Thứ Sáu, 13/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

06/09/2018 10:17 10604
Điểm: 2.33/5 (3 đánh giá)
Trong hành trình lịch sử của dân tộc, có ba nền văn hóa khảo cổ được coi là ba cái nôi của văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ VII trước CN - thế kỷ I sau CN), Văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ X trước CN - cuối thế kỷ II sau CN) và Văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - cuối thế kỷ VII sau CN). Ba nền văn hóa khảo cổ này đã hình thành nên “tam giác văn hóa” trong buổi đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chủ nhân của ba nền văn hóa này đã sáng tạo nên những thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực: trồng trọt, đánh cá, làm muối, đúc đồng, làm đồ gốm, chế tác thủy tinh, làm đồ trang sức, cùng với những tập tục, tín ngưỡng độc đáo và bí ẩn, thu hút giới khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và khám phá trong hơn một thế kỷ qua.

Trong hành trình lịch sử của dân tộc, có ba nền văn hóa khảo cổ được coi là ba cái nôi của văn minh cổ xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là Văn hóa Đông Sơn (thế kỷ VII trước CN - thế kỷ I sau CN), Văn hóa Sa Huỳnh (thế kỷ X trước CN - cuối thế kỷ II sau CN) và Văn hóa Óc Eo (thế kỷ I - cuối thế kỷ VII sau CN). Ba nền văn hóa khảo cổ này đã hình thành nên tam giác văn hóa trong buổi đầu lịch sử của dân tộc Việt Nam. Chủ nhân của ba nền văn hóa này đã sáng tạo nên những thành tựu rực rỡ trong các lĩnh vực: trồng trọt, đánh cá, làm muối, đúc đồng, làm đồ gốm, chế tác thủy tinh, làm đồ trang sức, cùng với những tập tục, tín ngưỡng độc đáo và bí ẩn, thu hút giới khảo cổ học trong và ngoài nước nghiên cứu và khám phá trong hơn một thế kỷ qua.

Một trong những thành tựu đáng chú ý là kỹ nghệ chế tác đồ trang sức và lối phục sức của chủ nhân các nền văn hóa này. Người xưa sử dụng trang sức vì nhiều lý do: làm đẹp, thể hiện sự giàu có, thể hiện địa vị xã hội, tuân theo tập tục và tín ngưỡng. Vì thế, họ đã kỳ công sáng tạo ra những món trang sức rất tinh xảo, kỹ thuật cao và giàu tính nghệ thuật.

Người Đông Sơn thường chế tác các loại trang sức bằng đồng thau. Đó là các loại vòng tay, vòng ống ghép, nhẫn, hoa tai, móc đai lưng, bao tay, bao chân… Những di vật này được phát hiện rất nhiều trong các di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Đông Sơn ở Làng Vạc (Nghệ An), Đông Sơn (Thanh Hóa), Việt Khê (Hải Phòng)… Quan sát hình người trang trí trên chuôi của một chiếc cán dao găm Đông Sơn, thấy hình người này có đeo một chiếc khuyên tai 3 lớp ở đuôi tai trái. Đó là loại khuyên tai hình vành khăn có xẻ rảnh, thường được làm bằng các loại đá quý. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia ở Hà Nội hiện đang lưu giữ 3 khuyên tai kiểu này: 1 chiếc làm bằng đá phiến, đường kính (đk) 9,3 cm; 1 chiếc làm bằng thủy tinh (đk: 4,8 cm) và chiếc kia làm bằng nephrite (đk: 2,8 cm). Ba khuyên tai này được khai quật được tại một di tích ở Đông Sơn (Thanh Hóa), niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 2 trước CN.

Ba khuyên tai hình vành khăn làm bằng đá phiến, thủy tinh và nephrite khai quật ở Thanh Hóa.

Văn hóa Đông Sơn

Khác với người Đông Sơn, chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh ít dùng đồ trang sức chế tác bằng đồng. Vật liệu ưa thích để chế tác trang sức của họ là các loại đá quý tự nhiên như: mã não, thạch anh tím, carnelian, nephrit, pha lê, vàng và cả thủy tinh do họ tự chế tác. Cuộc khai quật di chỉ Lai Nghi (Quảng Nam) trong các năm 2003 - 2004 đã phát ra hai mộ chum có chứa nhiều hiện vật tùy táng là đồ trang sức rất độc đáo: hơn 8.600 hạt cườm bằng thủy tinh màu xanh, vàng hoặc nâu có đường kính 1 - 3 mm; khoảng 1.500 hạt chuỗi làm bằng đá mã não, carnelian, nephrit...; đặc biệt, còn có bốn chiếc khuyên tai bằng vàng, được coi là những món trang sức bằng vàng cổ nhất Việt Nam.

Đồ trang sức tùy táng trong hai ngôi mộ chum Sa Huỳnh khai quật ở di tích Lai Nghi (tỉnh Quảng Nam), gồm những chiếc khuyên ta bằng vàng cổ nhất Việt Nam và những hạt chuỗi làm bằng thủy tinh và mã não có niên đại thế kỷ II đến thế kỷ I trước CN. Nguyên liệu thô như vàng, carnelian, nephrit, đá pha lê, mã não có thể được nhập khẩu vào lưu vực sông Thu Bồn, nhưng một vài kiểu trang sức Sa Huỳnh có lẽ cũng được làm bởi các thợ làm khuyên tai và hạt chuỗi bản địa

Đồ trang sức tùy táng trong một ngôi mộ Sa Huỳnh khai quật ở di tích Lai Nghi làm bằng thủy tinh, mã não, carnelian, nephrit, đá pha lê, mã não… Đây là những hiện vật đầu tiên của thời sơ sử được chế tác bằng phương pháp ăn mòn, được tìm thấy ở miền Trung Việt Nam

Hạt chuỗi bằng mã não tìm thấy trong nhiều di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở khu vực miền Trung Việt Nam

Đồ trang sức làm bằng mã não còn được phát hiện ở nhiều di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh trên địa bàn các tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa.

Hạt chuỗi bằng mã não tìm thấy trong nhiều di chỉ khảo cổ thuộc văn hóa Sa Huỳnh lưu vực sông Thu Bồn (Quảng Nam)

Chuỗi trang sức bằng mã não của văn hóa Sa Huỳnh

Theo thống kê của các nhà khảo cổ, có hơn 15 kiểu hình dáng hạt chuỗi khác nhau trong văn hóa Sa Huỳnh được làm từ các loại chất liệu như: mã não, carnelian, nephrit, thạch anh, pha lê. Các loại chất liệu này có lẽ được “nhập khẩu” từ Myanmar, Ấn Độ... Trong số các hạt chuỗi bằng đá mã não tìm thấy ở di chỉ Lai Nghi có 3 chiếc rất đặc biệt: chiếc thứ nhất có hình con sư tử, chiếc thứ hai có hình con chim và chiếc thứ ba là hạt chuỗi được chế tác bằng phương pháp khắc axít. Phương pháp này được đánh giá là “tiên tiến” nhất trong kỹ thuật chế tác đồ thủ công ở Đông Nam Á lúc bấy giờ. Những hạt chuỗi mã não hình động vật tìm thấy trong văn hóa Sa Huỳnh gợi mối liên hệ với những hạt chuỗi hình động vật được các nhà khảo cổ học Trung Quốc tìm thấy ở di chỉ Phong Môn Lĩnh và ở di chỉ Đường Bạch, đều thuộc huyện Hà Phố (Quảng Tây, Trung Quốc).

Những hạt chuỗi bằng mã não hình động vật. Hình 1 và 2 khai quật được ở Lai Nghi (Điện Bàn, Quảng Nam, Việt Nam); hình 3 khai quật được ở Phong Môn Lĩnh (Hà Phố, Quảng Tây, Trung Quốc); hình 4 và 5 khai quật ở Đường Bạch (Hà Phố, Quảng Tây, Trung Quốc)

Ngoài mã não, người Sa Huỳnh còn sử dụng carnelian để chế tác đồ trang sức, như chuỗi hạt dài 93 cm ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, là kết quả thu thập được từ nhiều di chỉ Sa Huỳnh khác nhau ở miền Trung Việt Nam.

Chuỗi trang sức bằng mã não. Văn hóa Sa Huỳnh

Ngoài ra, người Sa Huỳnh còn thành công trong việc chế tác thủy tinh để phục vụ các nhu cầu phục sức của mình. Văn hóa Sa Huỳnh được coi là một trong cái nôi sáng tạo ra thủy tinh trên thế giới. Thủy tinh nhân tạo của người Sa Huỳnh không chỉ đa dạng về kiểu dáng, mà còn phong phú về màu sắc, với các sắc màu điển hình:­ xanh lơ, xanh đen, xanh lá mạ, xám, tím, đỏ và nâu. Người Sa Huỳnh đã biết chế tác các hạt cương, khuyên tai, nhẫn bằng thủy tinh màu để làm đồ trang sức, như hạt cườm, khuyên tai, nhẫn... Sử Trung Hoa từng ghi chép về một chén thủy tinh xuất phát từ văn hóa Sa Huỳnh mà họ gọi là “chén lư­u ly” với một sự trân trọng và khâm phục.

Chuỗi trang sức bằng thủy tinh xanh. Văn hóa Sa Huỳnh

Đồ trang sức tiêu biểu nhất của ng­ười Sa Huỳnh chính là những chiếc khuyên tai ba mấu của nữ giới và khuyên tai hai đầu thú của nam giới. Khi khai quật di chỉ Giồng Cá Vồ thuộc văn hóa Sa Huỳnh, ở Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), các nhà khảo cổ học đã phát hiện 1 chiếc sọ người còn mang 1 chiếc khuyên tai 2 đầu thú bằng đá nephrite ở mang tai.

Khuyên tai 2 đầu thú bằng đá nephrite khai quật ở di chỉ Giồng Cá Cồ (Long Hòa, Cần Giờ,

TP Hồ Chí Minh). Văn hóa Sa Huỳnh

Theo TS. Andreas Reinecker, nhà khảo cổ học người Đức đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, thì hình đầu thú 2 sừng trên các chiếc khuyên tai 2 đầu thú của văn hóa Sa Huỳnh có một mối liên hệ nhất định với sao la, loài động vật được phát hiện lần đầu, mà theo TS. Andreas Reinecker là “tái phát hiện”, ở Việt Nam vào năm 1992, vốn sống tập trung ở khu vực đồi núi phía tây của miền Trung Việt Nam.

Sao la

Đây cũng là địa bàn cư trú chính của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh. Các nhà khảo cổ học cũng nhận xét rằng: “Nếu khuyên tai 3 mấu dịu dàng, tinh tế và khá duyên dáng thì khuyên tai 2 đầu thú lại thể hiện chất dũng mãnh, kiêu hãnh và cư­ờng tráng của nam giới”. Những vật trang sức của người Sa Huỳnh, chế tác từ đá quý, mã não và thủy tinh chính là những tinh hoa đặc sắc nhất mà nền văn hóa này sáng tạo ra và đư­ợc phổ biến khắp vùng Đông Nam Á. Ng­ười ta đã tìm thấy khuyên tai 3 mấu và khuyên tai 2 đầu thú ở Thái Lan, Malaysia, Philippines và Đài Loan.

Trong khi đó, trang sức của chủ nhân văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long lại theo một “phong cách” khác. Nền văn hóa này có phạm vi phân bố chủ yếu ở vùng trũng miền Tây sông Hậu, gồm điạ bàn các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bạc Liêu… và một phần đất đông nam Campuchia. Người Óc Eo đã để lại cho đời sau dấu vết chứng tỏ những thành tựu rực rỡ trong lĩnh vực thủ công - mỹ nghệ như nghề gốm, nghề luyện đồng, luyện sắt, luyện thiếc, nghề kim hoàn, chế tác trang sức… Người Óc Eo đã chế tác ra những món trang sức bằng thạch anh tím, như chuỗi trang sức gồm một 1 hạt chuỗi bằng thạch anh tím và 33 hạt chuỗi bằng pha lê (dài 41 cm) được tìm thấy trong di chỉ Gò Hàng (Long An), có niên đại vào khoảng thế kỷ I trước CN - thế kỷ III sau CN hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Long An.

Chuỗi trang sức gồm 1 hạt chuỗi bằng thạch anh tím và 33 hạt chuỗi bằng pha lê; khai quật ở di chỉ Gò Hàng (Long An). Văn hóa Óc Eo

Ngoài ra còn có những vật trang sức phẳng, làm bằng mã não và carnelian trên đó có khắc chìm hình sư tử và hình người ngồi, được khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang), niên đại vào khoảng thế kỷ VI, hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh.

Vật trang sức làm bằng mã não và pha lê có khắc chìm hình sư tử và hình người ngồi; khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang). Văn hóa Óc Eo

Đồ trang sức bằng vàng cũng được người Óc Eo ưa chuộng với những sản phẩm tinh xảo, kỹ thuật chế tác rất cao. Điển hình là chuỗi trang sức gồm 14 hạt chuỗi bằng vàng (trái) và một hạt chuỗi bằng pha lê (dài 8,4 cm, đk 4 cm), hay chiếc nhẫn gắn hình bò thần Nandin bằng vàng (đk 1,9 cm) và chiếc khuyên tai làm bằng đồng mạ vàng (cao 3,5 cm, rộng 3,3 cm), đều có niên đại vào khoảng thế kỷ VI, khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang), hiện đang bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam TP. Hồ Chí Minh. Người Óc Eo cũng đã biết đến kỹ thuật khảm đá quý lên các món đồ trang sức bằng vàng. Tại di chỉ Gò Xoài (Long An), các nhà khảo cổ học đã phát hiện 3 món trang sức rất đặc biệt của người Óc Eo, gồm một mặt dây chuyền bằng vàng nạm thạch anh tím (cao 2,6 cm, rộng 1,9 cm; dày 0,2 cm); một chiếc nhẫn vàng nạm ngọc xanh (đk 2,2 cm) và một nhẫn vàng nạm ngọc ruby (đk 1,8 cm).

Chuỗi trang sức gồm 14 hạt chuỗi bằng vàng (trái) và hạt chuỗi bằng pha lê, khai quật ở di chỉ

Óc Eo (An Giang). Văn hóa Óc Eo

Nhẫn gắn hình bò thần Nandin bằng vàng (phía trên) và khuyên tai làm bằng đồng mạ vàng; khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang). Văn hóa Óc Eo

Ba hiện vật này được coi là những đại diện tiêu biểu cho đồ trang sức của văn hóa Óc Eo. Không chỉ phát hiện các món trang sức, các nhà khảo cổ học cũng đã phát hiện cả khuôn đúc đồ trang sức bằng đá trong di chỉ Óc Eo (An Giang). Điều này đã chứng minh tính bản địa của các món đồ trang sức Óc Eo, cho dù Óc Eo nằm trên con đường giao lưu thương mại nổi tiếng, liên kết các nền văn minh cổ đại là Trung Hoa và Ấn Độ ở phương Đông với La Mã ở phương Tây.

Mặt dây chuyền bằng vàng nạm thạch anh tím (phía trên); nhẫn vàng nạm ngọc xanh (phía dưới, trái) và nhẫn vàng nạm ngọc ruby (phía dưới, phải); khai quật ở di chỉ Gò Xoài (Long An). Văn hóa Óc Eo

Khuôn đúc nữ trang và tiền chinh; khai quật ở di chỉ Óc Eo (An Giang). Văn hóa Óc Eo

Không chỉ chế tác vàng làm thành đồ trang sức, người Óc Eo còn tạo ra các sản phẩm bằng vàng lá, với kỹ thuật khắc miết tạo hình và chữ trên lá vàng, để trang trí và để hiến tặng thần linh, mà chiếc hoa sen bằng vàng (đk 7,1 cm), khai quật ở di chỉ Gò Xoài (Long An) là một hiện vật điển hình.

Hoa sen bằng vàng; khai quật ở di chỉ Gò Xoài (Long An). Văn hóa Óc Eo

Có thể nói rằng, nghệ thuật chế tác đồ trang sức trong các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh và Óc Eo là những thành tựu rực rỡ, phản ánh trình độ văn hóa, thẩm mỹ, kỹ thuật điêu luyện của người xưa trên lãnh thổ Việt Nam. Nhiều món đồ trang sức của người xưa không chỉ có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa và giá trị kinh tế, mà còn xứng đáng là hình mẫu cho các bộ sưu tập trang sức hiện đại, nhất là trong bối cảnh xu hướng “hoài cổ” đang là thời thượng trong giới thiết kế đồ trang sức ở Việt Nam hiện nay.

TS.Trần Đức Anh Sơn

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong mối quan hệ với đồ gốm tiền sử Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên trong mối quan hệ với đồ gốm tiền sử Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc

  • 23/08/2018 08:48
  • 3205

Đồ gốm là một trong những tiêu chí nghiên cứu đời sống vật chất và tinh thần của các cư dân Tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ của họ thể hiện rõ nét thông qua các sản phẩm gốm. Đồ gốm Việt Nam ra đời từ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, và đã đạt đỉnh cao trong kỹ thuật chế tạo đồ gốm giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên.