Người Sán Dìu là một dân tộc ít người sinh sống ở miền trung du của một số tỉnh miền Bắc Việt Nam. Họ có các tên gọi khác như : Sán Déo, Trại, Trại Đất, Mán quần cộc, Mán váy xẻ. Dân tộc này thuộc về nhóm ngôn ngữ Hoa với dân số khoảng 126.237 người.
Dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng 12.000 người, tập trung chủ yếu ở huyện Sơn Dương. Dân tộc Sán Dìu có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó tranh thờ là nghệ thuật dân gian được nhân dân lưu trữ như vốn cổ quý báu của mình.
Nhằm bổ sung cho bộ sưu tập tài liệu, hiện vật về văn hóa truyền thống Việt Nam phục vụ cho nội dung trưng bày mới, Bảo tàng cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) đã tiến hành sưu tầm nhóm tranh thờ Đạo giáo ở miền núi phía bắc Việt Nam. Trong số sưu tập tranh thờ sưu tầm được, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến bộ tranh thờ “ Thánh Đạo Hưng Long “ bởi ý nghĩa văn hóa, tín ngưỡng trong bộ tranh được sử dụng trong lễ cấp sắc, phong sắc của dân tộc Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang.
Ảnh 1: Bộ tranh thờ “ Thánh Đạo Hưng Long” dân tộc Sán Dìu.
Theo ý kiến của nhà nghiên cứu tranh thờ Đạo giáo Phan Ngọc Khuê: “ Bộ tranh thờ Thánh Đạo Hưng Long” với 3 bức:
+ Bức tranh “ Tử vi cung” ( Nằm ở giữa bộ tranh)
+ Bức tranh “ Sinh cung” ( Nằm bên trái của bức tranh “ Tử vi cung”)
+ Bức tranh “ Tử cung” ( Nằm bên phải bức tranh “ Tử vi cung”)
Có các ý nghĩa như sau:
1. Bức tranh” Tử Vi Cung”: Hình chữ nhật, cao 64cm, rộng 36cm. Tranh được vẽ bằng bột màu và mực nho trên giấy dó. Nền tranh màu nâu. Bức tranh “Tử Vi Cung ” do Ngọc Thanh Cung làm chủ, hay còn gọi là Trung Phủ cai quản Sinh, Tử, Tội lục. Ở cung này có phép Diên mệnh ( kéo dài sự sống), tức là mệnh số con người tuy đã được định trong sổ Tử, nhưng nếu có duyên may được Tử Vi cung xem xét, cũng có thể kéo dài sự sống thêm.
2. Bức tranh” Sinh Cung”: Hình chữ nhật, cao 64cm, rộng 36cm. Tranh được vẽ bằng bột màu và mực nho trên giấy dó. Nền tranh màu nâu. Trong bức tranh” Sinh Cung”, các vị thần chủ tối thượng có nhiệm vụ phụ trách, đỡ đầu, bảo trợ cho thai nhi, thai phụ, sức khỏe, sắc đẹp và hạnh phúc cho phụ nữ, đồng thời cai quản mọi công việc thuộc sự sống.
3. Bức tranh ‘ Tử Cung”: Hình chữ nhật, cao 76cm, rộng 36cm. Tranh được vẽ bằng bột màu và mực nho trên giấy dó. Nền tranh màu nâu. Bức tranh “ Tử Cung” do Đạo Đức Thiên Tôn Thái Thanh Cung làm chủ, hay còn gọi là Hữu Phủ, cai quản mọi công việc thuộc sự chết, thuộc âm khí nên gọi là Tử Cung. Các vị thần trong bức tranh trông nom cõi chết, có nhiệm vụ đưa các vong hồn lên cõi bất tử hoặc đầu thai.
Có thể nói, Tranh thờ đóng một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của các dân tộc miền núi phía bắc, là hình ảnh thu nhỏ của vũ trụ. Các nhân vật trong tranh có cuộc sống riêng của nó, được coi là linh thiêng, là thần bí. Mỗi bộ tranh đều có ý nghĩa tôn giáo riêng và được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo khác nhau.
Bộ tranh thờ” Thánh Đạo Hưng Long” phản ánh một lớp người từ sinh đến tử, dài hay ngắn là do mệnh số ở Tử Vi Cung quản lý. Do bộ tranh gắn liền với vận mệnh con người nên được Thầy Tào dân tộc Sán Dìu sử dụng trong lễ cấp sắc, phong sắc. Qua bức tranh ấy, với những nét giản dị và gần gũi, có thể hình dung một cách cụ thể về các vị thần, vị thánh và phật mà họ thường ngưỡng vọng. Quan niệm của dân tộc Sán Dìu, thế giới có 3 tầng: Tầng trên là thế giới của tổ tiên, các vị thần đức cao, vọng trọng; tầng giữa là nơi người trần mắt thịt tồn tại với hiện thân là con người; tầng dưới là thế giới âm phủ, địa ngục. Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu phản ánh sinh động thế giới quan, thời gian trải rộng từ quá khứ tới hiện tại, từ ảo tới thực.
Với ý nghĩa, văn hóa, tín ngưỡng trên, bộ tranh thờ “ Thánh Đạo Hưng Long” đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng tôn giáo của dân tộc Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang. Ngoài bộ tranh thờ trên BTLSQG còn hiện đang lưu giữ khoảng hơn 100 bức tranh thờ Đạo giáo ở miền núi phía Bắc Việt nam của các dân tộc như: Tày, Nùng, Dao, Cao Lan…
Bộ tranh thờ “ Hành Say” của dân tộc Dao Quần Chẹt.
Tranh thờ “ Nam Hoa” của dân tộc Cao Lan.
Tranh thờ “ Hải Bá” của dân tộc Dao Tiền.
Trương Thị Thanh Nhàn (tổng hợp)
Nguồn: Nguyễn Trọng Lượng, “ Những giá trị văn hóa, tín ngưỡng trong bộ tranh thờ Thánh Đạo Hưng Long của dân tộc Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang”, TBKH, Hà Nội, T4-2010, tr 121-123.