Khi nghiên cứu, tìm hiểu về di sản văn hóa ở vùng đất Yên Bái, thời gian qua chúng ta đã biết tới di tích Hắc Y - một công trình kiến trúc Phật giáo có qui mô to lớn được xây dựng từ thời nhà Trần (thế kỷ 13-14), có liên quan trực tiếp đến nhân vật lịch sử nhà Trần nổi tiếng - Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật.
Đến nay, di tích này đã được khai quật tới 6 đợt, với qui mô nghiên cứu ngày càng mở rộng, qua đó đã xác định được phế tích của quần thể di tích kiến trúc chùa - tháp cùng hệ thống di vật đi kèm vô cùng phong phú phân bố trên phạm vi lớn bên tả ngạn sông Hồng thuộc địa phận huyện Lục Yên (Yên Bái). Đây là phát hiện rất lý thú gợi mở nhiều vấn đề liên quan đến kiến trúc, nghệ thuật, cũng như lịch sử - văn hóa thời Trần trên địa bàn Yên Bái - vùng biên viễn xa xôi, là cương vực phía bắc của quốc gia Đại Việt thời Trần.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở Hắc Y, từ đó đến nay, trên địa bàn huyện Văn Chấn cũng đã phát hiện thêm các di tích kiến trúc chùa, tháp thời Trần ở Pú Tre, và gần đây là ở đồi Chùa thuộc thôn Đồng Đình, xã Văn Lãng thuộc huyện Yên Bình, chỉ nằm cách thành phố Yên Bái khoảng 20 km về phía đông nam.

Đường vào Đồi Chùa
Trung tuần tháng 9 năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Yên Bái đã phối hợp tiến hành khảo sát tại khu vực đồi Chùa và phụ cận.

Khảo sát hiện trạng.
Kết quả nghiên cứu bước đầu cho thấy khu vực phân bố di tích đồi Chùa là gò đất cao hơn xung quanh từ 3 đến 5m, nằm bên tả ngạn sông Hồng được bao bọc bởi hệ thống các dòng suối cổ, trong đó đáng kể nhất là hai dòng suối lớn là Ngòi Đài và suối Văn Lãng bắt nguồn tư Thác Bà chảy xuống, hợp hợp ở khu vực đồi Chùa trước khi đổ ra sông Hồng.
Suối cổ Văn Lãng

Nơi hợp lưu Ngòi Đài và suối Văn Lãng
Có thể thấy công trình kiến trúc đã được người xưa xây dựng trên cơ sở hội tụ đủ các yếu tố phong thủy với địa hình cao ráo, hài hòa. Đến nay, trải qua nhiều biến đổi, song vẫn nhận thấy rõ điều đó khi nơi đây thường xuyên chịu tác động của dòng chảy sông Hồng và hệ thống sông suối thì khu vực này vẫn không hề ngập lụt.
Gò Chùa hiện nay gần như hoang hóa, được che phủ bởi các bụi tre, luồng, chè và cây cỏ dại. Từ lâu nay, người dân trong khu vực trong quá trình sư dụng đất đã thu nhặt được rất nhiều các mảnh vật liệu kiến túc bằng đất nung, một số lượng không lồ đã được sử dụng đắp chặn bờ kè ngăn lũ ngay dưới chân đồi.

Rải rác các loại vật liệu cổ nằm trên mặt đất
Một số mảnh trang trí kiến trúc được thu gom, đang lưu giữ tại UBND xã Văn Lãng. Tuy nhiên, các mảnh vật liệu liên tục được phát hiện và phân bố rải rác trên phạm vi rộng trên bề mặt di tích, dưới chân đồi. Vật liệu kiến trúc được xác định gồm các loại gạch, ngói và trang trí kiến trúc thời Trần và thời Lê trung hưng.
- Nhóm vật liệu thời Trần là các mảnh gạch ngói, chủ yếu là trang trí kiến trúc được làm từ đất sét mịn, màu đỏ tươi, mang đặc trung thời Trần. Đáng chú ý là chiếm số lượng đáng kể lại là các loại vật liệu xây tháp với các mảnh bệ trang trí cánh sen, các loại góc tháp có ký hiệu, ký tự chữ Hán, các manh trang trí hình rồng, lá đề…

Trang trí kiến trúc thời Trần

Mảnh bệ trang trí cánh sen thời Trần.
- Nhóm vật liệu thứ hai có niên đại khoảng thế kỷ 17-18, dường như ít hơn hơn nhóm trên, bao gồm các loại gạch vồ, ngói mũi màu đỏ sậm, sỉn màu, đất nung cứng đanh, không mịn như nhóm trên mà có lẫn tạp chất, vẩy đen. Điểm đáng chú ý là các loại hình vật liệu kiến trúc giai đoạn này đều là vật liệu tham gia kiến trúc chùa.
Gạch vồ thế kỷ 17-18
Từ thực tiễn khảo sát cùng lời kể của nhân dân trong vùng, có thể đánh giá bước đầu về phế tích kiến trúc này, đó là vào thời Trần nơi đây đã từng tồn tại một công trình kiến trúc, nhiều khả năng là tháp thờ. Trải qua thời gian, khi tháp bị đổ nát, vào thế kỷ 17-18 trên chính vị trí linh thiêng ấy, ngôi chùa mới đã được xây dựng. Sự tồn tại của ngôi chùa này như thế nào, chúng ta vẫn chưa đủ cơ sở đánh giá, song sự tồn tại của nó in sâu đậm tong tâm thức dân gian nơi đây, mà với tên gọi đồi Chùa đã phản ánh.
Trong thời gian tới, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Yên Bái dự kiến sẽ tiếp tục các bước nghiên cứu tiếp theo với việc phát lộ hiện trạng di tích, sau đó đào thám sát kiểm tra địa tầng, từng bước xây dựng hồ sơ khoa học, trên cơ sở đó kiến nghị và đề xuất với các cơ quan chức năng có kế hoạch nghiên cứu, khai quật và phát huy giá trị di tích trong tương lai.
TS. Nguyễn Văn Đoàn-PGĐ BTLSQG
Lê Văn Chiến (Phòng Sưu tầm)