Năm 1975, sau những năm tháng cùng kề vai sát cánh, đồng cam, cộng khổ bên nhau tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân, đế quốc, lẽ ra nhân dân hai nước cùng được hưởng hòa bình để xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, nhưng tập đoàn Pôn Pốt Yiêng Xa ri đã tiến hành chính sách diệt chủng tàn khốc, chỉ trong 3 năm 8 tháng 20 ngày, chúng đã tàn sát hơn 3 triệu người dân Campuchia, xóa bỏ đến tận gốc mọi cơ sở xã hội, đẩy dân tộc Campuchia vào thảm họa bị diệt chủng.
Cuộc sống của người dân Campuchia trong cảnh địa ngục đầy máu và nước mắt dưới thời Pôn Pốt Yiêng Xa ri. Khá nhiều ảnh tư liệu của BTLSQG về cảnh đường phố trắng xóa tiền do chính sách xóa bỏ tiền tệ, xóa bỏ lưu thông hàng hóa, cấm mua bán, đổi chác. Trường học bị phá bỏ, và biến thành nhà tù của chính quyền Pôn Pốt...

Dưới chế độ Pôn Pốt -Yiêng Xa ri, đất nước Campuchia trở thành một công trường lao động khổ sai khổng lồ.
Lực lượng yêu nước nổi dậy chống chế độ Pôn Pốt trong khắp cả nước Campuchia. Một số cán bộ cách mạng và nhân dân Campuchia đã nhanh chóng chuyển sang những vùng biên giới phía Tây Nam Việt Nam để tránh khỏi những tổn thất do bị đàn áp. Nhiều hiện vật gốc và một số ảnh tư liệu về hoạt động cứu trợ người dân Campuchia của Hội Chữ Thập Đỏ Tây Ninh tại Bến Sắn, Gò Dâu, Tây Ninh, tháng 10-1978, của Hội Chữ Thập Đỏ Bảy Núi, An Giang, tháng 4-1978... đang được lưu giữ tại BTLSQG là những minh chứng tiêu biểu về sự giúp đỡ của Chính quyền và nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam với nhân dân Campuchia tỵ nạn.
Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975), tập đoàn Pôn Pốt đã tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu, xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân Việt Nam. Đến cuối tháng 12-1978, quân đội Việt Nam đã tổ chức tổng phản công, tiêu diệt địch trên toàn tuyến biên giới, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam.
Hiện nay BTLSQG còn lưu giữ hơn 40 ảnh của nghệ sĩ Trần Cừ - phóng viên ảnh của Bảo tàng và các hiện vật là vũ khí quân Pôn Pốt đã sử dụng trong chiến tranh Tây Nam. Đặc biệt là một số tài liệu do Vụ Báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam phát hành tháng 4/1978 về "Sự thật vấn đề biên giới Việt Nam - Campuchia" (bản in bằng tiếng Việt, Pháp, Trung, Anh) gồm: Tuyên bố của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, ngày 31-12-1977; Tuyên bố của của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam về quan hệ Việt Nam – Campuchia, ngày 5-2-1978; Sự thật về vấn đề biên giới Việt Nam – Campuchia, ngày 7-4-1978.
Trước tình hình đất nước Campuchia nguy vong, các lực lượng cách mạng yêu nước chân chính của Campuchia đã vùng dậy, lập nên Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia để tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang chống lại bè lũ diệt chủng. Đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết Dân tộc Cứu nước Campuchia, đồng thời cũng để thực hiện quyền tự vệ chính đáng bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình, các chiến sỹ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, sát cánh cùng Mặt trận tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ thần tốc, cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, đưa đến thắng lợi ngày 7/1/1979 của Cách mạng Campuchia.

Với sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia tiến vào giải phóng thủ đô Phnongpenh, ngày 7/1/1979.
Về chiến thắng ngày 7/1/1979 và công cuộc khôi phục đời sống kinh tế, xã hội của nhân dân Campuchia, BTLSQG lưu giữ khá nhiều hiện vật, ảnh tư liệu, trong đó chiếm số lượng không nhỏ là do nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Cừ, nguyên cán bộ của BTLSQG là tác giả.

Bộ đội Việt Nam phát gạo cho nhân dân Campuchia, ngoại ô Phnongpenh, 5/1979 (Ảnh TLBTLSQG).

Nhân viên y tế Việt Nam và Campuchia trao đổi nghiệp vụ tại bệnh viện 71 Phnongpenh, 6/1975 (Ảnh TLBTLSQG).

Nhân nhân Campuchia thu hoạch lúa sau ngày giải phóng, 6/1979(Ảnh TLBTLSQG).

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gửi thuốc men giúp đỡ nhân dân Campuchia sau thảm họa diệt chủng, 4/1981(Ảnh TLBTLSQG).

Với thắng lợi lịch sử này, nhân dân Campuchia đã khép lại một trang sử đen tối, đau thương của dân tộc mình, thực hiện công cuộc hồi sinh dân tộc và mở ra kỷ nguyên độc lập, hoà bình, tự do và phát triển cho đất nước Campuchia, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển lên một giai đoạn mới, gắn bó, tin cậy lẫn nhau. Sau sứ mệnh lịch sử vô tư, trong sáng, nhiều Đoàn chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế cao cả của mình đối với nhân dân Campuchia và về nước.

Nhân dân Campuchia lưu luyến chia tay Quân tình nguyện Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước,1989.
TS. Vũ Mạnh Hà-PhóGĐBTLSQG
Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh( Phòng Truyền thông)
Tài liệu tham khảo:
1. Tìm hiểu Lịch sử - văn hóa Campuchia, NXB KHXH. H, 1983.
2. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Hội nghị khoa học về quan hệ Việt Nam - Campuchia trong lịch sử (lần thứ Nhất). Viện Khoa học xã hội TP HCM. Ban Đông Nam Á, 1980.
3. Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia. Chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam- Campuchia. NXB Hội nhà văn. H, 2012.
4. Nguyễn Duy Dũng. Việt Nam- Lào- Campuchia hợp tác hữu nghị và phát triển. NXB Thông tin và truyền thông. H, 2012.