Cùng với Viện Khảo cổ học, Bộ môn Khảo cổ, Khoa Lịch sử (Trường ĐHKHXH&NV) và các cơ quan, đơn vị khác, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sưu tầm, lưu giữ, bảo quản và trưng bày phát huy giá trị các tài liệu hiện vật, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc đã tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ học. Bên cạnh việc nghiên cứu, tìm hiểu các vấn đề cơ bản, mang tính thời sự của khảo cổ học Việt Nam về các nền văn hóa cổ, về đời sống cư dân, táng tục, tôn giáo, tín ngưỡng, kiến trúc, nghệ thuật các thời đại, thời kỳ lịch sử, cũng đặt mục tiêu sưu tầm, xây dựng và làm phong phú hơn các sưu tập hiện vật, từng bước nghiên cứu, bảo quản và trưng bày phát huy giá trị.
Dưới đây là kết quả hoạt động khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia:
1. Phối hợp với Sở VHTTDL Bà Rịa-Vũng Tàu tiến hành điều tra, khảo sát các di tích thuộc khu vực xây dựng tổ hợp hóa dầu thuộc xã đảo Long Sơn (TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu): gồm các di tích như Giồng Lớn, Gò Găng, khu Tập đoàn muối, Gò Ông Kiến, Giồng Ông Trượng và Bãi Cá Sóng. Trên cơ sở đó, từng bước xác lập bản đồ phân bố hệ thống các di tích khảo cổ trên diện tích 400ha cho khu vực ngập mặn nằm ở phía tây nam của đảo Long Sơn, bên bờ vịnh Gành Rái và cửa sông Thị Vải, đối diện với cụm di tích Cần Giờ - Tp. Hồ Chí Minh khoảng trên 10km.
Khai quật khảo cổ học tại xã đảo Long Sơn, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Hiện đang khai quật 2 địa điểm Giồng Ông Trượng và Bãi Cá Sóng, kết quả bước đầu:
- Tại Giồng Ông Trượng đã phát hiện dấu tích cư trú, mộ táng có niên đại khoảng 2000 năm. Dấu tích vật liệu giai đoạn Giồng Am.
- Tại Bãi Cá Sóng phát hiện các dấu tích cư trú trên khu vực sình lầy ven biển, gốm thu thập được có niên đại tương đương Giồng Cá Vồ.
2. Phối hợp với Sở VHTTDL Gia Lai và Đắk Lắk khảo sát một số di tích khảo cổ học hậu kỳ đá mới - sơ kỳ kim khí. Khảo sát và xác định các di tích Suối Đội 7, Đriêng (Chư Prông, Gia Lai); Buôn Kiều (Krông Bông, Đắk Lắk) cho kế hoạch khai quật vào năm 2015 bổ sung phần trưng bày giai đoạn tiền sơ - sử Tây Nguyên trong tiến trình lịch sử dân tộc.
3. Phối hợp với Sở VHTTDL Vĩnh Phúc và Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khảo sát một số di tích, di vật khảo cổ học giai đoạn tiền Đông Sơn trên địa bàn Vĩnh Phúc trong chương trình hợp tác Việt - Hàn như: Đồng Đậu, Gò Gai (Yên Lạc); Lũng Hòa, Gò Ma Cả (Vĩnh Tường). Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở cho chương trình nghiên cứu và khai quật vào năm 2015.
Khảo sát di tích Gò Gai, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
Khảo sát di tích Đồng Đậu, Yên Lạc, Vĩnh Phúc.
4. Tiếp tục phối hợp với Sở VHTTDL Bắc Ninh và Đại học Đông Á (Nhật Bản) khảo sát di tích thành và hệ thống mộ cổ tại Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) trong chương trình hợp tác nghiên cứu Việt - Nhật. Cùng với kết quả đạt được từ năm 2013, đã tiến hành khảo sát hệ thống lũy thành, xác định mặt bằng hiện trạng, các góc thành, xác định dấu vết của thành Nội và vị trí dự kiến khai quật vào cuối năm 2014-2015.
- Khảo sát, đánh giá hiện trạng, xác định phạm vi phân bố của các ngôi mộ gạch thời Hán có quan hệ mật thiết với trị sở Luy Lâu (32 mộ).
- Khảo sát dòng chảy của sông Dâu cổ, các đường hào xung quanh lũy thành.
- Khảo sát hệ thống Tứ pháp: chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Giàn, chùa Phi Tướng…
Khảo sát tại Luy Lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh.
5. Phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm (Hà Nội) khai quật di tích đền - chùa Bà Tấm lần thứ 2 nhằm phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, kỷ niệm 900 năm ngày mất của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan. Kết quả quả khai quật đã xác định được vị trí, dấu tích nền móng kiến trúc chùa các giai đoạn lịch sử như: Lý, Trần, Mạc, Lê Trung hưng, Nguyễn. Đáng chú ý nhất là lớp kiến trúc mặt bằng thời Lý với các dấu tích nền, móng, gia cố, thành bậc và các bậc lên xuống phía bắc của chùa. Đã phát hiện số lượng đáng kể vật liệu trang trí tháp đã cho thấy sự tồn tại của kiến trúc tháp Phật có quy mô to lớn bên cạnh mặt bằng kiến trúc chùa.
Nền móng kiến trúc tại đền – chùa Bà Tấm, Gia Lâm, Hà Nội.
6. Phối hợp với Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái tiến hành khảo sát và phát hiện một số phế tích kiến trúc thời Trần như Pú Tre, Pú Nham (Văn Chấn); Tân Lĩnh, Tân Lập (Lục Yên); Văn Lãng (Yên Bình), trên cơ sở đó có những đối sánh, đánh giá bước đầu làm cơ sở cho việc nghiên cứu và khai quật thời gian tới để tìm hiểu về giá trị di sản văn hóa, kiến trúc thời Trần tại Yên Bái.
7. Phối hợp với Sở VHTTDL Quảng Ngãi khảo sát một số di tích, phế tích kiến trúc Champa gồm: An Tập, Gò Phố, Phú Thọ (Tư Nghĩa); An Chỉ Tây và Đồi Đá 2 (Nghĩa Hành), nghiên cứu sưu tập hiện vật Champa trong kho Bảo tàng Quảng Ngãi. Từ kết quả khảo sát, lập kế hoạch khai quật trong thời gian tới nhằm tìm hiểu lịch sử, văn hóa Champa vùng đất Quảng Ngãi.
8. Phối hợp với Viện Di sản văn hóa Biển (Hàn Quốc) tiếp tục chương trình hợp tác, tiến hành khảo sát hệ thống thương cảng, tiểu cảng cổ dọc các tỉnh miền bắc và trung Việt Nam, thu thập được các dấu tích vật chất phản ánh quá trình giao thương buôn bán, giao lưu văn hóa ở các cửa sông, cửa biển, từng bước tìm hiểu, đánh giá giá trị, tiềm năng di sản văn hóa biển Việt Nam trong lịch sử.
9. Phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin quận Đống Đa khảo sát tại di tích đình (đền) Kim Liên và chùa Kim Liên, bên cạnh việc tìm hiểu, đánh giá hiện trạng di tích cũng như các vấn đề liên quan trực tiếp đến quá trình tồn tại của di tích đã tiến hành thống kê, lập hồ sơ khoa học toàn bộ hệ thống các di vật cổ đang được lưu giữ tại di tích, làm cơ sở cho công tác quản lý cũng như trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích có vị trí quan trọng đối với Thăng Long, Hà Nội xưa.
Dập văn bia tại chùa Kim Liên, Hà Nội.
Giám định kiệu tại đình Kim Liên, Hà Nội.
10. Ngoài những hoạt động điền dã nêu trên, ngay từ đầu năm 2014, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cùng Viện Khảo cổ học, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã cùng nhau thống nhất nội dung lễ kỷ niệm 90 năm phát hiện văn hóa Đông Sơn - một văn hóa khảo cổ có vị trí vô cùng quan trọng trong nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa dân tộc. Bảo tàng đã phối hợp với Bảo tàng Quốc gia Malaysia, Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc tổ chức hội thảo và trưng bày, giới thiệu về văn hóa Đông Sơn. Lễ kỷ niệm chính thức dự kiến vào trung tuần tháng 11 năm 2014 tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, với các nội dung: hội thảo, trưng bày chuyên đề các phát hiện mới về văn hóa Đông Sơn, trình diễn đúc trống đồng theo phương pháp truyền thống…
Tóm lại, mùa điền dã 2013 - 2014, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bên cạnh các nhiệm vụ quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục về lịch sử văn hóa dân tộc, đã tiến hành các đợt điều tra, khảo sát và khai quật khảo cổ học và thu được những kết quả rất có ý nghĩa đối với nghiên cứu cũng như bổ sung trưng bày, phát huy giá trị tại Bảo tàng và trùng tu, tôn tạo các di tích ở một số địa phương.
Thời gian tới, bên cạnh việc tìm hiểu về các nền văn hóa, các thời kỳ trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, các vấn đề về văn hóa Champa và Óc Eo sẽ là những nghiên cứu ưu tiên, nhằm đánh giá và nhận thức đầy đủ hơn về vị trí, vai trò hai nền văn hóa này với việc hình thành các nhà nước đầu tiên ở Việt Nam trong nghiên cứu cơ bản cũng như thể hiện trưng bày. Đồng thời, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hướng tới là đẩy mạnh hơn nữa việc hợp tác nghiên cứu, phát huy tiềm năng di sản văn hóa biển Việt Nam, một mảng nghiên cứu dường như còn trống vắng, đang được khảo cổ học Việt Nam quan tâm.
TS. Nguyễn Văn Đoàn (PGĐ BTLSQG)