1.Phước Duyên bửu tháp
Tháp Phước Duyên là một trong những công trình kiến trúc trọng yếu của chùa Thiên Mụ. Tòa bửu tháp này không chỉ là biểu tượng của ngôi quốc tự danh tiếng bậc nhất cố đô Huế mà còn là biểu trưng của vùng đất được suy tôn là “Thiền kinh” của Việt Nam.
Tháp được khởi công xây cất vào năm 1844 dưới triều Thiệu Trị (1841 - 1847), muộn hơn thời điểm khai sinh ngôi cổ tự gần 2,5 thế kỷ, nhưng lại giữ một vị trí đặc biệt trong kiến trúc và cảnh quan của chùa Thiên Mụ. Sách Đại Nam thực lục viết: “Giáp thìn, Thiệu Trị năm thứ tư (1844)... bắt đầu xây tháp 7 tầng ở chùa Thiên Mụ, gọi là tháp Từ Nhân, đằng trước dựng đình Hương Nguyện, lấy Thống doanh Hổ oai Hoàng Văn Hậu đốc công việc này”.1 Năm 1845, tháp xây xong đổi tên là Phước Duyên bửu tháp.
Đó là một tòa tháp cao bảy tầng, xây bằng gạch mộc, trên một phần móng cũng xây bằng gạch, bó vỉa bằng đá thanh. Mặt tiền của tháp hướng về phía nam, nơi có dòng sông Hương uốn lượn chảy qua trước cửa chùa Thiên Mụ. Bình đồ của tháp hình bát giác cân phân, càng lên cao càng nhỏ dần, theo kiểu “thượng thu hạ thách” (Bản vẽ 1).
Chiều cao của tháp tính từ mặt đất ở chân tháp đến miệng bình cam lồ gắn trên đỉnh tháp là 22,26 m, trong đó, phần móng cao 1,16 m, bảy tầng tháp cao 19,8 m, bình cam lồ cao 1,30 m (Bản vẽ 2).2
Tháp Phước Duyên thờ Quá Khứ Thất Phật, mỗi tầng một vị. Văn bia Ngự chế Thiên Mụ tự Phước Duyên bửu tháp bi (Văn bia vua viết về bửu tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ) lập vào tháng Tư năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), khắc trên bia đá dựng ở phía trước bên trái tòa tháp, có đoạn viết: “... Kính ư tháp trung thất tằng các phụng kim thân thế tôn, thường viên nguyệt tướng. Chiếu y thích điển phụng cổ Phật dĩ lai. Kỳ đệ nhất quá khứ Tỳ Bà Thi Phật, đệ nhị Thi Khí Phật, đệ tam Tỳ Xá Phù Phật, đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật, đệ ngũ Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, đệ lục Ca Diếp Phật, đệ thất Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương, bồi chi hữu A Nan, Ca Diếp tôn giả, trang nghiêm sắc tướng, bửu lạc huy hoàng”. (... Kính cẩn thờ phụng trong tháp bảy tầng các Kim thân Thế tôn thường tròn đầy như mặt trăng. Chiếu theo kinh điển nhà Phật thờ các vị Phật từ trước đến sau: tầng thứ nhất là Quá Khứ Tỳ Bà Thi Phật, [tầng] thứ hai là Thi Khí Phật, [tầng] thứ ba là Tỳ Xá Phù Phật, [tầng] thứ tư là Câu Lưu Tôn Phật, [tầng] thứ năm là Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, [tầng] thứ sáu là Ca Diếp Phật, [tầng] thứ bảy là Trung Thiên Điều Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Tây Thiên Cực Lạc Pháp Vương, có hai tôn giả A Nan và Ca Diếp chầu hầu, tướng mạo trang nghiêm quý báu rực rỡ).
Đối diện với tấm bia này, ở phía bên phải có tấm bia khắc bài thơ Thiên Mụ chung thanh (Tiếng chuông Thiên Mụ) của vua Thiệu Trị, cũng dựng vào tháng 4 năm Thiệu Trị thứ sáu (1846). Bài dẫn khắc trên bia có đoạn viết: “...Thích Thiên Mụ tự trúc Phước Duyên bửu tháp lạc thành, hoàng tử đẳng quyên dĩ bổn nguyệt sơ lục nhật, phụng Kim thân Thế tôn cao đăng bửu tháp phúng kinh chúc hổ” (... Nhân dịp khánh thành việc dựng tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ, các hoàng tử cùng quyên góp, chọn ngày mồng 6 tháng này kính thỉnh Kim thân Thế tôn lên thiết trí trên bửu tháp và tụng kinh cầu phúc).
Đối chiếu nội dung văn bia với trật tự bài trí các tượng Phật trong bảy tầng tháp cho thấy thứ tự các tầng tháp được tính từ trên xuống dưới, theo đó tầng trên cùng là tầng thứ nhất và tầng dưới cùng là tầng thứ bảy, là nơi thiết trí tượng Phật Thích Ca Mâu Ni và tượng hai tôn giả An Nam và Ca Diếp.3
Trải qua 160 năm tồn tại, do ảnh hưởng của thời gian, thiên tai và chiến tranh, tháp bị hư hại khá nhiều nên đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu quy mô đầu tiên diễn ra vào năm Thành Thái thứ 11 (1899). Sau khi trùng tu, bộ Công cho dựng một tấm bia nhỏ ở sau lưng tháp để lưu dấu tích. Năm Duy Tân thứ 2 (1908), bộ Công lại tu bổ tháp Phước Duyên do tháp bị sét đánh hư. Năm 1959, tháp được chính quyền sở tại đại trùng tu, sửa chữa phần lớn các tầng mái, phục hồi những chữ Hán gắn trên những hoành phi và câu đối ở mặt trước các tầng tháp đã bị hư hại. Sau khi hoàn tất trùng tu, ngày 15/9/1959 chính quyền lúc đó đã phát hành bộ tem Tháp Thiên Mụ (gồm 2 con tem) để đánh dấu sự kiện này.4 Trong các năm 2004 - 2007, chùa Thiên Mụ được trùng tu quy mô lớn, trong đó có tháp Phước Duyên. Quá trình trùng tu tháp Phước Duyên diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12/2004, chủ yếu là lợp lại các tầng mái, xử lý chống dột, quét vôi nội thất, tu bổ hệ thống hoa văn của các ô cửa sổ ở các tầng tháp và đặc biệt là tu bổ các đồ án trang trí bằng pháp lam gắn 8 bờ góc của tất cả các tầng mái.5 Công cuộc tu bổ hoàn thành, hình hài xưa của tháp Phước Duyên được trả lại gần như nguyên trạng. (Bản vẽ 3)
Tòa bửu tháp cổ kính uy nghi tỏa bóng xuống dòng Hương như đã từng trong suốt 160 năm qua.
2.Những trang trí bằng pháp lam ở tháp Phước Duyên
2.1. Khái lược về pháp lam Huế
Pháp lam là một loại sản phẩm thủ công, đồng thời cũng là chất liệu kiến trúc, có cốt làm bằng đồng, bên ngoài phủ men nhiều màu, trải qua nhiều công đoạn nung đốt mà thành. Kỹ nghệ chế tác pháp lam có ở nhiều nơi trên thế giới như: Ba Tư, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức… với nhiều loại hình sản phẩm và có nhiều tên gọi khác nhau: Quỷ quốc diêu (鬼國窯), Phật lang khảm (佛郎嵌), pháp lang (琺瑯), Cảnh Thái lam (景泰藍), shipouyaki (七宝燒), cloisonée, painted enamel, émaux… Trung Quốc là nước có kỹ nghệ chế tác pháp lam rất phát triển, với bốn loại hình chính là: kháp ti pháp lang (掐丝珐琅: pháp lang có khảm các sợi đồng để tạo thành hoa văn), họa pháp lang (画珐琅: pháp lang dùng bút lông vẽ hoa văn trên nền men màu như hội họa), tạm thai pháp lang (錾胎珐琅: pháp lang có cốt được chạm trổ thành các đồ án hoa văn) và thấu minh pháp lang (透明珐琅: pháp lang có phủ lớp men trong bên ngoài các đồ án hoa văn.
Kỹ nghệ chế tác pháp lam du nhập vào Việt Nam vào năm 1827 dưới triều Minh Mạng (1820 - 1841). Sách Đại Nam thực lục viết: “Minh Mạng năm thứ 8 (1827)… đặt tượng cục pháp lam. Bọn Vũ Văn Mai, thợ vẽ ở Nội tạo, học được nghề làm đồ pháp lam. Bèn sai đặt cục ấy, hạn cho 15 người, thiếu thì mộ mà sung vào”.6 Trong bốn dòng pháp lang của Trung Hoa, các nghệ nhân thời Nguyễn đã tiếp thu kỹ nghệ chế tác họa pháp lang ở Quảng Đông và phát triển thành một loại hình sản phẩm thủ công và là chất liệu kiến trúc mang đặc trưng riêng. Đó là pháp lam Huế.
Về nguyên nhân từ pháp lang (珐琅) đổi thành pháp lam (琺 藍), cố họa sĩ Phạm Đăng Trí cho rằng do người Huế phát âm chữ lang và chữ lan như nhau, nên triều Nguyễn đã gọi trại từ pháp lang thành pháp lam để tránh âm Lan (灡) trong tên của chúa Nguyễn Phúc Lan (1600 - 1648, ở ngôi 1635 - 1648), còn nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn thì cho là để tránh âm Lan (籣) trong tên của bà Tống Thị Lan (1761 - 1814), chính cung của vua Gia Long (1802 - 1820).
Pháp lam Huế bao gồm hai loại chính:
* Pháp lam trang trí trên các công trình kiến trúc: Đó là những mảng / khối pháp lam được sử dụng như vật liệu kiến trúc để tạo hình thành các đồ án trang trí ngoài trời, gắn lên bờ nóc, bờ quyết, đầu đao, cổ diêm… của các công trình kiến trúc trong quần thể di tích kiến trúc thời Nguyễn ở Huế.
* Pháp lam là đồ gia dụng, đồ tế tự và đồ trang trí nội thất: Đó là các vật dụng, đồ tế tự, tác phẩm mỹ thuật làm bằng pháp lam để phục vụ các nhu cầu ăn uống, thờ tự, bài trí nội thất… của hoàng gia, triều đình, quý tộc và cự phú thời Nguyễn.
Pháp lam Huế được khai sinh dưới triều vua Minh Mạng, phát triển và hưng thịnh dưới các triều vua Minh Mạng (1820 - 1841), Thiệu Trị (1841 - 1847) và Tự Đức (1848 - 1883) rồi sa sút dần. Đến triều vua Đồng Khánh (1885 - 1889), kỹ nghệ chế tác pháp lam được triều đình đầu tư phục hồi nhưng không thành công mà rơi vào suy thoái rồi thất truyền. Đến cuối thập niên 1990 thì có một số nhóm nghiên cứu ở Huế đã bước đầu phục hồi thành công một số sản phẩm - chất liệu pháp lam nhưng chất lượng (màu sắc, độ bền) vẫn kém xa so với pháp lam Huế truyền thống.
2.2. Những trang trí bằng pháp lam ở tháp Phước Duyên
Những trang trí bằng chất liệu pháp lam trên tháp Phước Duyên bao gồm: bình cam lồ gắn trên đỉnh tháp, các cù dao gắn ở góc đao mái của bảy tầng tháp và những chữ Hán gắn trên các bức hoành phi và câu đối ở mặt tiền của bảy tầng tháp.
* Bình cam lồ: Bình cam lồ hình tựa quả bầu eo, miệng vút, cao 1,30 m, rỗng lòng. Cốt bình làm bằng đồng thau dát mỏng, bên ngoài tráng men màu vàng. Quanh eo bình gắn một dải hoa văn hình ngọn lá liên hoàn, cũng bằng chất liệu pháp lam, tráng men màu lục đậm. Bình được gắn vào một bệ đá thanh nhỏ hình bát giác được gắn với một phiến đá thanh hình vuông. Tất cả được gắn chặt vào đỉnh tháp bằng hồ vữa và gia cố bằng các sợi đồng liên kết với bệ đá. Trải bao năm tháng, lớp men phủ bên ngoài bình đã bong tróc khá nhiều, nhưng màu sắc của lớp men còn lại (khoảng 80%) vẫn tươi nguyên như cũ. Vì thế, bình vẫn được giữ lại qua mấy kỳ trùng tu, là hiện vật nguyên gốc, xứng danh là cổ vật pháp lam có kích thước lớn nhất trong các cổ vật pháp lam mà triều Nguyễn để lại trên đất Huế.
* Các cù dao: Cù dao là tên người Huế gọi các tổ hợp trang trí theo đồ án “vân hóa long” gắn trên các bờ nóc, bờ quyết của các cung điện, lăng tẩm, miếu vũ ở Huế xưa. Các đồ án trang trí này thường được đắp bằng vôi vữa, xi-măng, khảm sành sứ… Trong hệ thống cung điện, đền đài… của vương triều Nguyễn, có rất nhiều đồ án “vân hóa long” làm bằng chất liệu pháp lam. Trên tháp Phước Duyên, có tất cả 56 cù dao làm bằng pháp lam gắn ở tám góc mái của bảy tầng mái tháp. Mỗi cù dao gồm hai mảnh ốp với nhau, được liên kết bằng các sợi dây đồng, bên trong có lõi sắt để gia cường. Cốt của các cù dao này cũng làm bằng đồng thau. Lớp men phủ bên ngoài có bốn sắc màu chính là vàng, đỏ tía, xanh cobalt và lục. Tùy từng vị trí mà mỗi sắc màu lại được thể hiện đậm nhạt khác nhau, tạo nên một bảng hòa sắc đặc trưng của hệ pháp lam Huế. Kích thước của các cù dao ở mỗi tầng mái cũng khác nhau: các cù dao ở mái tầng 1 có kích thước 0,32 m x 0,30 m, các cù dao ở mái tầng 2 có kích thước 0,35 m x 0,30 m, các cù dao ở mái tầng 3 có kích thước 0,33 m x 0,32 m, các cù dao ở mái tầng 4 có kích thước 0,33 m x 0,27 m, các cù dao ở mái tầng 5 có kích thước 0,32 m x 0,25 m, các cù dao ở mái tầng 6 có kích thước 0,35m x 0,22m, lớn nhất là các cù dao ở mái tầng 7 có kích thước 0,76m x 0,35m.7
Thẩm định bảng màu để phục hồi của các cù dao pháp lam ở tháp Phước Duyên.
Ảnh: KTS. Đỗ Thanh Mai cung cấp.
Bảo tồn nguyên trạng một cù dao pháp lam tại vị trí gốc ở tháp Phước Duyên.
Ảnh: KTS. Đỗ Thanh Mai cung cấp
* Chữ Hán trên các bức hoành phi và câu đối: Phía trên khung cửa chính của mỗi tầng tháp đều có một ô hình chữ nhật, gắn một bức hoành phi bằng chữ Hán. Ngoại trừ bức hoành phi ở mặt tiền tầng 7 khắc bốn chữ 福緣寶塔 (Phước Duyên bửu tháp), là tên của tòa tháp, các hoành phi còn lại trích dẫn từ kinh sách, giáo lý của Phật giáo. Ngoài ra, ở hai bên các khung cửa chính của mỗi tầng còn có những đôi câu đối nội dung đề cập đến luân lý nhà Phật. Nguyên thủy đây là những chữ Hán rời, được gò bằng đồng và tráng men pháp lam bên ngoài, rồi gắn lên tấm bảng đồng làm nền bức hoành phi, hoặc gắn trực tiếp vào nền gạch ở vị trí các câu đối. Chữ Hán gắn lên hoành phi tráng men màu vàng, còn chữ Hán gắn lên câu đối tráng men màu tím đậm. Kiểu trang trí chữ Hán rời bằng pháp lam này cũng xuất hiện trên phương môn dựng trước khu vực tẩm điện tại Xương Lăng - lăng mộ của vua Thiệu Trị, do vua Tự Đức (1848 - 1883) cho xây dựng năm 1848. Theo thời gian, nhiều chữ Hán trên các hoành phi câu đối đã rơi rụng dần, nhà chùa đành cho viết lại các chữ Hán bằng sơn trực tiếp lên nền hoành phi, câu đối.
Trong quá trình trùng tu tháp Phước Duyên năm 2004, nhiều hạng mục trang trí bằng pháp lam của tháp Phước Duyên đã được tu bổ, gia cố. Cụ thể:
* Bình cam lồ: Mặc dù lớp men phủ bên ngoài bình đã bong tróc khoảng 20% nhưng do bình có kích thước lớn, kỹ thuật phục chế pháp lam của đơn vị thi công trùng tu chưa đáp ứng được nên bình vẫn được giữ nguyên trạng, chỉ làm sạch phần rêu phong, han gỉ bên ngoài bình và thay thế các dây đồng liên kết bình với bệ đỡ bên dưới.
* Các cù dao: 80% các cù dao bằng pháp lam đều bị hư hỏng, chủ yếu là cốt đồng đã bị bong men, dây buộc bằng đồng hai mặt cù dao bị đứt gãy, mất mát, phần lõi bằng sắt ở giữa các mặt của cù dao đã bị gỉ sét, đứt gãy… Vì thế, sau khi khảo sát hiện trạng và xin ý kiến tư vấn từ các chuyên gia và đại diện của chùa Thiên Mụ, đơn vị thi công đã tiến hành phục chế 22/56 cù dao, bao gồm 33/112 mặt cù dao cũ bị bong men đã được tái sử dụng để phủ men mới và nung lại, phục chế hoàn toàn hai mặt cù dao đã bị gãy mất ở mái tầng 2.8 Cụ thể như sau:
- Mái tầng 2 phục chế hai mặt các cù dao số 49 và số 6.
- Mái tầng 3 phục chế hai mặt các cù dao số 2, số 5, số 6 và số 7.
- Mái tầng 4 phục chế một mặt các cù dao số 3 và số 8; phục chế hai mặt cù dao số 4.
- Mái tầng 5 phục chế một mặt các cù dao số 2 và số 8; phục chế hai mặt các cù dao số 4, số 5 và số 7.
- Mái tầng 6 phục chế hai mặt các cù dao số 4 và số 7.
- Mái tầng 7 phục chế một mặt các cù dao số 2 và số 4; phục chế hai mặt các cù dao số 5 và số 6.
Ngoài ra, 77 mặt cù dao cũ tuy đã bị bong men từng phần nhưng chất lượng còn tốt, độ bao phủ của men chiếm hơn 60% diện tích bề mặt và màu sắc men vẫn còn tươi, bền nên chỉ làm sạch bề mặt và lắp vào các vị trí cũ.
* Bức hoành phi “Phước Duyên bửu tháp”: Bức hoành phi này đã rơi hết chữ và bề mặt hoành phi đã bong men gần như toàn bộ nhưng dấu vết màu sắc và đường nét của chữ vẫn còn. Vì thế, nhà chùa đã kiến nghị đơn vị thi công tu phục hồi lớp men bề mặt của hoành phi và phục chế lại các chữ Hán đã bị mất bằng chất liệu pháp lam.
Các cù dao pháp lam sau khi được bảo tồn và phục nguyên ở tháp Phước Duyên
Các cù dao pháp lam sau khi được bảo tồn và phục nguyên ở tháp Phước Duyên
Tháng 1/2005, quá trình trùng tu tháp Phước Duyên hoàn tất. Tòa tháp đã được trả lại dung mạo như xưa. Những trang trí pháp lam nguyên thủy và phục nguyên trên tòa tháp đã hòa quyện với nhau, góp phần tái hiện nét đẹp vĩnh hằng của tháp Phước Duyên.
3.Thay lời kết
So với các công trình kiến trúc thuộc dòng kiến trúc cung đình triều Nguyễn thì việc ứng dụng chất liệu pháp lam trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ là không nhiều, nhưng đây là kiến trúc Phật giáo duy nhất ở Huế có sử dụng các trang trí bằng pháp lam, vốn là chất liệu quý thời Nguyễn, chỉ được dùng cho các kiến trúc cung đình. Điều này chứng tỏ vua Thiệu Trị đã tỏ sự “ưu ái” đối với ngôi bảo tháp cũng như đối với chùa Thiên Mụ. Mặt khác, điều này cũng góp phần chứng tỏ vị thế đặc biệt của quốc tự Thiên Mụ trong hệ thống quan tự ở Huế thời Nguyễn.
Tháp Phước Duyên là nơi đầu tiên xuất hiện kiểu trang trí pháp lam bằng chữ Hán đúc rời, gắn lên bảng đồng hoặc trực tiếp gắn lên nền gạch, tạo thành các hoành phi và câu đối trang trí cho công trình kiến trúc. Kiểu trang trí này về sau xuất hiện trong lăng mộ vua Thiệu Trị, với bức hoành phi mang dòng chữ 明德遠矣 (Minh đức viễn hĩ) và đôi câu đối gắn trên phương môn làm bằng đá cẩm thạch uy nghi, bề thế dựng ở trước tẩm điện. Sau đó, tiếp tục xuất hiện trong kiến trúc lăng mộ Kiên Thái Vương, phụ thân của vua Đồng Khánh. Đó là sự tiếp nối một kiểu thức trang trí khởi sinh từ công trình kiến tạo tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, vì thế mang tính tiên phong.
Bình cam lồ trên đỉnh tháp Phước Duyên
Việc sử dụng chất liệu pháp lam để tạo thành các đồ án trang trí ngoài trời là một thành tựu tuyệt vời của pháp lam Huế. Tuy Việt Nam không phải là nơi phát minh ra pháp lam, nhưng các nghệ nhân pháp lam thời Nguyễn đã ứng dụng kỹ nghệ pháp lam vào cuộc sống sáng tạo hơn các bậc thầy Trung Hoa đã truyền nghề cho họ. Trong khi người Trung Quốc, người Nhật Bản, người phương Tây… chỉ coi pháp lang / shipouyaki / émaux / painted enamels… như một thứ chất liệu để sản xuất ra các vật dụng sinh hoạt, thờ tự hay những món đồ lưu niệm xinh xắn, thì các nghệ nhân pháp lam thời Nguyễn đã vận dụng pháp lam như một loại vật liệu kiến trúc trong công cuộc kiến thiết các cung điện lăng tẩm, chùa chiền ở Huế. Họ đã lợi dụng tính chất bền vững trước các tác động cơ - lý - hóa của pháp lam để tạo thành các đồ án trang trí, gắn lên ngoại thất các công trình kiến trúc, vốn được xây dựng trong một vùng đất có khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, vừa làm cho công trình được bền vững, vừa giảm được vẻ u tịch của một kinh đô cổ kính. Vì thế mà trải qua 160 năm tồn tại, những trang trí bằng pháp lam ở tháp Phước Duyên vẫn tươi nguyên màu sắc, dù phải chịu nhiều tác động bởi thời gian, chiến tranh và khí hậu xứ Huế. Và cũng nhờ vậy mà bình cam lồ trên đỉnh tháp Phước Duyên vẫn không ngừng tỏa “ánh đạo vàng” và tòa tháp vẫn giữ nguyên nét lộng lẫy như xưa, uy nghi tỏa bóng xuống dòng Hương, xứng đáng là một biểu trưng của xứ Thiền kinh.
TS.Trần Đức Anh Sơn
Chú thích
[1] Quốc sử quán triều Nguyễn, ĐNTL, Bản dịch của Viện Sử học, Nxb KHXH, tập 25, Hà Nội, 1971, tr. 34.
2 Chiều cao của tháp Phước Duyên ghi trong các tư liệu công bố trước đây không thống nhất với nhau: sách Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quan triều Nguyễn viết: “… tháp cao 5 trượng 3 thước 2 tấc…); sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm viết: “… tháp hình bát giác cao 5 trượng, 3 thước, 2 tấc (21,24 m)…”; sách Ba trăm năm thăng trầm của chùa Thiên Mụ của Hồng Hoài viết: “... tháp cao 21m, xây hình bát giác chia làm bảy tầng…”.
Trong bài viết này tôi sử dụng số liệu từ các bản vẽ trong hồ sơ trùng tu tháp Phước Duyên, do Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng) thực hiện. Nhân đây, tôi xin chân thành cám ơn KTS. Đỗ Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung đã cung cấp và cho phép tôi sử dụng các bản vẽ này để minh họa cho nội dung bài viết.
3 Xem thêm: Trần Đức Anh Sơn, “Về những pho tượng Phật trong tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ”, Huế - Triều Nguyễn. Một cái nhìn, Nxb. Thuận Hóa, 2004, tr. 119-124.
4 Dẫn theo: Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, Nxb Thuận Hóa, 1999, tr. 250-251.
5 Lần trùng tu này do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế làm chủ đầu tư, Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng) là đơn vị thi công.
6 Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Tổ phiên dịch Viện Sử học), Nxb Khoa học, Tập VIII, Hà Nội, 1964, tr. 330.
7 Nguồn: Hồ sơ trùng tu tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng) thực hiện năm 2004.
8 Nguồn: Tờ trình về việc tu bổ, phục hồi con giống và biển hoành phi pháp lam, công trình tháp Phước Duyên, chùa Thiên Mụ do Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng miền Trung (thuộc Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Bộ Xây dựng) trình Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ngày 20/8/2004.
9 Cù dao số 1 nằm ở góc trái mặt trước của tháp, các cù dao số 2 trở đi được đánh số theo trật tự ngược chiều kim đồng hồ, cuối cùng là vị trí số 8 ở góc phải mặt trước của tháp.
* Chữ “lam” (藍) tôi tô màu vàng ở trên đây, đúng ra phải viết là 玉+藍, có bộ “ngọc” (玉) ở phía trước, nhưng phần mềm chữ Hán tôi đang sử dụng không có chữ tương tự, nên đành phải đánh dấu màu vàng và ghi chú cho độc giả được rõ.