Hệ thống bảo tàng chuyên đề và nhà trưng bày được đánh giá là “sản phẩm du lịch” đặc trưng ở Hội An. Hiện nay, với 6 bảo tàng và nhà trưng bày đang hoạt động ngay trong khu phố cổ, Hội An đã tạo ra một không gian du lịch, khám phá văn hóa thu nhỏ thuận tiện cho du khách khi đến tham quan phố cổ, góp phần quảng bá, giới thiệu rộng rãi hình ảnh di sản văn hóa thế giới đến với công chúng trong và ngoài nước.
Bảo tàng Lịch sử Văn hóa
Bảo tàng Lịch sử Văn hóa được thành lập ngày 10/11/1989, tọa lạc tại số 07, Nguyễn Huệ. Trước đây, bảo tàng là ngôi chùa của làng Minh Hương được xây dựng vào thế kỷ XVII thờ Phật bà Quan âm. Hiện bảo tàng trưng bày 434 hiện vật gốc và các hình ảnh, tư liệu liên quan đến các thời kỳ phát triển của Đô thị cổ Hội An từ thời Tiền - Sơ sử cho đến nay. Những hiện vật tiêu biểu trong giai đoạn này như: sưu tập Cán cân hàng bằng gỗ, Mỏ neo, Lô lái ghe bầu…
Thông qua hiện vật, sưu tập hiện vật tại đây, các nhà nghiên cứu và du khách có thể hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa tiểu biểu của mảnh đất Hội An qua tiến trình phát triển của lịch sử từ thời kỳ Văn hóa Sa Huỳnh đến Champa, Đại Việt, Đại Nam, Việt Nam, phản ánh Hội An là một điển hình của cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á -Trung tâm Thương cảng Quốc tế ở Đàng Trong vào thời Đại Việt từ cuối thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XIX.
Một phần trưng bày tại Bảo tàng Văn hóa Lịch sử Hội An.
Phòng Truyền thống Cách mạng
Phòng Truyền thống Cách mạng trước đây tọa lạc tại số 12 Phan Chu Trinh dưới sự quản lý của Phòng Văn hóa Thị xã Hội An, đến năm 1995, chuyển về tầng 2, số 149 Trần Phú. Hiện nay, Phòng Truyền thống Cách mạng được đặt tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, số 10B - Trần Hưng Đạo – TP. Hội An. Phòng Truyền thống Cách mạng hiện đang trưng bày, giới thiệu gần 400 hiện vật tiêu biểu theo từng giai đoạn lịch sử cách mạng dân tộc từ năm 1925 – 1975.
Hội An không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá mà còn là mảnh đất oanh liệt trong truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc qua các phong trào yêu nước từ Cần Vương, Duy Tân, Đông Du…Đặc biệt từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tại Hội An đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử cách mạng quan trọng không chỉ mang tính chất của địa phương mà còn phản ánh phần nào tầm vóc của phòng trào cách mạng cả đất nước. Nhờ có ý thức gìn giữ, bảo tồn của các tầng lớp nhân dân và duyên may lịch sử, nhiều tư liệu, hiện vật liên quan đến quá trình đấu tranh yêu nước của địa phương đã được sưu tầm, trưng bày, giới thiệu tại đây.
Không gian trưng bày tại Phòng Truyền thống Cách mạng.
Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh
Nhà Lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh vốn là Nhà sách Đức An (còn gọi là Nhà Đức An), nơi sinh sống và kinh doanh của gia đình đồng chí Cao Hồng Lãnh.
Đồng chí Cao Hồng Lãnh (tức Phan Thêm) là người sáng lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Hội An vào tháng 10 - 1927. Kể từ đây, phong trào cách mạng ở Hội An bước vào quỹ đạo của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Đầu năm 1930, Nhà Đức An là nơi bàn bạc việc tuyên truyền, rải truyền đơn, bàn thảo thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Quảng Nam. Từ ngày 28-3-1930, Tỉnh ủy Đảng Cộng sản Việt Nam Quảng Nam được thành lập ở Hội An, Nhà Đức An tiếp tục trở thành nơi liên lạc và tổ chức hội họp của Đảng. Trong những năm 1931 - 1934, Thực dân Pháp và tay sai ráo riết đàn áp, khủng bố các phong trào cách mạng ở khắp ba kỳ, trong đó có Hội An. Hoạt động của Đảng ở Hội An gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chi bộ Đảng tại Nhà Đức An với sự thông minh khéo léo vẫn nhiều lần qua mắt được kẻ thù. Năm 1934, do sự chỉ dẫn của mật thám, lính Pháp đã đến lục soát ngôi nhà này và tìm thấy một vài tài liệu tiếng nước ngoài. Vì không bắt được chủ nhà, tức đồng chí Cao Hồng Lãnh, nên chúng kết án vắng mặt đồng chí 15 năm tù giam về tội làm cộng sản. Nhà Đức An là di tích ghi dấu quá trình hoạt động của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hội An cũng như tỉnh Quảng Nam.
Đây không chỉ là nơi trưng bày hiện vật gắn liền với cuộc đời, hoạt động của đồng chí Cao Hồng Lãnh, mà còn là ngôi nhà cổ với kiến trúc tiêu biểu ở Hội An. Nhà được kết cấu kiểu hình ống, gồm 2 tòa nhà liên thông với nhau bởi sân trời và nhà cầu nối. Mái lợp ngói âm dương. Hệ khung chịu lực bằng gỗ, cột tròn, vì kèo chạm trổ bằng những đường nét mềm mại, tinh tế. Phía trên đà thượng của cửa ra vào đặt khám thờ Quan Công. Bên phải là bàn thờ Tổ Tiên Ông Bà. Gian bên trái có vách ngăn giữa nếp nhà trước và nếp nhà sau bằng ván gỗ. Không gian nội thất trang trí bằng những hoành phi câu đối chúc phúc, giáo huấn con cháu. Nơi đây lưu dấu hiệu buôn thuốc bắc, quầy sách báo xưa của người thân trong gia đình đồng chí Cao Hồng Lãnh buôn bán, trao đổi vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Hiện nay, con cháu vẫn đang sinh sống trong ngôi nhà này.
Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh.
Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh
Bảo tàng được đặt tại số 129 TrầnPhú, là nơi cung cấp những thông tin về cư dân văn hoá Sa Huỳnh – chủ nhân cảng thị Hội An sơ khai, từng có quan hệ giao lưu với Trung Hoa, Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á. 216 hiện vật tiêu biểu về văn hoá Sa Huỳnh có niên đại trên dưới 2000 năm được phát hiện qua các đợt khảo sát, khai quật khảo cổ học tại các địa điểm như: Hậu Xá, Thanh Chiêm, An Bàng, Xuân Lâm … từ năm 1989 đến năm 1994 được trưng bày tại đây.
Người xem có thể thấy rằng, những giá trị văn hóa của đô thị cổ Hội An không chỉ biểu hiện qua cách ứng xử giữa con người, dân tộc với nhau, mà sâu thẳm từ trong lòng đất của Hội An đã tồn tại nền văn hóa Tiền Sa Huỳnh (có di tích Bãi Ông nằm trên vùng đảo Cù Lao Chàm, niên đại cách ngày nay trên 3000 năm, với những hiện vật tiêu biểu như: rìu đá, mảnh tước, hạt giống, răng hàu cá, tro than…) Thời kỳ Sa Huỳnh giai đoạn hậu kỳ cách ngày nay khoảng 2000 năm (có các di chỉ cư trú và di chỉ mộ táng như An Bang, Trảng Sỏi, Thanh Chiếm, Hậu Xá, Đồng Nà…với nhiều hiện vật, sưu tập hiện vật tiêu biểu: mộ chum bằng gốm đất nung với loại hình và hoa văn trí phong phú như: văn thừng, văn chải, văn in ô vuông, in mép vỏ sò…). Những hiện vật trang sức như: khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi bằng thủy tinh, đá, mã não, kim loại (vàng),… thể hiện kỹ thuật chế tác tinh xảo của cư dân Sa Huỳnh.
Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch
Năm 1995, Bảo tàng chuyên đề Gốm sứ Mậu dịch được hình thành với sự giúp đỡ của các chuyên gia Nhật Bản tại địa chỉ số 129 Trần Phú. Với 268 hiện vật có niên đại từ thế kỷ IX - X đến thế kỷ XIX được tìm thấy ở các điểm khảo cổ tại Hội An đã phản ánh sinh động về con đường gốm sứ mậu dịch trên biển vào các thế kỷ trước, khi Hội An còn là điểm giao lưu thương mại trên biển của các thương thuyền Đông-Tây-Á-Âu. Đây là ngôi nhà cổ hai tầng tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc cổ Hội An với ban công bằng gỗ xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX.
Những hiện vật trưng bày tại đây: gốm - sứ Việt Nam, Hizen (Nhật Bản), Islam (Trung Cận Đông) và gốm – sứ ở các lò Cảnh Đức Trấn, Phúc Kiến, Quảng Đông,...của Trung Quốc. Những hiện vật này thể hiện mối quan hệ mật thiết, hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản, phản ánh chặng đường lịch sử quan trọng trong tiến trình giao thương Nhật - Việt tại Thương cảng Hội An, phản ánh con đường tơ lụa - gốm sứ nối Đông - Tây trên biển trong các thế kỷ trước mà Hội An là điểm dừng đậu các thương thuyền, là trung tâm trung chuyển mậu dịch quốc tế. Điều đó đã chứng minh quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, phát triển kinh tế giữa Hội An với các nơi khác trên thế giới.
Bảo tàng Văn hóa dân gian
Cùng với văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể là chiều sâu, nền tảng của các giá trị văn hóa truyền thống, là bộ phận quan trọng tạo thành giá trị di sản văn hóa Hội An. Bộ phận di sản này được trưng bày giới thiệu tại Bảo tàng Văn hóa dân gian - 33 Nguyễn Thái Học.
Những hiện vật, mô hình và tiểu cảnh thể hiện các tập tục sinh hoạt văn hóa, diễn xướng dân gian như: hát Bài chòi, hát múa Bả trạo…; Nghệ thuật tạo hình dân gian với những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ, lịch sử, văn hóa tôn giáo tín ngưỡng với các loại hình như: tượng, hoành phi, đối, liễn; các sản phẩm, các công cụ sản xuất thể hiện kỹ thuật chế tác rất công phu; nhiều nghề truyền thống cũng được giới thiệu như: nghề buôn, nghề cá, nghề mộc, nghề nông... Ngoài ra, các sinh hoạt truyền thống như tục lệ cưới hỏi, tang ma và trang phục của người Việt – Hoa được khắc họa qua những hình ảnh, hiện vật gốc có giá trị tiêu biểu cũng được giới thiệu.
Bên cạnh những hiện vật, mô hình trưng bày thì hoạt động trình diễn nghề truyền thống như ươm tơ, dệt vải của người Việt, người Chăm, chuốt gốm, thư họa được tổ chức phục vụ du khách hàng tuần. Các hiện vật trưng bày và trình diễn nghề truyền thống tại bảo tàng đã tạo điều kiện để công chúng hiểu biết về giá trị truyền thống của cha ông và thu hút những nhà nghiên cứu, khách du lịch trong và ngoài nước.
Ông Trần Trinh, cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, tuy chưa có số liệu tổng hợp nhưng có thể khẳng định, trong mấy năm qua từ khi có các nghệ nhân đến bảo tàng giới thiệu và trình diễn một số công đoạn của nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải và chuốt gốm tại Bảo tàng văn hóa dân gian Hội An, lượng khách đến với bảo tàng ngày càng đông hơn. Vào mùa du lịch cao điểm, hầu như ngày nào cũng đông khách, nhất là du khách nước ngoài đến tham quan, trải nghiệm cùng với việc tìm hiểu các hiện vật về văn hóa dân gian đang trưng bày tại đây.
Nghệ nhân hướng dẫn du khách trải nghiệm nghề dệt thổ cẩm tại iBảo tàng Văn hóa dân gian Hội An.
Hệ thống Bảo tàng và nhà trưng bày ở Hội An tuy chỉ là những bảo tàng chuyên đề nhỏ, không nằm trong hệ thống các bảo tàng quốc gia nhưng những giá trị văn hóa lịch sử đã và đang được bảo tồn và phát huy rất hiệu quả. Theo thống kê hàng năm, hệ thống các bảo tàng này đón gần mười nghìn lượt khách tham quan, đem lại nguồn thu đáng kể cho địa phương, góp phần quảng bá và giới thiệu giá trị di sản ngày càng rộng rãi tới công chúng trong và ngoài nước.
Nguyễn Thị Hữu (Phòng Truyền thông)