Ý tưởng trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có từ lâu, tuy nhiên, quá trình thực hiện từ năm 1999 – 2000 với hai phần chính: Những tác phẩm nghệ thuật tôn giáo; điêu khắc kiến trúc, Văn bia Đại Việt và văn bia Champa.
Việc xác định đúng mục tiêu, tính chất của khu trưng bày ngoài trời có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định tới phương pháp, ý tưởng trưng bày. Trưng bày ngoài trời có thể có những mục đích khác nhau: Hoặc chỉ phục vụ cho du lịch, hoặc bảo tồn các di sản văn hóa. Với mục đích phục vụ khách du lịch người ta chỉ mô phỏng các kiến trúc truyền thống, làm giả các chất liệu hay bê tông hóa các công trình kiến trúc. Cách làm này phổ biến ở các làng văn hóa du lịch như ở Trung Quốc, Philippin. Với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa, các hiện vật được trưng bày tại khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là những hiện vật nguyên gốc, có chất liệu bền vững, chịu được tác động của môi trường tự nhiên.
Trong điều kiện hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, khu trưng bày ngoài trời được chúng tôi đã và sẽ thực hiện theo nguyên tắc cơ bản sau:
- Thứ nhất: Trọng tâm của trưng bày ngoài trời là thể hiện với những hiện vật gốc có thể khối lớn là đặc trưng di sản văn hóa các dân tộc gắn với môi trường sinh thái và khu vực lịch sử, văn hóa, cách tiếp cận này chúng ta thường gặp ở Châu Âu, Nhât Bản, Hàn Quốc.
- Thứ hai: Nội dung trưng bày ngoài trời phải tránh trùng lặp với nội dung trưng bày cố định trong nhà và có sự liên kết, bổ sung cho cả hai phần trưng bày trong nhà – ngoài trời.
- Thứ ba: Khu trưng bày ngoài trời đồng thời là khuôn viên nghỉ ngơi, thư giãn của du khách khi đến tham quan Bảo tàng.
1. Trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Hiện nay, phần trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia có diện tích 8.000 m2, gồm 2 khu vực sau:
- Khu trưng bày ngoài trời tại số 01 Tràng Tiền. Hiện vật trưng bày ở đây chủ yếu là bia ký và các tác phẩm điêu khắc đá tiêu biểu của Văn hóa Champa. Khu trưng bày phía Tây, Bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thời Lý - Trần (Thế kỷ XI - XIV); thời Lê - Nguyễn (Thế kỷ XV - XX).

Một góc khu trưng bày Văn hóa Đại Việt.

Một góc khu trưng bày văn bia Văn hóa Champa.
2. Đầu tư cải tạo không gian trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Đây là kế hoạch trước mắt và lâu dài phục vụ cho trưng bày hiện tại của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đồng thời cũng là xây dựng nguồn hiện vật, tư liệu phục vụ cho việc trưng bày ngoài trời và không gian tưởng niệm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới trong tương lai. Trước hết, cần nghiên cứu khảo sát hệ thống các di vật thể khối lớn có giá trị về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật trong các bảo tàng, di tích, các nhà sưu tập tư nhân có các cơ chế cho sưu tầm, mua tặng, trao đổi để xây dựng các sưu tập hiện vật phục vụ cho trưng bày ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ở hiện tại và tương lai.
Thường xuyên nghiên cứu chỉnh trang lại khu trưng bày ngoài trời, coi trọng các hiện vật thể khối lớn chất liệu bền vững, không sử dụng các hiện vật phục chế hoặc những chất liệu không đảm bảo với môi trường ngoài trời.
Trước mắt, cần nghiên cứu quy hoạch gắn kết giữa phần trưng bày tại số 01 Tràng Tiền với phần trưng bày tại 216 Trần Quang Khải và 25 Tông Đản để thuận tiện cho khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cụ thể như sau:
- Cải tạo mặt bằng, không gian, cảnh quan thảm cỏ, bồn hoa, bục tượng, đường đi, biển chỉ dẫn, bổ sung hệ thống cây xanh, ghế đá.
- Một số hiện vật phiên bản, hiện vật bằng chất liệu không bền vững cần thay thế như: Tháp Đậu An, tháp Đăng Minh, mảnh bệ tượng, thành bậc, miệng giếng.
- Xây dựng nhà che bảo vệ bia Điện Nam Giao (nhà bảo vệ ở đây phải đảm bảo tính mĩ thuật và khách tham quan vẫn quan sát được các mặt của bia .... và bố trí điện chiếu sáng vào các mặt của bia..., ).
- Lắp hệ thống đèn chiếu sáng cho từng hiện vật ở hai khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
2.1. Đầu tư thiết bị nghe nhìn, ánh sáng, nguồn nhân lực phục vụ trưng bày ngoài trời:
+ Xây dựng màn hình cảm ứng tra cứu thông tin hiện vật ngoài trời:
Khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia, có một số lượng hiện vật mang giá trị lớn thông tin về lịch sử, văn hóa, nhất là hệ thống các minh văn trên bia Đại Việt, bia Champa. Hiện tại hệ thống etiket chưa truyền tải được hết thông tin về giá trị của hiện vật, mới dừng ở mức thông tin tối thiểu của hiện vật (như tên hiện vật, chất liệu, niên đại, địa điểm phát hiện…) trong khi đó tính chất của trưng bày là phải truyền tải thông tin đầy đủ cho người xem hiểu hết giá trị hiện vật. Để làm được viêc này chúng ta cần xây dựng màn hình cảm ứng khu trưng bày ngoài trời Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu giá trị hiện vật đầy đủ thông tin, phát huy, giới thiệu đến công chúng những hiện vật có khối lượng thông tin lớn, có giá trị đặc sắc tiêu biểu là công việc hết sức cần thiết.
+ Lắp đặt hệ thống thuyết minh tự động (autoguide):
Trưng bày ngoài trời được bố trí chương trình thuyết minh tự động sẽ tạo vai trò quan trọng trong trưng bày ngoài trời nói riêng và trưng bày của bảo tàng nói chung. Bảo tàng phục vụ cho mọi đối tượng trong cộng đồng, ngoài những người bình thường thì còn có những đối tượng khiếm thính tham quan trưng bày, không phải lúc nào chúng ta có thể bố trí được cán bộ hướng dẫn, thuyết minh. Do vậy hệ thống thuyết minh tự động giúp cho trưng bày trở nên sinh động, hấp dẫn với mọi đối tượng người xem dễ dàng cảm thụ.
+ Bồi dưỡng cán bộ thuyết minh trưng bày ngoài trời:
Khu vực trưng bày ngoài trời khu vực số 1 Tràng Tiền được xây dựng cách đây trên 10 năm với các loại hình hiện vật tương đối phong phú, không gian trưng bày được bố trí hài hòa, nhiều hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật…nhưng công tác hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan khu vực trưng bày ngoài trời hiện nay chưa được chú trọng so với phần trưng bày trong nhà. Do vậy, cần phải bồi dưỡng thêm và sâu cho công tác hướng dẫn, thuyết minh phần trưng bày ngoài trời, đây là việc làm cần thiết, để khi dẫn khách cán bộ thuyết minh sẽ chủ động kết nối giữa hai phần trưng bày: trong nhà và ngoài trời của Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
+ Lắp đặt hệ thống chiếu sáng hiện vật và không gian trưng bày ngoài trời:
Trong trưng bày bảo tàng, ngoài yếu tố về nội dung, giá trị hiện vật, mỹ thuật trưng bày thì yếu tố thiết bị ánh sáng đảm nhận một vị trí quan trọng. Đặc thù của trưng bày ngoài trời chủ yếu sử dụng ánh sáng tự nhiên. Nhưng khu trưng bày ngoài trời của bảo tàng sẽ thường diễn ra các hoạt động vào buổi tối như các hoạt động trình diễn văn hóa nghệ thuật, hoặc những hoạt động khác có tính chất phục vụ công chúng. Việc nhiều du khách muốn được xem kỹ các hiện vật trưng bày ngoài trời vào ban đêm hiện nay vẫn là một hạn chế. Do vậy việc chiếu sáng cho hệ thống không gian trưng bày ngoài trời và đặc biệt là chiếu sáng cho từng hiện vật và etiket sẽ tạo cho du khách có điều kiện tốt để tham quan, qua đó tạo không gian cảnh quan ngoài trời hòa vào kiến trúc tòa nhà bảo tàng, góp phần phát huy được khu trưng bày ngoài trời.
2.2. Xây dựng không gian tưởng niệm, sự kiện trưng bày ngoài trời:
Trong tiến trình lịch sử dân tộc có sự đóng góp to lớn của các danh nhân ở tài năng, đức độ, được nhân dân suy tôn các hình thức tôn vinh, tưởng niệm. Do vậy việc lưu niệm, tưởng niệm các danh nhân tiêu biểu của suốt tiến trình lịch sử dân tộc là một việc làm cần được thể hiện rõ trong trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, nhất là phần trưng bày các tượng danh nhân ngoài trời. Hiện nay trong cả nước, ở một số địa phương có hệ thống các tượng đài danh nhân, được nhân dân, chính quyền xây dựng để tưởng nhớ đến công lao của danh nhân đều nằm dải rác ở vùng, địa phương gắn với nơi sinh hay sự kiện liên quan đến quá trình hoạt động của danh nhân. Do vậy xem xét kỹ chúng ta có thể thấy rằng cả nước chưa có một nơi nào tập hợp và trưng bày về các danh nhân tiêu biểu trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước để nhân dân trong nước và du khách nước ngoài được tiếp cận một cách có hệ thống. Trước mắt cần thống kê các tượng đài, di tích lưu niệm của danh nhân tiêu biểu trong cả nước đã được xây dựng, lấy mẫu gốc làm các phiên bản trên chất liệu đá hoặc chất liệu bền vững để trưng bày ngoài trời làm thử nghiệm, vừa để thăm do ý kiến của người xem vừa tạo tạo cơ sở khoa học cho việc trưng bày danh nhân ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia mới trong tương lai.
2.3. Xây dựng các chuyên đề trưng bày ngoài trời:
Là một trong hoạt động không thể thiếu trong trưng bày Bảo tàng, quá trình trưng bày ngoài trời nhóm hiện vật hiện nay chủ yếu tập trung vào các cụm hiên vật có niên đại ở các thời như Lý - Trần; Lê, Nguyễn nhưng trong tương lai cần có nghiên cứu bổ sung các sưu tập hiện vật như các linh vật Việt Nam (gốm, đá), công cụ sinh hoạt, lao động của người tiền sử, Đông Sơn (gốm, đá), Sa Huỳnh (gốm đất nung, đá), Óc Eo (gốm đất nung, đá). Sưu tập về kiến trúc: có thể vật liệu kiến trúc Lý - Trần, vật liệu kiến trúc triều Lê - Sơ, Nguyễn, sưu tập vật liệu kiến trúc Champa, Phù Nam. Hay sưu tập các mẫu tượng phật chất liệu đá…Như vậy, tạo nên một hệ thống các sưu tập phục vụ luân chuyển trong trưng bày ngoài trời.
2.4. Đưa các hoạt động trình diễn ngoài trời gắn với trưng bày bảo tàng:
+ Trình diễn văn hóa vật thể:
Xây dựng được các chuyên đề trưng bày về các nghề thủ công truyền thống đương đại của các dân tộc: Để làm được việc này, trước hết, chúng ta phải mời nghệ nhân ở các làng nghề thủ công truyền thống như gốm Bát Tràng, gỗ Đồng Kỵ, dệt vải…. Đến Bảo tàng để trưng bày sản phẩm và sản xuất sản ngay tại đó. Với các hoạt động này nhằm giới thiệu rộng rãi với khách tham quan những giá trị văn hóa qua cách thức chế tác, biểu diễn của các nghệ nhân đối với các nghề truyền thống của dân tộc mình. Qua đó giúp du khách hiểu sâu hơn về thiên nhiên và con người Việt Nam, đồng thời giới thiệu, quảng bá cho đông đảo tầng lớp nhân dân và du khách đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Trước mắt, với diện tích nhỏ hẹp như hiện nay của Bảo tàng, chúng ta sẽ triển khai trên quy mô hẹp với một vài nghề tiêu biểu, đặc trưng của các dân tộc để nhằm thu hút công chúng đến với Bảo tàng, đồng thời đây cũng là một tiền đề, một giai đoạn thử nghiệm chuẩn bị cho các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong tương lai.
- Đưa các hoạt động trình diễn ngoài trời gắn với trưng bày bảo tàng: Đó là việc chuyển từ tĩnh sang độngcủa hoạt động trưng bày bảo tàng. Trưng bày tĩnh là phần trưng bày cố định (trong nhà), cũng như ngoài trời mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện có. Trưng bày động là các hoạt động trưng bày, trình diễn các nghề thủ công truyền thống của các dân tộc tại khuôn viên của Bảo tàng. Để làm được việc này, chúng ta phải đến mời nghệ nhân các dân tộc đến bảo tàng để giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống của dân tộc mình như làm gốm, đúc, rèn, in tranh Đông Hồ, làm giấy dó, dệt vải….và các loại hình ca múa nhạc dân gian như: hát quan họ, múa rối, múa sạp, biểu diễn cồng chiêng…. vào các ngày lễ tết tại không gian trưng bày ngoài trời của bảo tàng. Việc mời các nghệ nhân đến trưng bày sản phẩm của các nghề thủ công và trình diễn tại bảo tàng không chỉ để cho khách tham quan hiểu rõ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mà đây còn là những buổi giao lưu giữa các nghệ nhân với khách tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Hoạt động đó nhằm bổ trợ sống động cho trưng bày hiện vật trong nhà của bảo tàng, tạo một sân chơi cho du khách tự khám phá và trải nghiệm khi đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
+ Trình diễn văn hóa phi vật thể:
Ngày nay, nhu cầu thưởng thức văn hoá và nhu cầu giải trí của người dân ngày một tăng lên, Bảo tàng là một thiết chế văn hóa, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình để đưa các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc đến quần chúng nhân dân trong và ngoài nước. Trong kho tàng giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam chúng ta rất đa dạng, phong phú, phân bố ở hầu hết các vùng miền trong cả nước. Bảo tàng Lịch sử quốc gia cần mời người dân là chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể như hát Xoan, Ca Trù, Quan Họ, cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử…nếu đưa các hoạt động di sản văn hóa phi vật thể này hoạt động tại Bảo tàng lịch sử quốc gia sẽ góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao vị thế hoạt động của Bảo tàng. Để phục vụ cho hoạt động đó cần có chính sách, kinh phí đầu tư, cải tạo không gian ngoài trời để thuận lợi trong các hoạt động trình diễn.
Ngày nay, Bảo tàng phải không ngừng đổi đổi mới các phương thức hoạt động nhằm thu hút khách tham quan, hưởng thụ văn hóa phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng và luật di sản văn hóa. Vì vậy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia song song với hoạt động trình diễn các nghề thủ công truyền thống, di sản văn hóa phi vật thể thì thị hiếu của giới trẻ trong trình diễn văn hóa - nghệ thuật đương đại là một nhu cầu tất yếu khách quan của thời đại. Nhưng để tạo ra các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đương đại cần có sự nghiên cứ kỹ về nội dung và hình thức, có sự tiếp thu sàng lọc phù hợp với thuần phong mỹ tục, truyền thống người Việt Nam.
Ths. Nông Quốc Tuấn