Thứ ba, trong việc quảng bá và giới thiệu về trưng bày:
Tư liệu hóa thông tin về trưng bày, hiện vật, các câu chuyện và các tư liệu liên quan:số hóa nội dung trưng bày với những thông tin chi tiết về hiện vật, hình ảnh, phim là cơ sở để phát triển các nội dung cho các hoạt động giáo dục, quảng bá, truyền thông trong và sau trưng bày.
Trao đổi thông tin: xu hướng bảo tàng học hiện đại coi trọng việc đối thoại giữa khách tham quan và trưng bày, sự đối thoại hai chiều có đánh giá, tiếp thu và đổi mới ở cả hai phía. Để hình thành được các trưng bày như vậy, cán bộ nghiên cứu trưng bày cần tìm hiểu rõ nhu cầu của khách tham quan thông qua các kênh thu thập thông tin và cập nhật xu hướng từ các kênh trao đổi thông tin chuyên môn. Ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong quá trình trao đổi thông tin này của bảo tàng. Những ứng dụng này có thể là mạng lưới thư điện tử (email) của nhóm người quan tâm đến hoạt động của bảo tàng, những diễn đàn (forum) đối thoại giữa bảo tàng và khách tham quan về các chủ đề của trưng bày; là các kênh hướng dẫn tham quan, du lịch thông thường như Tripadvisor, Agoda hoặc Booking.com; là mạng lưới trao đổi, chia sẻ thông tin chuyên ngành như ICOM (Hiệp hội Bảo tàng Quốc tế).
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Nagoya, Nhật Bản.
Truyền thông sử dụng mạng xã hội:vai trò của truyền thông hiện đại trong hoạt động của bảo tàng không chỉ là việc đưa tin về những trưng bày đang có hoặc sắp khai mạc ở bảo tàng, mà còn ở việc thay đổi cách tiếp cận của quá trình truyền thông, nhằm cung cấp đến công chúng những thông tin đáng tin cậy về một sản phẩm văn hóa có chất lượng cao của bảo tàng. “Sản phẩm văn hóa” ở các bảo tàng có thể là các trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, các hoạt động giáo dục, các chương trình học tập… hoặc là các nhà hàng, cửa hàng lưu niệm có uy tín với các sản phẩm độc đáo, phù hợp với hoạt động của bảo tàng. Phương tiện truyền thông mới, tức Phương tiện truyền thông sử dụng mạng xã hội (social media) là một môi trường truyền thông hiện đại, dựa trên nền tảng các dịch vụ web 2.0 (Blog, News/PR, Video, Social Network…). Nói một cách khác, hoạt động truyền thông sử dụng mạng xã hội sẽ góp phần giúp bảo tàng đưa thương hiệu của mình đến với công chúng một cách gần hơn, tin cậy hơn, thông qua các kênh thông tin mà công chúng tin tưởng và yêu thích sử dụng, tạo ra tạo sự hấp dẫn, để công chúng đến và quay lại tham quan bảo tàng nhiều lần. Đồng thời, sức mạnh lan toảcủa mạng xã hội thông qua các chia sẻ của cá nhân tham gia mạng xã hội sẽ giúp thông tin về hoạt động của bảo tàng được chuyển tải tới công chúng một cách liên tục, không hạn chế về thời gian, không gian. Tuy nhiên, muốn nội dung thông tin giới thiệu về hoạt động của bảo tàng được lan tỏanhanh, đạt hiệu quả mong muốn, các bảo tàng cần có các chiến lược tốt để công bố các thông tin hấp dẫn của mình tới đối tượng sử dụng mạng xã hội đúng thời điểm.
Không gian trưng bày tại Bảo tàng Nagoya, Nhật Bản.
Quảng bá và xây dựng thương hiệu:thương hiệu của bảo tàng có thể coi là giá trị phi vật thể của bảo tàng và với các ứng dụng công nghệ hiện đại, ứng dụng truyền thông trên mạng internet sẽ đem lại cơ hội giúp lan toả thương hiệu của bảo tàng tới công chúng. Thông qua các chia sẻ hình ảnh, chia sẻ thông tin về bảo tàng, qua việc theo dõi các video nội dung do bảo tàng cập nhật, qua các hoạt động tương tác của chính người dùng, thương hiệu của bảo tàng dần dần được lan toả, niềm tin của công chúng với các hoạt động của bảo tàng ngày càng được củng cố. Đồng thời, với sự tin tưởng vào hoạt động của bảo tàng, công chúng sẽ đến, trở lại và giới thiệu người khác đến tham quan các trưng bày và tham gia các hoạt động của bảo tàng. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy, bất kỳ một tổ chức văn hoá nào nếu không có các hoạt động văn hoá có giá trị thực sự, đối với bảo tàng là cáctrưng bày hấp dẫn, các sản phẩm giáo dục hữu ích... mà vẫn đẩy mạnh hoạt động truyền thông (có khả năng tương tác với khách tham quan) thì có thể hoạt động truyền thông đó sẽ có các tác dụng ngược lại.
Trẻ em tham gia hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Nagoya, Nhật Bản.
Những ứng dụng trên không nhất thiết phải được áp dụng vào tất cả các trưng bày, việc tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng tỷ lệ các ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng là rất quan trọng. Việc quá lạm dụng các ứng dụng hiện đại tương tự như việc sử dụng quá nhiều các tác phẩm nghệ thuật trong trưng bày, chúng có thể sẽ làm giảm chất lượng của nội dung trưng bày và giảm độ tin cậy của công chúng vào các hoạt động của bảo tàng. Tuy nhiên, nếu áp dụng các ứng dụng công nghệ hiện đại một cách xen kẽ, hợp lý đảm bảo tính hỗ trợ của các ứng dụng này với nội dung trưng bày thì sự hấp dẫn của trưng bày với khách tham quan sẽ được nâng lên rất nhiều.
Một số khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày bảo tàng ở Việt Nam
Sự phát triển của công nghệ: sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thường là rào cản lớn nhất cho các nước đang phát triển trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào các hoạt động cụ thể. Chúng ta chưa sử dụng thành thục các thiết bị hiện đại thì chúng đã là lỗi thời ở các nước đã phát triển. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ trước khi lựa chọn các ứng dụng công nghệ hiện đại đảm bảo sự hoạt động lâu dài và hiệu quả cho bảo tàng.
Bảo mật của dữ liệu: đây là vấn đề mà nhiều cơ quan ít quan tâm. Dữ liệu không được quản lý tập trung, phân tán nhiều nguồn, nhiều định dạng phi chuẩn, nên công tác quản lý, bảo trì lưu trữ, chưa được chuyên nghiệp, khó khăn trong thống kê, phân tích. Khi có sự cố, rủi ro mất dữ liệu cao, các trang web lạc hậu ít cập nhật, thậm chí bị tấn công, phá hoại mà vẫn không biết.
Nguồn lực con người: thường các cán bộ nghiên cứu trưng bày của bảo tàng thiếu kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu về công nghệ hiện đại và công nghệ thông tin. Do vậy, việc đặt hàng cho các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ phù hợp với từng mục đích của trưng bày thường thiếu tính sáng tạo, kém hấp dẫn. Để giải quyết vấn đề này không có cách nào khác là tiếp tục đào tạo, tái đào tạo về kiến thức công nghệ hiện đại và xu hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại cho các cán bộ nghiên cứu trưng bày của bảo tàng.
Không đảm bảo tính xác thực của di sản văn hóa: mặc dù với sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng của công nghệ, nhưng đến thời điểm hiện nay các ứng dụng công nghệ hiện đại vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn việc lưu giữ chọn vẹn các thông tin cần thiết về di sản văn hóa. Công nghệ số hóa hiện đại dễ dàng lưu giữ hình ảnh, phim, phim 3D, âm thanh và mọi ghi chép về các di sản văn hóa, nhưng vẫn khó có thể lưu giữ được cảm xúc của những người tham gia lễ hội, của kỹ thuật hát các làn điệu dân ca truyền thống và càng không thể số hóa vẻ đẹp của các tác phẩm nghệ thuật truyền thống.
Một góc trưng bày tại Bảo tàng Nagoya, Nhật Bản.
Bản quyền: về bản chất, bản quyền tập trung vào bảo vệ các quyền tác giả. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình phát triển của lịch sử văn hóa, sẽ thấy ở nhiều di sản văn hóa, các tác giả đơn lẻ luôn không được xác định một cách rạch ròi (ví dụ như ai là tác giả của các làn điệu Quan họ, hay sử thi Tây Nguyên…). Như vậy, bản quyền thuộc về cộng đồng, nơi sản sinh ra các di sản văn hóa đó. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là: ai là người trong cộng đồng có quyền quyết định cho phép việc tái hiện các các di sản truyền thống của cộng đồng để sử dụng vào việc giới thiệu lại thông qua các ứng dụng công nghệ hiện đại? Và sự cho phép này có đảm bảo tính pháp lý sau này? Do vậy, một nhiệm vụ của các bảo tàng, cơ quan quản lý văn hóa là cần thông tin đầy đủ mục đích và lợi ích của việc số hóa di sản văn hóa, đảm bảo tính xác thực của thông tin về di sản, đồng thời, việc mời cộng đồng tham gia trực tiếp vào quá trình số hóa di sản văn hóa cần được thực hiện một các nghiêm túc và thân thiện. Từ đó, vấn đề về bản quyền dần dần sẽ không còn là rào cản cho các đơn vị sử dụng di sản văn hóa cho các lĩnh vực công cộng (như bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, giáo dục, khoa học, nghiên cứu…).
Đạo đức nghề nghiệp: luôn là khái niệm nhạy cảm với tất cả các ngành nghề. Trong lĩnh vực bảo tàng, đạo đức nghề nghiệp là hệ quy tắc chuẩn mực quy định cho mọi hành vi, quan hệ của cán bộ làm việc cho bảo tàng. Thực hiện tốt các quy tắc đạo đức nghề nghiệp trong việc nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa thông tin sẽ đảm bảo tính chân thực của các ứng dụng công nghệ hiện đại khi phục vụ trưng bày. Những cán bộ nghiên cứu trưng bày, những cán bộ làm công tác tư liệu hóa di sản văn hóa là những người trực tiếp tiếp cận với di sản văn hóa, do vậy, sự cẩn trọng, chính xác và tuân thủ các nguyên tắc khoa học của họ sẽ giúp bảo tàng có được những cơ sở dữ liệu chuẩn mực. Nếu không tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp, các hình ảnh, phim, dữ liệu thu được có thể sẽ không đầy đủ, thậm chí không phản ánh chính xác với di sản văn hóa được lưu giữ, dẫn đến việc giới thiệu lại các di sản này qua các ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ càng xa với thực tế.
Tài chính: chi phí mua sắm thiết bị ban đầu cao, chi phí bảo dưỡng, vận hành cao… luôn là những rào cản của việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động bảo tàng ở Việt Nam.
Xu hướng và đề xuất
Tại thời điểm này có thể nói, xu hướng ứng dụng công nghệ hiện đại trong trưng bày là xu hướng tất yếu, nếu không các bảo tàng sẽ bỏ lỡ một kênh quan trọng để chuyển tải thông điệp của bảo tàng đến với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ tuổi, nhóm công chúng quan trọng của bảo tàng. Để đảm bảo các ứng dụng công nghệ phù hợp với hoạt động trưng bày của bảo tàng, ngay từ khi mới hình thành kế hoạch thực hiện, cán bộ nghiên cứu trưng bày cần lưu ý đến một số điều sau:
Phù hợp với cơ sở hạ tầng kỹ thuật của bảo tàng, mang lại những lợi ích bền vững cho việc phát huy các di sản văn hóa đã được số hóa.
Giúp tạo thêm các kênh đối thoại giữa bảo tàng và công chúng, giữa bảo tàng và các nhà khoa học, các chuyên gia.
Có khả năng giới thiệu rộng rãi, vượt ra khỏi không gian của bảo tàng, các trưng bày quan trọng của bảo tàng.
Hình thành nguồn dữ liệu tin cậy cho ngành công nghiệp sáng tạo như xuất bản, nghệ thuật, văn hóa, hướng dẫn du lịch,…
Tạo lập ngân hàng dữ liệu cho các cơ quan giáo dục, giáo viên, học sinh. Đồng thời, cung cấp các kênh tiếp cận ngân hàng dữ liệu này một cách rộng rãi, có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi.
Liên tục sáng tạo để thu hút khách tham quan đến thăm và tiếp tục đến tham quan bảo tàng. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động kết nối với cộng đồng chủ nhân các di sản văn hóa được giới thiệu tại bảo tàng, đem lại những lợi ích bền vững cho cả đôi bên.
Tạo các ứng dụng giúp khách tham quan có những trải nghiệm trong trưng bày, không chỉ tham quan thụ động đơn thuần.
Xây dựng các ứng dụng dễ sử dụng cho các thiết bị số cầm tay, như điện thoại thông minh, ipad… mở rộng không gian cho các trưng bày của bảo tàng.
Cung cấp các cơ hội học tập cho khách tham quan: hỗ trợ trước, trong và sau khi tham quan với các ứng dụng công nghệ đa dạng, thuận tiện.
Các trò chơi với mục đích học tập phù hợp với từng lứa tuổi.
Một số đề xuất cho hoạt động của bảo tàng trong giai đoạn tới, đảm bảo việc nghiên cứu và ứng dụng tốt các công nghệ hiện đại vào trưng bày của bảo tàng trong tương lai:
Đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo cán bộ nghiên cứu trưng bày có các hiểu biết về công nghệ hiện đại. Sử dụng các thiết bị và ứng dụng các phần mềm hiện đại thành thạo và sáng tạo.
Tiếp cận xu hướng bảo tàng học mới, nghiên cứu, ứng dụng các quan điểm bảo tàng học hiện đại vào quá trình nghiên cứu, xây dựng các trưng bày, xây dựng nội dung cho các ứng dụng công nghệ hiện đại.
Xây dựng chiến lược quản lý dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác kiểm kê, bảo quản và đặc biệt phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày được thuận tiện, sáng tạo hơn.
Tiếp cận xu hướng và hệ thống lý thuyết về “học tập suốt đời” và xu hướng cung cấp cơ hội học tập trong bảo tàng thay vì tổ chức “giáo dục” công chúng.
Khảo sát cẩn trọng nhu cầu của từng nhóm khách tham quan của bảo tàng, đảm bảo việc xây dựng các nội dung và ứng dụng các công nghệ hiện đại một cách hợp lý và hiệu quả.
Nguyễn Hải Ninh (Cục Di sản văn hóa)
Tham khảo:
Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6/5/2009.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ giai đoạn 2011 – 2020củaThủ tướng Chính phủ phê duyệt tạiQuyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012.
Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030, của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịchphê duyệt tại Quyết định số số 4227/QĐ-BVHTTDL ngày 29/11/2013.
Vài suy nghĩ ban đầu về số hoá di sản văn hoá, Nguyễn Hải Ninh, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 1(26) 2009.
Ứng dụng công nghệ số trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Việt Nam và kinh nghiệm của các nước trong khu vực, Nguyễn Hải Ninh,Hội thảo ứng dụng CNTT trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa các nước ASEAN tại Hà Nội, 2015.
Vai trò của “truyền thông sử dụng mạng xã hội” trong hoạt động của bảo tàng,Nguyễn Hải Ninh, Tạp chí Di sản văn hóa, Số 1(50) 2015.
Trends in Digital Cultural Heritage Management and Applications,Stavros Christodoulakis; MUSIC/TUC Laboratory, School of Electronic and Computer Engineering, Technical University of Crete.