Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

23/08/2018 08:48 3277
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Đồ gốm là một trong những tiêu chí nghiên cứu đời sống vật chất và tinh thần của các cư dân Tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ của họ thể hiện rõ nét thông qua các sản phẩm gốm. Đồ gốm Việt Nam ra đời từ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, và đã đạt đỉnh cao trong kỹ thuật chế tạo đồ gốm giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên.

Đồ gốm là một trong những tiêu chí nghiên cứu đời sống vật chất và tinh thần của các cư dân Tiền sử. Trình độ sáng tạo, tư duy thẩm mỹ của họ thể hiện rõ nét thông qua các sản phẩm gốm. Đồ gốm Việt Nam ra đời từ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, và đã đạt đỉnh cao trong kỹ thuật chế tạo đồ gốm giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên.

Trong bài viết này, chúng tôi trình bày mối quan hệ giữa đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên với đồ gốm các nền văn hóa Hà Giang, Mai Pha, Hạ Long, nhóm các di tích hậu kỳ đá mới Sơn La, nhóm di tích Gò Mả Đống, nhóm các di tích ven biển Tràng Kênh, Đầu Rằm. Bồ Chuyến và Nam Trung Quốc.

1.Với văn hoá Hà Giang

Gốm văn hoá Hà Giang về chất liệu có pha cát và các hạt thạch anh, cát mi ca óng ánh. Giống như gốm Phùng Nguyên, gốm Hà Giang thường được tô thổ hoàng bên ngoài áo gốm nhưng do lớp áo mỏng, hay bong nên tạo cảm giác mặt áo gốm sần sùi. Về mặt loại hình, ngoài loại đồ đựng đáy tròn có chân đế, bát bồng... , chạc gốm cũng rất giống chạc gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Hoa văn khắc vạch hình chữ S nối đuôi nhau theo băng ngang trên nền trơn ở phần vai hoặc trên nền thừng ở phần bụng đồ đựng. Ngoài các họa tiết chữ S đầu lõm giống họa tiết chữ S thường gặp trên đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên, trên đồ gốm văn hoá Hà Giang còn gặp các họa tiết khắc vạch dạng những đường vòng cung có khi sắp xếp thành hình gân lá, có khi úp vào nhau thành hình chiếc lá trang trí ngoài thành miệng.

Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên và Hà Giang có nhiều nét tương đồng, đặc biệt là hoa văn trang trí.

2.Với văn hoá Mai Pha

Gốm văn hoá Mai Pha được làm từ đất sét pha bã thực vật, trộn với cát thạch anh và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ, xương mịn. Kỹ thuật miết láng và tô thổ hoàng rất phổ biến.

Hoa văn gồm các loại văn thừng, văn chải, văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ... Văn khắc vạch kết hợp trổ lỗ có nhiều mô típ phong phú là hoa văn đặc trưng của đồ gốm Mai Pha, đó là văn khắc vạch hình hoa thị kết hợp trổ lỗ trang trí ở chân đế đồ gốm, văn khắc vạch hình chữ thập.

Bát bồng văn hóa Phùng Nguyên và Mai Pha đều được trang trí rất cầu kỳ. Nếu như bát bồng gốm văn hoá Phùng Nguyên trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp chấm dải mịn thì lối kết hợp khắc vạch trổ thủng ở chân đế bát bồng trên đồ gốm văn hoá Mai Pha cũng là nét nổi bật nhất trong nghệ thuật trang trí của gốm Mai Pha.

Bản vẽ 1. h1- h14. Một số loại hình và hoa văn trang trí đồ gốm văn hóa Mai Pha

[Nguồn: Nguyễn Văn Cường 2002]

3.Với nhóm di tích hậu kỳ đá mới Sơn La

Đồ gốm chia thành hai hệ thống: phía Bắc Sơn La và phía Nam Sơn La. Đồ gốm các di tích phía Nam có đặc điểm chung là gốm thô, đấy sét pha cát, hạt tương đối nhỏ, mịn, xương gốm mỏng, màu đỏ gạch hoặc xám đen, mặt ngoài phủ lớp áo mỏng. Gốm có độ nung cao, khá cứng, làm bằng bàn xoay.

Đa số đồ gốm được trang trí văn thừng mịn, và văn chải. Một số ít mảnh gốm trang trí hoa văn khắc vạch những đường cong hoặc thẳng kết hợp chấm dải nhỏ, thưa, rất gần phong cách hoa văn gốm Phùng Nguyên.

Đồ gốm phát hiện trong mộ táng di chỉ Nà Hin trang trí hoa văn khắc vạch chấm dải hình chữ S gần gũi hoa văn gốm Phùng Nguyên, song về kỹ thuật tạo hoa văn có nét khác biệt. Nếu như hoa văn chữ S trên đồ gốm Phùng Nguyên được tạo bằng kỹ thuật khắc vạch kết hợp chấm dải thì hoa văn chữ S trên gốm Nà Hin được tạo bởi các chấm in hình vuông, phía trong và ngoài chữ S được miết láng màu nâu sẫm.

4.Với nhóm di tích Gò Mả Đống - Gò Con Lợn - Quang Húc - Đoan Thượng

Đây là những di tích phân bố xen kẽ trong địa bàn cư trú của cư dân Phùng Nguyên nhưng mang những đặc trưng văn hóa khác. Đồ gốm nhóm di tích này chất liệu thô, pha nhiều cát hạt to và sạn sỏi, độ nung thấp. Trong đồ gốm di chỉ Quang Húc có một số mảnh gốm có lớp áo ngoài mịn nhẵn, láng bóng, một số mảnh trang trí hoa văn khắc vạch.

Đồ gốm Đoan Thượng chất liệu thô, pha cát và sạn sỏi, độ nung thấp, xương gốm đen, lớp ngoài màu xám và đỏ nhạt, trang trí hoa văn khắc vạch kết hợp in chấm nhưng khác phong cách hoa văn khắc vạch đồ gốm Phùng Nguyên.

Đồ gốm Mả Đống gồm gốm chắc và gốm xốp, hoa văn chủ yếu là văn thừng. Văn thừng không đập từ thân đến đáy, mà trang trí thành băng rộng giới hạn trong hai đường chỉ chìm hay hai đường văn in chấm lõm, chạy quanh thân hiện vật. Hoa văn khắc vạch bằng que đầu nhọn hoặc hoa văn khuông nhạc. Hoa văn đồ gốm Mả Đống đơn giản, nhưng sự xuất hiện hoa văn khắc vạch hình chữ S ở Gò Mả Đống là chịu ảnh hưởng của gốm văn hóa Phùng Nguyên

5.Với văn hoá Hạ Long:

Gốm văn hóa Hạ Long gồm hai chất liệu: Gốm xốp mỏng, nhẹ, làm từ đất sét pha nhiều vụn vỏ nhuyễn thể và gốm chắc làm từ đất sét có pha cát.

Số lượng gốm trang trí hoa văn ít, hoa văn kỹ thuật chiếm số lượng lớn (khoảng 60%), chủ yếu là văn thừng thô và thừng mịn. Hoa văn trang trí gồm hoa văn khắc vạch, trổ thủng, đắp nổi, in vỏ sò. Các họa tiết khắc vạch phổ biến là hình chữ S đơn, chữ S kép, hình sóng nước, hình những đường khắc vạch chéo cắt nhau tạo thành ô trám. Hoa văn khắc vạch hình chữ S thường trang trí trong miệng, trên miệng đồ đựng nhưng mô típ chữ S không cầu kỳ như những họa tiết chữ S trên đồ gốm Phùng Nguyên. Hoa văn khắc vạch các đồ án khác thường trang trí ở cổ hoặc chân đế hiện vật. Văn đai đắp nổi và văn trổ thủng ở phần chân đế hiện vật là đặc trưng của gốm Hạ Long, phong phú và đa dạng hơn văn đai đắp nổi gốm Phùng Nguyên. Kỹ thuật tô thổ hoàng đều được sử dụng trong gốm hai nền văn hóa này.

6.Với nhóm di tích Tràng Kênh - Đầu Rằm - Bồ Chuyến

Đồ gốm nhóm di tích này (đặc biệt gốm Bồ Chuyến) có loại gốm cứng, mịn, độ nung cao trang trí văn thừng, văn khắc vạch hình chữ S và văn băng chấm dải giữa hai đường khắc vạch rất giống gốm văn hóa Phùng Nguyên.

Đồ gốm di chỉ Đầu Rằm gồm hai chất liệu, loại gốm thô, dày, pha vỏ nhuyễn thể và loại gốm cứng ở lớp dưới trang trí hoa văn mang phong cách gốm Phùng Nguyên.

Đặc trưng của gốm nhóm các di chỉ này là gốm pha nhiều vỏ nhuyễn thể nên độ xốp cao. Hoa văn trang trí chủ yếu là văn khắc vạch hình chữ S, hình thoi, hình tam giác.... nhưng các nét vẽ thô chứ không mềm mại, uyển chuyển như hoa văn trang trí trên gốm văn hóa Phùng Nguyên.

7.Với Nam Trung Quốc

Trong sưu tập hiện vật di chỉ Đại Hoa Trạch, Đại Tôn Tử (Vân Nam) có những loại hình hiện vật giống gốm văn hóa Phùng Nguyên như dọi se sợi hình chóp nón. Tuy nhiên đồ gốm lại có sự khác nhau rõ nét. Văn hóa Phùng Nguyên không có gốm màu vàng chanh kiểu gốm Đại Tôn Tử nhưng di chỉ Đại Tôn Tử có đồ gốm hoa văn khắc vạch chìm kết hợp chấm dải giống gốm Phùng Nguyên. Điều đó cho thấy sự giao lưu trao đổi giữa văn hóa Phùng Nguyên và các di chỉ vùng Vân Nam.

Một loại hình di vật gốm độc đáo trong thời đại kim khí ở Việt Nam là chạc gốm cũng xuất hiện trong các di chỉ thuộc khu vực trung du và hạ du của sông Hoàng Hà và Trường Giang, tại các vùng Hoa Bắc, Tứ Xuyên, Quảng Đông, Hồ Bắc. Chạc gốm của Trung Quốc có hai loại: Hình trụ tròn thẳng đứng, dưới to trên nhỏ và hình trụ tròn nghiêng. Cả hai loại chạc này đều có thân rỗng, chân chạc đặc, có một lỗ tròn xuyên qua thân, nhánh phụ không phát triển và cũng có loại chạc gốm có quai giống chạc gốm di chỉ Lũng Hòa.

Bản vẽ 3: Các họa tiết hoa văn tiêu biểu đồ gốm văn hóa Hoa Lộc

[Nguồn: Phạm Văn Đấu 1999]

8.Một vài nhận xét

Văn hóa Phùng Nguyên có mối quan hệ đa chiều với các văn hóa, các nhóm cư dân cùng thời. Sự lan tỏa và mối giao lưu của văn hóa Phùng Nguyên đến các di chỉ thuộc vùng núi Sơn La (chủ yếu là phía Nam) theo hướng đường sông, thông qua hệ thống sông Đà. Với nhóm di tích Tràng Kênh - Đầu Rằm - Bồ Chuyến minh chứng cho hướng dịch chuyển dần từ vùng trung du xuống đồng bằng châu thổ và mở rộng ra biển của văn hóa Phùng Nguyên vào giai đoạn muộn.

Mối hệ giao với Nam Trung Quốc thông qua đồ đá rõ nét hơn so với đồ gốm. Tuy nhiên những sự giống nhau của đồ gốm các văn hóa cũng đã góp phần chứng minh được sự giao lưu của văn hóa Phùng Nguyên và các văn hóa cùng thời vùng Nam Trung Quốc.

TS.Bùi Thị Thu Phương

Tài liệu tham khảo

Nguyễn Văn Cường (2002), Văn hoá Mai Pha, Sở VHTT Lạng Sơn xuất bản

Nguyễn Kim Dung (1986), Báo cáo khai quật Tràng Kênh (Hải Phòng), Tư liệu Viện KCH, Hà Nội

Phạm Lý H­ương (1991), “Gốm Mả Đống và những mối quan hệ của nó”, Tạp chí KCH (3), tr.29 - 38

Hán Văn Khẩn (2005), “Thử tìm mối quan hệ của người Phùng Nguyên với những cư dân cùng thời ở Đông Nam Á và nam Trung Quốc”, Tạp chí KCH (2), tr. 15 - 27

Nguyễn Khắc Sử (chủ biên) (2000), Hà Giang thời Tiền sử, Sở VHTT - TT Hà Giang xuất bản.

Nguyễn Khắc Sử (chủ biên) (2003), Khảo cổ học tiền và sơ sử Sơn La, Nxb. KHXH, Hà Nội

Hà Văn Tấn (Chủ biên) (1998), Khảo cổ học Việt Nam tập I: Thời đại đá, Nxb. KHXH, Hà Nội

Hà Văn Tấn chủ biên (1999), Khảo cổ học Việt Nam, tập 2, Thời đại kim khí, Nxb KHXH, Hà Nội


Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Luyện kim đồng ở Đông Nam Áqua những nghiên cứu so sánh

Luyện kim đồng ở Đông Nam Áqua những nghiên cứu so sánh

  • 20/08/2018 13:08
  • 2636

1.Luyện kim đồng thau ở Việt Nam.