Đồ gốm Phùng Nguyên là một trong những nguồn sử liệu vật thật nghiên cứu các mặt đời sống xã hội sản sinh ra chúng. Trong các văn hóa khảo cổ ở Việt Nam, văn hóa Phùng Nguyên đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá và đồ gốm. Thông qua các tiêu chí đồ gốm, các nhà khảo cổ học không chỉ xác lập nền văn hóa Phùng Nguyên, mà còn phân chia các giai đoạn phát triển của chúng.
Đồ gốm Phùng Nguyên là một trong những nguồn sử liệu vật thật nghiên cứu các mặt đời sống xã hội sản sinh ra chúng. Trong các văn hóa khảo cổ ở Việt Nam, văn hóa Phùng Nguyên đạt tới đỉnh cao của kỹ thuật chế tác đá và đồ gốm. Thông qua các tiêu chí đồ gốm, các nhà khảo cổ học không chỉ xác lập nền văn hóa Phùng Nguyên, mà còn phân chia các giai đoạn phát triển của chúng.
Trên cơ sở nghiên cứu hoa văn gốm, bài báo góp phần làm rõ đặc trưng đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên qua ba giai đoạn sớm muộn khác nhau, và những thủ pháp cơ bản tạo hoa văn gốm Phùng Nguyên.
1. Các giai đoạn đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên
Đến nay, đa số các nhà nghiên cứu thống nhất phân chia văn hoá Phùng Nguyên thành ba giai đoạn. Trong bài viết này, nguồn tư liệu chính tác giả sử dụng gồm: Sưu tập đồ gốm di chỉ Gò Bông (giai đoạn Phùng Nguyên sớm), sưu tập đồ gốm di chỉ Xóm Rền (giai đoạn Phùng Nguyên điển hình) và sưu tập đồ gốm di chỉ Chùa Gio (giai đoạn Phùng Nguyên muộn). Dưới đây là đặc trưng cơ bản các giai đoạn phát triển đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên:
1.1. Giai đoạn Phùng Nguyên sớm (hay giai đoạn Gò Bông): Đồ gốm có kích thước nhỏ nhắn, chất liệu gốm mịn. Kỹ thuật khắc vạch được sử dụng không những để tạo các họa tiết chính (những đường viền bên ngoài) mà còn vạch những đường chéo, uốn lượn bên trong. Hoa văn khắc vạch trên nền thừng khá phổ biến trên gốm giai đoạn sớm. Trên đồ gốm di chỉ Gò Bông, họa tiết khắc vạch thường là các đường đơn hay kép chạy vòng quanh đồ đựng, các đoạn thẳng, các hoa văn hình chữ S, hình mỏ neo... được khắc vạch đè lên trên nền văn thừng. Các họa tiết khắc vạch trên gốm Gò Bông thường phóng khoáng, tự do và đôi khi có vẻ tùy tiện. Các đường vạch thường không khép kín mà hay lơ lửng, để hở, không bị gò bó khiến cho bố cục hoa văn gốm thêm sinh động, phong phú và đa dạng. Bên cạnh những loại hoa văn đẹp như hoa văn khắc vạch hình chữ S, văn in, hoa văn sóng nước... còn có những hoa văn đơn giản như văn đan, văn vạch đơn... Các họa tiết hoa văn trang trí trên gốm Gò Bông thường được bố trí theo hàng, theo lớp. Một điểm nổi bật nữa là kỹ thuật miết láng được sử dụng khá phổ biến trong nghệ thuật trang trí hoa văn giai đoạn Gò Bông. Gốm Gò Bông tương đối phong phú về các họa tiết đệm, bao gồm các hình tam giác, các hình tròn, hình trái tim hoặc hình cánh chim đang bay... Các họa tiết đệm này thường được trang trí vào khoảng tiếp giáp (phía trên hoặc phía dưới) của các họa tiết chính nhằm lấp bớt những khoảng trống giữa các họa tiết chính. Trên các rãnh vạch và các băng chấm dải của hoa văn, người thợ gốm còn phủ thêm một loại bột trắng nhằm làm nổi bật thêm các họa tiết hoa văn (Hà Văn Tấn 1971: 267 - 269; Hán Văn Khẩn 1966).
1.2. Giai đoạn Phùng Nguyên điển hình (hay giai đoạn Xóm Rền): Đồ gốm cơ bản được làm từ đất sét tương đối mịn, kích thước có phần lớn hơn đồ đựng giai đoạn trước. Hoa văn trang trí rất phát triển, xuất hiện nhiều họa tiết hoa văn mới, phức tạp và đẹp mắt. Nếu ở giai đoạn Gò Bông đồ gốm thường được trang trí các hoa văn khắc vạch các đoạn vạch ngắn hoặc in lăn thừng nhỏ trong các họa tiết khắc vạch, thì sang giai đoạn này gốm chủ yếu được trang trí bằng lối in chấm thưa trong các họa tiết khắc vạch. Vào giai đoạn Phùng Nguyên điển hình, không gian phân bố của các di chỉ Phùng Nguyên mở rộng hơn và số lượng các di chỉ cũng nhiều hơn giai đoạn trước, xuất hiện nhiều loại hình đồ đựng khác nhau. Hoa văn trang trí vì thế cũng phong phú hơn. Các họa tiết hoa văn tuân thủ theo các quy tắc đối xứng rất chặt chẽ và phổ biến. Hoa văn trang trí khắc vạch hình chữ S với hàng chục biến thể đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hoa văn. Khác với giai đoạn sớm, hoa văn khắc vạch giai đoạn này không thực hiện trên nền thừng, mà được trang trí ở một mảng riêng, tách khỏi văn thừng. Lối khắc vạch in ấn rời thay thế cho lối khắc vạch in lăn ở giai đoạn Gò Bông. Các họa tiết hoa văn có kết cấu phức tạp nhưng uyển chuyển, hài hoà và mang tính qui chuẩn.
Trên hoa văn gốm Xóm Rền các họa tiết khắc vạch hình chữ S chiếm vị trí chủ đạo. Hoa văn chữ S được khắc nét đôi thành một hay hai hàng ngang ở giữa những đường chỉ chìm tạo thành một băng hoa văn. Những băng hoa văn này không đứng đơn độc mà thường có các vành văn chấm dải, vành văn chữ S nằm ngang nối nhau, vành vòng tròn cuống rạ, vành các đoạn thẳng song song... tạo thành những đồ án sinh động lấy chữ S làm trung tâm, làm họa tiết chính. Chiếm số lượng lớn hơn cả là những hình chữ S đứng riêng lẻ thành hàng đều đặn, lúc một hàng một, lúc hai hàng song song trong các băng và được bao quanh bởi các đường chỉ chìm và các đoạn thẳng đứng. Loại mô típ này được trang trí phổ biến trên bát bồng và bình dạng thố. Những họa tiết chữ S nằm ngang chạy dài trang trí vòng quanh phần vai một loại nồi miệng loe, đáy tròn. Nhìn trực diện, vành hoa văn trang trí này thể hiện như một vòng tròn đồng tâm, nên độ doãng của những chữ S này thường rất lớn, có khi chữ S doãng đến độ gần như chạy thành hàng ngang trên đồ đựng.
Tại các lớp dưới di chỉ Xóm Rền đã phát hiện được những mảnh gốm mang họa tiết trang trí như gốm Gò Bông và đặc biệt kỹ thuật phủ chất bột trắng vào các rãnh hoa văn khắc vạch. Hoa văn miết láng phổ biến ở giai đoạn Gò Bông, cũng được người Xóm Rền sử dụng trong kỹ thuật tạo hoa văn của mình. Đến giai đoạn này, một số mô típ hoa văn đặc trưng của giai đoạn sớm vẫn tồn tại như các họa tiết hoa văn khắc vạch hình chữ S và các họa tiết đệm, khắc vạch hình chữ S nghiêng tịnh tiến theo băng dải, hoa văn biến thể chữ S nằm ngang, hai đầu nhọn trang trí trên phần vai đồ đựng, hoa văn khắc vạch hình chữ C, khắc vạch kiểu bào thai (Bùi Thị Thu Phương 2005).
1.3. Giai đoạn Phùng Nguyên muộn: Gồm các di chỉ thuộc giai đoạn cuối của văn hoá Phùng Nguyên và một số di chỉ nằm trong bước chuyển tiếp từ văn hoá Phùng Nguyên sang văn hoá Đồng Đậu. Chất liệu gốm mịn không còn, xuất hiện loại gốm chất liệu thô, màu xám mốc. Nếu như các giai đoạn trước (đặc biệt giai đoạn Phùng Nguyên điển hình) hoa văn trang trí trên đồ gốm phong phú và đa dạng, mang tính mỹ thuật cao thì hoa văn trang trí trên đồ gốm giai đoạn này trở nên nghèo nàn và đơn điệu hơn. Văn thừng chiếm vị trí chủ đạo trên đồ gốm. Các họa tiết hoa văn khắc vạch in lăn hoặc in chấm ở các giai đoạn trước còn lại rất ít hoặc thậm chí ở một số di chỉ không còn nữa. Hoa văn trang trí cơ bản chỉ còn là những họa tiết khắc vạch đơn giản kết hợp in chấm thô. Văn thừng cũng to và thô hơn văn thừng hai giai đoạn trước. Xuất hiện hoa văn khuông nhạc, hoa văn những đường tròn đồng tâm, một số hoa văn trang trí bên trong thành miệng (Phạm Văn Triệu 2002). Đây không những là một sự chuyển biến sâu sắc về kỹ thuật trang trí mà còn là sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ của người Phùng Nguyên khi họ bước sang một giai đoạn văn hóa mới (Hán Văn Khẩn 1976: 5 - 22).
Hoa văn trang trí trên gốm văn hóa Phùng Nguyên đa dạng và phong phú về kiểu loại và các họa tiết trang trí. Nếu ở giai đoạn Phùng Nguyên sớm lối in lăn kết hợp khắc vạch được sử dụng rộng rãi thì sang giai đoạn Phùng Nguyên điển hình lối khắc vạch in lăn đã dần được thay thế bằng khắc vạch in chấm và đến giai đoạn Phùng Nguyên muộn lối trang trí hoa văn khuông nhạc và văn thừng to, thô chiếm vị trí chủ đạo. Các kiểu hoa văn khắc vạch kết hợp chấm mịn theo băng dải tạo thành các họa tiết rất phức tạp nhưng rất chặt chẽ. Những đồ án hoa văn đã thể hiện trình độ khéo léo và tư duy khoa học của người Phùng Nguyên. Qua quá trình quan sát các hiện tượng đối xứng trong thế giới động, thực vật như chiếc lá, đôi cánh chim, mắt mũi chân tay của con người và động vật, hình bóng trên mặt nước, dần dần hình thành khái niệm đối xứng và được thể hiện lên các họa tiết và đồ án hoa văn trên gốm. Trình độ tư duy của người thợ gốm còn thể hiện trong việc xếp hoa văn thành các băng dải và sự tiếp nối cùng một họa tiết quanh đồ gốm. Sự lặp lại nhiều lần của một họa tiết hoa văn theo vành tròn trên đồ gốm, đặc biệt loại bát bồng dường như là sự phản ánh nhận thức của con người về những chu kỳ luân chuyển mùa trong năm, sự thay đổi ngày và đêm, nóng và lạnh, trăng khuyết trăng tròn, sự đâm chồi, sinh trưởng, đơm hoa kết quả của cây trái... (Hà Văn Tấn 1969: 16 - 27).
2.Kỹ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên
Nghiên cứu kỹ thuật tạo hoa văn giúp chúng ta hiểu thêm về trình độ kỹ thuật sản xuất gốm của người xưa. Kỹ thuật tạo hoa văn trên đồ gốm được phản ánh ở các khía cạnh sau: Phương tiện hay dụng cụ trang trí, các thủ pháp hay kỹ thuật sử dụng công cụ trang trí và cách bố cục các họa tiết trang trí.
2.1. Phương tiện và các thủ pháp trang trí: Phương tiện là những dụng cụ sử dụng tạo ra các loại hoa văn khác nhau. Trong đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên hoa văn trang trí có nhiều kiểu loại, tương ứng với mỗi kiểu loại hoa văn thường có những dụng cụ khác nhau để tạo ra các loại hoa văn đó. Những dụng cụ để tạo hoa văn trên đồ gốm tìm được trong các di chỉ khảo cổ học là rất ít, có chăng còn lại chỉ là một số dụng cụ dùng để tạo hình đồ đựng như bàn đập - hòn kê. Tuy nhiên, bằng việc khảo sát mặt âm trên hoa văn gốm, có thể loại suy các dụng cụ tương ứng mà người xưa đã sử dụng để tạo hoa văn.
2.1.1. Phương tiện và thủ pháp tạo hoa văn thừng - chải: Tỷ lệ gốm văn thừng - chải trong đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên khá cao (Đồ gốm di chỉ Phùng Nguyên 39%, đồ gốm di chỉ Gò Bông 35,80%, đồ gốm di chỉ Lũng Hoà 37%, đồ gốm di chỉ Chùa Gio 37,33%...) (Hán Văn khẩn 2006). Theo quan điểm của các học giả Phương Tây, văn thừng được tạo bằng cách buộc dây thừng lên khúc gỗ tròn rồi lăn trên mặt gốm hoặc buộc dây thừng vào bàn dập rồi đập lên mặt gốm (W.G. Solheim 1989). Các học giả Việt Nam thì đồng ý cả hai cách tạo thừng trên và nêu ra ý kiến mỗi cách sẽ tạo ra các dấu thừng khác nhau (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn, Hà Văn Phùng 1970: 123 - 126). Sau khi đã khảo sát các kiểu văn thừng trên đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên và tìm hiểu các lý thuyết về cách tạo hoa văn đã tiến hành thực nghiệm, Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn, Hà Văn Phùng đưa ra nhận xét, người Phùng Nguyên có thể đã tạo văn thừng bằng nhiều cách khác nhau như dùng bàn dập (cuốn dây thừng) và hòn kê, dùng con lăn cuốn dây thừng để dập và in lăn lên phôi gốm khi còn ướt (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: 223 - 240). Văn đập thừng trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên thường được đập từ phần hông đến đáy của bình vò hoặc nồi, ngay dưới băng trang trí khắc vạch hoặc cách một dải băng miết bóng rồi mới đến đập thừng. Dải miết bóng rộng khoảng 3 - 4cm. Theo quan sát của chúng tôi, văn thừng được thực hiện trước sau đó mới tiến hành miết bóng. Chứng cứ là, sau khi miết bóng, các vết thừng đập thẳng, đập chéo còn lại rất ngắn, khoảng 0,1 - 0,2cm, đã bị xoá đi do kỹ thuật miết bóng.
2.1.2. Phương tiện và thủ pháp tạo hoa văn khắc vạch: Hoa văn khắc vạch chiếm vị trí chủ đạo trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên. Chúng thường được tạo ra bằng dụng cụ que một đầu nhọn hoặc tù. Các dụng cụ này được làm từ tre và gỗ, có khả năng cả công cụ xương? Tre và gỗ là những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên nhưng đây lại là những vật liệu dễ bị phá huỷ nhất nên đến nay không còn tồn tại trong các di chỉ khảo cổ học. Tuy nhiên qua những nghiên cứu dấu vết kỹ thuật cổ và thực nghiệm, có thể thấy rõ dấu vết vạch trên gốm là bằng các dụng cụ nêu trên. Với những chiếc que một đầu nhọn, người thợ gốm đã vạch lên rất nhiều họa tiết hoa văn hình chữ S, hình chữ C, hình tam giác đối xứng. Bên cạnh đó, họ sử dụng que nhiều răng như răng lược ấn theo hướng tiến để tạo ra các băng chấm dải bên trong khung khắc vạch. Theo Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn, các họa tiết hoa văn và sự phối trí hoa văn có đều, có đẹp hay không phụ thuộc rất nhiều vào bàn tay tài hoa của người thợ gốm. Việc bố trí và vạch họa tiết đòi hỏi một trình độ tay nghề cao và phải được tiến hành trong một thời gian ngắn. Nếu đồ đựng đã chuốt xong và đã khô đến độ cần vạch hoa văn mà người thợ trang trí còn loay hoay chưa biết sắp xếp bố cục các họa tiết như thế nào thì sẽ không thể tiến hành khắc vạch trang trí hoa văn được nữa vì phôi gốm đã khô mất rồi (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: 223 - 240).
Trong đồ gốm Xóm Rền, người thợ gốm đã dùng hai loại dụng cụ que một đầu khác nhau, đó là que một đầu nhọn và que một đầu tù để tạo hoa văn khắc vạch. Quan sát những dấu vết tạo kỹ thuật, chúng tôi nhận thấy nếu những hoạ tiết hoa văn nào được khắc vạch bằng que một đầu nhọn thì đường vạch rất sắc, nét vạch sâu, mặt cắt dọc có hình chữ V, phía dưới đáy đường vạch nhỏ hơn phía trên. Với những hoa văn được tạo bằng que đầu tù thì đường rãnh vạch nông hơn, nét vạch không sắc bằng nét vạch của que đầu nhọn và mặt cắt dọc của rãnh hoa văn có hình chữ U. Nếu trên những nét kép thì người thợ gốm cũng vạch từng đường đơn lẻ. Như trên họa tiết hoa văn khắc vạch hình chữ C, chữ C ở đây thường là do hai nét cong tròn kép tạo thành. Để tạo chữ C trước hết người thợ vạch một đường cong hai đầu uốn lượn tròn, sau đó lại vạch tiếp một đường cong thứ hai song song với đường cong trước. Do các nét vạch đơn lẻ nên khoảng cách song song trong toàn bộ chữ C không đều nhau. Những chỗ lượn ở đầu chữ C thường rộng hơn ở phần lưng. Những họa tiết đệm cũng được tạo nên bằng cùng một loại dụng cụ với các hoạ tiết chính. Với những họa tiết đệm hình bầu dục, người thợ đã dùng que một đầu vẽ hai nét cong tròn úp vào nhau. Tuy nhiên trên các băng hoa văn thì các hình bầu dục này thường có đầu nhọn và hai đầu của hình bầu dục không khít chụm vào nhau (Bùi Thị Thu Phương 2005).
2.1.3. Phương tiện và thủ pháp tạo các băng chấm dải: Để tạo các băng chấm dải có phần phức tạp hơn, Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn đã tiến hành các thực nghiệm khác nhau như: dùng băng vải thô dán vào phôi gốm ngay sau khi vừa chuốt xong và để đó cho đến lúc khô vải tự bong ra, dùng que một răng hoặc nhiều răng để tạo văn chấm dải (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: 223 - 240).
Khi quan sát các băng chấm dải trên gốm Xóm Rền bằng kính phóng đại chúng tôi nhận thấy chúng được tạo bằng cách thức dùng que một răng hoặc nhiều răng và người thợ gốm thường trang trí chấm dải trước rồi xoá theo khung khắc vạch sau, nhiều mảnh gốm dấu vết này còn lưu lại rất rõ. Các băng chấm dải mịn thường trong một hàng có từ 8 đến 10 dấu que, kích thước các đầu chấm mịn nhỏ, chỉ nhỏ như những dấu kim khâu và tương đối đều đặn. Đa số trên các băng chấm dải mịn, người thợ gốm rắc vào các rãnh chất bột trắng làm nổi bật thêm. Dụng cụ tạo hoa văn in chấm có thể dùng lược nhiều răng nhỏ và người thợ ấn theo hướng tịnh tiến (Bùi Thị Thu Phương 2005).
2.1.4. Phương tiện và thủ pháp tạo văn chấm thô: Các dấu chấm thô thường có hình tròn, hoặc hình tam giác. Điều này chứng minh rằng dụng cụ để tạo các dấu chấm thô này thường có hai loại, một là que có mặt cắt ngang hình tròn, hai là que có mặt cắt ngang hình tam giác. Các dấu chấm thô thường được chấm đơn lẻ vì trên hiện vật các dấu chấm này thường không đồng đều nhau về khoảng cách và độ sâu của các dấu chấm cũng không đều nhau, chỗ nông chỗ sâu. Đối với những họa tiết hoa văn sử dụng kỹ thuật in chấm thô mà dấu chấm hình tam giác cân thì đỉnh tam giác ở dưới và cạnh đáy tam giác ngược lên phía trên. Trong một cá thể có băng dải trang trí chấm thô hình tam giác thì các dấu chấm này được ấn riêng lẻ, khoảng cách giữa các dấu tam giác trong cùng một hàng không đồng đều nhau, nhưng lại được tạo ra từ cùng một dụng cụ với kích thước của các dấu tam giác này tương đương nhau (Bùi Thị Thu Phương 2005).
2.1.5. Phương tiện và thủ pháp tạo văn in/ ấn đường tròn (văn cuống rạ): Người thợ dùng các ống tròn nhỏ, rỗng (ống tre) ấn lên phôi gốm khi còn ướt là đã tạo được các đường tròn đều nhau trên đồ gốm. Đây là kỹ thuật tạo hoa văn đơn giản, các ống tròn bằng tay tre hay ống sạy, rỗng có đường kính 0,3 - 0,5cm. Trên gốm Xóm Rền văn ấn cuống rạ được thực hiện bằng các kỹ thuật sau: Thứ nhất tạo văn ấn cuống rạ theo băng (từ hai đến sáu hàng cuống rạ), các cuống rạ này đều và thẳng hàng. Có thể các cuống rạ được tạo ra bằng cách dùng các que ống tròn có đường kính tương đương nhau, xếp thẳng hàng, kẹp vào giữa hai que thẳng thành một “cái chổi” sau đó ấn vào phôi gốm theo hàng. Các đầu ống rạ thường được ấn vuông góc trên mặt gốm với độ sâu vừa phải, sau khi ấn có thể còn xoay nhẹ để tạo vòng tròn đều.Thứ hai tạo văn cuống rạ không theo quy luật nào cả. Các cuống rạ có đường kính không đồng đều nhau, khoảng cách giữa các cuống rạ trong cùng một hàng cũng không đều nhau. Người thợ đã dùng các ống tròn đơn chiếc có kích cỡ khác nhau ấn từng cái một lên phôi gốm để tạo văn (Bùi Thị Thu Phương 2005).
2.1.6. Phương tiện và thủ pháp tạo văn in/ ấn bằng 1/2 que ống tròn: Dụng cụ loại này được làm từ que ống tròn (có thể là que tre, nứa) chẻ dọc thành que có mặt cắt ngang hình bán nguyệt, sau đó dùng vật sắc khoét cong sâu vào giữa một đầu tạo cho hai điểm đầu của hình bán nguyệt hơi nhọn, dùng để tạo hoa văn khắc vạch chữ S nhỏ nằm ngang nối nhau. Người thợ gốm dùng những ống rỗng đó, ấn lên phôi gốm hai hàng ngược chiều và so le nhau. Khi quan sát hoa văn kiểu này (những nửa vòng tròn nối nhau chạy liên tiếp quanh thân hiện vật) chúng tôi nhận thấy ở hai đầu của các nửa vòng tròn bao giờ cũng lõm sâu hơn ở phần lưng cong (Bùi Thị Thu Phương 2005).
2.1.7. Phương tiện và thủ pháp miết bóng: Đây cũng là một cách trang trí khá phổ biến trên đồ gốm Phùng Nguyên (đặc biệt đồ gốm giai đoạn sớm). Kỹ thuật miết bóng thường được kết hợp với các kỹ thuật tạo hoa văn khác như khắc vạch, chấm dải. Hà Văn Tấn và Hán Văn Khẩn đã tạo ra những khoảng miết bóng trên đồ gốm bằng dụng cụ là cật tre và những chiếc rìu đá nhỏ, xinh xắn (Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973: 223 - 240). Đến giai đoạn Phùng Nguyên điển hình, kỹ thuật này được sử dụng khá phổ biến. Khi quan sát trực tiếp trên hoa văn gốm chúng tôi nhận thấy các băng miết bóng này thường được thực hiện trên nền thừng hay nền chấm dải. Theo một quy trình tạo ra một băng dải hoa văn thì bước đầu tiên người thợ gốm thực hiện tạo văn thừng hoặc chấm dải trên toàn bộ phần chủ định trang trí hoa văn (đối với văn thừng có thể được tạo ra do yếu tố kỹ thuật), tiếp đến tiến hành khắc vạch những họa tiết hoa văn. Sau khi tạo hoa văn trang trí bằng que vạch, ít nhiều có những sơ xuất, những nét vẽ thừa chút ít, nên họ đã dùng que tre, rìu đá kích thước nhỏ để miết xoá đi những nét thừa đó. Lúc đầu kỹ thuật miết nhẵn chỉ nhằm mục đích khắc phục những lỗi kỹ thuật trong tạo hoa văn, sau đó nó trở thành một kỹ thuật trang trí hoa văn. Những chỗ có lỗi đó càng được miết đi miết lại nhiều lần càng trở lên bóng láng và càng đẹp, thậm chí trở nên sẫm màu.
2.1.8. Thủ pháp phủ màu: Phủ chất bột trắng vào các đường khắc vạch nhằm mục đích làm nổi bật họa tiết hoa văn trang trí. Chất bột trắng trang trí trên đồ gốm đã được phát hiện từ khi khai quật di chỉ Gò Bông (Hán Văn Khẩn 1966; Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1970: 264 - 278). Và một số lượng lớn đồ gốm Xóm Rền có phủ chất bột trắng trên các rãnh hoa văn. Sau khi có các kết quả phân tích đây là một hợp chất nhân tạo, Hán Văn Khẩn cho rằng: “Việc chế luyện ra chất bột trắng để sử dụng trong trang trí hoa văn và làm áo gốm thật sự là một bước phát triển nhảy vọt trong kỹ thuật - mỹ thuật chế tạo đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên”(Hán Văn Khẩn 2005: 44 - 54). Bên cạnh đó xuất hiện những mảnh gốm tô màu đen (dùng một loại nhựa cây hoặc một chất keo), màu đỏ (dùng bột thổ hoàng).
2.1.9. Thủ pháp đai đắp nổi: Người thợ gốm Phùng Nguyên lấy đất vê thành từng sợi nhỏ đắp lên xương gốm khi còn ướt. Các dải đai đắp nổi này thường được dán lên phôi gốm trước khi nung nên rất dễ bị bong. Hoặc người thợ gốm miết lõm phía trên và dưới chỗ có ý định trang trí văn đắp nổi, tạo cho quanh vai hiện vật có một đường gờ nổi nhẹ (chỉ cao khoảng 1cm so với toàn bộ bề mặt hiện vật) và rộng khoảng 1 - 1,5cm, trên gờ mỏng đó thường có dấu vết thừng.
2.2. Cách thức (hay kỹ thuật) bố cục các họa tiết trang trí: Hoa văn gốm Phùng Nguyên trang trí theo nguyên tắc băng dải, vành tròn, trục dọc. Nhưng trên nhiều đồ gốm, đặc biệt là loại bình dạng thố, sự kết hợp nhiều hoạ tiết tạo thành nhiều băng dải khác biệt nhau chạy quanh thân bình thể hiện một trình độ kỹ thuật cao. Các họa tiết chính thường được trang trí trong những khung chạy ngang quanh hiện vật. Đó là những băng dải khắc vạch hình chữ S các kiểu, khắc vạch hình chữ C, những băng dải khắc vạch các hình tam giác đối xứng nhau. Khi trang trí những họa tiết chính không thể tránh được những khoảng trống trên khung băng dải, ở những chỗ đó, người thợ gốm Phùng Nguyên đã bằng những sáng tạo của mình tạo ra các họa tiết đệm nhằm lấp đi những khoảng trống và tạo ra sự đa dạng cho hoa văn chính. Những họa tiết đệm đó kết hợp cùng các hoa văn chính tạo cho các băng dải hoa văn sự hài hòa, cân xứng. Nếu như các hoa văn chính đa dạng và phong phú như thế nào thì các họa tiết đệm cũng phong phú, đa dạng như vậy. Các họa tiết đệm thường là những hình cánh chim, hình tam giác, hình tam giác cách điệu, hình tròn, hình bầu dục, dấu lõm tròn...
Trong kỹ thuật tạo “vành trang trí” trên loại hình bát mâm bồng hay “mảng trang trí” kết hợp nhiều họa tiết trên loại bình hoặc thố, bao giờ người thợ gốm cũng lấy phần giữa của thân bình, nơi có đường kính lớn nhất làm điểm trung tâm để vạch lên đó hoạ tiết trang trí chính (chữ S phối hợp chấm dải hay băng đối xứng trục, đối xứng gương phức tạp). Sau đó phần còn lại của thân bình (phần lên mép miệng và phần xuống chân đế) được bổ xung các băng chấm dải: hình chữ S nhỏ nằm ngang nối nhau, chữ C, chữ S đơn hay đơn giản hơn là các đường vạch vòng quanh thân rất đều rồi kết hợp các chấm lõm thô. Đáng lưu ý là những vành hoa văn vẽ thêm sau này hoàn toàn không bị giới hạn khô cứng của họa tiết mà tùy thuộc diện tích còn lại, người thợ trang trí có thể chọn cách vạch 1, 2 hay 3 vành hoa văn bổ xung vào đó một cách rất hài hòa và sáng tạo. Cách thức trang trí như thế, về phương diện kỹ thuật, có thể tôn người thợ gốm Phùng Nguyên lên bậc thày về kỹ thuật bố cục các họa tiết trang trí.
2.3. Sự tương quan giữa các kiểu hoa văn và loại hình đồ gốm: Trong đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên mặc dù có sự phong phú và đa dạng của loại hình và hoa văn trang trí nhưng có một điểm rất dễ nhận biết đó là sự kết hợp chặt chẽ giữa các kiểu loại hoa văn và các loại hình đồ gốm. Thông thường trên mỗi một loại hình đồ đựng tương đối thống nhất thì các kiểu loại hoa văn. Mỗi một loại hình đồ đựng có một số kiểu hoa văn nhất định mà dường như người thợ gốm ít nhiều có sự thống nhất với nhau để thể hiện lên những sản phẩm do mình tạo ra. Thêm vào đó, giữa loại hình, hoa văn và chất liệu gốm có sự tương quan với nhau. Nhìn chung với những đồ gốm loại hình đẹp, chất liệu tốt thì thường được trang trí hoa văn cầu kỳ và ngược lại gốm có loại hình đơn giản, chất liệu thô thì hoa văn trang trí cũng không phức tạp. Trên đồ gốm Phùng Nguyên có khi cùng một họa tiết hoa văn nhưng những nét khắc khác nhau, có những hoa văn khắc vạch tỷ mỉ, thanh thoát trông rất hài hòa, đẹp mắt chứng tỏ người thợ gốm đã dành rất nhiều tâm sức vào đó. Tuy nhiên, cùng một kiểu hoa văn, cùng trang trí lên loại hình đồ gốm, nhưng nét vẽ lại có phần thô cứng, cẩu thả, chứng tỏ ở đây có nhiều thợ vẽ với những trình độ khác nhau.
2.3.1. Bố cục hoa văn theo vành tròn: Hoa văn khắc vạch chủ đạo trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên là hình chữ S kết hợp chấm dải, được trang trí trên bát bồng. Trên miệng bát bồng thường trang trí họa tiết chính là văn khắc vạch những chữ S đơn nằm ngang, những chữ S đơn nằm ngang nối đuôi nhau chạy vòng quanh phần gần miệng hoặc dải chữ S nằm ngang nối nhau, chạy vòng quanh. Phía trên và dưới của những dải chữ S đó là những đường chỉ chìm chạy ngang song song nhau. Những băng dải đường chỉ chìm này số lượng không thống nhất nhau, khi chỉ hai hoặc ba đường chỉ chìm, có khi lên tới khung năm hoặc sáu đường chỉ chìm. Phần chân đế mâm bồng thường được trang trí khắc vạch hình chữ S nằm ngang nối nhau chạy dài kết hợp bên trong chữ S có các băng chấm dải. Phía trên và dưới của chữ S có các băng chấm dải trong hai đường chỉ chìm. Trên một số chân đế mâm bồng - kiểu chân đế cao loe choãi còn được trang trí khắc vạch chấm dải kết hợp đắp nổi. Hoặc đắp nổi theo chiều ngang hiện vật hoặc đắp nổi thành hình chữ X theo chiều dọc chân đế. Bát bồng là một loại hình di vật đẹp và nhiều về số lượng, hoa văn trang trí phong phú và đa dạng, thanh thoát và nhẹ nhàng.
Trên phần vai của nồi miệng loe đáy tròn cũng thường được trang trí các vành hoa văn kết hợp nhau, trang trí văn khắc vạch hình chữ S, những mô típ chữ S nằm ngang, phần đầu chữ S hình tam giác, bên trong chữ S là chấm dải mịn. Ngay dưới băng dải chữ S, từ phần hông xuống đáy là văn thừng. Hoặc phần vai là dải hoa văn khắc vạch chữ S nhỏ chạy ngang nối nhau, phía trên là băng chấm dải trong khung đường chỉ chìm. Một kiểu khác nữa là trên phần vai trang trí văn khắc vạch hình chữ S nằm ngang nối đuôi nhau chạy quanh hiện vật. Phía trong khung chữ S là đường khắc vạch những nét chéo ngắn đều đặn. Phía trên và dưới chữ S là những dải khắc vạch ngắn trong khung hai đường chỉ chìm.
2.3.2. Bố cục hoa văn theo băng dải: Trên nồi miệng loe, đáy tròn, mép miệng dày thường trên mép miệng có văn thừng, đập chồng chéo lên nhau hoặc đập chéo hình xương cá. Cách mép miệng khoảng 2,5 - 4cm có một dải đai đắp nổi, trên dải đai đó có khi để trơn, có khi được đập thừng hoặc khắc vạch hình các vạch chéo ngắn song song nhau. Ngay dưới dải đai đắp nổi là phần trang trí văn khắc vạch. Văn khắc vạch hình chữ S nằm ngang đối xứng nhau, các chữ S thường có đầu hình tam giác, phần trong khung chữ S trang trí khắc vạch chéo, ngắn song song nhau. Dưới dải băng chữ S này tiếp đến phần vai của nồi thường là băng chấm dải trong khung hai đường chỉ chìm hoặc băng khắc vạch hình lá trong khung hai đường chỉ chìm. Trong khung hình lá này cứ một chiếc lá lại đến một hình vuông hoặc hình chữ nhật có các góc cạnh hơi nhọn. Ngay dưới băng khắc vạch hình lá, từ phần hông xuống đến đáy nồi là văn đập thừng.
Hoa văn khắc vạch hình chữ S đơn hoặc các đường cong phóng khoáng trong kết hợp những nét phẩy ngắn hoặc hoa văn khắc vạch những đường thẳng song song đối chiều nhau tạo thành những hình tam giác đối chiều thường được trang trí theo băng dải trên phần cổ và vai loại bình miệng loe đáy tròn. Những họa tiết hoa văn này thường được tạo ngay dưới đường gờ nổi.
--------------------------
Trên đây chúng tôi đã trình bày những nét đặc trưng cơ bản của đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên về loại hình, hoa văn trang trí và sự tương quan giữa loại hình và các họa tiết trang trí.
Đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, đặc biệt là hoa văn được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người thợ gốm cộng với tư duy sáng tạo của họ đã tạo ra những nét độc đáo riêng biệt mà những người thợ gốm các giai đoạn văn hoá sau đó hầu như không thể.
Hoa văn trang trí trên đồ gốm không những mang tính chất làm tăng thêm vẻ đẹp của hiện vật mà còn khẳng định tư duy thẩm mỹ của chủ nhân sáng tạo ra chúng. Hoa văn trang trí trên đồ gốm Phùng Nguyên mãi mãi là đỉnh cao trong kỹ thuật và thủ pháp trang trí hoa văn trên đồ gốm thời Tiền - Sơ sử Việt Nam, một tiền đề quan trọng cho sự nảy sinh mỹ thuật trang trí đồ đồng văn hóa Đông Sơn sau này.
TS. Bùi Thị Thu Phương
TÀI LIỆU DẪN
Hán Văn Khẩn 1966, Báo cáo khai quật KCH di chỉ Gò Bông, Luận văn tốt nghiệp, Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Hán Văn Khẩn 1976, Thử phân giai đoạn văn hoá Phùng Nguyên qua tài liệu gốm, KCH số 19, tr. 5 - 22.
Hán Văn Khẩn 2005, Kết quả phân tích “chất bột trắng” trên đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên, KCH số 5, tr. 44 - 54
Hán Văn Khẩn 2006, Văn hoá Phùng Nguyên, Nxb. ĐHQG Hà Nội.
Bùi Thị Thu Phương 2005, Hoa văn và kỹ thuật tạo hoa văn đồ gốm di chỉ Xóm Rền, Luận văn Cao học chuyên ngành Khảo cổ học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
Hà Văn Tấn, 1969, Người Phùng Nguyên và đối xứng, KCH 3 - 4, tr. 16 - 27
Hà Văn Tấn 1971, Báo cáo sơ bộ hai lần khai quật Gò Bông, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập V, tr. 267 - 268.
Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1970, Báo cáo sơ bộ hai lần khai quật di chỉ Gò Bông - Thượng Nông, Tam Nông, Phú Thọ, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập V, tr. 264 - 278.
Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn 1973, Kỹ thuật chế tạo đồ gốm văn hoá Phùng Nguyên, Thông báo khoa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội, tập VI , tr. 223 - 240.
Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn, Hà Văn Phùng 1970, Thực nghiệm tạo hoa văn trên đồ gốm cổ, KCH số 7- 8, tr. 123 - 126.
Phạm Văn Triệu 2002, Báo cáo khai quật di chỉ Chùa Gio lần thứ hai, Khoá luận Cử nhân Lịch sử, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Tư liệu khoa Lịch sử.
G. Solheim II 1989, Trang trí gốm bằng bàn dập, Tư liệu Viện KCH, Bản dịch
* Tư liệu sử dụng trong bài viết:
Ảnh: Nguyễn Kim Dung, Bùi Thị Thu Phương
Bản vẽ: Hà Nguyên Điểm, Đặng Hồng Sơn
Bản dập: Bùi Thị Thu Phương