Thứ Bảy, 05/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

10/09/2013 09:13 3716
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Hồ Tịnh Tâm là một trong những di tích danh thắng nổi tiếng của đất Kinh kỳ dưới thời Nguyễn. Với nhiều kiến trúc nhỏ, duyên dáng, được xây dựng như một vườn Ngự uyển của Hoàng gia. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, bao cuộc “ bể dâu” trong mưa lũ thường xuyên xảy ra ở Huế, đến nay các công trình kiến trúc nơi đây đã bị vùi lấp trong lòng đất.

Nhằm phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích, Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định số 1026/QĐ – BVHTT, ngày 15/5/2001 cho phép Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia-BTLSQG) và Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp tiến hành điều tra, thám sát Khảo cổ học di tích Hồ Tịnh Tâm. Tham gia thám sát khảo cổ học di tích Hồ Tịnh Tâm là các cán bộ thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế, do Tiến sĩ Vũ Quốc Hiền – Phó giám đốc Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là BTLSQG) phụ trách, dưới sự chỉ đạo của Ban Tư vấn Khoa học do Giáo sư Trần Quốc Vượng (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) làm trưởng ban.

Hồ Tịnh Tâm nằm ở góc Đông Bắc trong Kinh thành Huế, có tọa độ 16o28’796” vĩ Bắc, 107o34503 kinh Đông; phía Tây giáp cuối con đường Đinh Tiên Hoàng, phía Bắc giáp với sông Ngự Hà và khu dân cư Cầu Kho, phía Đông giáp hồ Ngọc Hải (phường Thuận Lộc, thành phố Huế); phìa Tây giáp với đường Tạ Quang Bửu, phía Nam giáp đường Tịnh Tâm, lệch về phía Đông Nam có hai hồ Nhân Hậu và Phú Văn (phường Thuận Thành, thành phố Huế).

Các công trình kiến trúc của hồ Tịnh Tâm được quy hoạch với diện tích khoảng 104.459m2, xung quanh xây tường thành bao bọc cách biệt với bên ngoài. Trong hồ có ba hòn đảo là: Bồng Lai, Trượng Phương và Doanh Châu.

Hồ Tịnh Tâm, Huế (ảnh báo cáo khai quật)

Riêng ở góc Tây Bắc của hồ có một ngôi đền nhỏ quay mặt ra phía hồ (phía Đông), hiện nay ngôi đền có tên là Liên Tịnh Các.

Các kết quả thám sát:

Khu vực đảo Bồng Lai: Đảo có dạng hình vuông, xung quanh được kè đá, đá kè là đá bazan màu tím, phía trên của đá được xây bằng gạch vồ màu đỏ, bốn phía có hệ thống nữ tường (xây dựng năm 1960) và đã bị hư hỏng nhiều đoạn, phía dưới chân bờ kè là một cấp nền đất chạy xung quanh đảo, bốn phía của đảo còn có bậc cấp đi xuống mép nước.

Bậc cấp đi xuống mép nước, (ảnh báo cáo khai quật)

Chính giữa đảo Bồng Lai còn dấu vết nền móng của tòa nhà bát giác, trong lòng nền nhà còn có 12 chân tảng đá kê cột. Tại bốn góc trên đảo vẫn còn 4 ngọn giả sơn lớn, đá của các ngọn giả sơn đã bị đổ xuống nhiều nơi trên đảo.

Địa tầng của hố thám sát: Đào từ độ sâu 0 – 30cm là đất canh tác, có màu nâu đen, lẫn nhiều tạp chất; sâu 30 – 97cm là lớp cát phù sa màu vàng xám; sâu từ 98 – 171 là lớp cát pha với đất sét màu vàng; độ sâu 259 – 300cm lớp đất cát đang chuyển dần thành màu xám đen và nước mạch bắt đầu tuôn. Điều này cho thấy đảo Bồng Lai chính là một bãi phù sa.

Dấu tích nền móng: kiến trúc Điện Bồng Doanh vị trí trung tâm trên đảo Bồng Lai, móng rộng 56cm, cao còn lại 21cm xây bằng gạch vồ màu đỏ tươi, trên bề mặt gạch có ký tự và ký hiệu, mạch liên kết là vôi vữa, gia cố phía dưới chân móng là gạch ngói vỡ vụn nện chặt rộng 0,8 – 1,0m dày từ 25 – 30cm.

Hố thám sát xuất lộ dấu tích móng xây bằng gạch (ảnh báo cáo khai quật)

Trong lòng nền nhà có các trụ móng đặt chân tảng kê cột, trụ móng xây gạch vồ vuông vức, kích thước 0,8 x 0,8m và được gia cố bằng gạch ngói vỡ vụn nện chặt. Xung quanh nền móng của kiến trúc điện Bồng Doanh còn có dấu tích của bậc cấp đi ra bốn hướng thông với các kiến trúc khác trên đảo. Qua dấu tích nền móng của kiến trúc xuất lộ cho thấy, không gian kiến trúc điện Bồng Doanh trước đây là một tòa nhà dạng hình chữ nhật, hướng Nam, gồm 3 gian 2 chái kép, mái chồng diêm, phía trước có mái hiên đua ra (vì kèo trong lòng nhà có 8 hàng cột), có cửa phía Nam là cửa chính của Điện là cửa Bồng Doanh, cửa phía sau của Điện là cửa Hồng Cừ (cửa hậu) nằm về phía Bắc. Trước mặt cửa Hồng Cừ có bậc cấp đi trên đảo xuống cầu Hồng Cừ (nay đã thay thế bằng cầu bê tông), dưới thời Bảo Đại là cầu gỗ. Ngoài ra còn có dấu tích nền móng của kiến trúc Tạ Thanh Tâm và dấu tích nền móng của kiến trúc Lầu Trừng Luyện.

Khu vực đảo Phương Trượng: Nằm ở phía Bắc của đảo Bồng Lai và của hồ. Đảo có hình chữ nhật, hiện nay trên đảo Phương Trượng không còn gì ngoài hệ thống kè đá xung quanh và dấu tích bậc cấp từ trên đảo đi xuống mép nước, các dấu tích này đều đã bị hư hỏng nặng, bốn góc còn dấu vết của các ngọn giả sơn được phục hồi năm 1986 cũng đã bị đổ xuống không còn hình dạng như ban đầu, trên đảo còn vương vãi nhiều chân tảng đá kê cột thuộc các kiến trúc cổ đã từng tồn tại. Phía Nam của đảo Trượng Phương còn dấu tích một số trụ cầu gỗ, đây là cầu nối đảo với đê Kim Oanh.

Dấu tích của ngọn giả sơn trên đảo thuộc Hồ Tịnh Tâm (ảnh báo cáo khai quật)

Địa tầng của hố thám sát: Độ sâu từ 0 – 15cm đất màu nâu đen (đất canh tác đã bị xáo trộn); độ sâu từ 16 – 65cm, đất màu nâu vàng; độ sâu từ 213 – 305cm đất sét màu nâu vàng chuyển dần thành màu đen; độ sâu từ 306 – 320 đất bùn màu xanh đen. Từ diễn biến trong hố đào cho thấy, đảo Phương Trượng trước đây là bãi bồi tự nhiên của sông Kim Long xưa.

Dấu tích của kiến trúc: Nền móng của các kiến trúc như: Nam Huân Các, cửa Bích Tảo, Thiên Nhiên Đường, Dưỡng Tính Hiên, Lầu Tịnh Tâm là móng bó, xây bằng gạch vồ màu đỏ tươi, bề mặt gạch có các ký hiệu và ký tự, gạch xếp so le ngang - dọc, mạch liên kết là vôi vữa. Các trụ móng đặt chân tảng kê cột được xây gạch vồ vuông vức, xung quanh các trụ móng được gia cố bằng gạch ngói vỡ vụn nện chặt.

Kết cấu giống như các kết cấu móng bó của kiến trúc Điện Bồng Doanh trên đảo Bồng Lai. Trước mặt kiến trúc của Lầu Tịnh Tâm còn thấy dấu vết của bậc cấp đi xuống mép nước, ngoài ra hai đầu hồi phía Đông – Tây của kiến trúc Lầu Tịnh Tâm có bậc cấp đi ra hai bên được bố trí ở phía trước và phía sau ngôi nhà.

Khu vực đê Kim Oanh: Chạy ngang giữa lòng hồ Tịnh Tâm theo hướng Đông – Tây (hiện nay là con đường rải nhựa có tên Lê Văn Hưu). Xuất lộ dấu tích nền móng của Đình Tứ Đạt nằm giữa hai đảo Bồng Lai và Phương Trượng, là điểm giao nhau của hai cầu Hồng Cừ và Bích Tảo. Dấu tích nền móng: Móng được xây bằng gạch vồ màu đỏ tươi, gạch xếp so le ngang dọc, móng rộng 30cm, cao còn lại 21cm. Trụ móng cũng được xây bằng gạch vồ, kích thước 60 x 60 x15cm, mạch liên kết là vôi vữa màu trắng đục. Dấu vết nền của kiến trúc Đình Tứ Đạt được lát gạch Bát Tràng màu đỏ, kích thước 30 x 30 x 6,5cm. Dấu tích móng, trụ móng, nền gạch cho thấy Đình Tứ Đạt trước đây là một tòa nhà có mặt bằng hình vuông, nhưng mái là dạng mái bát giác (thông cả bốn mặt, suốt cả tám phía). Ngoài ra còn có dấu tích của cầu Lục Liễu và cầu Bạch Tần.

Hệ thống kè xung quanh hồ: Hố thám sát ở phía Nam, phía Bắc và phía Đông cho thấy toàn đất sét thuần màu không thấy dấu vết gì của bờ kè đá. Hố thám sát phía Bắc đối diện với kiến trúc Thiên Nhiên Đường trên đảo Phương Trượng và hố thám sát ở phía Tây, đá của bờ kè là đá bazan màu tím, được xếp phẳng mặt phía Tây, có thể trong quá trình tồn tại kè đá của khu vực hồ Tịnh Tâm đã bị phá dỡ hoặc có thể do bị sụt lở ảnh hưởng nước của hồ nên người xưa đã dùng biện pháp kè đá ở đoạn này.

Di vật: Trong quá trình đào thám sát và khai quật Khảo cổ học, làm xuất lộ quy mô và kết cấu của các công trình kiến trúc ở khu vực hồ Tịnh Tâm, còn thu được một số di vật như: Tiền đồng, đồ thủy tinh và vật liệu kiến trúc(gạch xây hình chữ nhật, có ký hiệu và ký tự; gạch lát nền hình vuông và gạch tráng men; gạch trang trí. Ngói ống, ngói âm dương, ngói đầu tròn, yếm ngói. Và một số hiện vật khác bằng đất nung, vật liệu đá, gốm sứ…).

Nhận xét: Qua kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy, di tích Hồ Tịnh Tâm không chỉ là một danh lam thắng cảnh mà còn là một tổ hợp kiến trúc cung đình như điện, lầu, gác, đình, tạ, hiên, đường, cùng cầu, cửa, tường, hồ… được cấu tạo bởi kiến trúc khác nhau. Có thể nói đây là những giá trị văn hóa, tư tưởng được các bậc tiền nhân gửi gắm vào trong di tích. Vấn đề này cần phải được quan tâm và nghiên cứu để góp phần phát huy giá trị của di tích, đưa những giá trị đó vào đời sống hiện tại, chuyển tiếp cho thế hệ mai sau di sản ấy một cách trọn vẹn.

Lê Thị Huệ (tổng hợp)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Di tích Bãi Cọi qua 3 lần khai quật

Di tích Bãi Cọi qua 3 lần khai quật

  • 14/08/2013 14:46
  • 4280

Di tích Bãi Cọi thuộc địa phận xóm 1, thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tọa độ địa lý của di tích được xác định là 18o36’577” vĩ Bắc, 105045’010” kinh Đông. Bãi Cọi là một cồn cát lớn kéo dài theo hướng đông tây khoảng 1km, rộng khoảng 800m có xu hướng thoải dần từ tây sang đông. Bãi Cọi nằm trong thung lũng của hệ thống núi Hồng Lĩnh.