Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/09/2014 08:57 4642
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
1.Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ký ngày 26/9/2011, có nguồn nhân lực dồi dào (gồm trên 250 cán bộ viên chức, đa phần đều có trình độ đại học và trên đại học, với 3 Tiến sĩ, 41 Thạc sĩ, 7 Nghiên cứu sinh và hàng chục học viên Cao học) được biên chế trong 16 phòng, ban. Bảo tàng đang hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, từng bước phát triển và lớn mạnh để sớm trở thành một trung tâm nghiên cứu và giáo dục về lịch sử, văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động nghiên cứu sưu tầm, hệ thống trưng bày hiện vật phản ánh tiến trình lịch sử Việt Nam.

Toà nhà trưng bày BTLSQG tại số 1 Tràng Tiền, Hà Nội.

2. Bảo tàng Lịch sử quốc gia ra đời được kế thừa toàn bộ tài sản và kinh nghiệm hơn nửa thế kỷ hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, đó là những kinh nghiệm nghề nghiệp đã được trải nghiệm qua thực tiễn; những bài học được và chưa được, đúng và chưa đúng, thành công và chưa thành công trong xây dựng và quản lý bảo tàng, trong tất cả các hoạt động của bảo tàng từ đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp có trình độ cao đến tạo lập, mở rộng và phát triển mối liên kết giữa các bảo tàng trong đối nội và đối ngoại… Đặc biệt khối di sản mà Bảo tàng hiện lưu giữ đó là trên hai mươi vạn tài liệu, hiện vật là những di vật trải dài suốt toàn bộ dòng chảy lịch sử của dân tộc từ thời tiền sơ sử đến đương đại. Trong những di vật đó, có nhiều cổ vật và bảo vật quốc gia, nhiều bộ sưu tập quý hiếm vào bậc nhất so với các bảo tàng cùng loại hình ở trong nước và khu vực như: sưu tập kim sách, ấn, kiếm vàng, sưu tập văn hóa Đông Sơn, Văn hóa Champa, sưu tập gốm men Việt Nam, sưu tập cổ vật của các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Ấn Độ, Mianma… sưu tập đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, sưu tập hiện vật về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh…

3. Nhìn lại chặng đường phát triển của ngành bảo tàng Việt Nam, những năm 1960, số bảo tàng chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì nay, cả nước đã có 144 bảo tàng, trong đó có 6 bảo tàng cấp quốc gia còn lại là bảo tàng tỉnh, thành phố, bảo tàng quân binh chủng và một số bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng tư nhân. Mặc dù vậy, 144 bảo tàng là con số rất ít, nếu nhìn ra Trung Quốc có khoảng 3.800 bảo tàng, Hàn Quốc hơn 330 bảo tàng, Nhật Bản hơn 5.600 bảo tàng, Mỹ hơn 17.500 bảo tàng, Đức hơn 6.500 bảo tàng… Bảo tàng ở nhiều nước đã có từ 300-400 năm, nhưng ở Việt Nam, hệ thống bảo tàng còn non trẻ, hầu hết ra đời những năm 1980, 1990 nên chưa có bề dày kinh nghiệm, không đáp ứng được những yêu cầu thiết yếu cho hoạt động bảo tàng, đội ngũ cán bộ bảo tàng còn yếu, đặc biệt là thiếu các chuyên gia bảo tàng, kinh phí đầu tư cho bảo tàng còn hạn chế và chủ yếu đầu tư vào phần vỏ kiến trúc nên nội dung và mỹ thuật trưng bày rất đơn diệu, nhiều bảo tàng phải sử dụng các khu nhà xây dựng không có công năng để làm bảo tàng. Hoạt động của hầu hết các bảo tàng mới chỉ đổi mới ở bề rộng và ở hình thức mà chưa có sự cách tân thực sự theo chiều sâu, đặc biệt ở nội dung trưng bày.

4. Với vị trí là bảo tàng đứng đầu hệ thống các bảo tàng Việt Nam, để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, Bảo tàng đã có những điều chỉnh, định hướng hoạt động, đổi mới để đáp ứng nhu cầu do xã hội đặt ra và bước đầu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ như: điều tra, khảo sát, khai quật về Khảo cổ học và Lịch sử; Tổ chức trưng bày chuyên đề, triển lãm trong và ngoài nước; Bảo quản hiện vật; Tổ chức tham gia các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản ấn phẩm; Chủ trì thực hiện các dự án qui mô lớn như Dự án xây dựng nội dung và hình thức trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; Đẩy mạnh đào tạo trong nước và nước ngoài …

Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong ba trung tâm nghiên cứu khảo cổ học lớn của cả nước. Trong những năm qua, Bảo tàng đã đóng góp tích cực vào việc phát hiện, khai quật các di tích thuộc nhiều thời đại lịch sử khác nhau đặc biệt là giai đoạn Đông Sơn và Tiền Đông Sơn. Các cán bộ khảo cổ học ở bảo tàng là một trong những người đi tiên phong trong nghiên cứu táng thức mộ thuyền văn hóa Đông Sơn. Một số phát hiện được coi là một trong những thành tựu quan trọng đã được đưa vào giảng dạy trong các giáo trình khảo cổ học. Rất nhiều sưu tập hiện vật có giá trị đã thu được qua khai quật, bổ sung cho cả hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử quốc gia và các bảo tàng tỉnh. Một số kết quả khai quật cũng được chỉnh ly‎, minh định lại và được xuất bản thành sách.

Bảo tàng hiện là cơ quan duy nhất trong nước hoạt động khảo cổ học dưới nước. Nhiều con tàu đắm đã được các chuyên gia bảo tàng phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước tiến hành khai quật như: tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa-Vũng Tàu), tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam)… Nhiều cuộc khai quật với qui mô lớn, được giới chuyên môn đánh giá cao (di chỉ mộ táng Sa Huỳnh Bãi Cọi ở Hà Tĩnh; di tích kiến trúc thời Lý ở Nam Định; di tích Champa ở Đà Nẵng…). Bảo tàng hiện đang phối hợp triển khai dự án khai quật khảo cổ học với các nước như: Trung Quốc (Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), Viện Khảo cổ học Tứ Xuyên, Viện Khảo cổ học Thiểm Tây và tới đây sẽ là Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc, Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh); Với Hàn Quốc (Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu di sản văn hóa Biển); Với Nhật Bản (Bảo tàng Kyushu, Đại học Nữ Chiêu Hòa)… Kết thúc các đợt nghiên cứu, khai quật là những bộ hồ sơ khoa học, hội thảo và xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu, trưng bày.

5. Hệ thống trưng bày thường trực thường xuyên cập nhật bổ sung thông tin, tư liệu hiện vật mới, hoàn thiện hệ thống trưng bày chính và trưng bày ngoài trời cả nội dung khoa học và nghệ thuật trưng bày theo định hướng: hàn lâm - hiện đại - hấp dẫn kết hợp ứng dụng nhiều phương tiện khoa học hiện đại nhằm đem lại hiệu ứng tốt nhất đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.

Khách tham quan hệ thống trưng bày BTLSQG tại số 1 Tràng Tiền.

Khách tham quan hệ thống trưng bày BTLSQG tại số 216 Trần Quang Khải.

Hàng năm bảo tàng phối hợp tổ chức hàng chục cuộc trưng bày chuyên đề với các bảo tàng trong cả nước, các hội, các nhà sưu tập tư nhân với chủ đề trưng bày ngày càng đa dạng. Nhiều cuộc trưng bày được dư luận xã hội và các nhà nghiên cứu đánh giá cao, như: Báu vật Hoàng Cung, Rồng trên cổ vật, Di sản văn hóa biển Việt Nam, Cổ vật Việt Nam…

Đặc biệt, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được đánh giá là một trong số ít các bảo tàng quốc gia Việt Nam thực hiện được nhiều cuộc trưng bày tại nước ngoài thành công vang dội, từng bước giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa dân tộc, đồng thời giúp cho cộng đồng quốc tế có cái nhìn đúng và đầy đủ hơn về Lịch sử - Văn hóa Việt Nam.

6. Đánh giá đúng tầm quan trọng của việc bảo quản nhằm kéo dài tuổi thọ của hiện vật nên công tác bảo quản hiện vật luôn được đẩy mạnh và đầu tư đúng mức. Nhờ đó nhiều hiện vật với chất liệu khác nhau đã được bảo quản thành công, được nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Nhiều sưu tập hiện vật với chất liệu đặc biệt đã được áp dụng quy trình xử l‎í bảo quản hiện đại nhất về bảo quản hiện nay và đã đạt được kết quả bước đầu theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo tàng thế giới (ICOM) quy định. Đây vốn là vấn đề nan giải lâu nay của việc bảo quản hiện vật bảo tàng với môi trường khí hậu nóng ẩm như nước ta. Kết quả nghiên cứu bảo quản đang từng bước được ứng dụng, chuyển giao để có thể nhân rộng ra các bảo tàng. Bên cạnh đó bảo tàng còn tham gia tư vấn, bảo quản hiện vật cho nhiều bảo tàng và di tích trong cả nước. Nhiều dự án về bảo quản, phục dựng, đào tạo đang được thực hiện có sự hợp tác, giúp đỡ của một số tổ chức quốc tế như: Mỹ, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Bỉ. Hy vọng rằng trong thời gian tới Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ có một trung tâm nghiên cứu, bảo quản, phục chế hiện vật - một Bệnh viện trung tâm của hiện vật bảo tàng trong cả nước.

7. Bảo tàng đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ, nhất là các cán bộ trẻ, có năng lực để tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Bảo tàng đã cử cán bộ đi học trên đại học tại các Viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước. Hệ thống trưng bày và kho bảo quản của bảo tàng đã trở thành giảng đường thứ hai của các sinh viên và nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Tuy Bảo tàng Lịch sử quốc gia chưa là một trung tâm đào tạo, nhưng nhiều cán bộ của bảo tàng đã được các cơ sở đào tạo mời giảng dạy hướng dẫn luận án trên đại học và tham gia đào tạo cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Hội thảo lớp học bảo quản giấy.

8. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, căn cứ vào đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã có quan hệ hợp tác với nhiều bảo tàng, cơ quan nghiên cứu và các tổ chức quốc tế trên tinh thần song phương, đa phương, đôi bên cùng có lợi và phát triển; tranh thủ tận dụng mọi cơ hội. Quan hệ hợp tác được thực hiện trong các hoạt động của bảo tàng như: Trưng bày, khảo cổ học, bảo quản, đào tạo, xuất bản, tổ chức hội nghị, hội thảo… với các nước như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Philippin, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh, Mỹ, Nga, Úc…

Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khai quật khảo cổ học giữa BTLSQG với trường Đại học Đông Á Nhật Bản.

Hàng năm, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đón và làm việc với nhiều đoàn cán bộ bảo tàng đến từ các nước Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ… đặt mối quan hệ trao đổi, hợp tác. Đồng thời cũng cử nhiều đoàn cán bộ đi tham quan, học tập, tham gia hội thảo, trưng bày tại các nước. Thông qua các mối quan hệ trao đổi, hợp tác này, các cán bộ bảo tàng được tiếp cận với các phương tiện hiện đại, cập nhật những thông tin mới của các nước tiến tiến trên thế giới và trong khu vực. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nhận được nhiều sự tài trợ, giúp đỡ về vật chất và kinh nghiệm để tiếp nhận, triển khai các dự án, trương trình hợp tác với các nước.

Là 1 trong những sáng lập viên của Hiệp hội các Bảo tàng quốc gia Châu Á (ANMA), tham gia tích cực và có những đóng góp quan trọng trong các kỳ hội nghị, tại Hội nghị ANMA 3 ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia được bầu làm chủ tịch ANMA nhiệm kỳ 2012 - 2013. Bảo tàng lịch sử quốc gia là đơn vị đăng cai tổ chức ANMA 4 vào tháng 10/2013 tại thủ đô Hà Nội. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị ANMA 4 thành công cũng là một cơ hội để Bảo tàng Lịch sử quốc gia nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng của một bảo tàng đầu hệ trong hệ thống các bảo tàng Việt Nam trên trường quốc tế.

Hội nghị ANMA 4.

Ba năm qua kể từ ngày chính thức được thành lập, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nỗ lực triển khai nhiều việc để sắp xếp, ổn định bộ máy tổ chức, đào tạo cán bộ quản lý và chuyên môn, tiến hành nghiên cứu xây dựng các nội dung và hình thức trưng bày, đề cương trưng bày, đẩy mạnh sưu tầm hiện vật, thực hiện một số hoạt động liên kết với các bảo tàng trong nước và ngoài nước.

Các cán bộ quản lý và đội ngũ cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Lịch sử quốc gia ý thức được rằng: để xác định được vai trò đầu đàn của mình trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam, các văn bản mang tính pháp lý cùng cơ sở vật chất kỹ thuật đã có mới chỉ là những điều kiện cần, mà chính sự hoạt động đúng hướng, năng động, sáng tạo có hiệu quả của đội ngũ cán bộ viên chức Bảo tàng mới tạo ra những điều kiện đủ.

Bảo tàng lịch sử quốc gia tin rằng, với sự nỗ lực của chính mình, với sự phối hợp, cộng tác của đồng nghiệp trong hệ thống, với sự giúp đỡ của các nhà khoa học, các cơ quan liên quan, với sự quan tâm của Chính phủ và các cấp lãnh đạo, Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ thực hiện được vai trò đầu đàn trong hệ thống bảo tàng Việt Nam như yêu cầu của Nhà nước và xã hội./.

TS. Nguyễn Văn Cường (Giám đốc BTLSQG)

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Những bàn dập hoa văn gốm cổ Văn hóa Hoa Lộc

Những bàn dập hoa văn gốm cổ Văn hóa Hoa Lộc

  • 25/08/2014 22:09
  • 13996

Văn hóa Hoa Lộc được biết đến đầu tiên là những di tích của các bộ lạc sinh tụ trên miền ven biển Bắc bộ tỉnh Thanh Hóa trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên (4.000 – 3.000 năm cách ngày nay).