Ngày 26 - 27 tháng 7 năm 2017, trong quá trình thi công hút cát để xây dựng cảng nước sâu tại vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc khu vực đầu tư xây dựng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã phát hiện những mảnh gốm sứ và mảnh gỗ của tàu cổ đắm. Công ty Hào Hưng đã cho dừng thi công và báo cáo tình hình phát hiện di vật đến các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời có những chỉ đạo với các cơ quan ban ngành chức năng của địa phương tiến hành khảo sát và khoanh vùng bảo vệ.
Ngày 26 - 27 tháng 7 năm 2017, trong quá trình thi công hút cát để xây dựng cảng nước sâu tại vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, thuộc khu vực đầu tư xây dựng của Công ty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã phát hiện những mảnh gốm sứ và mảnh gỗ của tàu cổ đắm. Công ty Hào Hưng đã cho dừng thi công và báo cáo tình hình phát hiện di vật đến các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Ngãi. UBND tỉnh Quảng Ngãi đã kịp thời có những chỉ đạo với các cơ quan ban ngành chức năng của địa phương tiến hành khảo sát và khoanh vùng bảo vệ. Qua khảo sát đã phát hiện được xác tàu cổ, mạn tàu đã phát lộ, trên thân tàu có nhiều chồng gốm sứ. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng phương án khai quật khẩn cấp bằng vốn đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, qua việc xem xét, đánh giá giá trị, tầm vóc của di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam cũng như nhu cầu thực tiễn của công tác nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản dưới nước ở Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng đông đảo các nhà nghiên cứu trong nước đều mong muốn được tiến hành nghiên cứu, khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất đảm bảo chất lượng khoa học cao, lưu giữ được toàn vẹn con tàu với đầy đủ bộ sưu tập hiện vật và xác tàu để trưng bày phát huy giá trị, giới thiệu về văn hóa, lịch sử giao thương trên biển, quảng bá giá trị văn hóa biển đảo Việt Nam đến với công chúng, khách tham quan du lịch và bạn bè quốc tế. Đồng thời, thông qua công tác khai quật tàu cổ Dung Quất, có thể xây dựng quy trình khai quật khảo cổ dưới nước và đào tạo đội ngũ các nhà khảo cổ dưới nước chuyên nghiệp.
Sơ đồ vị trí phát hiện tàu đắm tại khu vực công trường xây dựng cảng chuyên dùng Dung Quất (Thôn Tuyết Diêm 3, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi)
Hiện trường khu vực phát hiện tàu cổ Dung Quất
Lặn thăm dò, xác định vị trí tàu cổ Dung Quất
Hiện vật tìm thấy ở tàu cổ Dung Quất
Có thể nói, đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, thực hiện nghiêm túc các hiến chương và công ước quốc tế về việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dưới nước. Chúng tôi, qua bài viết này, xin điểm lại tình hình nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam trong những năm qua, trên cơ sở đó đề xuất những bước đi cụ thể, cần thiết cho việc tiến hành nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đạt kết quả tốt đẹp.
1.Tình hình nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam trong những năm qua
Việt Nam là một quốc gia nằm ở phía đông bán đảo Đông Dương, thuộc khu vực Đông Nam Á, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây giáp Lào và Campuchia, phía tây nam giáp vịnh Thái Lan, phía đông và phía nam giáp Biển Đông, với 3.260km bờ biển và có gần 3.000 hòn đảo, bãi đá ngầm lớn nhỏ ở gần và xa bờ. Do vị trí địa lí nằm án ngữ trên con đường hàng hải nối liền giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, nên vùng biển Việt Nam có vị thế đặc biệt quan trọng trong giao lưu kinh tế và văn hóa với các nước trên thế giới. Việt Nam sớm chứng kiến sự bùng nổ của giao thương quốc tế qua vùng biển của mình và tham gia tích cực vào con đường thương mại trên biển, trong đó mặt hàng xuất nhập khẩu quan trọng nhất là đồ gốm sứ. Do vậy, có thể nói, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng rất lớn trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dưới nước, đặc biệt là hệ thống bến cảng cổ ven biển và những con tàu cổ đắm trên vùng biển Việt Nam.
Thực tế cho thấy, từ năm 1990 đến nay, trên vùng Biển Đông Việt Nam đã phát hiện hàng chục con tàu chở gốm sứ bị đắm, trong đó có 06 con tàu đã được khai quật, gồm: tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa - Vũng Tàu), tàu cổ Hòn Dầm (Kiên Giang), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tàu cổ Cà Mau (Cà Mau), tàu cổ Bình Thuận (Bình Thuận) và tàu cổ Bình Châu (Quảng Ngãi).
- Tàu cổ Hòn Cau (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), nằm cách đảo Hòn Cau 15km, ở độ sâu 40m, được tiến hành khai quật từ tháng 6/1990, do Công ty Visal (Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam) hợp đồng với Công ty Hallstrom Holdings Oceanic của Thụy Điển thực hiện với sự tham gia của các thợ lặn trong nước và nước ngoài. Cuộc khai quật được tiến hành dưới sự chỉ đạo chuyên môn của các nhà Khảo cổ học thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin (Cục Bảo tồn - Bảo tàng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo). Tháng 7/1991, công việc khai quật, xử lý bảo quản, chỉnh lý, phân loại và giám định niên đại hiện vật mới được hoàn thành. Kết quả đã xác định hình dáng con tàu dài 32,71m, rộng gần 9m, hiện vật thu được có số lượng trên 60.000 tiêu bản, tập trung chủ yếu là đồ gốm sứ Trung Quốc có niên đại sản xuất vào năm 1690. Tuy nhiên, xác tàu đã không được trục vớt.
- Tàu cổ Hòn Dầm (tỉnh Kiên Giang) được bắt đầu khai quật vào tháng 5 năm 1991. Tàu nằm ở độ sâu hơn 17m, trên vùng biển Hòn Dầm, Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Tàu có chiều dài gần 30m, rộng gần 7m. Kết quả đã trục vớt được gần 16.000 hiện vật đồ gốm men ngọc và nâu, có nguồn gốc sản xuất từ lò gốm Sawankhalok (Thái Lan) vào thế kỷ 15. Cuộc khai quật này có sự tham gia của thợ lặn Việt Nam và các chuyên gia khảo cổ học M. Flecker và W. Blake.
- Tàu cổ Cù Lao Chàm (tỉnh Quảng Nam) nằm ở độ sâu 70 – 72m, được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cùng với Công ty Visal và Công ty Saga Horizon (Malaysia) phối hợp tiến hành thăm dò và khai quật từ tháng 5/1997 cho đến tháng 6/1999. Tham gia cuộc khai quật còn có nhiều chuyên gia khảo cổ học trong nước và nước ngoài. Kết quả đã xác định dấu vết con tàu dài 29,4m, rộng 7,2m, trong lòng tàu chia 19 khoang, gỗ đóng tàu là loại gỗ Tếch còn tốt và các thanh dầm ngăn cách các khoang còn thấy độ ghép chắc chắn. Tuy nhiên xác tàu cũng không được trục vớt. Số lượng cổ vật thu được trên 240.000 hiện vật, chủ yếu là đồ gốm hoa lam sản xuất tại vùng Chu Đậu (Hải Dương) và Thăng Long (Hà Nội), có niên đại vào nửa cuối thế kỷ 15. Trong tàu còn có một số đồ gốm sứ Trung Quốc và Thái Lan là đồ dùng của thuỷ thủ đoàn. Do Việt Nam đã ký hợp đồng để công ty Saga bỏ vốn khai quật và hưởng phần trăm nên phần lớn các cổ vật thuộc về công ty, phía Việt Nam chỉ được hưởng một tỷ lệ nhỏ phân chia cho 5 bảo tàng lưu giữ, trưng bày, giới thiệu với công chúng.
- Tàu cổ Cà Mau (tỉnh Cà Mau) do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Công ty Visal và Bảo tàng tỉnh Cà Mau tổ chức khai quật ở vùng biển tỉnh Cà Mau từ tháng 8/1998 đến tháng 10/1999. Con tàu nằm ở độ sâu 35m và chỉ còn dấu vết chiều dài khoảng 24m và rộng gần 8m. Số lượng cổ vật thu được từ con tàu gồm hơn 60.000 hiện vật. Nhưng tổng số thu thập các nguồn khai thác trái phép bị thu giữ thì số lượng lên tới gần 130.000 hiện vật. Tập trung nhiều nhất là đồ gốm sứ men trắng vẽ lam và kết hợp vẽ nhiều màu, có nguồn gốc sản xuất từ Trung Quốc vào đời Ung Chính (1723 - 1735). Đây là cuộc khai quật khảo cổ dưới nước đầu tiên hoàn toàn sử dụng kinh phí của nhà nước, do các nhà khảo cổ và thợ lặn Việt Nam thực hiện, không có sự tham gia của nước ngoài.
- Tàu cổ Bình Thuận (tỉnh Bình Thuận) được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Công ty Visal khai quật từ năm 2001 đến 2002, ở độ sâu 39 - 40m. Tàu có chiều dài 23,4m và rộng 7,2m, với kết cấu 25 khoang. Kết quả khai quật đã thu được hơn 61.000 hiện vật, chủ yếu là gốm sứ Trung Quốc. Niên đại của tàu được xác định vào khoảng thế kỷ 16 - 17.
Khai quật tàu cổ Bình Châu, Quảng Ngãi năm 2013
- Tàu cổ Bình Châu (tỉnh Quảng Ngãi) được ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện vào tháng 9 năm 2012. Từ ngày 04/6 đến ngày 23/6/2013, cuộc khai quật đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương (Quảng Ngãi) phối hợp thực hiện, dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ngãi. Do vị trí gần bờ (tàu nằm cách bờ biển Bình Châu khoảng 200m, ở độ sâu 3,5 - 4m so với mực nước biển) nên các nhà khảo cổ đã thống nhất phương án khai quật làm kè đê vây chắn sóng ngăn nước bằng hệ thống cọc vây cừ lá sen rồi bơm nước trong khu vực tàu cổ đắm để tiến hành khai quật như trên cạn. Đây là phương án khai quật chưa từng có trong khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam. Với phương án này, việc khai quật sẽ đảm bảo an toàn hơn, đồng thời có thể nghiên cứu về con tàu đắm mà 5 cuộc khai quật tàu cổ trước đó chưa thể thực hiện được. Kết quả đã thu được 91 thùng hiện vật nguyên và 177 thùng hiện vật vỡ, tổng số là 268 thùng. Ngoài ra, trong hai ngày 25 và 26 tháng 6 năm 2013, tiếp tục thu được 06 thùng hiện vật khi thổi bùn cát khu vực xung quanh con tàu. Sau khi đã hút cạn bùn cát, xác tàu đã lộ rõ với chiều dài từ đuôi đến phần mũi tàu còn lại là 20,5m, chiều ngang rộng nhất của tàu nằm phía sau khoảng giữa tàu là 5,6m, thân tàu được chia làm 13 khoang với 12 vách ngăn. Trong tàu tìm được một số đồ kim loại như: gương đồng, quả cân đồng, đinh thuyền, tiền đồng. Hàng hóa trong tàu là đồ gốm sứ Trung Hoa. Qua nghiên cứu có thể xác định đây là các loại đồ gốm sứ thuộc thế kỷ 13, thời nhà Nguyên.
Như vậy, sau gần 30 năm, kết quả khai quật các con tàu cổ đắm trên vùng biển Việt Nam đã thu được hơn 500.000 tiêu bản hiện vật gốm sứ, có nguồn gốc từ Việt Nam, Thái Lan và Trung Hoa, nằm trong khung niên đại từ thế kỷ 13 cho đến thế kỷ 18. Các sưu tập gốm sứ thu được từ những con tàu cổ này có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế lớn, trong đó có nhiều sưu tập độc bản, quý hiếm, có những hiện vật được định giá bảo hiểm lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là phần lớn các cuộc khai quật tàu cổ nói trên đều được tiến hành dựa trên nguồn kinh phí của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do đó, những cổ vật thu thập được đều phải phân chia cho doanh nghiệp hoặc đem bán đấu giá, đặc biệt xác tàu cổ không được trục vớt, nghiên cứu kỹ càng, dẫn đến sự thất thoát, không toàn vẹn của bộ sưu tập. Vì vậy, việc phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước ở Việt Nam cũng rất hạn chế và lãng phí
Sơ đồ 6 con tàu đắm cổ
2.Đề xuất những bước đi cần thiết trong nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam
Thực tế cho thấy việc đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác khai quật tàu cổ đắm nói riêng và nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước nói chung là rất cần thiết trong bối cảnh nước ta hiện nay, nó càng có ý nghĩa hơn trong việc khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện rõ trong Nghị định số 86/2005/NĐ-CP ngày 08/7/2005 của Chính phủ về Quản lý và Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước: “Xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước”.
Để công tác nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam phát triển bền vững, đúng quy trình và đạt những kết quả mong muốn, cần phải có những bước đi cụ thể, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.
2.1. Xác định rõ đối tượng, mục tiêu và phương pháp nghiên cứu, khai quật
Chúng ta đã biết, mỗi một lĩnh vực nghiên cứu đều có đối tượng và mục tiêu nghiên cứu khác nhau, khi xác định được đối tượng và mục tiêu thì mới có phương pháp nghiên cứu. Đối với việc nghiên cứu, khai quật những con tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam, chúng ta cần phải xác định rõ được mục tiêu khoa học, từ đó mới có phương pháp và kỹ thuật phù hợp.
Từ trước đến nay, những con tàu cổ đắm được chúng ta tiến hành khai quật, do hạn chế nhiều mặt (tài chính, phương tiện, thiết bị và nhân lực) nên mục tiêu chủ yếu là trục vớt cổ vật. Hơn nữa, việc phát hiện các con tàu đắm đều do ngư dân phát hiện ngẫu nhiên, không có sự chủ động từ phía các nhà nghiên cứu nên di sản đa phần đã bị xâm hại nghiêm trọng, nhiều cổ vật bị thất thoát, không gian phân bố bị xáo trộn, biến dạng, gây khó khăn cho công tác nghiên cứu. Do vậy, cơ quan nghiên cứu cần chủ động khảo sát, phát hiện, đánh giá trữ lượng, xác định vị trí tàu đắm và khoanh vùng bảo vệ.
Khi phát hiện được tàu đắm, công việc đầu tiên là tiến hành khảo sát, thăm dò, nghiên cứu kỹ vị trí con tàu, độ nông sâu của nước cùng với các đặc điểm về địa hình, dòng chảy và khí hậu của khu vực, từ đó có thể xác định thời gian, kinh phí và lập phương pháp thích hợp cho cuộc khai quật.
Bước tiếp theo là xác định rõ mục tiêu khoa học của cuộc khai quật, như: nghiên cứu nguồn gốc và hàng hóa chuyên chở của con tàu, chủ nhân của tàu, hải trình tàu, nguyên nhân bị chìm đắm… Trong đó, điều quan trọng nhất là bản thân con tàu như kích thước, vật liệu, kỹ thuật đóng tàu, nguồn gốc và chủ nhân của tàu để từ đó nghiên cứu về kỹ thuật đóng tàu và các lĩnh vực liên quan khác như lịch sử hàng hải, giao thông, thương mại… Theo đó, hàng hóa chuyên chở trên tàu không phải là điều cốt yếu đối với một cuộc khai quật tàu cổ đắm. Vì vậy, trong quá trình khai quật, tất cả các cứ liệu sẽ không bị bỏ qua dù là những chi tiết nhỏ nhất của con tàu, đặc biệt là khâu công tác đo, vẽ, chụp ảnh, quay phim phải được tiến hành xử lý cẩn thận, tỉ mỉ, trước khi tiến hành bóc dỡ, trục vớt hàng hóa trên tàu và xác tàu. Để làm tốt điều này, cần có sự tham gia lặn trực tiếp của nhà khảo cổ học dưới nước.
Nếu xác định rõ được mục tiêu và tiến hành nghiên cứu, khai quật một cách khoa học, bài bản thì chắc chắn những thông tin khoa học thu thập được sẽ góp phần quan trọng cho quá trình nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu và phục dựng lại hành trình trên biển của các con tàu cũng như con đường thương mại cổ của Việt Nam và các quốc gia trên vùng biển Việt Nam, mà ta thường gọi là “con đường tơ lụa trên biển”. Đây chính là hạn chế mà chúng ta gặp phải từ các cuộc khai quật tàu cổ đắm trong những năm qua.
2.2. Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà nghiên cứu khảo cổ học dưới nước
Thực tế ở nước ta trong những năm qua do thiếu đội ngũ chuyên môn về khảo cổ học dưới nước nên mọi công trình khai quật đều gặp những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, bởi người biết lặn thì không biết làm khảo cổ và người có chuyên môn khảo cổ thì không biết lặn. Sự thiếu vắng đội ngũ chuyên môn và cơ quan chuyên sâu đã làm cho chúng ta bị động trong công tác nghiên cứu, khai quật. Chúng ta chưa có những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ, định vị những con tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam, qua đó có thể chủ động nghiên cứu, bảo vệ di sản và tránh được sự tàn phá, khai thác bừa bãi như đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, để đảm bảo cho các nhà nghiên cứu làm việc dưới nước an toàn, có đầy đủ kỹ năng sử dụng (vận hành, duy trì và sửa chữa) các thiết bị lặn cùng các thiết bị hiện đại khác, có phông kiến thức rộng đủ để giải quyết các vấn đề khoa học có liên quan và có khả năng phối hợp với các chuyên gia liên ngành là một vấn đề không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được.
Trong 5 năm vừa qua, nhận thức được những hạn chế về vấn đề này, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện Khảo cổ học đã cử nhiều cán bộ nghiên cứu trẻ tham dự các khóa tập huấn, đào tạo lặn ở Hàn Quốc, Thái Lan… để có khả năng lặn khảo sát và nghiên cứu dưới nước. Năm 2013, Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam thành lập phòng Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước, sau đó là Trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước thuộc Viện Khảo cổ học. Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong định hướng tương lai gần cũng sẽ thành lập bộ phận chuyên trách về lĩnh vực này, vừa thực hiện nghiên cứu khai quật khảo cổ học gắn với phát huy giá trị di sản văn hóa biển. Tuy nhiên, đến nay giới khảo cổ học Việt Nam vẫn chưa thể đáp ứng được hết yêu cầu thực tiễn, cấp bách của ngành. Do vậy, trrước mắt, các cơ quan nghiên cứu khảo cổ của Việt Nam cần tiếp tục duy trì các đợt tập huấn định kỳ tại Việt Nam và lựa chọn, cử người đi đào tạo ở nước ngoài. Đặc biệt, việc liên kết, hợp tác với các đơn vị, tổ chức nước ngoài trong công tác điều tra, khảo sát, khai quật khảo cổ dưới nước sẽ là môi trường tốt để đào tạo cán bộ trẻ. Cuộc khai quật tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đợt này với sự giúp đỡ của Viện Nghiên cứu Di sản văn hóa biển Quốc gia Hàn Quốc sẽ là cơ hội tốt nhất cho các nhà khảo cổ Việt Nam được học hỏi và trải nghiệm.
Về lâu dài, công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam cần được đào tạo bài bản ở trình độ đại học, sau đại học và có chứng chỉ hành nghề.
2.3. Xây dựng hệ thống pháp lý về bảo vệ di sản khảo cổ học dưới nước
Ở Việt Nam, khái niệm khảo cổ học dưới nước và di sản văn hóa dưới nước được chú ý đến từ những năm cuối thế kỷ XX và cũng đang trong quá trình hình thành và phát triển. Do đó, việc xây dựng những hệ thống pháp lý về bảo vệ di sản khảo cổ học dưới nước ở nước ta còn nhiều bất cập so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu như lấy dấu mốc năm 1990, khi phát hiện và khai quật tàu cổ Hòn Cau, thì mãi đến năm 2001, Việt Nam mới bắt đầu tham gia vào Công ước Bảo vệ di sản văn hóa dưới nước; năm 2005, lần đầu tiên Chính phủ mới ban hành Nghị định số 86/2005/NĐ-CP về Quản lý và bảo vệ Di sản văn hóa dưới nước; năm 2009 ban hành Nghị định số 96/2009/NĐ-CP về việc xử lý tài sản bị chôn dấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam; năm 2017 ban hành Nghị định số 05/2017/NĐ-CP quy định về xử lý tài sản chìm đắm trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện theo các điều khoản trong các nghị định vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, như sau khi phát hiện ra di tích, di sản dưới nước, để làm đúng quy trình khai quật thì vấn đề bảo vệ hiện trường rất khó khăn, thường dẫn đến việc người dân phá hoại di tích trước khi cơ quan chức năng bắt tay vào khảo sát như trường hợp khảo sát tàu tọa độ X3 ở Vũng Tàu hay việc phát hiện tàu cổ Bình Châu ở Quảng Ngãi gần đây. Hiện nay, ở vùng Biển Đông Việt Nam, hoạt động lặn vớt cổ vật trong các con tàu đắm vẫn diễn ra liên tục, thiếu sự quản lý, giám sát chặt chẽ và bảo vệ nghiêm ngặt những nguồn di sản quý giá đó từ các đơn vị chức năng.
Hơn nữa, như trên đã đề cập, do điều kiện hạn chế về năng lực chuyên môn và khả năng tài chính, việc tiến hành khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam đều phải hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, sau khi khai quật, phần nhiều hiện vật đều phải phân chia cho các doanh nghiệp, nhà nước chỉ giữ lại hiện vật độc bản và một vài bộ sưu tập mẫu, tiêu biểu để phân chia cho các bảo tàng trong nước phát huy. Như vậy, rõ ràng khi phân chia những hiện vật còn lại sẽ trở nên nhỏ bé, lẻ loi trong các bảo tàng, và khó mà phát huy giá trị như những di sản độc đáo của Việt Nam. Những hiện vật được đem bán đấu giá cũng trở thành tài sản, hàng hóa thương mại, mất hẳn giá trị vốn quý của nó.
Do vậy, đã đến lúc chúng ta cần xây dựng một chính sách, chiến lược lâu dài để bảo vệ, quản lý các di sản văn hóa dưới nước, ngăn chặn kịp thời hoạt động trục vớt, phá hoại phi pháp, đồng thời đầu tư đồng bộ để Việt Nam chủ động trong công tác điều tra, khảo sát, nghiên cứu, khai quật và lưu giữ, bảo tồn toàn vẹn con tàu và hiện vật để phát huy giá trị di sản, tránh sự phân tán, gây thất thoát. Làm được như vậy, các giá trị của di sản sẽ được cộng hưởng, không chỉ phản ánh đầy đủ ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa mà còn có sức hút mạnh mẽ đối với kháchtham quan, du lịch. Khi đó, cơ hội thu hồi kinh phí đầu tư nghiên cứu, khai quật con tàu và hiện vật lớn, đảm bảo nguồn thu lâu dài và bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
2.4. Xây dựng cơ sở, quy trình bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước
Chúng ta biết rằng di sản văn hóa dưới nước là loại hình di sản đặc biệt bởi nó thuộc về một môi trường đặc biệt mà không một ai bằng cách thông thường có thể nhận biết được. Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước phải theo một phương pháp riêng, bảo quản và trưng bày phát huy di sản văn hóa dưới nước cũng phải theo một cách thức riêng.
- Trước hết, về công tác bảo quản, chúng ta biết rằng, trục vớt xác tàu và cổ vật dưới biển, nếu không có cách bảo quản, đồng nghĩa với việc phá hủy nó. Nhiều khi nó nằm ở đáy biển, cả nước biển lẫn nhiệt độ sẽ giúp hiện vật và xác tàu tồn tại hàng nghìn năm. Nhưng khi đưa lên, từ nhiệt độ, cộng với việc tách ra khỏi môi trường nước biển, hiện vật và xác tàu sẽ bị hư hại. Ở Việt Nam, ngành bảo quản hiện vật sau khai quật vẫn là vấn đề lớn, không riêng gì cổ vật dưới đáy biển mà cả trong lòng đất cũng thế. Tuy nhiên, đối với hiện và và xác tàu khi đã khai quật và trục vớt lên bờ cần phải có những giải pháp bảo quản hiện vật khác nhau. Công việc này, trước đây, do nhiều nguyên nhân, chúng ta chưa thể hoặc can thiệp quá muộn, làm ảnh hưởng đến chất lượng hiện vật. Trong điều kiện hiện nay, với trình độ khoa học phát triển, việc tiến hành xử lý bảo quản hiện vật và xác tàu đã có những kết quả đáng ghi nhận.
Kinh nghiệm từ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, đối với hiện vật gốm sứ, để bảo vệ hiện vật không bị bong tróc, hoặc bay màu men, vấn đề quan trọng nhất là thực hiện quy trình khử, loại bỏ hàm lượng muối từ nước biển. Để thực hiện được điều này thì ngay khi hiện vật mới được trục vớt lên bờ phải có những bể hoặc thùng ngâm hiện vật bằng nước ngọt. Quá trình ngâm rã mặn phải được tiến hành liên tục, lâu dài (từ 6 - 12 tháng), trong suốt quá trình đó cần tăng dần tỷ lệ nước ngọt và giảm dần tỷ lệ nước mặn, sau đó ngâm hoàn toàn bằng nước ngọt. Sau quá trình ngâm rã mặn, hiện vật được làm sạch, loại bỏ tạp chất bám trên bề mặt, sau đó tiến hành gia cố tăng độ bền và cố định lớp men. Bước cuối cùng sẽ là cho hiện vật vào tủ sấy để làm khô hiện vật.
Đối với xác tàu gỗ, theo kinh nghiệm trên thế giới thì biện pháp xử lý bảo quản sẽ phức tạp hơn, chiếm thời gian lâu dài hơn và đầu tư nguồn kinh phí cực lớn. Ngoài việc ngâm rã mặn trong bể, quy trình xử lý bảo quản cần phải làm sạch bề mặt, loại bỏ tạp chất, sau đó gia cố gỗ và thân tàu, đưa hiện vật vào bể ngâm gia nhiệt chuyên dụng. Quá trình làm khô và hoàn thiện bề mặt gỗ cũng như phục dựng lại xác tàu phải luôn được xử lý trong phòng kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và có máy sấy khô để đảm bảo gỗ không bị co ngót hay nứt vỡ. Vấn đề này đòi hỏi đội ngũ chuyên gia bảo quản dày kinh nghiệm và đầu tư kinh phí lớn. Ở nước ta, việc bảo quản hiện vật bằng chất liệu gỗ hiện nay vẫn đang là thách thức lớn, trong khi đó kinh nghiệm bảo quản xác tàu chưa có, cần sự đầu tư học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và nguồn kinh phí lớn.
- Với công tác trưng bày và phát huy giá trị di sản dưới nước, đến nay mong mỏi lớn nhất của các nhà nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa Việt Nam, ngoài việc thành lập những trung tâm nghiên cứu lớn, chuyên sâu, xây dựng đội ngũ chuyên môn cao là việc xây dựng được bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước của Việt Nam.
Hiện nay, trên thế giới, nhiều bảo tàng di sản văn hóa dưới nước đã được xây dựng với những thiết kế và trưng bày trực quan, sinh động, góp phần giúp công chúng, đặc biệt giới trẻ tăng thêm nhiều hiểu biết về lịch sử Hàng hải đất nước, cũng như khơi dậy niềm đam mê, ham học hỏi của những người yêu lịch sử đất nước họ. Đơn cử như Bảo tàng Vasa (Vasamuseet), trưng bày tàn tích của con tàu chiến Thụy Điển (năm 1628) bị chìm ngay trong chuyến đi đầu tiên, được phát hiện ở cảng Stockholm; Bảo tàng Mary Rose ở Anh, phục dựng và trưng bày Con tàu Mary Rose bị chìm vào ngày 9/7/1545 khi vua Henry 8 chỉ huy tấn công vào hạm đội của Pháp; Bảo tàng về Biển Đông ở Hải Nam, Trung Quốc; Bảo tàng trải nghiệm Hàng hải ở Singapore; Bảo tàng Hàng Hải ở Brunei, Thái Lan…
Bên cạnh các loại hình bảo tàng, trên thế giới loại hình bảo tồn tại chỗ cũng đã được nhiều nước thực hiện như tại Anh, Mỹ, Ba Lan, Đôminica, họ đã biến các khu vực tàu đắm thành địa điểm du lịch lặn biển nổi tiếng... Điển hình là trường hợp bảo tồn và phát huy giá trị Soái hạm Arizona của Hải quân Mỹ bị chìm trong trận chiến Trân Châu Cảng năm 1942, thu hút hàng trăm triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Như vậy, việc trưng bày, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước của các nước trên thế giới đã được tổ chức rất hiệu quả, ngoài việc thu hút khách tham quan, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, còn góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của mỗi quốc gia. Đây là bài học quý báu để Việt Nam có thể học hỏi và tổ chức trưng bày, phát huy các giá trị di sản văn hóa dưới nước vô cùng quý giá và giàu tiềm năng này.
Hiện vật tàu đắm được trưng bày trong chuyên đề “Báu vật Khảo cổ học Việt Nam” tại BTLSQG
2.5. Cần có sự đầu tư của Nhà nước
Như trên đã nói, Việt Nam là một trong các quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước, đặc biệt là di sản sản tàu cổ đắm, song, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực này. Phần lớn những con tàu cổ bị đắm đều do ngư dân địa phương phát hiện ngẫu nhiên và các công ty tư nhân tiến hành trục vớt cho nên tình trạng lấy cắp cổ vật, "chảy máu cổ vật" như ở Cà Mau, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã và đang diễn ra khá phức tạp. Từ thực tiễn nghiên cứu, khai quật và mong muốn lưu giữ toàn vẹn di sản tàu cổ đắm để trưng bày và phát huy giá trị; từ nhu cầu cần thiết phải xây dựng được những trung tâm nghiên cứu lớn, đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao và được trang bị hệ thống thiết bị chuyên nghiệp, cần thiết để hoạt động lĩnh vực này có hệ thống và bài bản; có định hướng chiến lược, chủ động trong công tác điều tra, khảo sát, thăm dò, khoanh vùng bảo vệ và lập bản đồ phân bố, xác định trữ lượng các di tích khảo cổ học dưới nước trên phạm vi toàn quốc, đã đến lúc Nhà nước cũng như cơ quan chức năng cần có kế hoạch đầu tư toàn diện, quan tâm công tác giáo dục truyền thông, nâng cao nhận thức cho người dân nhất là các vùng biển có tàu cổ đắm về giá trị của di sản văn hóa dưới nước, gắn với việc bảo tồn, khai thác du lịch nhằm giúp họ cải thiện đời sống. Đồng thời có chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm ngăn chặn tình trạng trục vớt trái phép các di tích, di vật dưới nước; nạn trộm cắp, buôn bán cổ vật đang diễn ra tại một số địa phương...
Hiện nay, nếu so các nước phát triển, khảo cổ học dưới nước của ta tụt hậu khoảng 50 năm, riêng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đi sau 20 - 30 năm. Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển của công tác nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm hiện nay, khảo cổ học dưới nước Việt nam cũng cần tăng cường sự hợp tác, liên kết với các cơ quan nghiên cứu, đơn vị kỹ thuật trong và ngoài nước; cần có nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, hợp tác nghiên cứu theo hình thức các đề tài, dự án, nghị định thư với các nước khác nhằm làm sáng tỏ các vấn đề về học thuật. Đồng thời, trong các trường đại học, cao đẳng cần xây dựng chương trình, nội dung giảng dạy về khảo cổ học dưới nước cho sinh viên nhận thức và tìm hiểu. Đây cũng là việc làm thiết thực khi hội nhập quốc tế đang diễn ra sâu rộng và tranh chấp trên Biển Đông ngày càng phức tạp.
Thay lời kết
Có thể nói, mặc dù là một quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước nhưng Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc bảo vệ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa dưới nước. Từ thực tiễn phát hiện tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi, công tác nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản tàu cổ đắm ở vùng biển Việt Nam đã đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm và định hướng rõ ràng từ Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ và quản lý di sản văn hóa dưới nước.
Đã đến lúc chúng ta cần có những bước đi cần thiết, chủ động trong công tác nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di sản, trong đó thể hiện rõ về nhận thức, mục tiêu, quy trình và phương pháp nghiên cứu; về việc xây dựng chiến lược nghiên cứu và đào tạo đội ngũ chuyên gia có thể đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong lĩnh vực này; về việc quản lý và bảo vệ di sản cũng như xây dựng cơ sở vật chất, thành lập những trung tâm nghiên cứu, bảo quản và trưng bày, phát huy giá trị các di sản vô giá này. Cuộc khai quật tàu cổ đắm ở vùng biển Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi bằng nguồn ngân sách nhà nước, được các nhà khảo cổ học trong nước tiến hành nghiên cứu, khai quật độc lập sẽ là bước đi đầu tiên, đánh dấu sự trưởng thành và phát triển của khảo cổ học dưới nước Việt Nam.
Nguyễn Văn Đoàn
Nguyễn Ngọc Chất