Phần 1: Nền tảng Tự nhiên I.1.Không gian địa-văn hóa: Theo phân vùng địa lý[1], miền Trung Việt Nam (hay Trung bộ), tính từ bắc Thanh Hoá đến nam Phan Thiết.
Phần 1:
1.Nền tảng Tự nhiên
Không gian địa-văn hóa: Theo phân vùng địa lý[1], miền Trung Việt Nam (hay Trung bộ), tính từ bắc Thanh Hoá đến nam Phan Thiết.
Tuy nhiên, không gian địa - văn hoá miền Trung không hoàn toàn trùng với không gian địa lý, từ góc độ văn hoá - khảo cổ học, từ trước sau công nguyên, Thanh Nghệ Tĩnh thuộc không gian văn hoá Đông Sơn, không gian văn hoá Việt cổ. Như vậy, không gian cả tự nhiên cả văn hoá được đề cập trong bài nghiên cứu này được tính từ Quảng Trị phía bắc đến Phan Rang, Phan Thiết phía nam với cốt lõi là hai khu vực Quảng Nam – Bình Định và Phú Yên – Phan Thiết.
I.2. Địa hình, khí hậu: Đây là dải địa hình hẹp, mang tính chuyển tiếp dần từ những mạch núi cao trong dãy Trường Sơn nam ở phía tây qua những đồi núi thấp ở giữa và miền đồng bằng ven biển ở phía đông. Mô hình hoá địa thế này chúng ta sẽ có một trục dọc hẹp đựơc phân cách và nối nhau bởi những đèo-nhánh núi chạy cắt ngang từ dãy Trường Sơn trải dài theo chiều dọc. Đó là đèo Ba Dội, đèo Ngang, đèo hải Vân, đèo Cù Mông, đèo Cả... và vô số những đèo nhỏ khác. Dưới chân đèo là các sông lớn nhỏ, đều chảy ngang theo chiều Tây-Đông ra biển. Những sông này tạo nên một số đồng bằng khá rộng như đồng bằng sông Hàn và sông Thu Bồn ở Quảng Nam Đà Nẵng, đồng bằng sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi, đồng bằng Quy Nhơn ở cửa sông Cả, đồng bằng Tuy Hoà ở cửa sông Đà Rằng và Nha Trang ở cửa sông Cái. Sông miền Trung ngắn, nước biếc xanh, ít phù sa do đó châu thổ hẹp, nhiều cửa sông sâu, cùng với đường bờ biển cao và khúc khuỷu tạo thành các vịnh cảng lớn nhỏ. Bờ biển miền Trung lồi lõm, ngoài bờ là những đảo, cụm đảo, đó là hòn Gió (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn-Cù Lao Ré (Quảng Ngãi), Hòn Tre (Khánh Hoà), Phú Quý (Ninh-Bình Thuận)... Những đảo này là những “bình phong” ngăn chặn bớt sóng gió Biển Đông, đồng thời là tuyến đầu trong quá trình giao thoa văn hoá khu vực và quốc tế, nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo, nối bắc- nam và đông – tây.
I.3. Những yếu tố địa-sinh thái tác động đến tính chất văn hóa miền Trung
Địa hình miền Trung cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét những mối liên hệ không gian cả theo chiều ngang-tức mối liên kết từng tiểu vùng, từng lãnh địa theo kiểu “một đèo, một đèo, lại một đèo” như đã nói ở trên. Mối liên hệ không gian theo chiều dọc ở mỗi ô kiểu Núi-Đồi-Đèo-Sông-Biển cùng với liên hệ kiểu sinh thái Cồn-Bàu-Đầm Phá cũng là cách tiếp cận cần thiết để hiểu miền Trung, sông (và) núi cắt ngang và chia nhỏ miền Trung, nhưng bến cảng thì lại trải dọc dài khắp vùng, nối liền các mạng cửa sông tạo nên sự hoà quyện đặc sắc giữa yếu tố sông-đồng bằng và yếu tố biển. Sông và biển phối hợp nhau tạo nên đất nước và ảnh hưởng vào văn hoá con người[2].
Thời tiết nắng nóng, khí hậu khô hạn thường được xem là những yếu tố không thuận lợi cho sự định cư của con người, do vậy, miền Trung Việt Nam thường được coi là vùng đất kém/khó phát triển so với miền Bắc và miền Nam. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của Dự án “Dry Areas in Southeas Asia: Harsh or Benign Environment (Những vùng khô hạn ở Đông Nam Á: Môi trường Khắc nghiệt hay Tốt lành)” của các học giả Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto lại cho thấy[3] :
1.Thứ nhất: Theo quan điểm về sự tiến hóa về môi trường sống của con người, vùng khô thích hợp hơn cho việc định cư thuở sơ khai. Vùng khô không hoàn toàn khắc nghiệt mà cũng đủ thuận tiện để con người có thể thích nghi và ổn định cuộc sống.
2.Thứ hai: Cần nhìn nhận một cách hợp lý vai trò của các phương thức mưu sinh tùy thuộc chặt chẽ vào điều kiện sinh thái.
iii. Thứ ba: Vai trò của hệ thống trị thuỷ và điều phối việc sử dụng nước
Áp dụng quan điểm này vào nghiên cứu trường hợp miền Trung ta có thể nhận thấy, đối với miền Trung Việt Nam, nông nghiệp (cụ thể là trồng lúa nước) không có vai trò áp đảo như ở hai miền Bắc và Nam, các phương thức mưu sinh khai thác và tận dụng tự nhiên sinh thái rừng, biển đảo đóng vai trò quan trọng. Trên thực tế, sự giàu có và thịnh vượng của chính thể (vùng khô - mà trong trường hợp này là không gian văn hóa Sa Huỳnh) không liên quan nhiều đến các sản phẩm nông nghiệp, kết quả phân tích di tích và di vật văn hóa Sa Huỳnh cho thấy những sản phẩm nông nghiệp vừa đủ để đảm bảo “an ninh lương thực” cho cư dân chứ không phải là hàng hoá xuất khẩu chính. Hàng xuất khẩu và nhập khẩu chủ yếu là lâm thổ sản, hàng thủ công…[4]. Sự thịnh vượng và giàu có của cư dân văn hóa Sa Huỳnh chủ yếu dựa vào các phương thức mưu sinh đa dạng như khai thác tài nguyên khoáng sản và các sản phẩm rừng (bao gồm cả sản phẩm từ gỗ và phi gỗ) cũng như trao đổi buôn bán do nằm ở trung tâm của các lộ trình mậu dịch quốc tế.
Khi nghiên cứu khu vực này cũng cần đặc biệt lưu ý đến mạng lưới trao đổi từ vùng cao xuống vùng thấp và ngược lại và những bến, cảng thị cửa sông ven biển như cầu nối giữa Bắc và Nam, giữa Lục địa và Hải đảo. Như nhận định của nhà nghiên cứu Momoki Shiro, Chămpa (tức miền Trung Việt Nam) là cánh cổng đi vào thế giới Trung Hoa đối với người Malay và Inđô, trong khi bản thân nó cũng là cánh cổng của thế giới Ấn Độ hóa đối với Philippin và Việt Nam (Bắc Việt Nam)[5].
Theo các nhà nghiên cứu, nhìn chung, trước thế kỷ 16, khi chưa có đường biển qua lại giữa Thái Bình Dương với Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương với Đại Tây Dương, chỉ duy nhất ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương là hình thành những con đường đi qua Đông Nam Á; Melaka (Malacca), Sunda và các eo biển Lombok, vào thời kỳ này, biển Đông Nam Á đóng vai trò kiểm soát các luồng văn minh thế giới[6]. Bên cạnh đó, miền Trung là lãnh thổ duy nhất ở Việt Nam có những con đường ngắn nhất nối liền các đường hàng hải quốc tế ở biển Đông với những tuyến giao thông bộ và thuỷ trong Đông Nam Á lục địa, đường hàng không cũng vậy[7]
Đường bờ biển dài, thuận lợi cho việc tiếp xúc, giao lưu văn hoá mạnh mẽ là nơi tiếp nhận từ rất sớm và mạnh mẽ những luồng văn hoá-cư dân từ biển vào, những dòng sông chảy từ Tây sang Đông cắt ngang dải đất này cũng đồng thời là những dòng chuyển tải con người, hàng hoá, ý tưởng… từ biển lên nguồn và từ nguồn xuống biển, tạo thành một mạng trao đổi dọc, ngang nhộn nhịp, sôi nổi suốt thời kỳ thiên niên kỷ I TCN và tăng cường mạnh mẽ trong thiên niên kỷ I SCN.
Bảy hằng số địa lý của phức hệ sinh thái Núi đồi - Đèo – Sông - Biển - Cồn - Bàu - Đầm Phá cùng với địa hình đặc trưng Núi gần sát Biển Đảo chỉ cách nhau bởi một dải châu thổ - đồng bằng phù sa sông pha biển hẹp đã tạo hình không gian địa - chính trị, địa - văn hóa miền Trung thành dạng hình hộp chữ nhật đứng với cạnh Tây là núi đồi, cạnh Đông là biển, với các đèo-sông, chia nó thành các xứ - vùng hình chữ nhật ngang[8] , đặc điểm phát triển kinh tế và trao đổi nội/liên vùng thời Sơ sử được quy định bởi những điều kiện sinh thái này.
Nếu nhìn toàn bộ hệ thống, miền Trung (nhất là Nam Trung Bộ từ Quảng Nam trở vào) là túi hứng từ Biển - Đảo vào, từ Núi – Rừng xuống của nhiều tộc người và ngữ hệ. VÒ c¬ b¶n cã hai hÖ, hÖ Nam §¶o vµ hệ Nam ¸ , mỗi hệ đều có địa bàn sinh tụ riêng, nhưng do đường sông và đường biển dài và dày nên việc di chuyển dân cư theo từng nhóm như một đơn vị tộc người-văn hoá xảy ra khá thường xuyên (sự di dân có đặc điểm theo kiểu tằm ăn lên vừa chậm chạp, vừa loang lổ)[9] nên sự có mặt của cư dân hệ Nam Á trong không gian Nam Đảo và ngược lại khá phổ biến.
1.Dữ liệu mộ táng và cư trú
II.1. Loại hình di tích
Cho tới nay trên 110 di tích văn hóa Tiền Sa Huỳnh và Sa Huỳnh đã được phát lộ và nghiên cứu (khoảng 20 di tích Tiền Sa Huỳnh và khoảng 90 di tích Sa Huỳnh). Các di tích văn hoá Sa Huỳnh phân bố ở mọi địa hình các tỉnh miền Trung Việt Nam với cực bắc là vùng giáp ranh với văn hoá Đông Sơn (Hà Tĩnh) và cực nam là vùng giáp ranh với văn hoá Đồng Nai (Đông Nam Bộ). Các di tích phân bố trên ba dạng địa hình chính:
1.Núi và đồi gò trước núi ven sông;
2.Cồn/gò cát ven sông, ven biển, đồng bằng duyên hải và
Đảo.
Các di tích tập trung đậm đặc ở các lưu vực sông lớn, đặc biệt ở vùng cửa sông – biển, ở địa hình này, các di tích thường phân bố tập trung thành cụm, quy mô di tích lớn ở ven các dòng sông mà điển hình ở lưu vực sông Thu Bồn, mật độ các di tích phân bố rất đậm đặc. Như vậy, những trung tâm chính của văn hoá Sa Huỳnh được tạo lập dựa trên điều kiện tự nhiên và sinh thái của những lưu vực sông lớn nối liền biển.

Phân bố di tích ở lưu vực sông Thu Bồn (nguồn tác giả)
Trong số khoảng 90 di tích văn hóa Sa Huỳnh đã phát hiện cho tới nay chỉ có 02 di tích cư trú được khai quật và khoảng 03 di tích cư trú được khảo sát và thám sát, khoảng trên 40 di tích mộ táng và mộ táng - cư trú đã được khai quật[10].
Trong các di tích văn hóa Sa Huỳnh, mộ táng là loại hình di tích tìm được với số lượng áp đảo, đây là những khu mộ địa độc lập trên sườn cồn cát ven biển, đồi gò hay những giồng đất cao ven sông. Những khu mộ địa có diện tích rộng có những khu mộ rộng tới chục nghìn mét vuông và thường là phức hợp di tích của nhiều giai đoạn chôn cất tồn tại liên tục trong vòng thời gian từ một đến vài trăm năm. Những khu mộ địa được tổ chức dựa trên một quy hoạch định trước, do đó ta rất ít khi gặp mộ cắt phá nhau dù chôn ở các thời điểm khác nhau.
Khu cư trú nằm liền kề khu mai táng và thường ở vị trí thấp hơn như chân cồn cát ven sông ven biển, bậc thềm sông hay rìa những doi đất cao ven sông cận kề nguồn nước ngọt và đất thấp để canh tác. Ngoài ra còn có một số di tích cư trú kết hợp với mộ táng, trong những di tích này mộ táng thường có niên đại muộn hơn một chút so với lớp cư trú.
II.2. Đặc trưng của các di tích cư trú:
Cho đến nay rất ít các di tích cư trú Sa Huỳnh được phát hiện, số di tích cư trú được khai quật lại càng hiếm, có thể kể đến một số di tích tiêu biểu như Thôn Tư, Tiên Hà (Gò Miếu), Bàu Nê, đều ở tỉnh Quảng Nam. Gò Duối (Khánh Hòa). Ngoài ra còn có một số di tích cư trú khác tại Khánh Hòa như Ninh Thân, Ninh Đông, Diên Điền đã được phát hiện vào 1988 song không có thông báo cụ thể.
Bàu Nê, Tam Xuân, Núi Thành, Quảng Nam. Phát hiện và khảo sát năm 1984. Cư trú cách mộ Tam Mỹ khoảng 1km. Tầng văn hoá dày khoảng 0,50-0,70m. Hiện vật chủ yếu là mảnh vỡ của nồi, dọi se chỉ, không thấy mảnh chum. Di chỉ cư trú có thể đồng đại với Tam Mỹ[11]. Tuy nhiên, tư liệu về địa điểm này đến nay không còn nữa.
Di chỉ Gò Miếu (Tiên Hà): di chỉ Gò Miếu cách di tích mộ táng Gò Quảng khoảng 1,5 km về phía đông. Di tích phân bố ở thềm sông Tiền (thềm này cao hơn nước sông tháng 3 khoảng từ 30-35m, và thường xuyên ngập lụt vào mùa lũ). Di vật phát lộ trong tầng văn hoá dày khoảng 60-80cm là đồ đá, đồ gốm, đáng chú ý là cụm gốm có 4 nồi (có nồi có chân) trong một khu vực được xác định là bếp. Đồ gốm kém phong phú, chủ yếu là nồi miệng loe, chân đế thấp, liền với thân. Không thấy đồ sắt, nhưng có đồ đồng là những mảnh của rìu tứ giác.
Di chỉ Thôn Tư: Thôn Tư, Duy Trung, Duy Xuyên, Quảng Nam. Tầng văn hóa dày khoảng từ 40- 50 cm, các mảnh gốm Sa Huỳnh phân bố rải rác khắp bề mặt hố trong các lớp đào và cũng có một số nằm co cụm thành từng đám, từng dải, hoặc những cá thể gốm bị vỡ in situ và mảnh văng ra xung quanh. Bên cạnh gốm còn có đồ đồng, đồ sắt, trang sức bằng đá Jade, Nephrite, và một số vết tích của nghề đúc đồng như mảnh đồng vụn, mảnh nồi nấu đồng, bọt xỉ đồng, giọt đồng và nhiều tảng đất bị nung cháy. Di tích cư trú này nằm trong tổ hợp di tích cư trú và di tích mộ táng. Đồ gốm tìm thấy trong di chỉ cư trú có nhiều nét tương đồng với đồ gốm tìm thấy ở những khu vực mộ táng Gò Mả Vôi, Gò Miếu Ông. Tuy nhiên giữa mộ táng Gò Mả Vôi và cư trú Thôn Tư mặc dù đồng đại nhưng lại có những chênh lệch đáng kể về di vật. Đồ gốm, đồ đồng ở khu mộ táng phong phú và tinh xảo hơn nhiều so với những đồ tìm thấy ở nơi cư trú, đặc biệt bộ di vật đồng tùy táng với những loại hình như rìu, giáo, dao… kiểu Đông Sơn tìm thấy trong các ngôi mộ ở Gò Mả Vôi đã không phát hiện được trong lớp cư trú Thôn Tư[12] (ảnh 1).

Một số đồ đồng Thôn Tư (nguồn tác giả)
Di chỉ Gò Duối: Di tích Gò Duối thuộc thôn Hòa Diêm, xã Cam Thịnh Đông, Cam Ranh, Khánh Hòa thuộc phức hợp di tích Hòa Diêm, phức hợp di tích Hòa Diêm gồm ba loại hình di tích chính là cư trú, mộ táng và mộ táng chôn vào nơi cư trú, trong đó Gò Duối là di chỉ cư trú.
Tầng cư trú dày trung bình 0.70-0.80cm, đất màu xám đen, cứng, nén chặt và chứa nhiều vỏ nhuyễn thể, đá mảnh vụn. Vết tích cư trú được nhận biết qua sự hiện diện của những tích tụ vỏ sò, xương động vật, than tro và gốm vỡ tập trung thành từng đám. Khu cư trú Gò Duối có niên đại thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, trong khoảng một vài thế kỷ trước sau Công nguyên. Các lớp văn hoá ở đây có sự phát triển liên tục từ khoảng thế kỷ 3,4 TCN đến thế kỷ 2, 3 SCN. Đồ gốm có những nét tương đồng với đồ gốm tìm thấy trong tầng cư trú của khu cư trú kết hợp mộ táng Hòa Diêm, ngoài ra cũng có một số loại hình và trang trí gốm riêng. Trong đồ gốm không có sự thay đổi đáng kể nào từ sớm đến muộn. Hiện vật gốm, đá, nhuyến thể và xương cho thấy có nhiều yếu tố kế thừa từ văn hoá Xóm Cồn, nền văn hóa sớm hơn văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách đây trên 3.000 năm. Giai đoạn sớm, công cụ bằng xương và bằng đá chiếm vai trò chủ đạo, từ khoảng cận kề Công nguyên xuất hiện đồ sắt và đồ đồng. Những mảnh gốm kiểu Hán và mảnh bán sứ Hán - Lục Triều cho thấy từ sau Công nguyên có sự tiếp xúc và trao đổi văn hoá với thế giới bên ngoài. Như vậy tại di tích có sự chuyển biến văn hoá một cách dần dần và liên tục từ Sơ sử sang giai đoạn Lịch sử.
Nhìn chung, dấu tích cư trú đã phát hiện được của người Sa Huỳnh chưa tương xứng với các quy mô và số lượng các địa điểm mộ táng. Nơi cư trú có lẽ thường nằm ở khu vực gần dòng chảy, thấp hơn so với nơi chôn cất, tầng văn hoá không dày, dễ bị bào mòn và làm xáo trộn. Trong khi đó với đặc tính của các dòng sông miền Trung là ngắn, độ dốc lớn kết hợp với “những cơn lũ miền núi đột ngột và hung dữ, gây những hiện tượng lở bờ, đất đổ và đất trượt”[13] thì khả năng nhiều di tích cư trú bị lở xuống sông mất hết dấu tích là rất lớn, hiện tượng đó đến nay vẫn tiếp tục xảy ra.
II.3. Đặc trưng của các di tích mộ táng
Những địa điểm mộ táng thường có diện tích rộng, mộ thường được chôn trên nhiều cồn cát hay gò đất phân bố liền kề. Mặc dù không có số liệu chính xác nhưng có thể đưa ra con số ước tính cho một số khu mộ như Cồn Ràng ước tính rộng 5000m2, Gò Mả Vôi ước tính rộng 3000 đến 4000m2…. Nhiều khu mộ được sử dụng trong một thời gian dài 3 đến 4 trăm năm với nhiều tầng lớp dựa trên những niên đại C14, AMS và biến đổi của các kiểu chum quan tài, từ những loại chum hình cầu, hình trứng ở giai đoạn đầu của văn hóa Sa Huỳnh đến chum hình trụ ở giai đoạn cuối.
Táng tục cũng khá đa dạng, tại khu vực Sa Huỳnh Bắc (từ Huế đến Bình Định) hầu như không tìm được vết tích xương cốt người trong các mộ. Khu vực Sa Huỳnh Nam (từ Khánh Hòa đến Đông Nam Bộ) khá phổ biến các mộ quan tài có chứa xương người, đặc biệt khu mộ Hòa Diêm trong một chum chôn vài cá thể. Khu vực đảo ven bờ Quảng Ngãi lại có những mộ nồi/ vò cải táng trẻ em được chôn trong các khu cư trú.
Trong một số địa điểm, xen kẽ với táng thức mộ chum, cư dân cũng thực hiện chôn theo kiểu mộ đất (điển hình như ở di tích Gò Mả Vôi, Lai Nghi, Gò Quê, Hoà Diêm…) (ảnh 2), táng thức mộ đất cũng thể hiện những táng tục đa dạng như hung táng, cải táng, hoả táng và chôn tượng trưng[14] .

Sơ đồ mộ đất Gò Mả Vôi (nguồn Andreas Reinecke và nnk)
Cả hai loại táng thức này cùng tồn tại trong một giai đoạn, tuy vậy, số lượng mộ đất so với mộ chum không đáng kể. Một số mộ đất trong văn hoá Sa Huỳnh có nhiều nét tương đồng với mộ đất Làng Vạc thuộc văn hoá Đông Sơn. Trong những di tích có niên đại muộn sau Công nguyên, táng thức, táng tục và những đồ chôn theo phản ánh xu thế tiếp xúc và trao đổi mạnh mẽ với Trung Hoa, Ấn Độ, Đông Nam Á hải đảo và xuất hiện nhiều loại hình quan tài gốm và đồ tuỳ táng gốm khác lạ hơn so với Sa Huỳnh cổ điển. Điển hình như ở di tích Xóm Ốc, Suối Chình (Đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), Rừng Long Thuỷ, Suối Mây (Phú Yên), Hoà Diêm (Khánh Hoà) đồ gốm tùy táng và chum gốm quan tài có những loại hình và trang trí khá riêng tạo nên một dạng văn hóa mang tính địa phương - Sa Huỳnh Nam bên cạnh Sa Huỳnh Bắc phân bố ở các tỉnh từ Huế đến Bình Định[15].
II.4. Đặc trưng của các di tích cư trú - mộ táng.
Trong giai đoạn Sơ sử, mộ địa hầu hết được tách hẳn khỏi khu cư trú song ở một số nơi, mộ táng cũng được tìm thấy trong tầng cư trú. Có ba di tích có mộ táng trong tầng cư trú là Xóm Ốc, Suối Chình (Quảng Ngãi), Hoà Diêm (Khánh Hòa). Cả ba đều phân bố trên các cồn cát ven biển và trên đảo.
Hòa Diêm
Cư trú: Tầng cư trú ở Hoà Diêm có cấu tạo từ những tích tụ thức ăn nhuyễn thể, xương cá, xương động vật nhỏ như chim, gia cầm và xương động vật có vú vừa và lớn, mảnh gốm, công cụ xương, trang sức bằng vỏ nhuyễn thể các công cụ đá (hòn nghiền, bàn mài, …), hiện vật kim loại chỉ tìm thấy ở lớp trên. Trong tầng văn hóa còn phát hiện nhiều xương động vật bị đốt cháy ở những khu vực có đất đen lẫn than tro (có khả năng là tàn tích của bếp). Tầng cư trú này ở nhiều điểm đã bị phá huỷ do có mộ chôn vào. Cư trú có niên đại bắt đầu từ khoảng thế kỷ 3, 4 TCN. Hiện vật (gốm) trong nơi cư trú đơn điệu hơn rất nhiều so với gốm trong mộ táng và cho thấy sự kế thừa từ văn hóa Xóm Cồn[16] trước đó, đặc biệt là nồi gốm văn chải. Một số công cụ, trang sức bằng vỏ nhuyễn thể và bằng đá tìm được ở tầng cư trú Hòa Diêm cũng cho thấy chúng mang những nét tương đồng với đồ đá và đồ nhuyễn thể văn hóa Xóm Cồn[17].
Mộ táng: Mộ táng Hoà Diêm - Khu mộ táng phân bố trên gò Đình Hoà Diêm. Mộ táng Hoà Diêm có hai loại mộ đất và mộ chum. Mộ đất có hung táng, cải táng và chôn tượng trưng. Mộ chum có cải táng, hoả táng và chôn tượng trưng, đặc điểm nổi bật là kiểu táng kết hợp nhiều cá thể trong một chum (ảnh 3).

Mộ chôn phức hợp Hòa Diêm (Nguồn tư liệu khai quật năm 2007, (Ảnh - Nguyễn Lân Cường)
Mộ táng Hòa Diêm có nhiều đặc điểm riêng về loại hình chum quan tài, cách thức mai táng và đồ gốm tùy táng so với mộ táng ở các địa điểm văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định [18]. Sự khác biệt này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân như tính địa phương trong văn hóa, tính khu biệt trong tiếp xúc và trao đổi với thế giới bên ngoài, tác động của những làn sóng di chuyển dân cư[19] và do thời gian hình thành, tồn tại của di tích[20].
Mộ táng ở Hòa Diêm có quan hệ chặt chẽ với một số khu mộ táng ở Phillipin và Thái Lan. Điều này được thể hiện trong sự tương đồng về táng thức và táng tục giữa phức hợp mộ táng Tabon[21], mộ táng Kalanay[22] (Phillipin), sự tương đồng giữa các sưu tập gốm Hòa Diêm - Kalanay - Samui[23] (Thái Lan). Những táng tục của táng thức mộ chum Hoà Diêm không khác so với những phát hiện ở hang Tabon vào thập kỷ 70 của thế kỷ 20. “Mộ chum ở hang Tabon có nhiều loại: Hung táng (primary), toàn bộ thây được đặt trong chum; Cải táng (secondary), một bộ phận xương cốt đặt trong chum; Kết hợp (multiple), thây hay xương người của nhiều cá thể hoặc kết hợp giữa hung táng và cải táng”[24] . Đồ tùy táng (đặc biệt là đồ gốm) của Hòa Diêm cũng có những loại hình tương đồng với gốm Kalanay, Tabon và Samui[25] .
Mối quan hệ giữa tầng cư trú và mộ táng trong di tích Hòa Diêm được các nhà nghiên cứu xác định là có một giai đoạn trùng nhau về thời gian tồn tại. Nhìn chung, lớp văn hóa cư trú có niên đại khởi đầu từ khoảng thế kỷ 3, 4 TCN, mộ táng có niên đại muộn hơn (khởi đầu từ khoảng thế kỷ 2 TCN) và kéo dài hơn so với niên đại kết thúc của nơi cư trú (thế kỷ 3,4 SCN). Theo kết quả khai quật 2007, Hòa Diêm có tầng văn hóa gồm hai lớp. lớp cư trú dưới và lớp mộ táng ở trên[26] . Mộ táng Hòa Diêm cũng như mộ táng Lai Nghi (Quảng Nam) và một số khu mộ táng khác của văn hóa Sa Huỳnh cho thấy có sự hiện diện của nhiều yếu tố văn hóa ngoại sinh như tiền đồng Ngũ Thù (Tây Hán và Sơ kỳ Đông Hán), gương đồng Tây Hán, đồ đựng bằng đồng Tây Hán và Sơ kỳ Đông Hán, hạt chuỗi mã não khắc Axít Ấn Độ, hạt chuỗi vàng chạm lộng có nguồn gốc Địa Trung Hải…
Hai địa điểm Xóm Ốc và Suối Chình đều phân bố ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Theo những người khai quật, ở Suối Chình có hai giai đoạn cư trú phát triển liên tục từ sớm đến muộn, lớp dưới thuộc giai đoạn văn Sa Huỳnh, lớp trên thuộc giai đoạn văn hóa Sa Huỳnh – Chăm cổ. Dấu tích liên qua đến cư trú là công cụ bằng đá, kim loại, tàn tích thức ăn, dấu tích bếp lửa. Mộ nồi chôn vào nơi cư trú ở Suối Chình đều là mộ chôn trẻ em, có niên đại cận kề Công nguyên, mộ đất ở đây cũng có niên đại tương đương cũng như có một số nét tương đồng với mộ đất Hòa Diêm.
Tại Xóm Ốc, vết tích văn hóa cổ phân bố trên diện tích khoảng 10.000m2. Tầng văn hoá dày từ 1.40-1.50cm phát triển liên tục từ sớm đến muộn. Gốm cư trú xen lẫn vỏ nhuyễn thể, có sự đan xen mộ táng nồi, vò và huyệt đất trong nơi cư trú. Mộ vò, mộ nồi ở đây kéo dài từ giai đoạn Sa Huỳnh sang đến giai đoạn Chăm cổ.
Theo tài liệu của các lần khai quật, địa tầng ở hai địa điểm này đã bị xáo trộn nghiêm trọng và mộ nồi hay vò ở hai địa điểm này chỉ dành cho một loại đối tượng là trẻ em. Hai di tích này cho thấy sự tiếp nối liên tục về cư trú giữa hai thời kỳ Sa Huỳnh và Chăm cũng như sự đa dạng hóa cách thức chôn cất của các cộng đồng cư dân thời kỳ đó.
GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung
(Còn tiếp)
[1] Lê Bá Thảo, Việt Nam lãnh thổ và các vùng địa lý, (Nxb. Thế Giới), Hà Nội, 1998, 385-386.
[2] Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa-văn hóa, (Nxb Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật), Hà Nội, 1998, 424.
[3] Fukui Hayao, “An Overview: The Scope of the Dry Area Study”[Tổng quan: Mục đích của nghiên cứu vùng khô], The Dry Areas in Southeast Asia: Harsn or Benign Environment,[Vùng khô hạn ở Đông Nam Á: Khắc nghiệt hay ôn hòa] Fukui Hayao chủ biên (The Centre for Southeast Asian Studies, Kyoto University) [Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto], Kyoto, March 1999, 1-15
[4] Trần Quốc Vượng, ”Về Miền Trung (Mấy nét khái quát về nhân học văn hóa)”, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “5 năm nghiên cứu và đào tạo của Bộ môn Khảo cổ học 1995-2000” (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002), 17-28 ; Lâm Thị Mỹ Dung, “Nghiên cứu quá trình chuyển biến từ sơ sử sang lịch sử ở miền Trung Trung bộ và Nam Trung bộ Việt Nam”, Đề tài Nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp ĐHQG (Mã số:QGTĐ, Hà Nội, 2008),113-144.
[5] Momoki Shiro, “A Short Introduction to Champa Studies”[Một giới thiệu ngắn về nghiên cứu Champa] The Dry Areas in Southeast Asia: Harsn or Benign Environment, [Vùng khô hạn ở Đông Nam Á: Khắc nghiệt hay Tốt lành], Fukui Hayao chủ biên (The Centre for Southeast Asian Studies, Kyoto University) [Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto], Kyoto, March 1999, 71.
[6] Sakurai Yomio, “The Dry Areas in the History of South East Asia”[Vùng khô hạn trong lịch sử Đông Nam Á], The Dry Areas in Southeast Asia: Harsn or Benign Environment, [Vùng khô hạn ở Đông Nam Á: Khắc nghiệt hay Tốt lành], Fukui Hayao chủ biên, (The Centre for Southeast Asian Studies, Kyoto University) [Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Đại học Kyoto], Kyoto, March 1999, 28.
[7] Lê Bá Thảo, Việt Nam lãnh thổ, 391.
[8] Trần Quốc Vượng, Việt Nam cái nhìn địa-văn hóa, 314-331.
[9] Trần Trí Dõi, “Những đặc điểm chính về địa lý vùng Đông Nam Á liên quan đến việc nghiên cứu lịch sử tiếng Việt”, Kỷ yếu HTKH Nghiên cứu và Đào tạo về Khu vực học, ( Đại học Quốc gia Hà Nội – Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển), Hà Nội, 1-2005, 8.
[10] Do các di tích cư trú rất hiếm khi được phát hiện và khai quật nên những nhận thức về văn hóa Sa Huỳnh cho đến nay chủ yếu dựa vào những di vật thu được từ các khu mộ táng.
[11] Trần Quốc Vượng, chủ biên, Những di tích Tiền, Sơ sử ở Quảng Nam – Đà Nẵng, (Quảng Nam – Đà Nẵng, 1985), 73-74.
[12] Lâm Thị Mỹ Dung, “Di chỉ cư trú văn hóa Sa Huỳnh Thôn Tư (Quảng Nam)”, Khảo cổ học, 6, 2007, 85.
[13] Lê Bá Thảo, Việt Nam lãnh thổ, 192.
[14] Hoàng Thúy Quỳnh và Nguyễn Thị Hảo, “Mộ đất văn hóa Sa Huỳnh: Nghiên cứu trong bối cảnh Việt Nam và Đông Nam Á”, Hội nghị khoa học quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”(Quảng Ngãi, 7.2009).
[15] Lâm Thị Mỹ Dung, Nghiên cứu quá trình, 58-60; Hoàng Thúy Quỳnh, “Đồ gốm văn hóa Sa Huỳnh”, Khảo cổ học, 1, 2010, Hà Nội (đang in)
[16] Văn hóa Xóm Cồn được đặt theo tên địa điểm Xóm Cồn, Cam Ranh, Khánh Hòa là nền văn hóa tiền sử có niên đại cách ngày nay trên 3000 năm và được xem là một trong những nguồn gốc góp phần hình thành văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ thời đại đồ sắt.
[17] Nguyễn Đăng Cường, “ Báo cáo khai quật địa điểm Hòa Diêm, Cam Ranh, Khánh Hòa”, Khóa luận tốt nghiệp cử nhân ngành lịch sử, (Tư liệu Khoa Lịch sử và Tư liệu Bảo tàng Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Hà Nội), 2005, Hà Nội; Lâm Thị Mỹ Dung, Nghiên cứu quá trình, 85,86
[18] Do có nhiều những khác biệt về cả táng tục, táng thức, đồ tùy táng gốm giữa địa điểm Hòa Diêm với các di tích văn hóa Sa Huỳnh khác đã biết nên giữa các nhà nghiên cứu còn có nhiều quan điểm khác nhau về nội hàm cũng như cương vực của văn hóa Sa Huỳnh. Một số người cho rằng Hòa Diêm khác và không phải văn hóa Sa Huỳnh. Tác giả bài này cho rằng trong thời sơ sử ở miền Trung Việt Nam, có lẽ đã có những bình tuyến văn hóa khác nhau cùng tồn tại, tuy nhiên không nhất thiết mỗi bình tuyến như thế phải gọi tên bằng một văn hóa khảo cổ riêng.
[19] Theo một số người nghiên cứu Hòa Diêm cung cấp những chứng cứ về làn sóng di cư của người Nam Đảo vào bán đảo Đông Dương (Mariko Yamagata Yamagata Mariko (2008). Archaeological Reseach on the Prehistoric Interrelations beyond the South China Sea,[Nghiên cứu khảo cổ về mối quan hệ thời tiền sử ở biển Nam Trung Hoa] Report of Grant- in- Aid for Scientific Reseach (C) (2006- 2007 No. 18520593)[Báo cáo tài trợ Nghiên cứu khoa học], Waseda University
[20] Mộ táng cũng như cư trú Hòa Diêm kéo dài đến thế kỷ 3,4 SCN trong khi ở khu vực Sa Huỳnh Bắc văn hóa Sa Huỳnh chỉ tồn tại đến nửa đầu thế kỷ I SCN.
[21] Tabon: Nhóm các di tích hang động Tabon nằm ở đảo Palawan, miền trung Philippines, gồm các hang động đá vôi như hang Agung, Batu, Bubulungan, Decalan, Diwata, Dugyan, Manunggul, Tabon, Uyaw, Wasay, Pagayona…. Nhóm này trải qua 4 giai đoạn phát triển là thời kỳ đồ đá cũ, thời đá mới, thời kỳ kim khí, và thời kỳ tiếp xúc và buôn bán với phương Đông. Giai đoạn sớm các hang động này là nơi cư trú của những nhóm người săn bắt hái lượm, và giai đoạn sau trở thành địa điểm mộ táng. Phức hệ mộ chum và gốm kiểu Kalanay lần đầu xuất hiện trong các hang động Tabon là vào thời hậu kỳ đá mới và tiếp tục tồn tại như là loại hình chum chính trong vùng suốt đến thời kỳ kim khí phát triển (trong khoảng từ 1500 TCN đến 500 SCN) và có thể muộn đến thời kỳ bắt đầu buôn bán với người Trung Hoa. Các chum mộ được phát hiện trên bề mặt hang, hoặc trong các hốc đá trên vách hang chứ không được chôn cất dưới đất.
[22] Kalanay: Hang Kalanay ở Masbate, Philippines được khai quật một phần vào năm 1951 và hoàn thành vào năm 1953. Các địa điểm khác có đồ gốm giống gốm Kalanay được tổ hợp thành phức hợp di tích, đây đều là các địa điểm mộ chum, phân bố rải rác trên các đảo Visayan, phía nam và vùng duyên hải phía tây nam của Luzon. Niên đại thuộc thời đại kim khí sớm và phát triển, từ thế kỷ 1,2 TCN đến những thế kỷ đầu Công nguyên.
[23] Samui: Địa điểm này nằm ở Đảo Samui, tỉnh Suratthani, bờ đông của bán đảo Thái Lan. Tại đây W.Soilhem đã nhận thấy có những đồ gốm giống với gốm của phức hệ gốm Sa Huỳnh – Kalanay (Wilheim G., Soilhem, David Bulbeck, Ambika Flaver, Archaeology and Culture in Southeast Asia: Unraveling the Nusantao, [Khảo cổ học và văn hóa Đông Nam Á: Manh mối người Nusantao] (The University of the Philippines Press Diliman)[Nxb Diliman Đại học Philipin], Quezon City, 135, hình 7.
[24] Fox Robert, The Tabon Caves. Archaeological Explorations and Excavations on Palawan Island, Philippines,[Hang Tabon, Khám phá và Khai quật Khảo cổ học ở đảo Palawwan, Philipin] (National Museum Manila)[Bảo tàng Quốc gia Manila], 1970, Manila, 67
[25] Yamagata Mariko, “Comparative Study between Sa Huynh and Sa Huynh related pottery in Southeast Asia”,[Nghiên cứu so sánh giữa Sa Huỳnh với những đồ gốm liên quan đến Sa Huỳnh ở Đông Nam Á] Hội nghị khoa học quốc tế “100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh”(Quảng Ngãi, 7.2009).
[26] Bùi Chí Hoàng, Yamagata Mariko và Nguyễn Kim Dung, “Khai quật di tích khảo cổ học Hòa Diêm (Cam Thịnh Đông – Cam Ranh – Khánh Hòa), Hội nghị Thông báo khảo cổ học 2007, (Hà Nội, 7.2007)