Thứ Bảy, 12/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

19/07/2018 13:19 3234
Điểm: 5/5 (2 đánh giá)
Phần 2 và hết III. Một số vấn đề kinh tế - văn hóa – xã hội từ dữ liệu mộ táng và cư trú. Tang lễ là nơi biểu thị vật chất của hoạt động giao tiếp và văn hóa vật chất trong tang lễ không đơn thuần là cái còn lại, phần chuyên chở thụ động của thông tin về đặc tính giao tiếp (như bản sắc tộc người, vị thế…), thay vào đó văn hóa vật chất này là phần tích cực, không tách rời của cả hệ thống[1] .

Phần 2 và hết

III. Một số vấn đề kinh tế - văn hóa – xã hội từ dữ liệu mộ táng và cư trú.

Tang lễ là nơi biểu thị vật chất của hoạt động giao tiếp và văn hóa vật chất trong tang lễ không đơn thuần là cái còn lại, phần chuyên chở thụ động của thông tin về đặc tính giao tiếp (như bản sắc tộc người, vị thế…), thay vào đó văn hóa vật chất này là phần tích cực, không tách rời của cả hệ thống[1] .

Mai táng và nghi lễ kèm theo thể hiện một cách sinh động các mối quan hệ xã hội cho dù đó là các xã hội dạng đơn giản (kiểu bình quân địa tầng) hay xã hội phức hợp (kiểu phân tầng). Sự kiện mai táng vừa là nghi lễ (mang tính chất tín ngưỡng, tôn giáo…) vừa là sự kiện xã hội hay thậm chí là chính trị… Sự kiện có tính kết hợp này phản ánh gần đầy đủ những khía cạnh khác nhau của đời sống cá nhân và cộng đồng. Từ góc độ tâm lý văn hóa lễ mai táng còn mang tính đặc thù về thời gian và không gian mà ở đó cách ứng xử (giữa người sống với người chết, giữa người sống với người sống…) sẽ khác hơn so với thông thường.

Binford một đại diện tiêu biểu của Khảo cổ học Mới và muộn hơn là Khảo cổ học Quá trình, qua nghiên cứu liên văn hoá sử dụng tư liệu từ hàng chục các xã hội khác nhau đã nhận thấy như sau:

Có sự tương liên trực tiếp giữa cấp bậc xã hội của người chết với số lượng người quan hệ với người chết và
Những khía cạnh của thân phận xã hội ngưòi chết được nhận biết qua phong tục. Nghi lễ mai táng biến đổi một cách trực tiếp theo cấp bậc tương đối của vị thế xã hội khi còn sống của người chết[2] .
Và nhiều vấn đề khác nữa.

Tuy nhiên mỗi xã hội lại sẽ có những quy chuẩn riêng mà đôi khi không hợp với những nguyên tắc có tính chất chung đã được tổng kết từ các xã hội khác.

Từ quan điểm tiếp cận trên, sử dụng những tư liệu từ mộ táng và liên quan đến mộ táng, chúng tôi thử tìm cách lý giải một số vấn đề liên quan đến đời sống kinh tế văn hóa xã hội của cư dân Sa Huỳnh. Tuy nhiên, một số ý kiến đưa ra chưa thể hoàn chỉnh, đôi khi mang tính võ đoán do tư liệu ít về số lượng, lại chưa được nghiên cứu đầy đủ về tính chất. Nguyên nhân vì các báo cáo khai quật cho tới nay chủ yếu mới chỉ cung cấp số liệu liên quan đến loại hình của đồ tuỳ táng và quan tài táng, gần như không có số liệu về nhân chủng học, bệnh lý, chế độ ăn, thức ăn, đồ ăn chôn theo hay sử dụng trong tang lễ.

III.1. Cấu trúc của nghĩa địa, táng thức và táng tục.

Địa thế của nghĩa địa: Từ vị thế của các khu mộ và cách phân bố chum mộ có thể thấy cư dân cổ đã dành riêng những khu đất đảm bảo các yêu cầu như gần kề nơi ở, cao ráo và ít bị tác động bởi lũ lụt để làm nghĩa địa và mộ được chôn theo một sơ đồ hay quy hoạch có từ trước. Điều này chứng tỏ mỗi khu nghĩa địa thuộc về một nhóm cư dân. Họ sử dụng, khai thác từ đời này sang đời khác theo quan hệ có chung những ông bà tổ tiên và duy trì qua các thế hệ con cháu. Việc chọn khu đất thích hợp chôn cất người chết nhằm biểu thị quan niệm về sự vĩnh cửu của con người. Nhà khảo cổ người Mỹ Arthur Saxe cho rằng quyền sở hữu đất đai của một cộng đồng/nhóm người dựa vào sự phán truyền của Tổ tiên[3] . Người sống dành những phần đất “trang trọng” để an táng tổ tiên. Kết luận này được đúc kết từ nghiên cứu so sánh tư liệu của ít nhất 30 xã hội khác nhau và dù chưa phải là mẫu số chung, nhưng có thể thích hợp khi áp dụng cho đa số xã hội, đặc biệt là xã hội Phương Đông. Như vậy, có thể việc chôn theo từng cụm từ 3, 5, 7 chum trong văn hoá Sa Huỳnh phản ánh kiểu quan hệ gia đình dòng họ, có thể mỗi cụm hay nhóm cụm là khu vực chôn của một gia đình hay một dòng họ. Khu đất nghĩa địa thường do cư dân khu cư trú liền kề duy trì, quản lý và sử dụng[4].

Cấu trúc nghĩa địa: Phân bố mộ trong khu nghĩa địa và một số cách xử lý mộ. Chúng ta không có nhiều tư liệu để khôi phục lại sơ đồ phân bố các mộ trong một khu nghĩa địa. Nguyên nhân chủ yếu là các địa điểm thường bị phá huỷ trước khi các nhà khảo cổ có mặt để khai quật. Nhiều địa điểm mới chỉ được khai quật một phần, một số địa điểm tư liệu thiếu những chỉ dẫn cần thiết. Theo quan sát của các nhà nghiên cứu, những chum mộ được chôn theo một số cách như sau:

Phân bố mộ theo kiểu ô bàn cờ (như mộ Cồn Dài –TT, Huế);
Phân bố theo từng hàng (như mộ Gò Dừa- Quảng Nam) (bản vẽ 1);

Phân bố mộ Gò Dừa (nguồn tác giả)

Phổ biến nhất là lối chôn thành từng cụm (ở rất nhiều địa điểm đều thấy báo cáo mộ chum chôn theo cụm).

Khoảng cách giữa các chum không đều và ở một vài địa điểm có hiện tượng chum chôn chồng lên nhau. Ở một số địa điểm những người khai quật đã xác định được dạng biên mộ. Ở địa điểm An Bang tất cả các mộ chum đều có biên mộ hình ô van, có trường hợp hai mộ chung trong một biên mộ[5]. Một số mộ ở Gò Mả Vôi biên mộ hình tròn, có đường kính lớn hơn chum khoảng 10cm. Ở Gò Dừa biên mộ có hình tròn và có đường kính lớn hơn chum khoảng 5-7cm. Táng thức chủ đạo của người Sa Huỳnh là mộ chum đơn, song cũng có những mộ chum lồng đôi (dạng trong quan ngoài quách). Đặc biệt có trường hợp lồng ba như ngôi mộ ở B’rang. Đáy của một số chum mộ được xử lý đặc biệt như kè đá hay kè gốm. Dấu vết đốt củi sưởi mộ chỉ thấy ở một số vùng.

Trước đây mộ đất không được phát hiện nhiều trong các địa điểm văn hoá Sa Huỳnh, tuy vậy nhiều tư liệu khai quật cho thấy số lượng mộ đất tăng lên đáng kể trong các địa điểm mới khai quật gần đây. Mộ đất cũng thường đơn táng, nhưng cũng có trường hợp song táng hay đa táng như ở Xóm Ốc, Hoà Diêm. Mộ đất không tồn tại độc lập mà được cư dân thực hành cùng với táng thức mộ chum. Không có sự khác biệt về không gian và mức độ giữa hai táng thức này.

Táng tục của cư dân Sa Huỳnh rất đa dạng. Cả ở hai hình thức mộ chum, mộ đất đều có táng tục như hoả táng, cải táng, hung táng và chôn tượng trưng. Tại một số địa điểm còn có hình thức chôn kết hợp (multiple) như trường hợp Hòa Diêm đã nói ở trên.

Chúng tôi cho rằng trong địa bàn phân bố của văn hóa Sa Huỳnh, táng thức dùng quan tài bằng gốm với những táng tục đa dạng như hung táng, cải táng, hỏa táng và tượng trưng được xem là đặc trưng chủ đạo và xuyên suốt (với những biến đổi cả theo thời gian và trong không gian). Từ góc độ khảo cổ học mộ táng, táng thức biến đổi theo loại hình văn hóa địa phương và có những khác biệt đáng kể giữa vùng trung tâm/hạt nhân - ngoại vi - đệm. Loại hình quan tài gốm trong văn hóa Sa Huỳnh biến đổi theo ba giai đoạn và trong hai loại hình địa phương Bắc - Nam được diễn giải bằng những nguyên nhân nội tại như mức độ tiến hóa không đồng đều về phức hợp xã hội trong và giữa các cộng đồng dân cư; tính đa dạng trong phát triển và hấp thụ tôn giáo, tín ngưỡng… nguyên nhân có nguồn gốc từ bên ngoài như mở rộng mạng lưới buôn bán, trao đổi[6] .

III.2. Một số vấn đề xã hội từ dữ liệu mộ táng

Lứa tuổi, giới tính: Gần như không có dữ liệu do xương cốt rất hiếm gặp. Tư liệu từ Hòa Diêm, Giồng Cá Vồ và Lai Nghi cho thấy không có sự phân biệt giữa các lớp tuổi và giới tính trong một khu mộ. Cho tới nay chỉ ở Suối Chình có sự phân biệt khu vực chôn cất, như kết quả khai quật năm 2000 cho thấy trong hố I có 06 mộ nồi thì tất cả đều là mộ cải táng trẻ em, khai quật năm 2005 phát hiện 03 mộ nồi thì 02 cải táng trẻ em, mộ kia chưa rõ vì không còn dấu tích xương. Đối với trẻ nhỏ, người Sa Huỳnh có những cách chôn cất riêng, không hoàn toàn giống như lối chôn người lớn, đặc biệt những dấu vết còn lại cũng cho thấy không có tục hỏa táng trẻ em trong văn hóa Sa Huỳnh.

Nghề nghiệp. Hầu như không có tư liệu ngoại trừ mộ Gò Quê, Động Cườm và một số mộ khác có chôn theo quặng sắt. So sánh kiểu chôn này với một số mộ có nhiều tư liệu liên quan đến nghề nghiệp như mộ người thợ đúc đồng ở Non Nok Tha, Thái Lan và dựa trên cách tiếp cận phân tích chức năng, ý nghĩa của đồ chôn theo, có thể cho rằng, những đồ tuỳ táng là nguyên liệu sản xuất, dụng cụ lao động ít nhiều đều có liên quan đến nghề nghiệp của người được chôn. Tuy nhiên, do mức độ chuyên hoá về nghề thủ công trong văn hoá Sa Huỳnh chưa cao cho nên chúng ta không thấy những mộ “đậm đặc” tính nghề nghiệp sinh thời của chủ nhân mộ. Gần như trong các mộ có đồ tuỳ táng, mộ nào cũng chứa một vài vật dụng - công cụ lao động.

Thân thế địa vị. Thân phận có thể được quy định không chỉ theo uy tín và của cải mà có thể còn được kế thừa theo dòng họ. Chứng cứ về điều này có thể được tìm thấy trong những mộ táng trẻ em. Mộ nồi chôn trẻ em ở Suối Chình cho thấy có sự phân bố số lượng và chất lượng đồ tuỳ táng không đều từ nghèo, trung bình và giàu trong 5 ngôi mộ khai quật năm 2000.

Thân thế địa vị của người được chôn trong mộ có thể được xác định qua nhiều yếu tố liên quan đến cách thức xử lý xác chết, kích thước của quan tài, kích cỡ quy mô ngôi mộ, số lượng, chất lượng đồ tùy táng…

Có những ví dụ khác nhau về quan tài và sử dụng quan tài ví dụ như ở Gò Dừa (Duy Xuyên, Quảng Nam), kiểu chum lồng nhau được tìm thấy trong một nhóm gồm 5 cái, chôn sát cạnh nhau (có trường hợp giữa hai mộ chỉ có một khoảng chừng 10cm), chum bên ngoài có kích thước rất lớn, việc hạ chum được thực hiện khéo léo và cẩn thận cho thấy sự quan tâm, chăm sóc của cộng đồng đối với người được chôn. Những trường hợp chôn dùng quan tài kép này hay việc kè đá dưới một số đáy chum (Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông...) hay kè bằng mảnh gốm (Lai Nghi), một mặt cho thấy sự đa dạng trong nghi thức chôn cất và mức độ quan tâm của người sống đối với người chết mặt khác dẫn chúng ta đến việc xem xét thân phận chủ nhân của những mộ này tách biệt ra khỏi những thành viên khác của cộng đồng. Mặc dù không phải lúc nào thân phận của người được chôn cũng được phản ánh đầy đủ qua hình thức mộ, quy mô mộ, quy mô tang lễ và đồ chôn theo[7], nhưng nhìn chung địa vị, thân thế của người được chôn tỉ lệ thuận với số lượng và chất lượng của nghi lễ và đồ vật mai táng. Việc sử dụng những chum lớn lồng vào nhau như vậy còn phản ánh số của cải tiêu tốn, mức độ phức tạp của nghi thức và đặc biệt nhiều “năng lượng tiêu dùng” cho nghi thức mai táng. Nghiên cứu cách thức mai táng của 103 xã hội, Tainter Joseph nhận thấy rằng mức độ “năng lượng tiêu dùng” (energy expenditure) tiêu tốn của nghi lễ mai táng và xây dựng mộ táng mới chính là cái thể hiện rõ ràng nhất địa vị xã hội của người được mai táng (90% trường hợp nghiên cứu), còn đồ tuỳ táng thể hiện vị thế của người được mai táng chỉ ứng với 5% trường hợp nghiên cứu[8]. Hơn nữa, chất lượng và giá trị của hiện vật chôn theo có vai trò quan trọng hơn so với số lượng. Giá trị của một hiện vật tùy táng được xác định dựa trên chất liệu/nguyên liệu, nguồn nguyên liệu; thời gian và công sức chế tác; ý nghĩa biểu trưng văn hóa; cách thức phân phối hiện vật và định giá xã hội mà cộng đồng gán cho hiện vật…Ví dụ, dựa trên những tiêu chí này, đồ tùy táng ở Philipin được định giá bằng cách tính điểm từng loại chất liệu/kiểu hiện vật theo thang điểm 1-10. Theo đó trong thời kỳ sơ sử hiện vật đồng có giá trị cao nhất (9 điểm), đồ sắt (8 điểm), đồ gốm chỉ có 4 điểm[9]

Áp dụng một số phương pháp nghiên cứu khảo cổ học mộ táng đã kể trên, trong một vài nghiên cứu của mình chúng tôi đã thống kê hiện vật chôn theo mộ của một số địa điểm đã khai quật để xem xét mức độ phân hoá của cải và xã hội. Số liệu của những thống kê này chỉ có ý nghĩa tương đối do nhiều nguyên nhân như mức độ bảo tồn giữa các địa điểm và giữa các mộ chum hay mộ đất trong từng địa điểm không đồng đều. Diện tích khai quật của mỗi địa điểm thường chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ, số liệu thống kê không đầy đủ do nhiều mộ khi khai quật lên vẫn chưa được xử lý hết. Dưới đây là số liệu của một số địa điểm được xử lý khá kỹ và tương đối đầy đủ[10].

Địa điểm Gò Mả Vôi. Khai quật chữa cháy 1998 được 30 chum mộ nhưng không rõ tình trạng. Do vậy chúng tôi chỉ sử dụng số liệu khai quật của năm 1999 và 2000.

Năm 1999 phát hiện 11 mộ chum và 3 mộ đất, năm 2000 phát hiện 6 mộ, tổng số mộ là 20. Dựa vào số lượng và loại hình đồ tuỳ táng có thể chia thành các mức sau :

Loại thứ nhất có gốm tuỳ táng và ít kim loại hay đá, thuỷ tinh (13 mộ).
Loại thứ hai có số lượng vừa đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá (03 mộ).
Loại thứ 3 có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh... số lượng khá nhiều, một số hiện vật quí- mộ giàu (03 mộ)

Số liệu thống kê cho thấy có ba mức phân hoá về của cải chôn theo người chết, tuy vậy giữa ba mức này sự cách biệt giữa mức 1 và 2 không lớn. Ở Gò Mả Vôi không có loại mộ rất giàu,-mộ của thủ lĩnh lớn, giống như ở Lai Nghi qua thống kê dưới đây.

Địa điểm Lai Nghi (khai quật năm 2002, 2003, 2004)

Tại đây, có tỉ lệ thuận giữa số lượng đồ tuỳ táng trong một mộ, có nghĩa là mộ nào có nhiều đồ sắt thì thường có nhiều đồ trang sức.

Bằng cách thống kê đồ trang sức tìm thấy trong 63 ngôi mộ Lai Nghi đã phát hiện trong ba đợt khai quật 2002, 2003 và 2004 ta thấy rất rõ có sự phân hoá rõ rệt trong loại hình và chất lượng đồ tuỳ táng chôn theo. Ở đây có sự tỉ lệ thuận giữa chất lượng đồ trang sức (chất liệu, loại hình, hàng ngoại nhập) và số lượng đồ trang sức. Có thể nhận thấy ít nhất là ba mức/cấp độ phân hoá tài sản và địa vị qua đồ trang sức chôn theo từ nghèo đến rất giàu.

Loại thứ nhất hầu như không có đồ tuỳ táng kim loại hay đá, thuỷ tinh, chỉ có mảnh gốm (chum và gốm chôn theo?). Loại này không nhiều lắm về số lượng. Mộ nghèo. Có 11 mộ chum và 3 mộ đất.
Loại thứ hai có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh ... nhưng số lượng ít. Mộ vừa. 19 mộ
Loại thứ 3 có đồ tuỳ táng kim loại và trang sức đá, thuỷ tinh... số lượng khá nhiều, một số hiện vật quý, độc đáo- mộ giàu. 08 mộ.
Loại thứ 4 có đồ tùy táng giàu, đặc biệt có những hiện vật đồng nghi lễ có nguồn gốc Trung Hoa và hạt chuỗi mã não có nguồn gốc Ấn Độ, nhiều hiện vật bằng vàng. Mộ rất giàu. 06 mộ

Trong số mộ rất giàu có 01 ngôi mộ đất chứa những đồ tuỳ táng đặt biệt có giá trị đó là mộ có ký hiệu 04LNH1M37. Đây là ngôi mộ đất có quy mô bề thế nhất trong các ngôi mộ ở Lai Nghi với bộ đồ đồng Đông Hán và một số hiện vật bằng đá sa thạch có chữ (nghiên, án mực) giống như một số mộ giai đoạn Sơ kỳ Đông Hán ở Quảng Châu, Trung Quốc[11] . Mộ này bị mộ hợp chất niên đại thế kỷ 17,18 xây trùm lên, nhưng rất may đã không bị xâm phạm vào và hiện vật gần như còn nguyên tại chỗ (in situ). Đây cũng là mộ lớn nhất trong số những mộ chum và mộ đất Sa Huỳnh đã phát hiện cho đến nay, tập trung một số lượng lớn đồ đồng như ấm, bình, bát, chậu, đỉnh nhỏ, móc thắt lưng và đặc biệt là bộ nghiên, án mài mực, trên án có chữ Hán. Chữ này chưa đọc được, nhưng bước đầu nhận định có bộ Nghiễm (…). Trên nghiên vẫn còn vết mực mài màu đen. Chôn theo mộ này còn có một số đồ sắt như dao có chuôi hình vành khăn, một số đồ gốm tuỳ táng - gốm văn hoá Sa Huỳnh. Xét theo chất và lượng đồ tuỳ táng trong tương quan với những mộ khác ở địa điểm này và những địa điểm mộ chum văn hoá Sa Huỳnh khác đã biết thì đây là mộ của người thuộc cấp bậc cao (nhất) trong cộng đồng cư dân, có nhiều khả năng là của vị đại thủ lĩnh một vùng. Đặc biệt sự có mặt của bộ nghiên ấn trong mộ cho thấy có nhiều khả năng chủ nhân ngôi mộ là người có học (mà là Hán học). Niên đại của mộ thuộc giai đoạn Sơ kỳ Đông Hán, nửa đầu thế kỷ 1 sau Công nguyên (ảnh 4) .

Bộ hiện vật đồng mộ 37 Lai Nghi (Ảnh chụp của Andreas Reinecke)

Đồ bằng vàng có trong 6 mộ và cũng phần lớn trong những mộ giàu đồ tuỳ táng. Mộ đất, ngoại trừ những mộ bị phá chỉ còn lại những cụm gốm thì rất giàu, có thể nói là giàu nhất và chứa nhiều những hàng hoá có tính chỉ thân phận, địa vị (Status makers). Có thể nói khu mộ Lai Nghi là khu mộ của một cộng đồng cư dân giàu có, của cải tích luỹ được có lẽ phần nhiều do buôn bán nội vùng và liên vùng. Ở Lai Nghi có những mộ mà số lượng và loại hình đồ trang sức chỉ trong một mộ đã vượt xa so với đồ trang sức phát hiện trong tất cả các mộ của một khu nghĩa địa

Trang sức mộ Lai Nghi (Ảnh chụp của Andreas Reinecke)

Mộ song táng và mộ 37 có đồ đồng Sơ kỳ Đông Hán chôn theo thể hiện sự chăm sóc đặc biệt và công sức bỏ ra khi chôn cất. Theo quan điểm của Koji đây có thể thuộc loại hình mộ của những cá nhân có địa vị cao trong cộng đồng[12].

Địa điểm Gò Dừa trên diện tích khai quật 16m2 đã phát hiện 06 mộ chum (05 mộ chum lồng). Có lẽ đây là khu mộ của dòng họ của những người có địa vị cao trong cộng đồng. Mộ được chăm sóc đặc biệt qua việc sử dụng quan tài kiểu trong quan ngoài quách, mộ chôn sát liền nhau nhưng không cắt phá nhau chứng tỏ có sự chuẩn bị cẩn thận đất chôn. Trong số 5 mộ chum lồng có ba mộ 1,3 và 5 tạo thành cụm hình vòng cung liền kề nhau . Trong số các mộ, mộ 1, 3 và 5 có số lượng đồ tuỳ táng nhiều. Cả ba mộ này đều có đồ đồng nghi lễ Tây Hán như bát, đĩa, đồ đựng. Mộ số 5 có gương đồng Tây Hán[13] (bản vẽ 2) .

Gương đồng Gò Dừa (nguồn tác giả)

Hoà Diêm. 26 ngôi mộ khai quật năm 2002 ở Hoà Diêm[14] có thể được chia thành ba/bốn loại theo số lượng và chất lượng đồ tuỳ táng .

Mộ chứa ít đồ tuỳ táng, từ 1 đến 2 đồ gốm gồm M.1, M.14, M.23,M.26;
Mộ chứa số lượng đồ tuỳ táng trung bình từ 2,3 đồ gốm và 1, 2 hiện vật sắt, xương gồm M. 4, M12b, M.16, M.17, M.22, ;
Mộ chứa số lượng đồ tuỳ táng nhiều hơn và phong phú hơn về loại hình cũng như chất liệu gồm M.2, M.3, M.8, M.5, M.7, M.10 M.12 và
Đáng chú ý là M.9 là mộ có nhiều nhạc khí (lục lạc đồng), hạt trang sức thuỷ tinh và bằng vàng.

Như vậy, mức độ phân hoá của cải qua đồ tuỳ táng ở Hoà Diêm khá cao và từ đó có thể thấy sự phân hoá địa vị xã hội ở mức độ trung bình thể hiện sự khác biệt thân phận giữa các thành viên trong cộng đồng.

Khi so sánh Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Dừa và Hòa Diêm như là những địa điểm tiêu biểu ta thấy có những thay đổi về lượng và chất trong đồ chôn theo. Ở những địa điểm sớm hơn như Gò Mả Vôi, Gò Quê…. đồ tùy táng bằng đồng nhiều hơn so với đồ tùy táng bằng sắt, đồ đồng chủ yếu là công cụ và vũ khí, chưa thấy đồ nghi lễ như bình, bát, gương…những đồ đồng loại này lại được thấy phổ biến hơn trong các địa điểm muộn hơn như Gò Dừa, Lai Nghi… Đối với chất và lượng của đồ trang sức và đồ sắt chôn theo chúng ta cũng thấy có một xu hướng như thế. Trong đồ tuỳ táng có sự thay đổi theo thời gian, đó là từ đặc tính tập thể lớn tới những đặc tính nhóm nhỏ hơn và ở mỗi một khu mộ táng thường phát hiện được những hiện vật đặc biệt, gần như độc bản[15] mà ở những khu mộ khác không thấy. Những khu mộ Sa Huỳnh càng về sau càng mở rộng quy mô và bề thế hơn, phân hóa của cải sâu sắc hơn. Đây là khu mộ của công xã thị tộc hay công xã láng giềng, câu trả lời khó mà thỏa đáng? Có thể cũng giống như trong văn hoá Đông Sơn, đây là những đơn vị sinh sống, quần cư dựa trên nguyên tắc đậm huyết thống cộng với quan hệ láng giềng ngày càng lớn mạnh[16] .

III.3. Xã hội thời Sơ sử: Phác dựng cấu trúc và quan hệ

III.3.1. Từ dữ liệu nghĩa địa, táng tục, táng thức và đồ tùy táng đến diễn giải văn hóa

Những khu mộ địa rộng lớn và những phức hợp di tích mộ táng cư trú phân bố ở nhiều loại địa hình với những khu tập trung ở các lưu vực sông cho thấy sự hiện diện của những cộng đồng dân cư đông đúc. Những mộ địa Sa Huỳnh dù phân bố trên bất kỳ địa hình nào cũng đều chiếm cứ không gian cao và rộng, gần đường giao thông/thương và cận kề nơi cư trú. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rông tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều mộ địa tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ điển hình như Cồn Ràng, Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Hoà Diêm... cung cấp cho chúng ta chứng cứ về một dạng xã hội phức hợp phân tầng với sự phân hóa xã hội, địa vị và của cải ở mức độ cao và không kém so với những xã hội đương thời ở khu vực[17].

Trong nhiều nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu liên quan đến sự hình thành nhà nước sớm và quá trình tiến hoá của tính phức hợp xã hội, một số học giả đặc biệt chú ý đến một số chủng loại di vật đặc biệt như di vật có nguồn gốc ngoại, di vật bằng chất liệu kim loại, thủy tinh, di vật có kích thước lớn như là những chỉ dẫn, dẫn liệu về sự phát triển của tính phức hợp xã hội[18] . Từ quan điểm cho rằng sự thay đổi trong sản xuất và sử dụng hàng hoá có vị trí đáng kể khi đánh giá bản chất của những nhu cầu xã hội và điều cần lưu ý đối với các nhà nghiên cứu là tìm hiểu ý nghĩa của hàng hoá trong bối cảnh lịch sử nhất định, chúng tôi cho rằng, trong di vật văn hoá Sa Huỳnh, có những loại liên quan rất chặt chẽ với cơ cấu và tổ chức xã hội, người Sa Huỳnh đã sử dụng những hàng hoá hay vật dụng chuyên biệt để dung hoá và thể hiện những mối quan hệ xã hội từ thân tộc đến láng giềng. Trong nghiên cứu này chúng tôi sẽ tập trung phân tích loại di vật chuyên biệt có tính biểu trưng cao, đó là những chum gốm được dùng làm quan tài chôn người chết.

Bản thân chum gốm - quan tài có thể được xem xét từ nhiều khía cạnh, mỗi chum-quan tài hàm chứa nhiều mã số, đặc điểm và giá trị khác nhau. Việc vận chuyển chum-quan tài liên quan đến mối quan hệ ngang bằng hay phân tầng xã hội, thân tộc-láng giềng-thân quen. Từ góc độ giá trị xã hội chum-quan tài là vật biểu thị địa vị kinh tế, có thể phản ánh sự phân hoá xã hội và cấp bậc. Từ góc độ tâm linh, chum-quan tài là nơi chôn giữ xương tro người chết và thể hiện ý tưởng vũ trụ hay tôn giáo[19]. Việc dùng những chum (gốm, đá, gỗ) có kích thước lớn làm quan tài mai táng nếu lý giải từ góc độ tổ chức xã hội cho thấy, ở những xã hội dạng bình quân địa tầng (egalitarian societies) giai đoạn Tiền Sa Huỳnh chưa phát hiện thấy bất cứ hiện vật nào có kích thước lớn, loại thường được các nhà nghiên cứu gắn với biểu tượng về mức độ tổ chức xã hội tập trung và thể hiện quyền lực của người đứng đầu. Trong xã hội dạng phức hợp, phân tầng ví dụ như xã hội kiểu lãnh địa hay tù trưởng quốc, những xã hội có cơ sở tư tưởng dựa trên việc làm nổi bật vị thế của những người đứng đầu bằng những không gian riêng biệt/thiêng hay vật riêng biệt/ thiêng, như cự thạch, kim tự tháp hay đơn giản hơn là những đồ vật có nguồn gốc ngoại, bằng chất liệu quý hiếm hay có kích thước lớn. Kích cỡ và chất liệu của quan tài mai táng biểu trưng quyền uy và vị thế của người được chôn trong đó. Để sản xuất ra được những chum gốm lớn này đòi hỏi việc tập trung sức người (quản lý nhân công), thời gian (chuyên hoá sản xuất thủ công và phân công lao động), tiền của (phân hoá của cải và quyền lực) của cộng đồng dành cho một nhóm thiểu số người hay một cá nhân trong một tổ chức xã hội. Việc chuyển biến trong cùng một táng thức từ những mộ nồi nhỏ Tiền Sa Huỳnh đến số lượng không nhiều chum gốm lớn giai đoạn Long Thạnh cuối thời kỳ Tiền Sa Huỳnh và khối lượng lớn chum có kích thước lớn giai đoạn Sa Huỳnh[20] phần nào cho thấy những chuyển biến trong cấu trúc xã hội từ đơn giản không phân tầng đến phức hợp phân tầng. Sự đa dạng của loại hình chum quan tài song hành cùng sự chuẩn hoá của loại chum hình trụ (có thể thấy sự đồng dạng đến kinh ngạc giữa chum hình trụ Cồn Dàng (Thừa Thiên-Huế), An Bang (Hội An, Quảng Nam) với chum Diên An (Diên Khánh, Khánh Hoà). Trong các tổ hợp đồ tùy táng bằng gốm, kim loại và đá quý … của các khu nghĩa địa văn hóa Sa Huỳnh những loại hình tương đồng chiếm tỉ lệ áp đảo so với những loại hình độc bản.

III.3.2. Tính chất và vai trò của quan hệ tiếp xúc và trao đổi trong việc hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế - chính trị

Việc trao đổi giữa vùng thượng nguồn với vùng hạ lưu sông (vùng cao với vùng thấp) diễn ra từ thời tiền sử do nhu cầu nội tại của các cộng đồng dân cư. Việc trao đổi này khá phát triển và giữa hai vùng đã có không ít loại hình di vật tương đồng như đồ gốm, rìu đá... Tuy vậy, bản chất của những trao đổi này là lẻ tẻ, tự phát, theo thời vụ và chỉ ở quy mô đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các nhóm cư dân trong vùng.

Trao đổi giữa vùng thấp với vùng cao tăng cường mạnh mẽ trong giai đoạn sơ sử, khi bắt đầu hình thành các lãnh địa với sự phát triển mạng lưới trao đổi nội vùng, liên vùng và ngoại thương. Nguyên nhân của sự gia tăng các hoạt động trao đổi này có thể là do một số thành phần hay tầng lớp dân cư mới hình thành khi cơ cấu xã hội thay đổi theo chiều hướng phức hợp cao hơn có những nhu cầu tiêu thụ những loại hàng quý hiếm hay xa xỉ vào các mục đích kinh tế và phi kinh tế của mình.

Kết quả phân loại và phân tích đồ tùy táng có nguồn gốc từ bên ngoài cho thấy cư dân Sa Huỳnh giai đoạn sớm tiếp xúc và trao đổi mạnh với văn hóa Đông Sơn, trong khu mộ táng Gò Mả Vôi, Gò Quê công cụ và vũ khí bằng đồng Đông Sơn có số lượng lớn hơn so với đồ sắt, từ khoảng thế kỷ 2 TCN, sự tiếp xúc và trao đổi giữa văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Hán, Ấn Độ… gia tăng mạnh.

Sự tiếp xúc và trao đổi này chứng tỏ hai điều quan trọng đối với cư dân Sa Huỳnh (và đối với cả những đối tác của họ là người Đông Sơn và người Hán…). Đó là:

- Xã hội của người Sa Huỳnh lúc đó cũng đủ mềm dẻo để thích ứng với sự hiện diện của ngưòi khác (người Hán, người Đông Sơn) và đủ mạnh để giữ một khoảng cách vừa phải với họ và các mối quan tâm thương mại và lĩnh vực khác của họ trong một thời gian một vài thế kỷ. Nói một cách khác, chắc chắn không phải chỉ có người từ bên ngoài là độc quyền ấn định các điều kiện tiếp xúc và trao đổi[21];

- Sự hiện diện của người từ bên ngoài ở các vùng khác nhau trong cương vực của văn hoá Sa Huỳnh đã tác động mạnh đến sự biến đổi cấu trúc xã hội, kích thích sự hình thành và phát triển của các hình thức xã hội mang tính phức hợp (phân tầng) tại một số khu vực mà trước đó có lẽ chưa thấy rõ. Những thay đổi này đầu tiên ở một số vùng trọng điểm (nút) đã kéo theo những thay đổi ở sâu trong nội địa mà chủ yếu là do việc tìm kiếm và trao đổi nguồn hàng trao đi để đổi lại những hàng hóa xa xỉ và thể hiện thân thế/địa vị xã hội.

Tiếp xúc, trao đổi với thế giới bên ngoài đã góp phần thúc đẩy các ngành nghề thủ công rất phát triển, một số ngành có quy mô sản xuất lớn và chuyên hoá ở mức độ nhất định như sản xuất đồ gốm và luyện kim sắt . Sự tăng mạnh nhu cầu tiêu thụ của các cộng đồng cư dân kéo theo sự mở rộng và phức tạp hoá mạng lưới trao đổi trong, ngoài. Sự phát triển ngày càng nhanh và mạnh tính phức hợp xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến sự có mặt của nhiều hàng hoá có nguồn gốc từ bên ngoài. Những ngôi mộ chứa hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Ấn Độ, miền Bắc Việt Nam... phân bố ở nhiều khu vực ở cả địa bàn Bắc và Nam của văn hoá Sa Huỳnh. Ngược lại những vật mang tính biểu thị địa vị, thân phận đã góp phần thúc đẩy phân tầng xã hội trong từng lãnh địa và đặc biệt là sự phân hoá giữa các lãnh địa. Hiện vật nhập khẩu và cùng với chúng là những ý tưởng văn hoá-kỹ thuật đã góp phần tạo ra một số chuyển biến cơ cấu giữa các ngành thủ công và trong mỗi ngành

1.Kết luận và nhận xét

Trong khoảng nửa sau của thiên niên kỷ I TCN (từ thế kỷ 5 TCN đến thế kỷ 1 SCN) những cộng đồng cư dân văn hoá Sa Huỳnh chiếm cư hầu khắp các dạng địa hình của miền Trung Việt Nam. Kế thừa những thành tựu của những nền văn hoá Tiền Sa Huỳnh, những cộng đồng cư dân này đã mở rộng mạng lưới quan hệ trao đổi nội vùng, liên vùng và quốc tế, gia tăng mức độ ứng dụng và sản xuất công cụ, vũ khí kim loại và phát triển nền kinh tế sản xuất và đạt được những thành tựu to lớn tạo ra những chuyển biến sâu sắc trong đời sống kinh tế, xã hội.

Quy mô và phạm vi của những cộng đồng dân cư mở rộng hơn rất nhiều so với giai đoạn Tiền Sa Huỳnh cho thấy sự tăng nhanh và mở rộng mức độ khai thác các nguồn lực tự nhiên và xã hội do sự gia tăng của đồ kim loại dẫn đến sự tích luỹ của cải vật chất đẩy mạnh tính phức hợp xã hội. Quy mô những khu mộ địa và sự phân tầng của các mức mộ theo đồ tuỳ táng gia tăng theo thời gian từ sớm đến muộn.

Trong đời sống vật chất, chuyển biến nhận thấy rõ nhất là sự phát triển của nền kinh tế sản xuất. Góp phần tạo nên nền tảng cơ sở vật chất giàu có và bền vững của xã hội Sa Huỳnh không chỉ là những ngành nghề kinh tế như trồng trọt, buôn bán mà cả nghề thủ công chế tác đồ kim loại (chủ yếu là đồ sắt). Đồ sắt trong văn hóa Sa Huỳnh có số lượng rất phong phú và đa dạng, số lượng nhiều hơn hẳn đồ sắt ở Đông Sơn hay Dốc Chùa[22]. Các loại hình công cụ được cư dân Sa Huỳnh chế tạo và sử dụng thích hợp với từng môi trường sống khác nhau. Trong các khu mộ táng Sa Huỳnh, đồ sắt thường được dùng làm đồ tùy táng, đó là các vật dụng được dùng trong đời sống hàng ngày được chôn theo, không có đồ minh khí. Trong các loại hình đồ sắt có những loại hình hiện vật mang yếu tố ảnh hưởng hoặc trao đổi với bên ngoài như loại hình giáo búp đa thể hiện mối quan hệ với Đông Sơn, loại dao có chuôi hình vành khăn hay qua thể hiện mối quan hệ với Hán. Chính sắt đã tạo ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt trong kinh tế và từ đó dẫn đến những chuyển biến sâu sắc trong xã hội. Sắt đóng vai trò kết tinh và thúc đẩy sự gia tăng của tính phức hợp xã hội.

Trong đời sống tinh thần, chuyển biến nhận thấy rõ nhất là táng thức. Từ những kiểu táng thức mộ nồi nhỏ phân bố lẻ tẻ trong khu cư trú Tiền Sa Huỳnh đến những mộ chum chuyên biệt với những quan tài hình trứng, hình cầu và hình trụ có kích thước lớn của văn hoá Sa Huỳnh. Những khu mộ của từng làng được phân chia nơi chôn cất có nhiều khả năng theo từng dòng họ hay gia đình lớn. Cách thức mai táng và đồ tùy táng phản ánh một cách sinh động đời sống tinh thần, tâm linh của cư dân. Hơn tất cả những cư dân thời Sơ sử ở Việt Nam, người Sa Huỳnh có một sự chăm sóc đặc biệt đối với cái chết và duy trì mối quan hệ chặt chẽ giữa thế giới của người sống với thế giới của người chết. Mộ địa Sa Huỳnh dù phân bố trên bất kỳ địa hình nào cũng đều chiếm cứ không gian cao ráo, gần đường giao thông/thương và cận kề nơi cư trú. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rộng tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều giai đoạn chôn cất tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ địa được tổ chức dựa trên một quy hoạch định trước, do đó ta rất ít khi gặp mộ cắt phá nhau dù chôn ở các thời điểm khác nhau. Có thể đây là khu mộ theo dòng họ, và phân cấp trong từng dòng họ và giữa các dòng họ, giữa các khu vực.

Những bãi mộ Sa Huỳnh phân bố trong một không gian trải dài hàng trăm kilômét với địa hình chia cắt bởi các đèo với kiểu chum quan tài được sản xuất theo những tiêu chuẩn thống nhất và đồ tùy táng đồng dạng cho thấy sự đồng nhất về thế giới quan, tính tương đồng văn hóa và trình độ xã hội giữa các nhóm cư dân. Nhiều hiện vật chôn theo có nguồn gốc khác nhau, hiện vật từ Tây Á, Nam Á và Đông Á, Đông Nam Á minh chứng sự tham gia của cư dân Sa Huỳnh vào mạng lưới thương mại khoảng cách xa của khu vực. Tác động của tiếp xúc và giao lưu thực sự đóng vai trò xúc tác nhanh mạnh trong quá trình chuyển biến tính chất văn hóa giữa các giai đoạn từ tiền sử sang sơ sử và lịch sử ở miền Trung Việt Nam.

So sánh tổ hợp hiện vật của khu cư trú và khu mộ táng, ta thấy rất rõ ràng sự coi trọng cuộc sống sau khi chết và thái độ cực kỳ cẩn trọng đối với cái chết của cư dân văn hoá Sa Huỳnh, phần lớn đồ đồng chôn theo mộ đất và mộ chum của văn hóa Sa Huỳnh (mà tới nay chúng ta đã thu được số lượng không ít) là sản phẩm từ bên ngoài do người Sa Huỳnh đưa vào bằng nhiều con đường và cách thức khác nhau phục vụ cho nhu cầu của một xã hội đã có sự phân hóa khá rõ rệt về quyền lực, địa vị và của cải. Tư liệu từ các di tích văn hóa Sa Huỳnh, mà đáng lưu tâm là những ngôi mộ thuộc giai đoạn muộn, đã phản ánh điều đó. Loại hình, số lượng và chất lượng của đồ tuỳ táng trong các mộ, đặc biệt ở một số mộ có sự hiện diện của những loại hình hiện vật được xác định là vật biểu tượng của thân thế hay địa vị (Status markers hay status goods) cho thấy một xã hội không còn là bình qu

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học mộ táng trong nghiên cứu trường hợp miền trung thời sơ sử

Tiếp cận khảo cổ học xã hội và khảo cổ học mộ táng trong nghiên cứu trường hợp miền trung thời sơ sử

  • 17/07/2018 00:00
  • 2183

Phần 1: Nền tảng Tự nhiên I.1.Không gian địa-văn hóa: Theo phân vùng địa lý[1], miền Trung Việt Nam (hay Trung bộ), tính từ bắc Thanh Hoá đến nam Phan Thiết.