Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

25/08/2014 22:09 13849
Điểm: 3.67/5 (3 đánh giá)
Văn hóa Hoa Lộc được biết đến đầu tiên là những di tích của các bộ lạc sinh tụ trên miền ven biển Bắc bộ tỉnh Thanh Hóa trong khoảng nửa đầu thiên niên kỷ thứ II trước công nguyên (4.000 – 3.000 năm cách ngày nay).

Người Hoa Lộc sống trong giai đoạn Hậu kỳ đồ đá mới và Sơ kỳ Kim khí. Những di tích được phát hiện cho thấy cư dân Hoa Lộc là những người làm nông nghiệp, khai thác thủy sản và săn bắn, nhưng chủ yếu và quan trọng nhất trong nền kinh tế của họ là nông nghiệp. Nghề làm gốm của người Hoa Lộc đã phát triển với trình độ kỹ thuật cao, có phần trội hơn các nhóm di tích cùng thời và thực sự là những tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Chất liệu làm gốm là loại đất sét tốt pha cát được nung ở nhiệt độ cao. Số lượng gốm phân bố trong các di chỉ lớn, phong phú về loại hình. Trong cách tạo dáng, bằng những đường nét độc đáo, sự cân xứng đều đặn và phức tạp, cư dân Hoa Lộc đã sáng tạo ra những loại bát miệng vuông, những loại bình hình mai rùa, bình có miệng nhiều cạnh và hàng loạt những bình với hình dáng phức tạp khác mà hiện nay nhiều tiêu bản còn chưa định danh được. Để tạo nên những loại đồ gốm có kiểu dáng tuyệt đẹp như vậy, chắc hẳn người Hoa Lộc xưa phải là những thợ lành nghề, kỹ thuật khéo léo, khiếu thẩm mỹ và tư duy khoa học.

Trang trí trên gốm Hoa Lộc thực sự làm ta phải ngạc nhiên bởi những đường nét độc đáo, chứa đựng tinh hoa văn hóa tinh thần của người Hoa Lộc. Đó là dùng những nét khắc hình học thể hiện cái đẹp của thiên nhiên đời sống xung quanh, biểu hiện tâm lý tình cảm và những kiến thức khoa học. Người Hoa Lộc đã có khả năng khái quát cao và thể hiện bằng những quy luật nhất định. Bằng con đường phát triển này, có nhiều giả thiết cho rằng người Hoa Lộc đã tiến sang bước phát triển quan trọng là tạo nên tiền đề cho một sự sáng tạo mới, đó là một hệ thống tín hiệu thứ 2, hay nói lên một cách khác là họ đã sáng tạo ra một thứ “chữ viết” đơn giản nhất và thô sơ nhất. Đó là những dạng hoa văn kỷ hà với nhiều mô típ và đồ án được tạo ra bằng cách khắc vạch, in, ấn lõm, đập, trổ thủng, khắc chìm, đắp nổi, nhưng phổ biến hơn cả là in hình bọ gậy, giọt nước, vẩy cá, khuông nhạc, cánh nhạn, con tôm, vòng tròn chấm giữa, chữ S nằm ngang, bông lúa, sóng nước… Nhưng đặc biệt hơn cả là họ đã chế tạo ra những con dấu để dập hoa văn bằng đất nung. Những dấu in này thường có mặt phẳng hoặc hơi cong lồi, có núm để cầm, bề mặt có khắc sâu các loại hình hoa văn. Chúng mang những yếu tố trang trí khác nhau. Theo một số nhà nghiên cứu, những con dấu này có thể dùng để in màu trên vải hoặc trên người (tiền thân của tục xăm mình). Những họa tiết không phải chỉ để làm đẹp mà còn mang những ý nghĩa nhất định với nhiều nội dung đầy bí ẩn.

Từ sự phong phú và độc đáo của đồ gốm Hoa Lộc, chúng ta có thể hình dung phần nào về cuộc sống tinh thần của người Hoa Lộc. Trong lịch sử phát triển của người Việt cổ, đồ gốm không chỉ là vật dụng trong cuộc sống thường nhật mà chúng còn được sử dụng trong tế lễ và cả trong việc đưa tiễn người chết sang thế giới bên kia. Những bàn dập hoa văn gốm của văn hóa Hoa Lộc đã phản ánh tư duy thẩm mỹ, sự tinh tế, sáng tạo của cư dân văn hóa Hoa Lộc, góp phần làm phong phú thêm kho tàng gốm cổ Việt Nam.

Bản vẽ hoa văn từ bàn dập gốm Văn hóa Hoa Lộc.

Hoa văn hình bọ gậy, hoa văn gấp khúc, khuông nhạc …

Hoa văn tứ giác, vạch xiên, bọ gậy, chấm tròn, sóng nước…

Hoa văn con tôm, bông lúa, chấm tròn, tứ giác, tam giác lồng….

Hoa văn chấm tròn, cuống rạ, tứ giác, gấp khúc, cánh nhạn…

Bàn dập hoa văn gốm, đất nung, văn hóa Hoa Lộc (Thanh Hóa),
khoảng 4.000-3.000 năm cách ngày nay (HV đang trưng bày tại BTLSQG).

Đinh Phương Châm (Phòng Quản lý hiện vật)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ấn tượng phong cách kiến trúc Đông Dương

Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Ấn tượng phong cách kiến trúc Đông Dương

  • 13/08/2014 11:48
  • 7850

Bảo tàng Louis Finot (Bảo tàng Lịch sử quốc gia ngày nay) là một công trình đẹp. Từ rất xa, trên cầu Long Biên từ phía Gia Lâm sang Hà Nội đã thấy tòa nhà Bảo tàng. Ở đây có sự pha trộn kiến trúc Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc nhưng rất nhuần nhuyễn như một loại phong cách châu Á thuần nhất.