Mộ gạch cổ Đức Sơn thuộc thôn Đức Sơn, xã Yên Đức, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Di tích nằm cách thị trấn Đông Triều khoảng 20km, cách khu mộ cổ Mạo Khê khoảng 18 km về phía đông nam.
Khu vực thôn Đức Sơn được bao bọc bởi dải núi đá Phượng Hoàng ở phía bắc và dòng sông Đá Vách (sông Kinh Thầy) ở phía nam. Đông Triều nói riêng và Quảng Ninh nói chung là khu vực phân bố khá nhiều những ngôi mộ gạch cổ trong 10 thế kỷ đầu Công nguyên.
Hiện trạng ngôi mộ cổ Đức Sơn.

Hiện trường khai quật tháng 9 năm 2011.

Cửa mộ vào tiền thất.

Nền gạch ở trung thất.

Đỉnh vòm mộ ở trung thất.
Mộ được phát hiện đầu năm 2011 trong quá trình cải tạo, san bạt đất đồi trồng các loại cây ăn quả của nhân dân trong khu vực. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã tiến hành khai quật vào tháng 9 cùng năm. Mộ nằm ở khoảng giữa dãy núi đá Phượng Hoàng, cách chân núi về phía nam khoảng 300m. Gò mộ là một gò đất cao hơn mặt bằng xung quanh khoảng 2,50m, đường kính khoảng 14 - 15m. Trên đỉnh gò đã bị đào phá, chọc thủng một lỗ lớn đủ để người có thể chui vào trong hầm mộ.
Hầm mộ có dạng cuốn vòm, dài theo hướng bắc - nam, cửa mở hướng nam, mặt bằng mộ có cấu trúc hình chữ thập (+), bố cục làm 3 gian (thất) chính, các gian ngăn cách và kết nối với nhau bởi các nhịp trụ tường xây cuốn vòm theo mái. Toàn bộ nền hầm mộ được lát bởi những viên gạch hình chữ nhật.
- Gian ngoài cùng (tiền thất) dài 1,27m, rộng 1,7m, cao 1,92m. Vòm cửa tiền thất được xây cuốn vòm bằng 2 lớp gạch cao 1,68m; rộng 1,20m. Phía trên vòm cửa được xếp cuốn thêm 6 lớp gạch cao 1,35m; rộng 2,20m tạo thành một vòm cửa giả có độ cao tương ứng với vòm mái gian trung thất, đồng thời tạo độ cao ảo làm tăng vẻ bề thế to lớn của ngôi mộ. Lớp vòm này đã bị phá hủy một khoảng chính giữa rộng 0,50 - 0,90m, đây có thể là kết quả của việc đào trộm mộ những năm về trước. Nền tiền thất được lát gạch không theo quy luật nhất định, một số viên đã bị cậy lên.
- Gian giữa (trung thất) dài 1,80m, rộng 3,65m, cao 3,71m. Ở hai góc đông nam và góc tây bắc để thò ra một viên gạch ở độ cao 0,70m (tính từ nền) làm chỗ để đèn. Điểm đặc biệt của trung thất là vòm mái được xếp cao dần từ 4 phía và chụm lại ở đỉnh mái. Vòm mái trung thất cao, đẹp và cân đối, nổi bật nhất trong toàn thể cấu trúc mộ. Nền trung thất được lát bởi 49 viên gạch chữ nhật (7 viên x 7 viên) đặt ngang theo chiều rộng ngôi mộ.
Hai bên phía đông và tây của trung thất lại có 2 gian phụ gọi là 2 nhĩ thất. Kích thước của hai gian này tương đương nhau: dài 0,92m, rộng 1,02m, cao 0,86m. Quan sát có thể nhận thấy gian trung thất được xây cầu kỳ và phức tạp nhất tạo cho cấu trúc mộ có mặt bằng hình chữ thập.
- Gian trong cùng (hậu thất) dài 4,25m, rộng 2,06m, cao 2,40m. Đây là nơi đặt quan tài, tuy nhiên trong quá trình khai quật, chúng tôi không tìm thấy dấu tích của quan tài hay hài cốt. Tại góc đông nam và tây nam phía cửa vào được xây một viên gạch nhô ra cao khoảng 0,50m so với mặt nền dùng làm nơi đặt đèn giống với trung thất. Hậu bị đào phá nhiều, đất bên ngoài tràn vào lấp kín cả gian, sau khi bóc tách từng lớp đất đã phát hiện một bệ hình chữ nhật xếp bằng các loại gạch hình chữ nhật và gạch múi bưởi theo trục bắc nam dài 2,52m, rộng 0,75m, cao còn lại 0,21m, xếp lệch về vách phía tây tường mộ, cách tường mộ phía tây 0,30m, cách tường phía đông khoảng 1m. Với kích thước và vị trí như hiện thấy, chúng tôi cho rằng đây là bệ đặt quan tài. Việc không tìm thấy dấu vết của quan tài hay hài cốt cho thấy, có thể ngôi mộ đã được cải táng từ trước đó.
Một điểm đặc biệt nữa ở cấu trúc ngôi mộ này là phía cuối tường mộ phía tây (bên phải) của gian hậu thất cũng có một nhĩ thất giống như 2 nhĩ thất ở gian trung thất. Nền nhĩ thất này cao hơn nền hậu thất 0,43m, dài 1m, rộng 0,70m, cao 0,56m. Đây có thể là ngăn chứa đồ tùy táng, nhưng sau khi bóc sạch lớp đất bồi thì không thu được hiện vật gì, rất có thể các đồ tùy táng đã bị những kẻ đào trộm mộ lấy đi hoặc đập vỡ vứt ra nền hầm mộ.

Hai nhĩ thất ở trung thất.

Kệ đặt quan tài trong hậu thất.

Hậu thất nhìn ra ngoài.

Mặt bằng cấu trúc mộ.

Mặt cắt cấu trúc mộ.
Như vậy, mặt bằng cấu trúc của ngôi mộ là hình chữ Thập (+). Độ rộng của tiền thất và hậu thất xấp xỉ như nhau nhưng hậu thất dài hơn. Điều đặc biệt ở gian phụ bên phải trong cùng hậu thất cùng với cách xếp kệ quan tài lệch đã làm chúng ta liên tưởng tới giới tính của chủ nhân ngôi mộ.
Dựa vào cấu trúc mộ cũng như loại hình hiện vật tùy táng và gạch xây cho thấy ngôi mộ này có niên đại thời Đông Hán (khoảng thế kỷ I đến III sau CN).
Về chủ nhân, nhiều khả năng chủ nhân ngôi mộ là người Hán, song cũng không loại trừ khả năng người Việt chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, tiếp nhận tập tục mai táng.
Với việc phát hiện bệ đặt quan tài lệch về phía tây (bên phải mộ), khoảng trống phía đông (bên trái mộ) đủ để đặt một quan tài nữa. Vì vậy, có thể thấy, người xưa dựng mộ để chôn song táng, song mới chỉ có một thi hài ở bên trái mộ. Theo quan niệm truyền thống “tả nam, hữu nữ” của người phương Đông thì nhiều khả năng người quá cố đã được an táng trong mộ là nữ.
Chu Mạnh Quyền (Phòng NCST)