Theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan tồn tại và phát triển trong mối liên hệ phổ biến với các sự vật, hiện tượng khác. Không thể có một ngành hay một lĩnh vực nào có thể độc lập tồn tại, tách rời các mối quan hệ mà vẫn phát triển.
Trong điều kiện thế giới phẳng như hiện nay, sự ảnh hưởng, tác động, phụ thuộc lẫn nhau giữa các ngành là hiện tượng ngày càng phổ biến và sâu sắc. Sự tác động đó không chỉ giới hạn trong một lĩnh vực xã hội riêng biệt mà nó đan xen, phức tạp,đa dạng và không chỉ chịu ảnh hưởng của các ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế cũng như các hoạt động xã hội khác. Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn luôn tồn tại mối quan hệ hữu cơ, mật thiết và có tác động qua lại lẫn nhau hết sức chặt chẽ giữa Bảo tàng và Du lịch.
Các đoàn khách du lịch đến từ các nước châu Á tham quan BTLSQG, năm 2014.
Ngày nay, vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển của nền kinh tế nói riêng cũng như toàn bộ xã hội nói chung là không thể phủ nhận. Là một ngành công nghiệp mũi nhọn, du lịch đã và đang khẳng định được thương hiệu của mình với những tiềm năng và thế mạnh riêng biệt. Tuy nhiên, trên thực tế khách quan và xu thế chung, cơ sở phát triển của ngành du lịch không chỉ là hệ thống các nhà hàng, khách sạn, các điều kiện thuận lợi về giao thông hay chế độ chính trị ổn định… mà điều cũng không kém phần quan trọng tạo nên thế mạnh cho ngành công nghiệp không khói này phát triển chính là sự phong phú, đa dạng của nền văn hóa thông qua những hiện vật, bộ sưu tập hiện vật hay nói cách khác đó là di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia mang tính vật thể trong đó bao gồm cả di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh hoặc phi vật thể như lễ hội, nghệ thuật…Chính những bản sắc văn hóa tạo nên sự riêng biệt, nét độc đáo không thể hòa lẫn của mỗi quốc gia, dân tộc trong dòng chảy lịch sử, văn hóa chung của thế giới. Văn hóa chính là cơ sở vật chất, là nguồn lực nội sinh của ngành du lịch của mỗi quốc gia. Đó cũng là lý do giải thích vì sao ngày càng nhiều du khách đến tham quan ở một địa phương, khu vực hay đất nước nào đó không còn đơn thuần chỉ mang tính chất giải trí. Xu hướng du lịch giải trí đang có xu hướng kết hợp với học tập, nghiên cứu khoa học và du lịch văn hóa. Và như vậy trong các đối tượng của du lịch văn hóa thì các bảo tàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh là đối tượng có ưu thế hơn cả về bề rộng lẫn chiều sâu.
Khách du lịch đi theo tour đang tham quan trưng bày BTLSQG, 2014
Theo số liệu thống kê chưa đầu đủ của ngành du lịch trên hơn 200 quốc gia và các vùng du lịch trên thế giới thì bảo tàng được nhắc đến như những điểm đến quan trọng và hấp dẫn tại mỗi địa phương, đất nước bên cạnh những khu du lịch và trung tâm mua sắm, giải trí khác.
Dưới góc độ nghiên cứu về chức năng giải trí, thưởng thức của bảo tàng theo định nghĩa của ICOM, chúng ta có thể thấy trước đây khi nghiên cứu về bảo tàng, phần lớn các nhà bảo tàng học chỉ tập trung tới hai chức năng chính đó là: chức năng nghiên cứu khoa học và chức năng giáo dục. Tuy nhiên từ giữa những thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây, khi mà định nghĩa của ICOM về bảo tàng khẳng định: Chức năng của bảo tàng là nghiên cứu, giáo dục và thưởng thức thì chức năng giải trí và thưởng thức của bảo tàng ngày càng nhận được sự quan tâm của giới nghiên cứu và nó đã mở ra một cơ hội hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa bảo tàng và du lịch, làm cho bảo tàng và các hoạt động của bảo tàng thực sự đi vào cuộc sống một cách gần gũi và mang hơi thở của cuộc sống đương đại, giúp cho công chúng được hưởng thụ các giá trị đích thực mà bảo tàng và du lịch đem lại. Bởi những lý do:
Thứ nhất, thời gian lao động của con người ngày càng giảm, kéo theo đó là thời gian nhàn rỗi tăng lên. Trước đây chúng ta phải làm việc nhiều giờ trong ngày, đến nay người lao động chỉ còn làm việc 6-8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần. Sau những ngày làm việc căng thẳng con người muốn sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để nghỉ ngơi, giải trí. Hình thức nghỉ ngơi của họ cũng rất đa dạng và phong phú: có người muốn tìm đến những nơi có phong cảnh tự nhiên đẹp để nghỉ dưỡng, có người muốn đến những vùng đất có nhiều nét sinh hoạt văn hóa độc đáo để tham quan, trải nghiệm và cũng có rất nhiều người dành những ngày nghỉ của mình tham gia các tour du lịch, tham quan các bảo tàng để vừa có thể thu thập thêm những thông tin tri thức do bảo tàng cung cấp, vừa có thể tham gia vào các hoạt động xã hội của bảo tàng như câu lạc bộ tình nguyện viên, câu lạc bộ của những người bạn bảo tàng…
Thứ hai, khi mức sống của con người được cải thiện cộng với trình độ dân trí ngày càng cao thì nhu cầu giải trí, thưởng thức cũng ngày càng trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống tinh thần của chính họ. Thực tế cho thấy nhu cầu của công chúng không phải là yếu tố nhất thành bất biến mà luôn có sự vận động, thay đổi theo lứa tuổi, nghề nghiệp, trình độ. Điều này không chỉ thể hiện trong một bộ phận tầng lớp dân cư mà còn biểu hiện sinh động trong chính bản thân của mỗi cá nhân. Khi mà những nhu cầu về sinh tồn, vật chất được đảm bảo, con người thường hướng nhu cầu của mình tới những giá trị thẩm mỹ, tới cái đẹp và bảo tàng có đầy đủ yếu tố để thỏa mãn với những nhu cầu này của con người khi họ đến với bảo tàng.
Khách đoàn đến từ châu Âu tham quan BTLSQG, 2014.
Như vậy, có thể nói bảo tàng là một bộ phận tài nguyên nhân văn quan trọng, là nơi bảo tồn các giá trị di sản văn hóa dân tộc đồng thời cũng là nơi thu hút số lượng đông đảo khách tham quan du lịch. Hệ thống bảo tàng Việt Nam với những bộ sưu tập hiện vật phong phú đã cung cấp cho khách tham quan du lịch những giá trị về văn hóa, lịch sử, phong tục tập quán, đất nước và con người ở nhiều vùng miền khác nhau. Bảo tàng giúp cho ngành du lịch tổ chức các tour tham quan bổ ích, lý thú đầy giá trị nhân văn trên cơ sở các tài nguyên do bảo tàng đem lại. Theo số liệu thống kê của Tổng Cục Du lịch thì số lượng khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng, có năm lên tới hơn 7 triệu lượt khách. Trừ một lượng không lớn đó là khách có nhiệm vụ chính trị, doanh nhân có quan hệ làm ăn hoặc có nhiệm vụ tại Việt Nam thì số còn lại phần lớn là khách du lịch. Và trên thực tế cho thấy số lượng khách du lịch trước khi đến Việt Nam thì phần lớn họ chưa có nhiều thông tin và thời gian lưu lại Việt Nam cũng không nhiều. Chính vì vậy, bảo tàng là nơi cung cấp thông tin một cách tốt nhất và nhanh nhất cho họ. Chỉ cần một khoảng thời gian không nhiều tham quan bảo tàng, họ có thể thu thập được một lượng thông tin khá bổ ích về đất nước và con người Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại và có cho mình những dự cảm về tương lai.
Khách nước ngoài chiêm ngưỡng các cổ vật tại phòng trưng bày chuyên đề của BTLSQG, 2014
Nhận thấy rõ vai trò và vị trí của bảo tàng trong mối quan hệ với hoạt động du lịch, những năm gần đây các bảo tàng Việt Nam trong đó có Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ, chỉnh lý, đổi mới nội dung trưng bày, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao trong các hoạt động bảo tàng nhằm thu hút và thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch tới tham quan bảo tàng. Để bảo tàng thực sự khẳng định được vị trí của mình trong đời sống xã hội và đồng hành cùng với ngành du lịch Việt Nam góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong xu thế hội nhập hiện nay, bên cạnh những nỗ lực của chính mỗi bảo tàng cũng cần có sự quan tâm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội để thiết chế văn hóa quan trọng này phát huy tốt hơn nữa những thế mạnh của mình. Xét một cách tổng thể thì bảo tàng và du lịch luôn có mối quan hệ và chịu ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau. Bảo tàng sẽ không hoạt động và phát huy hiệu quả một cách tốt nhất nếu không gắn với hoạt động du lịch và du lịch sẽ trở nên trống vắng một mảng lớn trong hoạt động của mình nếu không gắn với bảo tàng. Nhận thức rõ và đúng mối quan hệ này sẽ giúp cho các bảo tàng xây dựng cho mình một chương trình, định hướng du lịch đúng đắn, phù hợp cũng như có các biện pháp thực hiện hiệu quả nhằm nâng cao các giá trị hoạt động của bảo tàng góp phần đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách. Chỉ khi nào bảo tàng và du lịch được đặt trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ thì khi đó bảo tàng và du lịch sẽ có những bước phát triển đa dạng, bền vững và trở thành sự lựa chọn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của công chúng cũng như khách tham quan du lịch.
TS. Vũ Mạnh Hà (Phó Giám đốc BTLSQG)