Thứ Tư, 11/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

30/11/2014 00:14 5822
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Ở Việt Nam hay trên thế giới, bảo tàng muốn thu hút được đông đảo du khách đến tham quan đòi hỏi các nhà quản lý, cán bộ bảo tàng phải thực hiện đồng bộ hàng loạt các khâu công tác nghiệp vụ để tạo ra những sản phẩm có giá trị phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của khách tham quan. Trong đó khâu trưng bày và giáo dục - công chúng giữ vị trí hết sức quan trọng nhằm thực hiện chức năng giao tiếp của bảo tàng với công chúng, với xã hội. Chọn một cách tiếp cận khác dưới góc độ kinh tế, nếu chúng ta xem công chúng tham quan bảo tàng như những khách hàng “đặc biệt” thì chúng ta cũng phải tạo ra những sản phẩm “hàng hóa” đặc biệt mang thương hiệu riêng và có khả năng thỏa mãn một phần hoặc đa dạng nhu cầu hưởng thụ của công chúng. Hay nói cách khác, các sản phẩm do bảo tàng tạo ra phải có ngôn ngữ riêng, độc đáo, khác biệt so với những sản phẩm văn hóa khác nhằm thu hút, định hướng thói quen, nhu cầu của công chúng tới thăm quan bảo tàng.

Theo quan niệm của các nhà bảo tàng học thế giới cũng như giới bảo tàng Việt Nam, trưng bày bảo tàng cơ bản bao gồm: trưng bày thường xuyên, trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động…Bảo tàng có tính chất khác nhau thì trưng bày cũng có đặc điểm riêng khác nhau như: trưng bày loại hình lịch sử xã hội; trưng bày loại hình lịch sử tự nhiên: trưng bày loại hình nghệ thuật; trưng bày loại hình khoa học kỹ thuật…và trong trưng bày chúng ta cũng có thể chia ra nhiều loại hình trưng bày nhỏ như: trưng bày mỹ thuật; trưng bày theo chủ đề; trưng bày nguyên trạng; trưng bày hệ thống và trưng bày theo hình thức kho mở. Có thể nói trưng bày chuyên đề là việc nghiên cứu, sắp xếp hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật bảo tàng một cách khoa học, nghệ thuật có chủ đích phù hợp với ý đồ tư tưởng và nội dung được nghiên cứu một cách nghiêm túc trên cơ sở những nguyên tắc Bảo tàng học, giải pháp kỹ, mỹ thuật đã được các nhà trưng bày bảo tàng lựa chọn nhằm giới thiệu một cách đầy đủ không chỉ đơn thuần về hiện vật mà còn bao gồm cả bối cảnh, ý nghĩa, lịch sử, những câu chuyện, các ý tưởng và cảm xúc liên quan đến những bằng chứng vật chất về con người và môi trường xung quanh con người qua đó đem đến cho công chúng sự cảm nhận, tương tác, trải nghiệm giàu tính giáo dục và mở mang kiến thức, kỹ năng, tạo niềm tin về lịch sử dân tộc góp phần hoàn thiện nhân sinh quan, thế giới quan và nhân cách đối với khách tham quan. Những thông điệp có mục đích cụ thể, rõ ràng được trưng bày khéo, dàn dựng công phu có giá trị thực tiễn to lớn góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi của công chúng, giúp họ có những nhận thức khách quan, đa chiều và sáng tạo tích cực trong cuộc sống.

Chúng ta đều biết bảo tàng không thể cùng một lúc đem tất cả hiện vật ra trưng bày trên hệ thống trưng bày thường trực mà phải thường xuyên tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề. Nội dung, câu chuyện, thông điệp, đề tài và việc lựa chọn tài liệu, hiện vật cũng như áp dụng các giải pháp kỹ, mỹ thuật trong mỗi cuộc trưng bày chuyên đề đều không giống nhau, nhưng mục đích cơ bản và quan trọng nhất đều là thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn và phục vụ nhu cầu thưởng thức các giá trị di sản văn hóa của công chúng. Đồng thời thường xuyên tổ chức các trưng bày chuyên đề chính là một nhu cầu làm mới nội dung hoạt động của bảo tàng, đem đến cho công chúng nhiều món ăn tinh thần hấp dẫn hơn. Và như vậy khi đề cập đến trưng bày chuyên đề thì không thể không nói đến hiện vật vì đây chính là yếu tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của một trưng bày, đồng thời quyết định đến hiệu quả xã hội của bảo tàng.

Trưng bày “Châu Á – những sắc màu văn hóa” thu hút đông đảo khách tham quan,

tháng 10-2013.

Thực tế cho thấy trong gần 60 năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã liên tục tiến hành công tác nghiên cứu, sưu tầm bổ sung kho tài liệu hiện vật. Từ chỗ chỉ có chưa đầy 4 vạn tài liệu, hiện vật những ngày đầu thành lập, đến nay bảo tàng đã sở hữu gần 20 vạn tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều bộ sưu tập hiện vật đồ sộ, quý hiếm so với nhiều bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: Sưu tập hiện vật thuộc các nền văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn, Sưu tập văn hóa Đông Sơn, Sưu tập đồ gốm men cổ Việt Nam, Sưu tập đồ đồng thời Lê - Nguyễn, Sưu tập điêu khắc đá Champa, Sưu tập bảo vật Vương triều Nguyễn, Sưu tập nghệ thuật của nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các nước Đông Nam á. Cùng đó trong kho cơ sở của bảo tàng còn lưu giữ, bảo quản hàng ngàn hiện vật độc nhất vô nhị, hàng chục sưu tập hiện vật quí hiếm, nhiều bảo vật quốc gia, nhiều hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí Lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các anh hùng và nhiều tập thể lao động xuất sắc như: Sưu tập tài liệu, hiện vật về Cách mạng tháng Tám; Sưu tập Tranh cổ động; Sưu tập Truyền đơn cách mạng; Sưu tập Báo chí cách mạng; Sưu tập Cờ; Sưu tập Huân, Huy chương; Sưu tập Kỷ vật của các anh hùng, liệt sĩ trong chiến đấu và lao động; Sưu tập Tặng phẩm của nhân dân Việt Nam và thế giới tặng Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính những tài liệu, hiện vật và các bộ sưu tập hiện vật trên đã góp phần quyết định thành công của nhiều trưng bày chuyên đề, tạo nên nét độc đáo và thương hiệu riêng có của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong những năm qua, là kho tàng di sản văn hóa, lịch sử phong phú phản ánh lịch sử Việt Nam xuyên suốt từ thời tiền sử đến ngày nay. Không thể kể ra hết các cuộc trưng bày chuyên đề trong những năm qua, nhưng chúng ta có thể thấy nhiều cuộc trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đáp ứng được hai nhiệm vụ như đã trình bày ở trên. Trong đó phải kể đến các cuộc trưng bày chuyên đề kỷ niệm những năm chẵn thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Cách mạng tháng Tám, Chiến thắng Điện Biên Phủ, Mặt trận tổ quốc, Chiến thắng B52, trưng bày văn hóa Đông Sơn rực rỡ nền văn minh Việt cổ, Bảo vật Hoàng cung, Cổ ngọc Việt Nam, Văn hóa Trầu cau Việt Nam...

Những hiện vật độc đáo trong Trưng bày “Văn hóa Trầu cau Việt Nam”,

tháng 10-2012.

Đối với những trưng bày chuyên đề thuộc giai đoạn lịch sử cận hiện đại, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã từng bước đổi mới và thoát ly cách trưng bày cổ điển, khô cứng theo biên niên lịch sử, hướng tới cách tiếp cận đa chiều phản ánh các hình thái kinh tế, xã hội trong sự vận động chung của lịch sử dân tộc. Kết hợp giữa trưng bày biên niên và các bộ sưu tập hiện vật, qua đó thấy được sức mạnh to lớn, sự sáng tạo của nhân dân, vai trò lãnh đạo của các tổ chức chính trị, chính trị xã hội và vị trí lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh. Trưng bày chú trọng công tác thiết kế mỹ thuật, bước đầu áp dụng những phương tiện kỹ thuật hiện đại nhằm hỗ trợ chuyển tải nội dung và ý tưởng trưng bày tới người xem một cách sinh động, tự nhiên nhất. Cũng như vậy, các cuộc trưng bày chuyên đề giới thiệu các bộ sưu tập hiện vật thuộc các giai đoạn lịch sử cổ, trung đại cũng được đầu tư, nghiên cứu và trưng bày tương đối công phu, đặc biệt có sự đầu tư về tủ bục, ánh sáng, trang thiết bị kỹ thuật, mỹ thuật đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu trưng bày của bảo tàng khu vực cũng như dần tiếp cận với trình độ quốc tế. Vì vậy, mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thu hút ngày càng đông đảo số lượng khách tham quan, có trưng bày chuyên đề số lượng khách tham quan tăng đột biến lên vài ngàn lượt người trong những ngày khai mạc như trưng bày chuyên đề Bảo vật Hoàng Cung năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội ....

Nhiều hiện vật quý hiếm được BTLSQG đưa ra giới thiệu trong

Trưng bày “Bảo vật Hoàng Cung”, tháng 10-2010.

Mặc dù vậy, trên thực tế cũng có những trưng bày chuyên để chưa thực sự thu hút sự quan tâm của công chúng. Lý do thì nhiều nhưng dưới góc độ chuyên môn có thể thấy một số những bất cập như: số lượng hiện vật hiện có của Bảo tàng còn hạn chế, thiếu về loại hình, nhiều hiện vật thuộc các nền văn hóa trong dòng chảy lịch sử dân tộc còn trống vắng chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động và phục vụ trưng bày chuyên đề của bảo tàng. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ trong việc chọn đề tài, sử dụng hiện vật phục vụ trưng bày chuyên đề. Thậm chí đôi khi chúng ta còn lạm dụng việc sử dụng tài liệu hiện vật trên hệ thống trưng bày thường trực hoặc sử dụng lại nhiều hiện vật đã được trưng bày trong các trưng bày chuyên đề trước đó. Việc đầu tư thời gian, kinh phí xây dựng nội dung cho một chuyên đề còn nhiều hạn chế. Công tác khảo sát, đánh giá, tìm hiểu nhu cầu và xu hướng của khách tham quan cũng chưa được làm bài bản, khoa học và còn nhiều các nguyên nhân khách quan, chủ quan khác. Từ đó tạo ra sự đơn điệu, dàn trải, trùng lắp, kém hấp dẫn khách tham quan đối với trưng bày chuyên đề.

Như vậy, để thực sự hấp dẫn, thu hút ngày một nhiều hơn khách tham quan đến với bảo chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

Việc đầu tiên là chọn chủ đề và tên trưng bày, đây là khâu quan trọng có tính quyết định quy mô, phạm vi và nội dung của trưng bày. Từ đó tiến hành khảo sát, lập danh mục hiện vật, kể cả việc cần thiết phải tiến hành sưu tầm hiện vật mới để bổ sung phục vụ trưng bày. Trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thuộc loại hình lịch sử xã hội nhưng lại liên quan đến rất nhiều ngành khoa học khác. Khi tổ chức trưng bày chuyên đề ngoài việc sử dụng tài liệu, hiện vật gốc của Bảo tàng cần kết hợp, phục chế, phục dựng, mô phỏng các bối cảnh lịch sử, các mô hình nhằm hấp dẫn người xem vì vậy rất cần tham khảo ý kiến của các chuyên gia về nhân học, dân tộc học, địa chất học, văn hóa dân gian... để tạo ra những sản phẩm khoa học phụ trợ phục vụ trưng bày có giá trị thẩm mỹ nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học một cách chân thực và sống động nhất. Các cán bộ trưng bày phải tuân thủ những nguyên tắc trình tự cơ bản của bảo tàng trong quá trình xây dựng trưng bày chuyên đề, phải trải qua quá trình nghiên cứu nghiêm túc, kỹ lưỡng nội dung, kịch bản và các yếu tố kỹ, mỹ thuật được sử dụng trong trưng bày.

Xây dựng nội dung chi tiết trưng bày chuyên đề là công tác nghiên cứu khoa học nghiêm túc, công phu thì công tác thiết kế mỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ trong trưng bày cũng không kém phần quan trọng, đó là sự sáng tạo lần thứ hai làm cho những chủ đề, những câu chuyện hiện vật trong đề cương chi tiết được liên kết lại một cách lô gích, hấp dẫn, sang trọng tôn lên chủ đề nội dung và hiện vật trong trưng bày chuyên đề giúp cuốn hút người xem vào những câu chuyện của lịch sử.

Trưng bày chuyên đề thu hút được sự quan tâm của công chúng một mặt bởi các hiện vật quý, độc đáo có giá trị, nhưng một mặt những hiện vật ấy phải được trưng bày như thế nào, thông tin, câu chuyện xoay quanh những hiện vật ấy được lý giải ra sao để gây được ấn tượng và chạm tới trái tim của công chúng. Việc đảm bảo liên kết giữa nội dung – mỹ thuật – kiến trúc – thiết bị trưng bày được nghiên cứu khoa học nghiêm túc và công phu giúp công chúng có thể xem – trải nghiệm – rung động - liên tưởng - sáng tạo đó là mục tiêu quan trọng nhất mà các nhà trưng bày muốn gửi tới công chúng thông qua trưng bày chuyên đề tại bảo tàng.

Trưng bày chuyên đề “Di sản Văn hóa Phật giáo Việt Nam” ứng dụng công nghệ

bảo tàng ảo tương tác 3D được giới thiệu và tích hợp trên Website của BTLSQG.

Những trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngoài việc chú trọng giới thiệu quá khứ lịch sử cũng cần đề cập đến những chủ đề mang hơi thở của cuộc sống đương đại, phản ánh những đề tài đang thu hút sự quan tâm của công chúng, của xã hội. Thực tế hiện nay cho thấy nhu cầu của công chúng tới tham quan bảo tàng không những chỉ để hồi cố quá khứ mà còn muốn tìm được những giá trị cuộc sống, những bài học lịch sử cho hiện tại và tương lai với tư cách là những chủ nhân tiếp tục quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa góp phần vào sự phát triển chung của xã hội. Hiểu được điều này giúp tạo nên mối liên hệ mật thiết, gần gũi giữa bảo tàng và công chúng. Ngoài ra các trưng bày chuyên đề cần kết hợp sử dụng các phương tiện kỹ thuật tạo ra sự tương tác dưới dạng truyền thống hoặc dưới dạng ảo 3D giúp công chúng không còn là người bị động khi xem trưng bày mà có cơ hội trải nghiệm, sáng tạo và là một phần của trưng bày chuyên đề.

Trưng bày tốt và thường xuyên đổi mới các trưng bày chuyên đề sẽ là một giải pháp hiệu quả góp phần thu hút ngày càng đông khách tham quan đến với Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

TS. Vũ Mạnh Hà ( PGĐ Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tài liệu tham khảo:

- Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (1996), Sự nghiệp bảo tàngnhững vấn đề cấp thiết, tập 1, Hà Nội.

- Timothy Ambrose vµ Crispin Paine (2000), Cơ sở Bảo tàng, (Lª ThÞ Thóy Hoµn dÞch), Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Hà Nội.

- Vương Hoằng Quân (2001) Cơ sở Bảo tàng học Trung Quốc, Nxb Cổ tịch Thượng Hải, tr 246.

- Trung tâm Từ điển học (2007) Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, tr1631.

- Nguyễn Thị Huệ (2008) Cơ sở Bảo tàng học, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 185.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Truyền thông hoạt động trưng bày, góp phần thu hút khách tham quan BTLSQG.

Truyền thông hoạt động trưng bày, góp phần thu hút khách tham quan BTLSQG.

  • 28/11/2014 15:07
  • 3896

Truyền thông là công cụ hữu hiệu của các bảo tàng, đặc biệt vào thế kỷ XXI - thế kỷ của khoa học và công nghệ. Truyền thông bảo tàng có thể hiểu là quá trình chuyển tải thông tin, là một kiểu tương tác xã hội, chia sẻ các qui tắc và tín hiệu chung giữa ít nhất là hai đối tượng, công chúng và bảo tàng. Đồng thời đây cũng là hoạt động không thể thiếu đối với một bảo tàng hiện đại nhằm tuyên truyền, quảng bá về trưng bày, về các hoạt động của bảo tàng với mục đích thu hút khách tham quan, nâng cao uy tín, thương hiệu của bảo tàng.