thảo con đường giao thương quốc tế qua vùng biển Việt Nam cũng như vẽ lại bức tranh toàn cảnh của đồ gốm sứ xuất khẩu của Trung Quốc - Việt Nam - Thái Lan, thế kỷ XIV- XVI.
4.3. Công việc nghiên cứu về các con tàu cổ đã phát hiện và khai quật trong vùng biển Kiên Giang cần phải làm là đầu tư bảo quản, phục hồi, đăng ký lập hồ sơ khoa học về tài liệu hiện vật thuộc các con tàu cổ đã thu thập về kho Bảo tàng tỉnh Kiên Giang. Đồng thời có giải pháp xử lý, bảo vệ kịp thời với các phát hiện mới về tàu cổ. Trên cơ sở đó tổ chức phòng trưng bày chuyên đề và xuất bản ấn phẩm giới thiệu về các phát hiện tàu cổ, vừa quảng bá kết quả nghiên cứu, vừa góp phần nâng cao sự hiểu biết và lôi cuốn người dân tham gia bảo vệ các di tích tàu cổ tại địa phương. Bên cạnh đó cần lập bản đồ phân bố các di chỉ về tàu cổ, lập quy hoạch khu vực bảo vệ và tổ chức khai thác du lịch lặn biển khám phá những bí mật của vùng biển Kiên Giang. Chúng tôi cho rằng đây là đóng góp thiết thực của Dự án nghiên cứu đánh giá giá trị bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vùng biển tỉnh Kiên Giang trong giai đoạn phát triển kinh tế hội nhập hiện nay ./
TS.Nguyễn Đình Chiến
Tài liệu tham khảo
M.Roxanna. Brown, 1988. The Ceramics of Southeast Asia: Their Dating and Identification. Oxford University Press, Singapore.
Bùi Minh Trí, 2007a. “Vietnamese Ceramics in the Asian Maritime Trade in the Seventeenth century”. Papers of Exchange of Material Culture over the sea: Contacts between Europe and East and Southeast Asia in the 16th-18th centuries, 31, October-November 2007, Institute of History & Philology, Academia Sinica, Taipei, Tai wan, p 16-1-p16-21.
Bùi Minh Trí, 2007 b. “Gốm Việt Nam trong thương mại đường biển châu Á thế kỷ XVII”. Trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII. Nxb Thế giới, Hà Nội, tr 662-678.
Bund, Mensun,2001. Aspects of the HoiAn wreck: Dishes, bootles, statuettes and chronology. Taoci. N02, December 2001, pp. 95-103.
Gakuji Hasebe, 1988. Đồ sứ Thái và Việt Nam. Tokyo.
John Guy, 1980. Oriental Trade Ceramics in South-East Asia: 10th to 16th century, Oxford University Press, Singapore.
Nguyễn Đình Chiến,2000.” Sưu tập hiện vật độc bản tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam)”. Trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Thông báo khoa học, Hà Nội, tr. 28-40.
Nguyễn Đình Chiến, 2002a. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cà Mau (1998-1999). Hà Nội. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiến, 2002b. Tàu cổ Cà Mau - The Camau shipwreck (1723-1732). BTLSVN xb, Hà Nội (in Vietnamese and English).
Nguyễn Đình Chiến, 2005. Khai quật khảo cổ học tàu cổ Cà Mau. Trong Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam. Nxb KHXH, Hà Nội, tr. 309-313.
Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu, 2004. Báo cáo kết quả khảo sát tàu đắm cổ Phú Quốc , Kiên Gaing. Hà Nội. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiến & Nguyễn Quốc Hữu, 2008. Báo cáo kết quả khảo sát tàu đắm cổ Phú Quốc (Kiên Giang). Hà Nội. Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Đình Chiến & Phạm Quốc Quân, 2008. Gốm sứ trong năm con tàu cổ ở vùng bỉển Việt Nam. BTLSVN xb. (in Vietnamese and English).
Nguyễn Đình Chiến , Phạm Quốc Quân & Đoàn Ngọc Khôi. 2017. Báo cáo khai quật khảo cổ học dưới nước tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Nguyễn Đình Chiến & Michael Flecker. 2003. Báo cáo kết quả khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Bình Thuận (2001-2002). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Hà Nội.
Nguyễn Đình Chiến - Lê Công Uẩn. 2002. “Phát hiện tàu đắm cổ ở vùng biển Cà Mau chở đồ gốm Việt Nam thế kỷ XIV-XV”. Trong NPHM VKCH. Nxb KHXH, Hà Nội, tr 416-418.
Nguyễn Quốc Hùng. 1991.”Gốm Sawankhalok ở Việt Nam”. Trong Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3/1991, tr. 58-60.
Vũ Quốc Hiền & Nguyễn Tuấn Lâm, 2015. “Tàu đắm Bình Châu 2 và những bài học về nghiên cứu bảo tồn di tích và phát huy giá trị Di sản văn hóa biển”. Trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Khảo cổ học biển đảo Việt Nam tiềm năng và triển vọng, tr. 381-388.
Phạm Quốc Quân & Nguyễn Quốc Hùng. 1993.”Gốm Thái Lan ở tàu đắm Phú Quốc (Kiên Giang)”. Trong Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số 1(108), tr 66-67.
Phạm Quốc Quân & Tống Trung Tín 2000. Báo cáo khai quật khảo cổ học dưới nước tàu đắm cổ Cù Lao Chàm - Hội An Quảng Nam (1997-2000). Tư liệu BTLSVN.
Shouki Kin, 1991.Thai and Vietnamese Ceramics found in the Ryukyus. Okinawa, Japan.
Michael Flecker,1992a. “Excavation of an Oriental of c.1690 off Con Dao, Vietnam”. The International Journal of Nautical Archaeology (1992), Vol 21, 3, p 221-244.
Michael Flecker, 1992b. “The Excavation of the central Gulf of Thailand wreck,” unpublished.
Michael Flecker,2001.“The Bakau Wreck: An early example of Chinese shipping in Southeast Asia”. International Journal of Nautical Archaeology, Vol 30, 2, p 221-230.
Nigel Fick ford ,1994. The Atlas of Shipwrecks Treasure. Printed in Spain.
Tống Trung Tín, 1999. “ Vài nét về gốm sứ trong các con tàu đắm được trục vớt tại vùng biển Việt Nam”. Tham luận tại Hội thảo quốc tế về Quan hệ Việt - Nhật thế kỷ XV-XVII qua giao lưu gốm sứ, Hà Nội.
Đoàn Sung ,2014. “Một cách tiếp cận mới trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa biển tại Việt Nam”. Trong Kỷ yếu Hội thảo Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông nam Á, hợp tác để phát triển. Tr,221-228.
Vũ Linh, 2003. “Con đường tơ lụa trên biển và vị trí của Việt Nam”. Xưa & Nay, Xuân 2003, số 131, (179), tr 19-20.
Warren Blaker and Michael Flecker. 1994. “A preliminary survey of a South-East Asian Wreck, Phu Quoc Island, Vietnam”. The International Journal Archaeology (1994) 23.2, p 73-91.