Việt Nam và Campuchia có mối quan hệ láng giềng gắn bó lâu đời, sát cánh cùng giúp nhau trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình và kiến thiết đất nước.
Lịch sử quan hệ Việt Nam - Campuchia thời kỳ cận - hiện đại gắn với nhiều biến cố, thử thách: từ cuộc kháng chiến chung chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược tới những cuộc nội chiến kéo dài ở Campuchia, cho tới khi Việt Nam giúp Campuchia giải phóng đất nước khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt, hồi sinh đất nước Chùa Tháp và kiến tạo nền hòa bình trên đất nước này, rồi cùng phát triển trong cộng đồng ASEAN như ngày nay.
Chặng đường lịch sử của hai dân tộc không phải lúc nào cũng bằng phẳng nhưng luôn sáng ngời tình cảm gắn bó máu xương, cùng khổ cùng vui của tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Campuchia đã và đang được tái hiện thông qua một số tư liệu, hiện vật đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG).
Hệ thống kho cơ sở của BTLSQG đang lưu giữ và bảo quản trên 200.000 hiện vật, tư liệu về lịch sử, văn hóa Việt Nam có niên đại từ thời Tiền sử đến nay. Trong đó, giai đoạn từ giữa thế kỷ XIX đến nay có khoảng 83.000 tài liệu, hiện vật, sau tập hiện vật quý về lịch sử cách mạng Việt Nam, về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng...
Thư viện khoa học của BTLSQG đang lưu giữ gần 20.000 đầu sách, báo, tạp chí về lịch sử, văn hóa, khảo cổ học, bảo tàng học... trong đó có nhiều ấn phẩm được in ấn và phát hành trong thời kỳ 1946-1975 chưa qua lưu chiểu; hơn 22.000 phim và ảnh tư liệu lịch sử từ những năm đầu thế kỷ XX đến nay.
Sơ bộ khảo sát nguồn tư liệu, hiện vật tại BTLSQG, chúng tôi tìm thấy khoảng 300 ảnh tư liệu lịch sử, gần 100 hiện vật và một số lượng không nhỏ báo chí của Đảng, Mặt trận, tổ chức chính trị xuất bản trong thế kỷ qua có đăng bài liên quan đến lịch sử, quan hệ Việt Nam - Campuchia.
Tiếp cận và nghiên cứu bước đầu những tài liệu, hiện vật như đã nói trên, chúng ta có thêm những thông tin, bằng chứng lịch sử đáng tin cậy, từ đó góp phần khắc họa, làm rõ hơn những mảng màu vốn rất phong phú, đa sắc trong bức tranh hữu nghị, đoàn kết đã được hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam – Campuchia vun đắp trong thế kỷ qua.
1. Thời kỳ 1858-1930: Lào - Việt Nam - Campuchia, xứ Đông Dương thuộc địa của thực dân Pháp.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu xâm lược Việt Nam. Năm 1863, quốc vương Nô rô đôm Xi ha núc ký hiệp ước công nhận sự bảo hộ của thực dân Pháp. Ngày 6-6-1884, triều đình nhà Nguyễn ký Hiệp ước Patơnốt công nhận thực dân Pháp toàn quyền cai trị xứ An Nam. Nhân dân hai nước chịu chung một số phận, cùng chung một kẻ thù.
Năm 1887, sau khi hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam, Pháp thành lập Liên bang Đông Dương với bộ máy cai trị hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương là Phủ toàn quyền Đông Dương (ban đầu thủ phủ ở Sài Gòn, năm 1902 đặt ở Hà Nội).
Phủ toàn quyền Đông Dương, cơ quan quyền lực cao nhất của bộ máy cai trị thực dân Pháp trên toàn Đông Dương.
Đứng đầu là Toàn quyền Đông Dương, người có quyền hành cao nhất trong thể chế chính trị Pháp trên toàn Đông Dương. Pháp chia lãnh thổ 3 nước thành các đơn vị hành chính khác nhau với những chế độ chính trị khác nhau: Cao Miên, Lào, Bắc kỳ là xứ bảo hộ; Trung kỳ là xứ phụ thuộc, Nam kỳ là thuộc địa. Đứng đầu ở 3 kỳ là: Thống đốc Nam kỳ, Khâm sứ Trung kỳ và Thống sứ Bắc kỳ, cả ba đều nằm dưới quyền giám sát và điều khiển tối cao của Toàn quyền Đông Pháp, trực thuộc bộ Thuộc địa. Đến năm 1893 quyền kiểm soát của Toàn quyền Đông Pháp được mở rộng thêm, bao gồm cả Lào. Ở Lào và Cao Miên cũng có khâm sứ như Trung kỳ. Khâm sứ Pháp ở Cao Miên kể từ năm 1897 có quyền hành rộng lớn như khâm sứ ở Huế.
TS. Vũ Mạnh Hà (Phó Giám đốc BTLSQG)
Ths. Nguyễn Thị Tường Khanh (Phòng truyền thông)
Tài liệu tham khảo:
- Tìm hiểu Lịch sử - văn hóa Campuchia, Nxb KHXH. H, 1983.
- Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam. Hội nghị khoa học về quan hệ Việt Nam - Campuchia trong lịch sử (lần thứ Nhất). Viện Khoa học xã hội TP HCM. Ban Đông Nam Á, 1980.
- Hội Hữu nghị Việt Nam- Campuchia. Chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước Việt Nam- Campuchia. Nxb Hội nhà văn. H, 2012.
- Nguyễn Duy Dũng. Việt Nam- Lào- Campuchia hợp tác hữu nghị và phát triển. Nxb Thông tin và truyền thông. H, 2012.