Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/11/2014 13:52 3888
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Văn hóa Đông Sơn được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 bên bờ sông Mã thuộc làng Đông Sơn, cách cầu Hàm Rồng 1km về phía Nam tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1934, thuật ngữ “Văn hóa Đông Sơn” chính thức được định danh.

Cho đến nay, trên 200 di tích thuộc văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện ở nước ta, chủ yếu phân bố ở 3 lưu vực sông chính thuộc các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam, đó là sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Về niên đại, tồn tại trong khung thời gian từ cuối thiên niên kỷ I trước Công Nguyên đến thế kỷ 2 sau Công Nguyên. Văn hóa Đông Sơn có nguồn gốc bản địa, từ các di tích Tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun). Ngày nay, nhiều di vật văn hóa Đông Sơn còn được phát hiện ở các tỉnh miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên của Việt Nam và một số nước khu vực Đông Nam Á.

Văn hóa Đông Sơn với phạm vi phân bố rộng, có tầm ảnh hưởng lớn đã gây được sự chú ý, quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả trong nước và nước ngoài. Trên cơ sở nghiên cứu về văn hóa Đông Sơn, các nhà nghiên cứu đều cho rằng, văn hóa Đông Sơn chính là cơ sở vật chất của nhà nước đầu tiên trong lịch sử - nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, và là nền tảng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam.

Với những thành tựu của khảo cổ học từ cuối những năm 20 của thế kỷ XX cho đến nay, số lượng di vật thuộc văn hóa này tìm được vô cùng đồ sộ, được lưu giữ ở các bảo tàng trong nước, nước ngoài và các sưu tập tư nhân, nhưng có lẽ hai bảo tàng lưu giữ và trưng bày nhiều hiện vật văn hóa Đông Sơn nhất hiện nay là Bảo tàng Thanh Hóa và Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Hiện vật văn hóa Đông Sơn hiện đang lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia có số lượng lên tới hàng nghìn hiện vật với chất liệu đa dạng như: đồng, gốm, gỗ, đá... Trong đó, hiện vật đồng chiếm số lượng nhiều hơn cả, đặc biệt là sưu tập trống đồng. Ngoài ra, còn có các sưu tập công cụ lao động, vũ khí, đồ dùng sinh hoạt và đồ trang sức. Trong số 14 hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Bảo vật quốc gia năm 2012 và 2013, đã có tới 6 hiện vật thuộc văn hóa Đông Sơn. Điều đó cho thấy ý nghĩa, giá trị và tầm quan trọng của các hiện vật thuộc Văn hóa này.

Thời kỳ văn hóa Đông Sơn được đánh giá là một trong những thời kỳ quan trọng và có ý nghĩa nhất trong lịch sử dân tộc. Xác định được giá trị, ý nghĩa, vai trò của văn hóa Đông Sơn như vậy, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã rất chú trọng đến việc phát huy giá trị của văn hóa Đông Sơn trên các lĩnh vực hoạt động:

Hoạt động trưng bày: tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, phần trưng bày về văn hóa Đông Sơn – cơ sở vật chất của nhà nước đầu tiên đã được tập trung thể hiện là một điểm nhấn trưng bày quan trọng, với một không gian trọng tâm và đẹp nhất của Bảo tàng, với giải pháp trưng bày khoa học và hiện đại.

Không chỉ ở hệ thống trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề về văn hóa Đông còn thường xuyên được tổ chức ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Ở trong nước, từ năm 1983, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã phối hợp với Bảo tàng Hà Sơn Bình tổ chức trưng bày về Trống đồng Đông Sơn. Đặc biệt trong những dịp năm chẵn kỷ niệm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng cũng đã phối hợp với các bảo tàng địa phương, các nhà sưu tập tư nhân tổ chức các cuộc trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng như: kỷ niệm 75 năm (1999) trưng bày “Di vật Đông Sơn”, kỷ niệm 80 năm (2004) trưng bày “Cổ vật Đông Sơn – Rực rỡ một nền văn minh Việt cổ”, kỷ niệm 85 năm (2009) trưng bày “Tiếng vọng Đông Sơn”... Ở nước ngoài, từ tháng 3 đến tháng 5 năm 2014, trưng bày “Văn hóa Đông Sơn” tại Bảo tàng quốc gia Negara, Malaysia.

Học sinh tham quan, học tập tại phần trưng bày văn hóa Đông Sơn tại hệ thống trưng bày thường xuyên BTLSQG.

Ngoài những cuộc trưng bày chuyên đề dành riêng để giới thiệu về văn hóa Đông Sơn, thì các hiện vật văn hóa Đông Sơn luôn đóng vai trò chủ đạo trong các cuộc trưng bày giới thiệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước. Thậm chí, trong một số cuộc trưng bày, hiện vật văn hóa Đông Sơn chiếm tới 50%, ví dụ, năm 2014, trong cuộc trưng bày “Buổi đầu của những nền văn hóa cổ Việt Nam” tại Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc gồm 152 hiện vật thì hiện vật văn hóa Đông Sơn đã chiếm tới 79 hiện vật…

Hoạt động giáo dục, truyền thông: Bên cạnh việc chú trọng cho hoạt động trưng bày, thì hoạt động giới thiệu, quảng bá các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn cũng được đẩy mạnh như: thuyết minh tại hệ thống trưng bày, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng… Việc giới thiệu sưu tập tại hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng Lịch sử quốc gia được thực hiện bởi các cán bộ hướng dẫn luôn được xác định là nhiệm vụ chính và thường xuyên. Văn hóa Đông Sơn là phần trưng bày trọng tâm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, do đó, các cán bộ thuyết minh của Bảo tàng luôn phải đầu tư nghiên cứu. Trong quá trình hướng dẫn tham quan tại Bảo tàng, phần giới thiệu về văn hóa Đông Sơn luôn chiếm thời lượng chủ yếu. Không chỉ dừng lại ở đó, trên cơ sở xác định và đánh giá được sức hút của văn hóa Đông Sơn đối với công chúng, các cán bộ thuyết minh còn tập trung nghiên cứu chuyên đề chuyên sâu nhằm nâng cao kiến thức lịch sử, đáp ứng kịp thời nhu cầu học tập, nghiên cứu sâu của những đối tượng công chúng quan tâm đến văn hóa này.

Trong các chương trình giáo dục của Bảo tàng, đặc biệt là các chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử”... thì văn hóa Đông Sơn luôn là nội dung trọng tâm bởi đây cũng chính là một trong những nội dung học tập quan trọng trong chương trình học Lịch sử của học sinh phổ thông nên được các em đặc biệt quan tâm.

Trong những năm qua, lĩnh vực truyền thông của Bảo tàng cũng được quan tâm, đẩy mạnh. Để từng bước đáp ứng nhu cầu và sự quan tâm của công chúng tới văn hóa Đông Sơn, hoạt động giới thiệu sưu tập trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng được đẩy mạnh như: xây dựng các bộ phim chuyên đề về văn hóa Đông Sơn, chẳng hạn, bộ phim “Vẻ đẹp trang sức của người phụ nữ Đông Sơn”, hay 2 bộ phim “Kỹ thuật đúc đồng”, “Nghệ thuật trên đồ đồng Đông Sơn” được xây dựng nhân kỷ niệm 80 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn…

Công tác in ấn, xuất bản: Hàng năm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia thường tổ chức nghiên cứu, in ấn, xuất bản các ấn phẩm giới thiệu về các sưu tập hiện vật đặc sắc của Bảo tàng, trong đó các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn luôn là nội dung quan trọng, chủ đạo trong các ấn phẩm. Chẳng hạn, các ấn phẩm Mộ thuyền Việt Khê, Mộ cổ Châu Can hay Trống đồng Đông Sơn ở Việt Nam… cho đến nay vẫn thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, các độc giả. Hay nhân dịp kỷ niệm 80 và 85 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn (năm 2004, 2009), Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Tạp chí Cổ vật Tinh hoa dành 2 số tạp chí (số 8 và số 30) để đăng tải, giới thiệu những bài viết của các nhà nghiên cứu về Văn hóa này.

Đặc biệt, năm 2014, nhân kỷ niệm 90 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, giới thiệu và tôn vinh các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn, như trưng bày chuyên đề “Văn hóa Đông Sơn – 90 năm phát hiện và nghiên cứu”. Cuộc trưng bày lần này có điểm khác biệt, đó là sự hiện diện của các hiện vật mà Bảo tàng Lịch sử quốc gia, trong quá trình hoạt động của mình, đã phát hiện, nghiên cứu, sưu tầm, đặc biệt, những hiện vật mới phát hiện ở miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ có dịp được ra mắt công chúng tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Đây cũng chính là sức hút mới đối với công chúng từ cuộc trưng bày lần này.

Cùng với hoạt động trưng bày chuyên đề, Bảo tàng còn phối hợp với Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Địa chất, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, Hội Di sản Văn hóa Lam Kinh, tổ chức cuộc Hội thảo “Văn hóa Đông Sơn – 90 năm phát hiện và nghiên cứu”. Tại Hội thảo lần này, bên cạnh những nghiên cứu cập nhật về văn hóa Đông Sơn thì những chứng cứ lịch sử về sự giao lưu giữa văn hóa Đông Sơn với văn hóa Sa Huỳnh, đặc biệt là những phát hiện mới ở di chỉ Bãi Cọi (Hà Tĩnh) hay sự lan tỏa của văn hóa Đông Sơn tới các khu vực xung quanh như miền Trung, Nam Bộ, Tây Nguyên...cũng được tập trung thảo luận, làm rõ. Trong khuôn khổ cuộc Hội thảo, Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn phối hợp với Hội Di sản văn hóa Lam kinh tổ chức thực nghiệm đúc trống đồng. Trống đồng là hiện vật tiêu biểu của văn hóa Đông Sơn, hơn nữa còn là biểu tượng của văn hóa Việt Nam, với ý nghĩa đó, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tổ chức đúc thử nhiều lần nhưng chưa lần nào thành công. Trình diễn đúc trống đồng lần này sẽ là hoạt động khiến đông đảo công chúng trong và ngoài nước quan tâm.

Trong nhiều năm qua, giáo dục lịch sử cho giới trẻ học đường luôn là mục tiêu mà Bảo tàng hướng tới. Để góp phần giới thiệu, quảng bá cho các sưu tập hiện vật văn hóa Đông Sơn trong dịp kỷ niệm này, các cán bộ giáo dục của Bảo tàng đang tiến hành xây dựng các chương trình giáo dục mà nội dung trọng tâm sẽ là văn hóa Đông Sơn, chẳng hạn, chương trình sinh hoạt Câu lạc bộ Em yêu lịch sử với chủ đề “Văn hóa Đông Sơn – truyền thống và lan tỏa”, dự kiến được tổ chức vào cuối năm 2014 cho học sinh trên địa bàn Hà Nội và Thanh Hóa (phối hợp với Bảo tàng Thanh Hóa). Cùng với đó là các chương trình giáo dục dưới hình thức “Giờ học lịch sử”, mà nội dung trọng tâm cũng sẽ được tập trung tìm hiểu về văn hóa Đông Sơn, làm bài trắc nghiệm với nội dung tìm hiểu về văn hóa Đông Sơn. Mục đích của các hình thức giáo dục này giúp các em hiểu biết sâu sắc hơn về một nền văn hóa phát triển rực rỡ, là cơ sở vật chất hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử dân tộc và là nền tảng hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam.

Trưng bày Văn hóa Đông Sơn tại Malaysia, 11.3.2014 - 9.2014.

Công tác truyền thông cho các hoạt động kỷ niệm lần này cũng được tích cực chuẩn bị. Từ đầu năm 2014, Bảo tàng đã xây dựng trên Website một chuyên mục riêng giới thiệu về văn hóa Đông Sơn để công bố các tài liệu, những bài nghiên cứu, những thông tin cập nhật về văn hóa này; các chương trình quảng bá, giới thiệu văn hóa Đông Sơn trong dịp diễn ra trưng bày chuyên đề, hội thảo cũng được tăng cường trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo chí, truyền hình… Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng trưng bày ảo cho phần trưng bày văn hóa Đông Sơn tại hệ thống trưng bày cố định của Bảo tàng. Bảo tàng ảo (3D) được đánh giá là công nghệ mới, hiện đại trong hệ thống các bảo tàng ở Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong những Bảo tàng đầu tiên áp dụng. Việc áp dụng công nghệ mới trưng bày ảo (3D) không chỉ lưu giữ lại không gian, hình ảnh của các cuộc trưng bày chuyên đề, mà còn phục vụ cho những đối tượng công chúng không có điều kiện đến Bảo tàng. Bên cạnh đó, Bảo tàng sẽ xuất bản những ấn phẩm giới thiệu về văn hóa Đông Sơn như: Những hiện vật đặc sắc văn hóa Đông Sơn, Kỷ yếu Hội thảo về văn hóa Đông Sơn vào tháng 10/2014; Thông Báo khoa học (số 2/2014)… và chuyên mục giới thiệu văn hóa Đông Sơn trong Tạp chí Thế giới Di sản kỳ này cũng là một trong chuỗi các sự kiện đó.

Với những giá trị, ý nghĩa và vai trò quan trọng như vậy, văn hóa Đông Sơn sẽ tiếp tục được đầu tư nghiên cứu và các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ được đẩy mạnh, để tiếp tục tạo điều kiện cho công chúng trong và ngoài nước tìm hiểu sâu sắc hơn về một nền văn hóa đặc sắc, quan trọng, hình thành truyền thống văn hóa Việt Nam. Trên cơ sở đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, nâng cao ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, một yếu tố đã, đang và sẽ rất cần thiết đối với Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay.

Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan (Phó Trưởng Phòng GDCC)

CN. Nguyễn Thị Định (Phòng GDCC)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mùa điền dã 2013-2014

Kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia mùa điền dã 2013-2014

  • 10/10/2014 12:19
  • 3284

Cùng với Viện Khảo cổ học, Bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV) và các cơ quan, đơn vị khác, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày phát huy giá trị các tài liệu hiện vật, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc đã tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ học. Bên cạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề cơ bản, mang tính thời sự của khảo cổ học Việt Nam về các nền văn hóa cổ, về đời sống cư dân, táng tục, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, nghệ thuật các thời đại, thời kỳ lịch sử, cũng đặt mục tiêu sưu tầm, xây dựng và làm phong phú hơn các sưu tập hiện vật, từng bước nghiên cứu, bảo quản và trưng bày phát huy giá trị.