Thứ Tư, 30/04/2025
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/07/2018 08:41 4347
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
1.Những nét khái quát về Văn hóa Hòa Bình

1.Những nét khái quát về Văn hóa Hòa Bình

Văn hóa Hoà Bình thuộc thời Đồ đá cũ sang Đồ đá mới. Trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ ba con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam, và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

“Văn hóa Hòa Bình” có phạm vi phân bố rất rộng trên địa bàn các tỉnh Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Lai Châu, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ninh; từ nam Trung Quốc đến đông Sumatra (Indonesia) và hầu khắp các nước Đông Nam á lục địa. Ở Việt Nam “Văn hóa Hòa Bình” tập trung đậm đặc nhất ở tỉnh Hòa Bình và tỉnh Thanh Hóa.

Do độ đậm đặc các di chỉ của tầng văn hóa này ở tỉnh Hòa Bình, các nhà khảo cổ học đã lấy tên của tỉnh đặt cho nền văn hóa ấy. Niên đại của “Văn hóa Hòa Bình” khoảng 18.000 năm kéo dài đến 7.500 năm cách ngày nay. Các di chỉ được phát hiện và khai quật ở tỉnh Hòa Bình có khung niên đại cách ngày nay từ 11.000 - 12.000 năm.

Dựa vào kết quả nghiên cứu các di chỉ đã khai quật, các nhà khảo cổ chia Văn hóa Hòa Bình thành ba thời kỳ nối tiếp nhau:

Hòa Bình sớm, hay Tiền Hòa Bình, có niên đại tiêu biểu là di chỉ Thẩm Khuyên (32.100 ± 150 trước Công Nguyên), Mái Đá Điều, Mái Đá Ngầm (23.100 ± 300 TrCN).

Hòa Bình giữa, hay Hòa Bình chính thống, tiêu biểu bởi di chỉ Xóm Trại (18.000 ± 150 TrCN), Làng Vành (16.470 ± 80 TrCN).

Hòa Bình muộn, tiêu biểu bằng di chỉ ở Thẩm Hoi (10.875 ± 175TrCN), Sũng Sàm (11.365 ± 80 BP).

Theo M.Colani (người phát hiện và đặt tên cho văn hóa Hòa Bình), cư dân văn hóa Hòa Bình sống thành từng bầy đoàn trong hang động.Họ săn bắn, hái lượm để kiếm sống là chủ yếu. Con người thời đó đã biết sử dụng công cụ cuội với cách chế tác ghè, đẽo tạo ra các loại công cụ có hình hạnh nhân, hình đĩa và sau là công cụ hình rìu ngắn.

Cho đến nay, chúng ta đã phát hiện 72 di tích thuộc văn hóa Hòa Bình, chủ yếu nằm trong các hang động và mái đá. Tiêu biểu như các di tích: động Can, hang xóm Trại, mái đá làng Vành, mái đá Tôm, mái đá Chiềng Khến. Hang làng Đồi, hang Muối... Những di vật thường gặp trong văn hóa Hòa Bình là bếp, mộ táng, tàn tích sau bữa ăn, công cụ lao động và các chế tác khác của người nguyên thủy. Những vết tích vỏ trai, ốc, xương răng động vật và vỏ hạt một số loài thảo mộc còn giữa lại trong tầng văn hóa Hòa Bình. Cho đến nay, chúng ta đã tìm được trên 130 địa điểm Văn hóa Hòa Bình và thu thập một khối lượng lớn di vật, xương động vật và di cốt người. Trong 30.120 di vật thống kê ở 65 địa điểm văn hóa Hòa Bình đã khai quật thì đồ đá chiếm gần 28.000 tiêu bản, đồ xương, sừng, nhuyễn thể có 250 tiêu bản... Có thể thấy đồ đá chiếm ưu thế nổi bật trong Văn hóa Hòa Bình. Kỹ thuật chế tác đá trong văn hóa Hòa Bình còn được các nhà nghiên cứu Hòa Bình gọi là kỹ thuật Hòa Bình.

Sự hiện diện của nền văn hóa Hòa Bình không chỉ là một minh chứng khẳng định Việt Nam là một địa điểm nằm trong khu vực được xác định là chiếc nôi của loài người mà còn cung cấp cho các nhà khảo cổ, các nhà khoa học, các nhà nhân chủng học... trong nước và quốc tế những cứ liệu khoa học về quá trình chuyển hóa từ người vượn tiền sử tiến lên người hiện đại, phương thức kiếm sống và canh tác, về tổ chức xã hội. Với những di vật hiện có được khai quật tại các di chỉ khảo cổ trong thời gian qua, chúng ta đã phần nào vén bức màn thời gian tìm hiểu sự sống và những nét căn bản của sự phát triển xã hội của tổ tiên tiền sử người Việt đã tồn tại và lưu giữ nền văn hóa nguyên thủy: Văn hóa Hòa Bình. Các di vật tiêu biểu tìm thấy trên đất Hòa phản ánh đời sống xã hội và các phương thức sinh sống của người tiền sử Hòa Bình

Hiện nay, văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình là sản phẩm trí tuệ được nhân dân các dân tộc đúc rút, sáng tạo trong quá trình lao động, sinh hoạt. Là tỉnh miền núi gồm 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng, tạo cho Hòa Bình sự phong phú, đa dạng về văn hóa, góp phần tạo nên những giá trị to lớn không chỉ của đất nước Việt Nam mà còn của cả thế giới.

Nền văn hóa của các dân tộc tỉnh Hòa Bình cũng là sự tiếp nối liên tục của nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử; nếu không có nền tảng “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử, sẽ không có sự phát triển mạnh mẽ của nền văn hóa tỉnh Hòa Bình suốt thời kỳ phong kiến, cũng như từ khi thành lập tỉnh cho đến ngày nay.

Bản sắc văn hoá Hoà Bình bao gồm văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của nhân dân các dân tộc sinh sống trên vùng đất tỉnh Hòa Bình tạo nên nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc và cốt cách, đặc trưng văn hoá của nhân dân các dân tộc tỉnh Hoà Bình. Xác định mối tương quan đó, chính là khẳng định mối liên hệ giữa hiện tại quá khứ và tương lai trong hành trình phát triển của tỉnh Hòa Bình.

2.Madeleine Colani với văn hóa Hòa Bình và khảo cổ học Việt Nam

Madeleine Colani

[Nguồn: Nguyễn Quang Trọng]

Madeleine Colani (1866 - 1943) là một nhà khảo cổ học người Pháp, sinh ở Strasbourg[1]. Tên của bà gắn với phát hiện và công bố các văn hoá Bắc Sơn, Hoà Bình, Hạ Long (Việt Nam) và di tích Cánh đồng Chum (Lào)... ở Đông Dương thời Pháp thuộc. Năm 1898, bà sang Việt Nam dạy học tại Phủ Lạng Thương. Năm 1914, bà về Pháp lấy bằng đại học. Sau đó làm giảng viên về lịch sử tự nhiên tại trường trung học Albert Sarraut Hà Nội đến năm 1916[2].

Năm 1917, bà lấy bằng tiến sĩ Nhà nước về khoa học, rồi trở lại Đông Dương làm việc ở Sở Địa chất (SGI, Service Geologique de l´Indochine). Trong những năm 1920 - 1927, bà cùng với Henri Mansuy khai quật nhiều hang động thuộc văn hoá Bắc SơnLạng Sơn[3].

Năm 1927, bà là cộng tác viên của Viện Viễn Đông Bác cổ (École française d'Extrême-Orient). Từ đó đến 1932, bà khai quật một số hang động thuộc văn hoá Hoà Bình. Từ 1934 đến 1938, bà tiến hành các cuộc nghiên cứu ở Nghệ An, Sa Huỳnh, vịnh Hạ Long và di tích Cánh đồng Chum ở Thượng Lào, được coi là đóng góp lớn cho khảo cổ học[4].

Bà đóng vai trò tích cực cùng với Honoré Lantenois, Henri Mansuy trong việc năm 1917 đưa ra sự việc gọi là “gian lận khoa học” của Jacques Deprat[5], dẫn đến kết thúc sự nghiệp địa chất của ông này.

Năm 1923, bà Madeleine Colani cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Trong mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm mười hai hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật hiếm thấy. Sau khi phân tích chúng và so sánh liên hệ với đồ đá tìm thấy trong vùng núi Bắc Sơn, bà đề nghị xem toàn thể những di vật đặc biệt bằng đá cuội, với đặc điểm là chỉ được đẽo ở lưỡi hay rìa, là của cùng một nền văn hóa, văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhien.

Những bước đi đầu tiên của các nhà nghiên cứu Pháp trên đất nước Việt Nam (1917-1926)

Năm 1898, để phục vụ cho mục đích khai thác thuộc địa của mình, cùng với việc thành lập Ủy ban Khảo cổ học Đông Dương (sau đổi thành Viện Viễn đông Bác cổ - L'École Française d'Extrême-Orient vào năm 1900), thực dân Pháp cũng thành lập Sở Địa chất Đông Dương (Service Géologique de l'Indochine) với nhiệm vụ rõ ràng là “lập các bản đồ địa chất và tiến hành nghiên cứu về địa chất, địa tầng, kiến tạo, cổ địa lý, trầm tích luận, khoa núi lửa, vận động tạo núi, cổ sinh vật, nhân loại học tiền sử, kể cả nghiên cứu công cụ đá”[6]. Viện Viễn đông Bác cổ là cơ quan chuyên nghiên cứu và bảo tồn các di tích khảo cổ, nhưng trong 20 năm đầu, cơ quan này chủ yếu tập trung nghiên cứu và bảo tồn các di tích khảo cổ học lịch sử, nhất là văn hóa Champa, còn giai đoạn Tiền sử họ hầu như không được quan tâm mãi đến năm 1929. Trong khi đó, do phương pháp nghiên cứu của Sở Địa chất Đông Dương và do mối quan hệ chặt chẽ giữa công tác thăm dò địa chất và công cuộc tìm kiếm khai quật khảo cổ nên công cuộc thăm dò phát hiện nghiên cứu khảo cổ học Tiền sử ở Việt Nam ban đầu chủ yếu do các nhà khoa học ở Sở Địa chất Đông dương đảm nhiệm.

Người tiên phong trong nghiên cứu Khảo cổ học Tiền sử Việt Nam ở Sở Địa chất Đông Dương là Henry Mansuy. Ông sang làm việc cho cơ quan này vào năm 1910 và ở lại làm việc nhiều năm ròng, cho tới năm 1926. Năm 1906, Henry Mansuy phát hiện ở hang Thẩm Khoách (phố Bình Gia, Lạng Sơn) một số công cụ đồ đá đẽo và mài nhẵn từng phần nằm chung với xương người cổ. Sau đó ông tìm thấy những công cụ này trong các hang ở vùng Bắc Sơn và ông đã đưa ra thuật ngữ văn hóa Bắc Sơn (đây cũng được xem là nền văn hóa khảo cổ Tiền sử có lịch sử nghiên cứu và phát hiện sớm nhất ở Việt Nam).

Nếu như Henry Mansuy là người tiên phong và là người có công đầu trong việc nghiên cứu khảo cổ học tiền sử Việt Nam nói chung và văn hóa Bắc Sơn nói riêng thì M.Colani được xem là cộng sự đắc lực, có nhiều đóng góp và là nhân vật thứ 2 tiếp bước con đường nghiên cứu khảo cổ học ở Sở Địa chất Đông Dương[7], dù không phải lúc nào cũng được các giám đốc ở Sở Địa chất Đông Dương đồng tình ủng hộ. Sau năm 1910, do bận các công việc ở Sở Địa chất Đông Dương nên các hoạt động nghiên cứu tiền sử của H.Mansuy giảm đi rất nhiều và chỉ có một bài được công bố trong khoảng những năm 1910-1919, đó là vào năm 1916, sau những đợt khảo sát ở Lạng Sơn. Kể từ năm 1914, khi nhà Bảo tàng của Sở Địa chất Đông Dương được thành lập, việc nghiên cứu Khảo cổ học của Mansuy càng bị gián đoạn, tuy nhiên sự xuất hiện của M.Colani đã giúp cho Henry Mansuy rất nhiều. Năm 1917, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về cổ thực vật học, M.Colani trở lại Sở Địa chất Đông Dương và trở thành cộng sự đắc lực của Henry Mansuy. Năm 1922, sau khi từ Pháp trở lại Hà Nội, tiếp tục công tác cho Sở Địa chất Đông Dương với một hợp đồng 3 năm, Henry Mansuy vẫn muốn đi khảo sát và trở lại Samrong Sen ở Campuchia, rồi đi đào bới ở phố Bình Gia (Lạng Sơn) nhưng rồi ông bị ốm và bỏ mất công việc khảo sát thực địa. Trong bối cảnh đó, M.Colani đã tiếp tục công việc nghiên cứu khảo cổ học của Mansuy còn dỡ dang. Với sự nổ lực của mình, M.Colani đã đem về cho H.Mansuy bộ sưu tập có giá trị do bà tìm thấy ở vùng Bắc Sơn, trong đó có những công cụ được mài nhẵn rất cẩn thận. Từ năm 1921 - 1925, Henry Mansuy và M. Colani đã phát hiện hơn 40 hang động trong sơn khối đá vôi Bắc Sơn có cùng đặc trưng chung là “rìu Bắc Sơn” và “dấu Bắc Sơn”, được định danh là văn hóa Bắc Sơn. Và cũng trong khoảng thời gian này, Henry Mansuy cùng với M.Colani công bố 10 bài về công cụ và hóa thạch tiền sử phát hiện chủ yếu ở Việt Nam như các vùng Bắc Sơn, Hòn Tre, Hàm Rồng, Chợ Gành…

Khi nghiên cứu văn hóa Bắc Sơn, M.Colani nhận thấy, bên cạnh những hiện vật điển hình của văn hóa Bắc Sơn còn tồn tại những công cụ cuội được ghè đẽo khá thô sơ, gần gủi với những hiện vật hậu kỳ thời đại đá cũ châu Âu và bà đã cho rằng những công cụ đó có thể là của một văn hóa sớm hơn văn hóa Bắc Sơn.

Chày và bàn nghiền (Đá) - (Hiện vật BTLSQG) Văn hoá Hoà Bình, cách ngày nay khoảng

8.000 – 16.000 năm. Di chỉ Chiềng Xến và Làng Vành, Hoà Bình

Rìu đá mài lưỡi - (Hiện vật BTLSQG) Văn hoá Hoà Bình, cách ngày nay khoảng 8.000 – 16.000 năm

Di chỉ Làng Bon, Hoà Bình

Trên cơ sở nhận định trên, M.Colani đã tiến hành nhiều cuộc tìm kiếm thăm dò trong vùng mái đá vôi hữu ngạn sông Hồng những mong phát hiện được nền văn hóa sớm hơn văn hóa Bắc Sơn và M.Colani đã thu được thắng lợi. Mùa hè năm 1926, trong mùa điền dã đầu tiên ở sơn khối đá vôi Hòa Bình thuộc huyện Tân Lạc và Kim Bôi, M.Colani đã phát hiện và khai quật 12 hang động và mái đá. Đó là các di chỉ Xóm Giỗ, Mường Khang, mái đá Triềng Xến, Xóm Khăm, Làng Nèo, Hạ Bì, Làng Báy, Làng Vó, Sào Đông, Mường Chuông, hang Triềng Xến, mái đá nhỏ Triềng Xến. Phát huy kết quả của mùa điền dã đầu tiên, ngay mùa thu năm đó, M.Colani lại tiếp tục tìm kiếm thăm dò vùng núi đá vôi Hòa Bình ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và đã phát hiện 11 di tích: Làng Kay, 3 hang Làng Mi, Làng Đồi, Làng Vôi, một hang đá và một mái đá ở Đường Rẽ, Làng Gạo, Làng Tiếng, Lam Gan[8].

Trong thời gian làm việc cho Sở Địa chất Đông Dương, Henry Mansuy và M.Colani thực sự đã có công rất lớn trong việc nghiên cứu thời Tiền sử Việt Nam, nhất là văn hóa Bắc Sơn. Tuy nhiên việc làm này chỉ là sáng kiến cá nhân hơn là việc nghiên cứu do Sở Địa chất Đông Dương tổ chức thực hiện. Trong nhiệm vụ của Sở Địa chất, mặc dù có đề cập đến việc nghiên cứu khảo cổ, nhưng đó không phải là ưu tiên hàng đầu, bằng việc lập bản đồ địa chất và thăm dò mỏ. Chính vì vậy, việc làm của Henry Mansuy và nhất là hai mùa điền dã của M.Colani trong năm 1926 đã không được sự đồng tình của các giám đốc Sở Địa chất Đông Dương, nhất là dưới thời F.Blondel (1925-1929)[9]. Có thể đó cũng lý do giải thích vì sao đến tháng 01 năm 1927, sau khi H.Mansuy nghỉ việc (1926), M.Colani không tiếp tục làm việc ở Sở Địa chất Đông Dương nữa mà chuyển sang công tác ở Viện Viễn đông Bác cổ.

Thời kỳ huy hoàng trong sự nghiệp của Madeleine Colani (1927-1943)

Đây là giai đoạn tiếp tục nghiên cứu và khai danh văn hóa Hòa Bình. Sau khi rời khỏi Sở Địa chất Đông dương, M.Colani vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu khảo cổ của mình, bà tiến hành mở rộng điều tra thám sát. Tháng 10 năm 1927, M.Colani đã phát hiện 3 di tích trong vùng núi Phủ Nho Quan (Ninh Bình). Đó là mái đá Trung Đôi, Yên Lương và Hang Nhân. Trong báo cáo khai quật của mình, M.Colani đã xếp các di tích này vào văn hóa Hòa Bình[10].

Với những kết quả điền dã trước đó, nhất là dựa vào kết quả khai quật 9 di tích thuộc tỉnh Hòa Bình ngày nay, trong công trình “Decouverte du Paleolithique dans la province de Hoa Binh/Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình” in trong tạp chí Nhân học năm 1927, lần đầu tiên bà đã nêu lên thuật ngữ văn hóa Hòa Bình với những đặc trưng cơ bản và 3 giai đoạn phát triển từ cuối thời đại đá cũ đến thời đại đá mới[11].

Năm 1929, do sự điều đình của Louis Finot - một người rất quan tâm đến khảo cổ học, M.Colani chuyển sang phụ trách khảo sát thực địa ở Trường Viễn đông Bác cổ và có điều kiện tiếp tục các công việc nghiên cứu Tiền sử của mình. Mùa hè năm đó, M.Colani tiếp tục đi sâu vào vùng núi đá vôi Hòa Bình thuộc các huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy và phát hiện 7 di tích cùng thuộc văn hóa Hòa Bình, đó là: Làng Vành, Đa Phúc, Phù Vệ, Phúc Lương, Hang Ốc, Hang Hào, Hang Đồng Nội[12].

Tiếp tục những kết quả thu được trong sơn khối đá vôi Hòa Bình, M.Colani mở rộng triển khai việc tìm kiếm thăm dò trong vùng núi Tây Thanh Hóa. Cuối năm 1929 đầu năm 1930, bà đã phát hiện được 18 di tích ở khu vực này: Đồng Giao, Xuân Lũng 2 địa điểm, Thạch Lũng, Mỹ Tế, Mộc Thạch, Lộc Thịnh 2 địa điểm, Điền Hạ 2 địa điểm, Thạch Sơn, Xóm Sật. Tiếp tục công việc tìm kiếm về phía Nam, tháng 5 năm 1930, M.Colani tiến hành điều tra thăm dò vùng núi Quy Đạt (thuộc Quảng Bình ngày nay), là vùng trước đây E.Patte và J.Fromaget đã phát hiện được các di tích Minh Cầm, Hang Rào và Khe Toong có niên đại hậu kỳ thời đại đá mới. Trong đợt công tác này, M.Colani đã phát hiện được 5 di tích: Yên Lạc, Kim Bảng, Xóm Thón, Xóm Thâm (2 hang động và 1 mái đá), Đức Thi[13].

Trong 4 năm (từ năm 1926 đến năm 1930), M.Colani đã phát hiện và khai quật trên 50 di tích, chủ yếu thuộc văn hóa Hòa Bình, thu lượm hàng vạn hiện vật, trong đó có những di tích có số lượng di vật cực kỳ phong phú như Làng Bon (2378 hiện vật), Sào Đông, Đa Phúc (trên 1000 hiện vật). Đóng góp lớn nhất là trong khoảng thời gian đó bà đã công bố 8 công trình nghiên cứu chất lượng về văn hóa Hòa Bình và tiền sử Việt Nam trên các tạp chí danh tiếng như LAnthropologie/Tạp chí Nhân học, Bulletin de L'École française d'Extrême-Orient/Tạp san của Viện Viễn đông Bác cổ… Những công trình này đã gây một tiếng vang mạnh mẽ đối với giới khoa học đương thời và được coi là “những công trình xuất sắc” theo như đánh giá của học giả Áo R.Heiner Gelders[14]. Cũng trong khoảng thời gian này, M.Colani còn mở rộng nghiên cứu sang vùng Mahaay thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào) và bà cũng phát hiện thêm một số hang động có dấu vết văn hóa Hòa Bình nhưng không khai quật[15]. Có thể nói, đây là những năm được mùa của văn hóa Hòa Bình.

Với kết quả của nhiều mùa điền dã, trong Hội nghị các nhà Tiền sử học Viễn đông lần thứ nhất họp ở Hà Nội năm 1932, M.Colani đã đề xuất thuật ngữ Văn hóa Hòa Bình/Hoabinhiens/Hoabinhians và nêu lên nhiều ý kiến về nền văn hóa này. Với sự công nhận của Hội nghị, M.Colani được xem như là người khai sinh ra văn hóa Hòa Bình.

Nhờ công lao này mà hơn nửa thế kỉ sau, bà được vinh danh qua Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về văn hóa Hoà Bình của bà - THE HOABINHIAN 60 YEARS AFTER MADELEINE COLANI: ANNIVERSARY CONFERENCE - tổ chức cuối năm 1993 tại Hà Nội.

Những đóng góp của M.Colani với Khảo cổ học Việt Nam

Phải nói rằng, M.Colani là một trong những nhà khoa học người Pháp có nhiều đóng góp cho nền khảo cổ học Việt Nam. Là nhà cổ thực vật nhưng ngay từ khi mới đặt chân đến đất nước Việt Nam, bà đã có mối duyên nợ với Khảo cổ học, nhất là Khảo cổ học Tiền sử. Trong mối nhân duyên này, Henry Mansuy, với tư cách là vừa là người thầy vừa là đồng nghiệp, được xem là người có công lớn, là người “mai mối” giữa M.Colani với Tiền sử Việt Nam. Trong thời kỳ làm việc cho Sở Địa chất Đông Dương (trước năm 1927) là khoảng thời gian mà M.Colani và Henry Mansuy đối diện với nhiều khó khăn, vất vả nhất. Vì lòng đam mê với Khảo cổ học, dành quá nhiều thời gian cho việc nghiên cứu văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Hòa Bình, trong khi nhiệm vụ chính của Sở Địa chất Đông Dương là lập các bản đồ địa chất và thăm dò mỏ nên Bà đã bị chỉ trích bởi các đồng nghiệp và lãnh đạo Sở. Mặc dù vậy, bà đã vượt qua và cùng với Henry Mansuy có những đóng góp lớn lao trong việc nghiên cứu và xác lập văn hóa Bắc Sơn – một nền văn hóa sơ kỳ đá mới ở Việt Nam, phân bố chủ yếu ở vùng núi đá vôi tỉnh Lạng Sơn, có niên đại từ 11.000 năm đến 7000 năm cách ngày nay.

Năm 1929, M.Colani chuyển qua làm việc cho Viện Viễn đông Bác cổ, cũng là mốc thời gian đánh dấu bước ngoặc trong cuộc đời cũng như sự nghiệp nghiên cứu của M.Colani. Những đóng góp lớn lao của M.Colani đối với Khảo cổ học gắn liền với những năm tháng làm việc ở Viện Viễn đông Bác cổ, bởi lẽ ở đó bà tìm thấy điểm chung giữa sở thích, sở trường của mình với tôn chỉ nghiên cứu của Viện trong giai đoạn này - một cơ quan chuyên nghiên cứu và bảo tồn các di tích khảo cổ học.

So với các nhà khảo cổ học người Pháp cùng thời, có thể khẳng định, M.Colani là người phát hiện, khai quật nhiều di tích nhất. Chỉ riêng đối với văn hóa Hòa Bình bà đã phát hiện và nghiên cứu hơn 50 di tích. Bà cũng là người đem về cho các Bảo tàng, nhất là Bảo tàng Louis Finot, nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam một số lượng hiện vật rất đồ sộ. Năm 1923, bà cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Bà cho chở về Hà Nội hơn bốn mươi giỏ to. Vừa thấy M.Colani với số lượng chưa từng thấy đồ vật cổ, Mansuy đã gọi bà là “Tomb raider” (kẻ cướp mồ)[16]. Đây cũng là một ví dụ điển hình cho công lao của bà. Phần lớn các hiện vật hiện nay vẫn còn lưu ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, là nguồn tài liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu sau này.

Đóng góp lớn nhất của M.Colani đối với nền khảo cổ học Việt Nam và thế giới là đã tiên phong trong việc phát hiện, nghiên cứu và xác lập các văn hóa Khảo cổ, nhất là văn hóa Hòa Bình và Sa Huỳnh. Bà cùng với Henry Mansuy đã nghiên cứu và định danh văn hóa Bắc Sơn; phát hiện, nghiên cứu và định danh cho văn hóa Hòa Bình; tiên phong trong việc nghiên cứu khảo cổ học vùng Đông Bắc Việt Nam với việc phát hiện hang loạt các di tích ở vùng này; khai quật, nghiên cứu có hệ thống và định danh cho văn hóa Sa Huỳnh. Trong khảo cổ học, việc định danh cho một nền văn hóa có ý nghĩa như việc làm giấy khai sinh cho một đứa trẻ. Một nền văn hóa khảo cổ muốn xác lập đòi hỏi phải có đầy đủ các tiêu chí của nó, tức phải đảm bảo là một nhóm di tích khảo cổ có cùng tính chất, cùng đặc điểm, cùng niên đại và phân bố trong một không gian liền khoảnh. Việc đặt tên cho một nền văn hóa Khảo cổ sẽ giúp khẳng định sự tồn tại của nó và giúp phân biệt nó với một nền văn hóa khác. Người đặt tên cho một nền văn hóa khảo cổ vì vậy được xem như là “cha đẻ” của nền văn hóa đó. Như vậy có thể nói, M.Colani là “cha đẻ” của hai nền văn hóa nổi tiếng là Hòa Bình và Sa Huỳnh[17].

Trong số những đóng góp lớn lao đó, việc phát hiện, nghiên cứu và khai danh cho văn hóa Hòa Bình được xem là vĩ đại hơn cả, nó không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á. Vì văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa mang tính chất khu vực, nó không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn phân bố rất rộng ở Đông Nam Á (nếu xét ở góc độ kỹ thuật học). Những phát hiện của M.Colani về văn hóa Hòa Bình, ngay từ khi mới công bố đã gây được tiếng vang rộng rãi, đặc biệt đối với các nhà tiền sử học Đông Nam Á. Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã chú ý nghiên cứu tư liệu về văn hóa Hòa Bình của M.Colani và xem đây là tư liệu cơ bản để đối chiếu, so sánh với văn hóa thời đại đá ở các nước Đông Nam Á. Văn hóa Hòa Bình vì vậy đã nhanh chóng trở thành một vấn đề khảo cổ học chung cho cả vùng Đông Nam Á. Khối tư liệu văn hóa Hòa Bình gồm hiện vật và báo cáo khoa học do người Pháp để lại là những tài liệu vô cùng quan trọng không những để nghiên cứu thời tiền sử ở nước ta, mà còn góp phần tìm hiểu thời Tiền sử cho cả vùng Đông Nam Á. Từ khối tư liệu văn hóa Hòa Bình còn lại có thể nhìn thấy sự cố gắng cùng sự đóng góp của nhà nữ khảo cổ học M.Colani.

Trong quá trình nghiên cứu, dù là phụ nữ, dáng người gầy gò nhưng bà không quản ngại làm việc trong các hang động hiểm trở ở Hòa Bình. Năm 70 tuổi, bà vẫn là một nhà thám hiểm gan dạ, sống đơn giản và đầy sức chịu đựng với một bát cơm và quả chuối. Khi khảo sát các vách đá gần như dựng đứng, bà cho buộc dây thừng ngang người rồi lần xuống tìm các hang nhỏ lưng chừng, trong tư thế treo lủng lẳng mà khảo sát[18]. Bà là người xông xáo, làm việc không ngưng nghỉ với hiệu quả cao, suy luận sâu nên kết quả công bố rất nhiều. Bà xứng đáng là một tấm gương lao động miệt mài và không quản ngại gian khó. Bà qua đời tại Việt Nam năm 1943 ở tuổi 77. Mặc dù, M.Colani là nhà cổ thực vật học nhưng đã có nhiều đóng góp cho việc nghiên cứu Khảo cổ, đặc biệt là thời Tiền sử ở Việt Nam.

Với những đóng góp lớn lao, M.Colani xứng đáng được người Việt Nam biết đến và vinh danh, bà đã cống hiến cả cuộc đời cho việc nghiên cứu khảo cổ học, làm ngời sáng đất nước Việt Nam qua văn hóa Tiền sử. Công lao của bà là một trong những minh chứng cho sự đóng góp của các nhà khoa học Pháp trong lịch sử. Dù bất luận mục đích nghiên cứu của họ là gì, chịu sự chi phối bởi quan điểm nào thì những thành quả khoa học mà họ để lại đều phải được trân trọng một cách đúng đắn.

TS.Nguyễn Tiến Đông (Viện Khảo cổ học)

TÀI LIỆU DẪN

1.Bulletin de l'Institut indochinois pour l'étude de l'homme, Hanoi, IDEO, 1944

2.Helmut Hermann Ernst Loofs-Wissowa: Südost Asiens Fundamente, Safari-Verlag, 1964

3.Hoàng Xuân Chinh (1989), Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Nội,

4.Heiner Gelders.H (1936), “Prehistorie research in Indosia”, Annual Bibliography of Indian Archaeology XI, P.26-28

5.M. Colani (1927), "Decouverte du Paleolithique dans la province de Hoa Binh", LAnthropologie, Vol. XXVII.

6.Colani M (1928), Notice sur la Préhistorie du Tonkin - BSGI, Vol.XVII-1.

7.M. Colani (1929), "Quelques paleolithics Hoabinhiens typiques de labri sous-roche de Langkay" – BSPF. T. XXVI-6

8.M. Colani (1931), “Recherches sur le prehistorie Indochine", BEFEO, Vol.XXIX

9.Marcello Zego, “Rites et cérémonies en milieu bouddhiste Lao”

10.Nguyễn Quang Trọng, 2003, Madeleine Colani (1866-1943) nhà khảo cổ đã đi tìm tiểu sử Việt Nam. Vietsciences. Truy cập 04/01/2016

11.Viện Khảo cổ học, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội

12.Répertoire biographique des membres scientifiques de l’EFEO (1898-2002), Paris, 2002

[1] Nguyễn Quang Trọng, 2003, Madeleine Colani (1866-1943) nhà khảo cổ đã đi tìm tiểu sử Việt Nam. Vietsciences. Truy cập 04/01/2016

[2] Répertoire biographique des membres scientifiques de l’EFEO (1898-2002), Paris, 2002 p. 183-184

[3] Bulletin de l'Institut indochinois pour l'étude de l'homme, Hanoi, IDEO, 1944

[4] Marcello Zego, « Rites et cérémonies en milieu bouddhiste lao », p. 20

[5] Helmut Hermann Ernst Loofs-Wissowa: Südost Asiens Fundamente, Safari-Verlag, 1964, p. 282, 295.

[6] Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, tr.257

[7] Có tác giả hiểu nhầm là Trường Viễn đông Bác cổ. Thực tế, mãi đến năm 1929, M.Colani mới sang làm việc cho Trường Viễn Đông Bác cổ (Nguyễn Quang Trọng, “Madeleine Coloni”, trong http://vietsciences.free.fr/biographie/artists/writers/coloni_madeleine.htm)

[8] Hoàng Xuân Chinh (1989), Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Nội, tr.12

[9] Viện Khảo cổ học (2004), Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.257-266

[10] Colani M (1928), Notice sur la Préhistorie du Tonkin – BSGI, Vol.XVII-1.

[11] M.Colani (1927), "Decouverte du Paleolithique dans la province de Hoa Binh", LAnthropologie, Vol. XXVII.

[12] M.Colani (1929), "Quelques paleolithics Hoabinhiens typiques de labri sous-roche de Langkay" – BSPF. T. XXVI-6

[13] M.Colani (1931), “Recherches sur le prehistorie Indochine", BEFEO, Vol.XXIX

[14] Heiner Gelders.H (1936), “Prehistorie research in Indosia”, Annual Bibliography of Indian Archaeology XI, P.26-28

[15] M.Colani (1931), “Recherches sur le prehistorie Indochine”, BEFEO, Vol.XXIX

[16] Nguyễn Quang Trọng, « Madeleine Coloni », Vietsciences.fre.

[17] Mặc dù vậy, lâu nay, trong giới khảo cổ học, người ta chưa đánh giá đúng công lao của M.Colani đối với văn hóa Sa Huỳnh, đây là một điều đáng tiếc và cần phải xem xét lại.

[18] Viện Khảo cổ học, Một thế kỷ Khảo cổ học Việt Nam, tập 1, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.257-266.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Đôi nét về công tác nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc

Đôi nét về công tác nghiên cứu, phát huy giá trị di sản văn hóa dưới nước của Hàn Quốc

  • 15/06/2018 10:04
  • 2193

Tháng 10/2016, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cử cán bộ được mời tham dự chương trình kỷ niệm 40 năm khai quật tàu đắm Shinan - con tàu đắm đầu tiên các nhà khảo cổ Hàn Quốc trực tiếp khai quật, mở đầu cho ngành nghiên cứu khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc. Thông qua chương trình này, các cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia thấy được bước hình thành và phát triển của ngành khảo cổ học dưới nước của Hàn Quốc cũng như cách làm và tư duy nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước nói riêng, quản lý văn hóa nói chung ở Hàn Quốc. Từ đó, có những nhìn nhận lại hiện trạng của ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam hiện nay.