Lãng Ngâm là một di chỉ khảo cổ nằm trong địa phận của hợp tác xã Ngâm Mặc và An Quang thuộc xã Lãng Ngâm, huyện Gia Lương, tỉnh Hà Bắc. Di chỉ ở vị trí 21o4’48’’ vĩ Bắc và 10608’36’’ kinh Đông, nằm theo chân phía Tây Nam núi Cả, bên tả ngạn sông Đuống với diện tích tới hàng vạn mét vuông, cách Hà Nội khoảng 30km về phía Đông Đông Bắc, cách Bắc Ninh 15km về phía Đông Nam.
Ngày 20/9/1972, trong khi đào hố tránh máy bay, hai đồng chí công nhân nhà máy diêm Thống Nhất là Nguyễn Văn Hải và Đỗ Mạnh Long đã đào được một số hiện vật bằng đồng và đem tặng lại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia).
Toàn cảnh di chỉ Lãng Ngâm năm 1972
Qua đó, vào ngày 22/9/1972 và ngày 24/11/1972, đồng chí Nguyễn Mạnh Lợi và đồng chí Lưu Trần Tiêu là cán bộ của Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khảo sát. Trên cơ sở các cuộc khảo sát tại thực địa, ngày 6/12/1972, tổ Nghiên cứu Sưu tầm Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam có đồng chí Lưu Trần Tiêu, đồng chí Trịnh Căn và phòng Bảo tồn Bảo tàng Ty Văn hóa Hà Bắc có đồng chí Khổng Đức Khiêm, đồng chí Nguyễn Xuân Cần đã tiến hành đào 5 hố thám sát (trong đó 2 hố nằm trên chân núi Cả, 3 hố ở cánh đồng Mả Vường sát với chân núi Cả) và đã có nhận định bước đầu:
Hố A (nằm theo chân núi Cả): Nhìn mặt cắt vách cho thấy,lớp đất trên là đất canh tác, lớp dưới đất có màu nâu xám, lớp sinh thổ màu nâu vàng. Ở độ sâu 70cm đã tìm thấy 4 chiếc rìu xéo (trong đó 2 chiếc là đồ minh khí); 1 chiếc mũi lao đồng, một số mảnh xương rất mủn và có một lớp gốm rất dày khoảng 10cm nhưng đồ gốm không còn được nguyên hình vì đất bị nén, bị rửa trôi nhiều. Căn cứ vào sự phân bố của lớp gốm cũng như sự có mặt của đồ minh khí và những mẩu xương người có thể đây là một mộ táng.
Hố B (nằm ở chân núi Cả): Nhìn vào mặt cắt vách cho thấy, lớp đất ở dưới có màu nâu xám và màu nâu vàng. Ở độ sâu 50cm, hiện vật tập trung vào một chỗ, gồm 1 chiếc nồi gốm đã bị vỡ nát, 1 mũi dao và 1 quả cân. Đây cũng có khả năng là một ngôi mộ.
Hố C (nằm trên cánh đồng Mả Vường): Cấu tạo lớp đất của hố C không giống như các hố khác, ở độ sâu 40cm trở xuống ở đây ngoài hiện vật gốm chỉ thấy một chiếc dọi se chỉ. Dựa vào cấu tạo của lớp đất và dựa vào hiện vật cho thấy đây có thể đây là khu vực cư trú.
Hố D (nằm trên cánh đồng Mả Vường gần sát chân núi Cả): Nhìn vào mặt cắt của hố D cho thấy, lớp đất mặt có màu xám trắng lẫn nhiều sạn đỏ, lớp dưới có màu nâu xám, phần dưới của lớp đất này có một lớp đất đen rộng khoảng 50cm, dày 5cm. Hiện vật tìm thấy trong hố D này khá phong phú (ngoài những hiện vật mà các đồng chí công nhân nhà máy Diêm đào được đã tặng lại Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam là 3 chiếc rìu đồng, 6 mũi giáo, 1 dao găm, 1 cái mổ, 1 mảnh giáp che ngực, 1 trống đồng minh khí, 1 mảnh quai trống và 1 nắp bình đồng), còn có rìu xéo, giáo, 1 con dao găm hình người, mẩu cán đục, mảnh đồng chạm lông (hình người, hình động vật), vòng đá và thấy nhiều mảnh xương vụn nhưng rất mủn không còn giữ nguyên vị trí ban đầu. Căn cứ vào sự sắp xếp hiện vật cho thấy đây là mộ táng có đồ tùy táng khá phong phú và độc đáo, mộ có hướng Đông Tây, dựa vào chiều của dao găm hình người để xác định phía đầu và phía chân thì đầu quay về hướng Đông.
Hố E (cách hố A và hố B khoảng 20m): Tầng văn hóa biểu hiện không rõ ràng, đào sâu xuống 150cm mà cũng chỉ có một vài mảnh gốm. Dưới đáy hố không phải là đất nguyên thổ mà là đất sét và sỏi lắng đọng lại, có lẽ đay là một vùng trũng đã được lấp đất đá từ trên núi chảy xuống.
Hiện vật thu được tại di chỉ Lãng Ngâm gồm có:
Những hiện vật bằng đồng như: Rìu đồng (rìu lưỡi xéo cân xứng, rìu hình chữ nhật, rìu gót vuông, rìu xéo minh khí); giáo đồng (giáo có tiết diện hình trám dẹt); lao đồng; dao găm cán hình người; cái mổ; mảnh che ngực; dao gọt; đục đồng; nắp bình đồng, quả cân; mảnh quai trống hoặc quai thạp; trống đồng minh khí; mảnh đồng trang trí hình người, hình động vật.
Dao găm cán hình người được phát hiện tại di chỉ Lãng Ngâm.
Hiện vật bằng đá: Có 1 chiếc vòng đá đã bị gãy nhưng gắn lại vẫn giữ được hình dáng cũ. Chất liệu được làm bằng đá nê-frit, vòng có một khe hở cắt vuông góc với vòng tròn, hai bên khe hở có hai lỗ thủng có lẽ lỗ để buộc dây.
Hiện vật bằng gốm như: Dọi se chỉ và những mảnh đồ gốm cho thấy đây là đồ dùng và đồ đun nấu. Miệng đồ gốm rất đa dạng, đặc điểm càng lên thành miệng càng dày. Chân đế có 2 loại, chân đế thẳng và chân đế loe được trang trí bằng những đường chải dọc. Nhìn chung đồ gốm có màu xám trắng, một ít có màu xám hồng và xám đen, có 2 loại chất liệu là mịn và thô, có độ nung cao nên mảnh gốm cứng.
Sau khi thám sát ở các hố, dựa vào tầng văn hóa và các hiện vật trong hố thám sát đã có nhận xét ban đầu:
Di chỉ Lãng Ngâm là một di chỉ khảo cổ học lớn, kéo dài từ chân núi Cả cho đến suốt cánh đồng Mả Vường, được chia làm 2 khu vực là khu mộ táng và khu cư trú. Khu mộ táng nằm ven theo chân núi Cả, khu cư trú kéo dài từ chân núi Cả ra suốt cánh đồng Mả Vường. Tuy phân bố thành 2 khu, nhưng hiện vật hoàn toàn giống nhau cả về chất liệu và trình độ chế tác. Vì vậy di chỉ Lãng Ngâm vừa là nơi cư trú đồng thời vừa là nơi mai táng.
Một số hiện vật thu được trong đợt khai quật di chỉ Lãng Ngâm.
Hiện vật phong phú và rất độc đáo như: Đồ đồng chủ yếu là công cụ sản xuất và dụng cụ sinh hoạt (rìu hình chữ nhật, rìu lưỡi xòe, rìu lưỡi xéo, nắp bình, dao gọt, các loại đục, giáo ,lao, dao găm cán hình người và hình củ hành, mổ đồng, trống minh khí…); đồ đá có trang sức bằng vòng đá; đồ gốm có dọi se chỉ, các loại đồ đựng và đồ đun nấu. Hiện vật ở Lãng Ngâm đều mang tính chất bản địa rất đặc sắc, đó là sản phẩm của dân cư nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, đồng thời cũng có sự trao đổi văn hóa giữa vùng này với vùng kia.
Di chỉ Lãng Ngâm có một tầng văn hóa đồng nhất, về kỹ thuật chế tác, về chất liệu và kiểu dáng đó là một di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Đông Sơn, Tuy nhiên có một số chi tiết hơi khác với những hiện vật của những địa điểm thuộc văn hóa Đông Sơn đó là các loại giáo có lỗ thủng ở hai bên rìa lưỡi và loại đồ gốm có màu xám mốc. Những đặc điểm đó cho phép ta có thể xếp di chỉ Lãng Ngâm vào văn hóa Đông Sơn – loại hình Đường Cồ (di tích khảo cổ học thuộc thôn Lật Phương, xã Chí Minh, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, có hiện vật gốm màu xám mốc).
Lê Thị Huệ (tổng hợp)