Bãi Cọi trước đây có tên gọi là Bãi Phôi Phối, đã được các nhà Khảo cổ học thăm dò và khảo sát rất nhiều lần. Đáng chú ý là năm 1976, sinh viên khoa Sử trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (cũ) đã tiến hành khai quật ở khu vực phía đông nam của di chỉ, kết quả cho thấy đây là một di chỉ Hậu kỳ Đá mới thuộc Văn hóa Bàu Tró.
Đến cuối năm 2008 và đầu năm 2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật di tích Bãi Cọi lần 1, kết quả cuộc khai quật lần 1 đã cho thấy đây là một di tích mộ táng mang dấu ấn Văn hóa Sa Huỳnh nhưng có giao lưu, ảnh hưởng mạnh tới Văn hóa Đông Sơn (Nguyễn Mạnh Thắng và Nnk 2009)
Tiếp nối cuộc khai quật Bãi Cọi lần 1, đến cuối năm 2009, đầu năm 2010 cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần 2 đã được tiến hành (từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 1 năm 2010), theo quyết định số 4504/QĐ-BVHTT&DL, ngày 7 tháng 12 năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Mục đích làm rõ hơn tính chất và diện phân bố của di tích Bãi Cọi.
Di tích Bãi Cọi thuộc địa phận thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Bãi Cọi là một cồn cát lớn kéo dài, rộng khoảng 800m. Bãi Cọi nằm trong thung lũng của hệ thống núi Hồng Lĩnh, phía đông là Rú Vực, dưới chân là Rào Vực (thượng nguồn của sông Mỹ Dương), phía tây là Rú Lần và cánh đồng Cửa Mụ, phía nam là cánh đồng Khu Mây và phía bắc là khu dân cư.
Tổng diện tích khai quật và thám sát lần 2 là 199,5 m2, gồm 10 hố thám sát (4 hố thám sát tại khu Bãi Cọi, 5 hố thám sát tại khu Bãi Lòi và 1 hố thám sát tại Bãi Phôi Phối).
Dựa trên kết quả của cuộc khai quật lần 1 và qua các hố thám sát, khai quật lần 2 này cho thấy:
Về diễn biến địa tầng: Nhìn chung diễn biến địa tầng của 10 khai quật và thám sát không khác mấy so với đợt khai quật lần 1, các hố tương đối đồng nhất. Trong đó 7 hố không có tầng văn hóa cho thấy: Lớp thứ nhất độ sâu từ 0,1 – 0,2m chứa nhiều mùn thực vật có màu nâu xám. Lớp thứ 2 độ sâu từ 0,4 – 1,0m là cát có màu vàng nhạt, là lớp chứa mộ táng. Lớp thứ 3 là đất sinh thổ, cát có màu vàng sẫm. Còn 3 hố có tầng văn hóa cho thấy: Lớp thứ nhất độ sâu từ 0,05 – 0,15m là lớp cát có nhiều mùn thực vật có màu nâu xám. Lớp thứ hai độ sâu từ 0,7 – 0,9m, là lớp cát có màu xám nhạt, lớp màu xám đen là lớp có tầng văn hóa, có chứa các di tích và di vật của người xưa. Lớp thứ ba là lớp sinh thổ, cát có màu vàng sẫm.
Về di tích: Đã phát hiện 13 ngôi mộ (trong đó có 8 mộ chum, 4 mộ huyệt và một cụm mộ nồi).
8 mộ chum: Các mộ chum ở đây đều có dạng chung là chum thon, hình trái đào, vai nở và có tạo gờ vai, thân thon dần về đáy, đáy tạo chỏm cầu. Trên vai của mỗi chum trong các hố khai quật đều có đồ gốm tùy táng như đồ gốm, đồ đồng, đá và thủy tinh. Trong chum không có vết tích của di cốt.
4 mộ huyệt (mộ đất): Trong đợt khai quật này mộ huyệt được chia làm hai loại. Loại thứ nhất có 1mộ, không xác định được biên mộ. Mộ là một cụm gốm với 1 chiếc bình và 1 chiếc nồi nằm sát nhau trong tầng văn hóa cư trú. Loại thứ hai là 3 mộ còn lại, có cấu trúc mộ khá giống nhau, đều là những mảnh gốm kè xung quanh huyệt mộ tạo thành hình chữ nhật.
Mộ nồi: Là cụm mộ nồi duy nhất được phát hiện ở đây, do ở vị trí nông, mộ đã bị đào phá nhưng vẫn còn nhận ra được mộ nồi gồm 2 nồi gốm được chôn nằm ngang theo hướng đông bắc - tây nam, miệng úp vào nhau có hình dáng giống nhau, chỉ khác nhau về kích thước. Qua so sánh độ sâu xuất lộ của cụm mộ này với các mộ khác trong cùng hố đào có thể thấy rằng cụm mộ này có niên đại muộn hơn. Không có đồ tùy táng trong mộ.
Về di vật: Qua 10 hố khai quật, thám sát lần này, đã thu được một khối lượng di vật khá phong phú với các chất liệu như: đá, đồng, thủy tinh, đất nung và gốm, đã giúp chúng ta có thể nhận thức được diện mạo văn hóa của di tích Bãi Cọi và các di tích ở khu vực phụ cận.
Đồ đá: Phát hiện, 1 công cụ đá bằng thạch anh màu vàng sẫm, dạng hình hạnh nhân, giống công cụ đá Hòa Bình, có thể thuộc giai đoạn Hậu kỳ Đá mới. Việc xuất hiện công cụ này có lẽ do quá trình xáo trộn của địa tầng, và công cụ này được mang từ nơi khác đến (vì cách đó khoảng 600m là khu vực đã được khai quật năm 1976, thuộc giai đoạn văn hóa Bàu Tró – Hậu kỳ Đá mới cũng tìm thấy nhiều di vật công cụ tương tự). Trang sức bằng đá có khuyên tai 3 mấu (đây là loại khuyên tai phổ biến và đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh), khuyên tai dạng hình con đỉa, khuyên tai hình vành khăn (loại này rất phổ biến trong các di chỉ thuộc văn hóa Đông Sơn và Sa Huỳnh), hạt chuỗi (được làm bằng đá ngọc nephrit màu xám nhạt)
Đồ đồng: có rìu đồng (rìu hình chữ nhật và rìu gót hài); 2 tiêu bản hiện vật hình chữ nhật có hai mũi nhọn ở một đầu, đầu ka có họng để tra cán, theo nhận định ban đầu có khả năng đó là một loại lục lạc.
Đồ thủy tinh: Có trang sức thủy tinh như khuyên tai hình vành khăn được làm bằng thủy tinh trong suốt và có một số mảnh thủy tinh không có hình dáng xác định.
Đồ gốm: Đợt khai quật này đồ gốm thu được có số lượng nhiều nhất như nồi, chõ, bình con tiện, bát bồng, chum, vò, nắp nón cụt, dọi se chỉ và một số loại hình gốm mới như, bình dạng thố, bình miệng thấp, chì lưới, nắp dạng lồng bàn…
Một số hình ảnh khai quật di tích Bãi Cọi:
Nhận xét:
Cuộc khai quật và thám sát di tích Bãi Cọi lần 2 năm 2009 – 2010 có quy mô và diện tích lớn hơn so với cuộc khai quật lần 1.
Về di tích: Các di tích mộ táng trong cuộc khai quật lần 2 này có số lượng ít hơn. Việc tiếp tục phát hiện các mộ chum lần này đã khẳng định di tích Bãi Cọi là một di tích mộ táng của dân cư Sa Huỳnh, vì văn hóa Sa Huỳnh rất nổi tiếng với phương thức mai táng trong các chum mộ bằng gốm. Ở di tích Bãi Cọi tồn tại song song cả mộ chum và mộ huyệt đất được chôn xen kẽ, không phân chia thành khu riêng biệt, sự tồn tại của 2 táng thức này cũng thể hiện sự đa dạng trong việc táng thức của cư dân cổ nơi đây.
Về di vật: Hiện vật thu được trong cuộc khai quật lần 2 này, có số lượng nhiều hơn những kém phong phú hơn về chất liệu, không thấy các di vật bằng sắt, những đợt khai quật lần này phát hiện thấy di vật mới như hạt chuỗi đá (hạt chuỗi đá trong văn hóa Sa Huỳnh hạt chuỗi được xâu thành chuỗi và thường tìm thấy được ở trong các mộ táng), khuyên tai hình vành khăn làm bằng đá và thủy tinh, đặc biệt phát hiện có khuyên tai 3 mấu bằng đá cho thấy dấu ấn đậm nét của văn hóa Sa Huỳnh tại đây.
Đồ gốm phản ánh sự thống nhất về loại hình, bên cạnh nồi, bình hình con tiện, nắp nón cụt, chum hình trái đào… đã phát hiện một số đồ gốm mới như bình dạng thố, bình miệng nhỏ thấp, chì lưới, nắp dạng lồng bàn… đều cho thấy sự đa dạng, phong phú và sự tương đồng của gốm Bãi Cọi với đồ gốm của các di tích liền kề.
Về niên đại và các mối quan hệ: Qua tổng thể di tích và di vật lần này có thể khẳng định di tích Bãi Cọi là một di tích mộ táng của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh, được phân bố trên địa bàn khá rộng và tồn tại trong khoảng vài trăm năm (từ khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến đầu Công nguyên). Đồng thời cũng đã phát hiện ra dấu vết của một lớp cư trú dù khá mờ nhạt.
Cư dân Bãi Cọi và các nhóm di tích trên địa bàn huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) có mối quan hệ nguồn gốc với cư dân Sa Huỳnh tại Trung trung bộ vì có nét tương đồng về mặt táng tục và di vật biểu hiện qua loại mộ chum hình trái đào có nắp hình nón cụt (rất giống kiểu chum mới phát hiện ở di tích Gò Mả Vôi, khai quật vào tháng 3 năm 2000), khuyên tai 3 mấu…Bên cạnh đố việc sinh sống gần với cư dân Đông Sơn nên có mối quan hệ trao đổi, giao lưu khá mạnh mẽ biểu hiện qua di vật như rìu đồng, chõ gốm, nồi gốm của Văn hóa Đông Sơn phát hiện được tại đây.
Với vị trí đắc địa và mối giao lưu như vậy đã hội tụ và tạo nên nét riêng biệt cho nhóm cư dân Sa Huỳnh trên đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh) họ ưa chế tạo mộ chum dáng trái đào, đồ gốm loại lớn thường tạo gờ ở vai. Điều này phản ánh sự đa dạng của các tiểu quốc (Mandala) trong sự thống nhất chung của các tiểu quốc này trong Văn hóa Sa Huỳnh vào thời sơ sử của nước ta.
Lê Thị Huệ (Tổng hợp)