Di tích Bãi Cọi thuộc địa phận xóm 1, thôn 9, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tọa độ địa lý của di tích được xác định là 18o36’577” vĩ Bắc, 105045’010” kinh Đông. Bãi Cọi là một cồn cát lớn kéo dài theo hướng đông tây khoảng 1km, rộng khoảng 800m có xu hướng thoải dần từ tây sang đông. Bãi Cọi nằm trong thung lũng của hệ thống núi Hồng Lĩnh.
Di tích này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1974. Đến năm 1976 được khai quật ở khu vực phía đông nam di tích phát hiện một di chỉ Hậu kỳ Đá mới thuộc văn hóa Bàu Tró, ngoài ra cũng ghi nhận tại đây có cư dân thời đại đồng thau hoặc muộn hơn cư trú. Mùa hè năm 1977, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đến khảo sát và mở một hố thám sát 2m2, phát hiện một số mảnh gốm, đặc biệt là 3 vòng thuỷ tinh màu xanh lục có đường kính khoảng 8 - 9cm. Những hiện vật này hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.
Trải qua 31 năm bị lãng quên, tháng 11/2008 theo thông tin báo dẫn từ những đồng nghiệp bảo tàng Hà Tĩnh và cán bộ xã Xuân Viên về việc người dân ở đây đã đào được rất nhiều đồ cổ, đặc biệt là đồ đồng trong khu Bãi Cọi (tức là Bãi Phôi Phối). Đoàn khảo sát của Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tiến hành khảo sát kỹ khu vực này và nhận thấy đây là một di tích khảo cổ học quan trọng đang bị xâm hại nặng nề, vì vậy cuối năm 2008 đến đầu năm 2009, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với Sở văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bảo tàng Hà Tĩnh tiến hành khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất.
1. Kết quả khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất
Trong cuộc khai quật này có 7 hố khai quật được mở tại 2 khu vực khu A và B, lấy đường liên xã từ Xuân Viên đi Công Khánh làm ranh giới với tổng diện tích 164,2m2.
- Về di tích: phát hiện 16 mộ táng gồm 14 mộ đất và 2 mộ quan tài gốm (1 mộ chum, 1 mộ bình - nồi). Như vậy, mộ đất là loại hình mộ táng chủ yếu. Từ những ngôi mộ đất còn giữ được dấu vết nguyên thuỷ cho thấy, những mộ đất ở đây được chôn trong huyệt hình chữ nhật dài khoảng 1,8m đến hơn 2m, rộng từ 0,8m đến 1m, chôn tương đối đồng nhất về hướng đông bắc - tây nam, xuất lộ ở độ sâu từ khoảng 30cm - 85cm. Trong nhóm mộ đất, một số mộ thấy hiện tượng kè mảnh gốm ở biên huyệt mộ, và có hiện tượng “giết chết hiện vật” trước khi đem chôn, các mảnh gốm vỡ được chèn, kè xung quanh di cốt chủ nhân mộ.
Mộ bình nồi phát hiện được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất năm 2008.
Mộ quan tài gốm gồm một chiếc chum hình trái đào, đáy bằng đặt nằm nghiêng theo hướng tây đông, miệng được úp chiếc nắp nón cụt và một mộ bình - nồi gồm 1 chiếc bình vai gãy chôn thẳng đứng và có 1 chiếc nồi vai xuôi kích thước khá lớn úp khít lên trên. Đây là hiện tượng hiếm gặp trong các di tích cùng loại, thông thường nồi là vật chủ đạo được coi như quan tài, thì ở đây chiếc bình đã thay thế cho chiếc nồi. Sau khi xử lý, làm rõ bên trong “quan tài” đặc biệt này, chúng tôi không thấy có gì ngoài cát lấp đầy bên trong. Có thể đây là mộ táng tượng trưng, một hình thức liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh của cộng đồng cư dân Bãi Cọi cổ.
Chum hình trái đào thu được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất năm 2008.
Khuyên tai ba mấu thủy tinh thu được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ nhất năm 2008.
- Về di vật: thu được một khối lượng di vật khá phong phú với 51 hiện vật với các chất liệu như: đá, đồng, sắt, thuỷ tinh, đất nung, gốm. Trong đó, đồ gốm chiếm số lượng nhiều nhất và tạo nên nét đặc trưng của di tích Bãi Cọi. Ngoài những đồ gốm có chức năng quan tài, số còn lại chủ yếu là những di vật tùy táng với các loại hình như nồi, chõ, bình, bát bồng, dọi se chỉ, khuyên tai, vò, chum, nắp... Đặc biệt, trong lần khai quật này phát hiện một khuyên tai 3 mấu màu xanh ngọc, đây là loại hình hiện vật rất đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh.
Dựa trên tổng thể di tích và di vật, chúng tôi cho rằng đây là một di tích mộ táng mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh nhưng có giao lưu, ảnh hưởng mạnh với văn hóa Đông Sơn, tồn tại từ đầu Công nguyên đến thế kỷ II sau Công nguyên. Tuy nhiên, sau đó vẫn còn nhiều ý kiến của các nhà khoa học xoay quanh đặc trưng, nguồn gốc và chủ nhân của di tích này. Vì vậy, cuộc khai quật lần thứ hai đã được tiếp tục vào cuối năm 2009, đầu năm 2010 nhằm làm rõ hơn các tồn nghi trên.
2. Kết quả khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ hai
Khác với cuộc khai quật lần thứ nhất, cuộc khai quật lần thứ hai chủ yếu được tổ chức tại khu B của di tích Bãi Cọi, đồng thời, chúng tôi cũng tiến hành khảo sát rộng ở các khu vực xa trung tâm di tích và mở một số hố thám sát tại Bãi Phôi Phối, Bãi Lòi, Trảng Vạn, Đền Phúc Đa… có 10 hố khai quật được mở với tổng diện tích 199,5m2.
- Về di tích: phát hiện 13 mộ táng, nhưng khác với lần thứ nhất, số lượng mộ quan tài gốm lại chiếm tỷ lệ cao hơn mộ đất. Có 9 mộ quan tài gốm (8 mộ chum và 1 cụm mộ nồi), 4 mộ đất. Những mộ đất trong đợt khai quật này có thể chia làm 2 loại: loại không xác định được biên mộ và loại có biên mộ có cấu trúc giống nhau đều kè những mảnh gốm xung quanh tạo huyệt mộ hình chữ nhật.
Mộ chum song táng và mộ đất phát hiện được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ hai, năm 2009.
Hiện tượng này đã từng gặp trong lần khai quật trước. Các mộ chum ở đây đa số đều có một dạng chung là chum thon, hình trái đào, vai nở, có gờ vai. Thân thuôn dần về đáy, đáy chỏm cầu. Trên vai của mỗi chum trong các hố khai quật đều có có đồ gốm hoặc mảnh gốm. Ngoài gốm ra, ít gặp các loại đồ tùy táng bằng đồng, đá hoặc thủy tinh. Trong chum không tìm được vết tích của di cốt.
- Về di vật: đã thu được một khối lượng di vật khá phong phú gồm 74 hiện vật với các chất liệu: đá, đồng, thủy tinh, đất nung. Ngoài các loại hình hiện vật đã biết trong lần khai quật trước, lần khai quật này đã phát hiện một số loại hình di vật mới như: hạt chuỗi đá, khuyên tai hình vành khăn bằng đá và thủy tinh.
Khuyên tai ba mấu thu được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ hai, năm 2009.
Đặc biệt, với việc tìm thấy 2 khuyên tai 3 mấu bằng đá càng cho thấy dấu ấn rõ hơn của văn hóa Sa Huỳnh tại đây. Đồ gốm trong lần này cũng phản ánh sự khá thống nhất về loại hình với lần khai quật trước. Bên cạnh các loại nồi, bình con tiện, dọi se chỉ, chõ gốm, nắp nón cụt, chum hình trái đào…thấy xuất hiện một số loại hình gốm mới như: bình dạng thố, bình nhỏ miệng thấp, chì lưới, nắp dạng lồng bàn…
Nắp nón cụt thu được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ hai, năm 2009.
Qua tổng thể di tích và di vật trong lần khai quật này đã cho thấy rõ hơn tính chất văn hóa Sa Huỳnh của di tích Bãi Cọi. Khu mộ táng này phân bố trên một địa bàn khá rộng, tồn tại từ khoảng thế kỷ III trước Công nguyên đến đầu Công nguyên. Khung niên đại này được đoàn khai quật cho rằng hợp lý hơn so với nhận định trong lần khai quật thứ nhất.
Bên cạnh đó, với vị trí gần với các cư dân Đông Sơn nên cư dân Bãi Cọi có mối quan hệ, giao lưu mạnh với cư dân Đông Sơn. Điểu này được phản ánh qua một số loại hình hiện vật Đông Sơn phát hiện trong di tích Bãi Cọi như: rìu đồng, chõ gốm, bình gốm, nồi gốm...
Cuối năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh (Bảo tàng Hà Tĩnh) phối hợp với Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc đã tiến hành khai quật lần thứ ba di tích Bãi Cọi. Mục đích của đợt khai quật chính là nhằm xác định rõ hơn diện phân bố và tính chất văn hóa của di tích này. Đồng thời, đây cũng là đợt khai quật tiếp nối dự án nghiên cứu dài hạn 2009 - 2013 giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, di tích Bãi Cọi được lựa chọn do vị trí, tính chất đặc biệt của mình.
3. Kết quả khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ ba
Qua khảo sát trên thực địa, đoàn khai quật đã quyết định mở 4 hố đào tại khu vực Bãi Cọi, Bãi Lòi với tổng diện tích các hố khai quật là 107,25m2.
- Về di tích: phát hiện 16 mộ trong đó có 9 mộ chum, 2 mộ nồi, 1 mộ bình, 1 mộ bình - nồi và 3 mộ đất. Trong các mộ chum của đợt khai quật này, chỉ trừ một mộ chum chôn nằm ngang, các chum khác đều được chôn đứng, 3/9 chum thấy nắp hình nón cụt. Một mộ chum thấy có hiện tượng người xưa mở cửa mộ về hướng tây ở ngang thân chum, một mộ chum thấy hiện tượng đặt gốm tùy táng ở đáy ngoài chum chứ không đặt trên vai chum như nhiều chum khác. Nhiều mộ chum thấy có hiện tượng kè gốm. Trong nhiều chum thấy dấu tích của di cốt nhưng rất mủn nát.
Mộ chum nắp nón cụt phát hiện được tại cuộc khai quật di tích Bãi Cọi lần thứ ba, năm 2012.
Cũng giống như 2 cuộc khai quật trước các mộ đất thường được kè gốm, đặc biệt trong lần khai quật này phát hiện 2 mộ đất song táng mà qua di vật tùy táng có thể đoán định một mộ chôn nam giới và một mộ chôn nữ giới?
- Về di vật: cũng giống như 2 cuộc khai quật trước đã phát hiện được một số di vật tùy táng với các chất liệu: đồ đá, đồ sắt, đồ đồng, đồ gốm. Ngoài các loại hình đã gặp trong 2 lần khai quật trước, lần khai quật này thấy một số loại hình hiện vật mới như: lao sắt, vòng tay đồng, mũi tên hình lá, một số loại hình đồ gốm nhỏ vai gãy với hoa văn đẹp. Ngoài ra chúng tôi còn phát hiện một số hiện vật hình tròn nhỏ giống như khuyên tai? nhưng chưa rõ chất liệu.
So với 2 đợt khai quật trước, diện tích khai quật đợt này nhỏ hơn nhưng các di tích mộ táng phát hiện lại nhiều hơn. Nếu trong đợt khai quật lần 1 số lượng mộ đất chiếm ưu thế thì trong đợt này số lượng mộ quan tài gốm lại chiếm ưu thế (13/16 di tích mộ táng). Đặc biệt, việc xuất hiện nhiều chum táng có nắp nón cụt điển hình của văn hóa Sa Huỳnh đã làm rõ hơn tính chất Sa Huỳnh của di tích Bãi Cọi.
4. Một vài nhận xét
- Kết quả của 3 lần khai quật di tích Bãi Cọi với quy mô và diện tích không lớn lắm (470,95m2) so với tổng diện tích khu di tích nhưng đã thu được những kết quả tốt đẹp. Từ kết quả của các cuộc khai quật diện mạo của di tích Bãi Cọi dần dần được hé mở và được xác định rõ hơn qua mỗi cuộc khai quật, mang đến những thông tin mới trong việc tìm hiểu văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn trong thời Sơ sử ở nước ta.
- Với 45 mộ táng được phát hiện bao gồm 21 một đất, 24 mộ quan tài gốm đã cho thấy ở Bãi Cọi tồn tại song song cả 2 loại hình mộ và được chôn xen kẽ, không phân chia thành các khu riêng biệt. Đặc biệt, với việc xuất hiện nhiều hơn các mộ chum với nắp nón cụt chính là cơ sở để khẳng định Bãi Cọi là một di tích mộ táng của cư dân Sa Huỳnh. Bởi như chúng ta đã biết, các di tích văn hóa Sa Huỳnh nổi tiếng với các khu mộ chum với nắp nón cụt, cho đến nay đây vẫn là một điểm nhận diện rõ nhất về các di tích mộ táng của văn hóa phát triển rực rỡ trong thời Sơ sử ở miền Trung Việt Nam. Như vậy, Bãi Cọi là một di tích Sa Huỳnh nằm xa nhất về cực bắc của văn hóa này hiện biết cho đến nay, đây là một phát hiện mới giúp cho việc nhận thức của chúng ta về văn hóa này.
- Bên cạnh đó với việc phát hiện các di tích, di vật tại các địa điểm liền kề: Bãi Lòi, Trảng Vạn, Đền Phúc Đa có nhiều nét tương đồng với Bãi Cọi đã cho thấy Bãi Cọi không chỉ là một di tích Sa Huỳnh đơn lẻ trên đất Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Việc phát hiện khuyên tai 2 đầu thú, khuyên tai 3 mấu tại Xuân An (một địa điểm chỉ cách Bãi Cọi khoảng hơn 1km theo đường chim bay) gợi mở khảng năng giữa chúng có mối quan hệ gần gũi. Có lẽ Xuân An cũng là một di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh hơn là Đông Sơn như chúng ta đã từng nhận định?
- Với vị trí gần gũi địa bàn sinh sống của cư dân Đông Sơn nên cư dân Bãi Cọi có mối quan hệ trao đổi, giao lưu khá mạnh với cư dân Đông Sơn của loại hình sông Mã và sông Cả. Điều này biểu hiện qua một số loại hình hiện vật Đông Sơn phát hiện tại Bãi Cọi như: rìu đồng, chõ gốm, một số loại hình bình, nồi gốm…
- Một vấn đề hết sức quan trọng đặt ra đối với 3 lần khai quật, đó là: chủ nhân của khu mộ táng này sống ở đâu? Trong lần khai quật thứ hai, ở khu vực phía tây của di tích Bãi Cọi chúng tôi phát hiện dấu vết của một lớp cư trú, dù khá mờ nhạt. Đáng tiếc là khu vực này đã bị xâm hại rất mạnh bởi các hoạt động như khai thác cát, đào bới cổ vật trái phép và các hoạt động dân sinh khác. Hiện trạng đó đã làm hạn chế rất nhiều đến kết quả nghiên cứu. Nhưng dẫu sao, triển vọng tìm thấy nơi cư trú của chủ nhân khu mộ táng là hoàn toàn có cơ sở. Muốn vậy, những đợt nghiên cứu mới với quy mô lớn hơn, mức độ tập trung cao hơn cần phải được tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
- Qua 3 lần khai quật di tích Bãi Cọi đã thu được hàng trăm hiện vật, đây là một nguồn hiện vật quý bổ sung cho Bảo tàng Hà Tĩnh và Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Toàn bộ hiện vật cùng các cụm mộ chum, mộ đất của cuộc khai quật lần thứ ba được đưa sang Hàn Quốc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý, phục dựng chuẩn bị cho cuộc trưng bày về di tích Bãi Cọi tại Hàn Quốc vào năm 2014. Điều này góp phần quảng bá những giá trị của di tích Bãi Cọi nói riêng cũng như thúc đẩy sự giao lưu hợp tác giữa các cơ quan của Việt Nam và Hàn Quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
- Trong lần khai quật thứ ba, chúng tôi đã tiến hành lấy được mẫu than để phân tích niên đại C14 nhằm có thêm dữ liệu để xác định niên đại cho di tích này, hiện nay đang chờ kết quả phân tích từ Hàn Quốc. Nhưng dựa trên tổng thể di tích, di vật và qua so sánh mối quan hệ với các di tích đồng đại khác chúng tôi cho rằng di tích Bãi Cọi nằm trong giai đoạn phát triển của văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay khoảng 2300 đến 2000 năm.
- Tóm lại, với vị trí và tầm quan trọng như vậy, di tích Bãi Cọi cần được tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu sâu kỹ hơn thông qua các chương trình nghiên cứu dài hạn của các cơ quan chuyên môn trong thời gian tới.
Nguyễn Mạnh Thắng (Phòng NCST)