Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thành lập ngày 26 tháng 9 năm 2011 trên cơ sở sáp nhập hai Bảo tàng (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam). Tính đến tháng 11 năm 2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia có 253 viên chức, người lao động: trong đó có 103 nam, 150 nữ. Trình độ chuyên môn: 03 Tiến sĩ và 07 viên chức đang học Nghiên cứu sinh Tiến sĩ; 41 Thạc sĩ và 09 viên chức đang theo học Cao học ; 145 cử nhân; Cao đẳng 08; Trung cấp 11; Trung học phổ thông 45. Viên chức được đào tạo theo các chuyên ngành: Lịch sử, Khảo cổ học, Bảo tàng học, Văn hóa học, Nhân học, Du lịch, Hóa học, Mỹ thuật, Kiến trúc, Sư phạm, Báo chí, Công nghệ thông tin, Nhiếp ảnh, Ngoại ngữ, Kinh tế, Tài chính, Hành chính...hoạt động tại 15 phòng chuyên môn, nghiệp vụ và 01 Ban Xây dựng Nội dung và Hình thức trưng bày BTLSQG.
Phó giám đốc BTLSQG Vũ Mạnh Hà và các cán bộ Bảo tàng tại Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng tiếng Anh do Trường Bồi dưỡng cán bộ quản lý VHTTDL tổ chức năm 2014.
Hiện nay tại Bảo tàng, các cán bộ công tác lâu năm đều có trình độ chuyên môn vững, có khả năng tư vấn chuyên môn cho các đơn vị trong và ngoài ngành. Tuy nhiên, đa số viên chức mới ra trường về công tác chưa tiếp cận ngay được với công việc do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn và thực tế. Trên thực tế, kiến thức được thu nhận từ các nhà trường hầu hết dựa trên lý thuyết, thiếu các hoạt động thực tiễn tại cơ sở. Ở mỗi vị trí công tác của bảo tàng Lịch sử quốc gia đòi hỏi viên chức phải có các kiến thức tổng hợp: bên cạnh kiến thức chuyên môn cần có các kỹ năng mềm, ví dụ một viên chức công tác tại phòng Giáo dục, Công chúng ngoài các kiến thức về khoa học xã hội cần có các kỹ năng thuyết trình, xây dựng và tổ chức trương trình giáo dục, tổ chức các sự kiện giao lưu nhân chứng, hướng dẫn, thuyết minh cho khách tham quan, tổ chức và quản lý các loại hình câu lạc bộ… viên chức công tác tại phòng Trưng bày ngoài các kiến chức chung về khoa học xã hội (sử học, bảo tàng học, khảo cổ học…) cần phải có các kiến thức về thiết kế đồ họa, thiết kế trưng bày, mỹ thuật, mỹ thuật công nghiệp, các kỹ năng mềm, làm việc nhóm, xây dựng dự án, đấu thầu…Tuy nhiên, nhiều viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc đặt ra
Lễ bế giảng khóa tập huấn bảo quản hiện vật chất liệu gốm và tranh sơn dầu do BTLSQG tổ chức, ngày 24-2-2012.
Bên cạnh việc tuyển dụng những viên chức mới đã qua đào tạo chuyên sâu,Bảo tàng đã quan tâm chú trọngxây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức bằng nhiều hình thức:
- Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức vụ quản lý (chính trị, quản lý Nhà nước).
- Đào tạo tại các cơ sở trong nước:
+ Đào tạo tập trung; Tiến sĩ, Thạc sỹ, Cử nhân…
+ Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ tại các cơ sở.
Cán bộ BTLSQG tham dự Lớp bồi dưỡng kỹ năng hành chính văn phòng,
tháng 5-2013.
- Đào tạo tại chỗ: Hàng năm Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ do các chuyên gia trong nước và nước ngoài giảng: Khoa học xã hội (Sử học, Khảo cổ học, Bảo tàng học, Sư phạm…), Bảo quản, Thiết kế trưng bày, mỹ thuật, Xây dựng và tổ chức chương trình giáo dục, biểu diễn nghệ thuật, làng nghề…Nghiên cứu, hướng dẫn khách tham quan, Tổ chức và quản lý các loại hình câu lạc bộ, phòng khám phá, Bồi dưỡng về lĩnh vực báo chí, truyền thông, thông tin điện tử, Nghiệp vụ thư viện, lưu trữ, Kỹ năng xây dựng các dự án hợp tác, đối ngoại, tổ chức các hội nghị quốc tế, Kỹ năng về kỹ thuật nghe, nhìn, quay phim, chụp ảnh, An ninh, bảo vệ, tự vệ, quốc phòng, tin học, ngoại ngữ, Kỹ năng tài chính, kế toán, Công nghệ thông tin, Báo điện tử, website, kỹ năng mềm…
Tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy, năm 2014.
- Trao đổi đào tạo với các nước có quan hệ hợp tác: cử cán bộ sang các nước nghiên cứu, học tập, trao đổi công tác chuyên môn tại một số nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức, Nhật Bản, Pháp…
Việc phát triển nguồn nhân lực, đào tạo ngắn và dài hạn góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức vững vàng về chính trị, quản lý, chuyên sâu về nghiệp vụ, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong từng giai đoạn phát triển là một nhu cầu cấp thiết, rất cần được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Lê Hồng Thu (Phó Trưởng Phòng TCCB)