Thứ Sáu, 01/11/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/08/2013 16:42 5117
Điểm: 5/5 (1 đánh giá)
Trong thời gian gần đây, hoạt động điền dã, nghiên cứu và khai quật của các nhà khảo cổ Việt Nam rất mạnh mẽ, với khá nhiều thành tựu nổi bật qua hàng loạt các phát hiện quan trọng. Một trong số ấy là việc thám sát và khai quật di tích Bãi Cọi thuộc xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cùng Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh và gần đây là các chuyên gia của Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc phối hợp tiến hành nghiên cứu từ năm 2009 đến nay với 3 đợt thám sát và khai quật qui mô. "Có rất nhiều vấn đề bổ ích và lý thú liên quan đến lịch sử - văn hoá của dân tộc được khám phá".

Đó là nhận định chung về giá trị của việc nghiên cứu và phát hiện di tích Bãi Cọi của giới khảo cổ học Việt Nam và quốc tế qua các hội thảo, đặc biệt hội thảo về văn hoá Đông Sơn; văn hoá Sa Huỳnh nhân 80 năm và 100 năm phát hiện và hội nghị Tiền sử Châu Á - Thái Bình Dương (IPPA) diễn ra tại Hà Nội tháng 11 năm 2011.

Qua các đợt thám sát và khai quật tương đối qui mô vào mùa khô năm 2008, 2009 và 2012, các nhà khảo cổ học đã hoạch định nhiều hố đào ở những vị trí khác nhau tập trung khu vực động cát phía nam của thôn 9 - một khu dân cư mới hình thành gần đây, còn trước đó đây chỉ là những động cát lớn. Tại đây, đã xác định được dấu tích và phạm vi phạm bố của khu mộ táng có niên đại cách ngày nay khoảng 2000 năm với hàng chục ngôi mộ cùng nhiều đồ vật sinh hoạt chôn theo (đồ tùy táng) như đồ gốm, đồ đồng, đồ đá, đồ thủy tinh mà các dấu ấn kỹ thuật và nghệ thuật trang trí phản ánh sinh động quan niệm nhân sinh và tư duy của cư dân Bãi Cọi xưa. Di tích rất có ý nghĩa nghiên cứu giai đoạn Sơ sử Việt Nam khi hội tụ những đặc trưng và mối giao lưu ảnh hưởng qua lại của cả hai nền văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh nổi tiếng trong lịch sử dân tộc.

Cán bộ phòng Nghiên cứu- Sưu tầm Bảo tàng LSQG xử lý hiện trường khai quật khu di tích Bãi Cọi.

Về di tích, qua các ngôi mộ ở Bãi Cọi thấy có khá nhiều hình thức mai táng khác nhau như mộ huyệt đất, mộ nồi/bình úp nhau và mộ chum, trong đó loại mộ huyệt đất là chủ yếu. Trước nay, mộ vò vẫn được coi là táng tục đặc trưng của cư dân Sa Huỳnh, còn mộ huyệt đất là đặc trưng của cư dân Đông Sơn. Tại Bãi Cọi, mộ huyệt đất chiếm tỷ lệ lớn đã phản ánh ảnh hưởng mạnh mẽ của văn hoá Đông Sơn trong táng tục cư dân Bãi Cọi. Huyệt mộ hình chữ nhật, dài khoảng 1,8m đến 2m, rộng từ 0,8m đến 1m. Điểm đáng lưu ý là ở biên huyệt mộ có kè mảnh gốm, đập vỡ và bóp méo hiện vật trước khi táng theo chủ nhân mộ. Hiện tượng này phản ánh một quan niệm nhân sinh và theo đó có tục lệ "giết chết hiện vật", hay "của nhà chia đôi, của đồng chia ba" còn ảnh hưởng đến tận ngày nay.

Mộ huyệt đất và mộ nồi bình úp nhau tìm thấy tại khu di tích Bãi Cọi.

Về tổng thể di vật, chúng ta cũng nhận thấy ở Bãi Cọi bên cạnh những đặc trưng của văn hoá Sa Huỳnh là ảnh hưởng rất "đậm đặc" văn hoá Đông Sơn. Thứ nhất, các di vật bằng đồng, sắt tìm thấy trong Bãi Cọi không nhiều, đều là rìu lưỡi xoè cân hoặc hình chữ nhật, song không thể phủ nhận đó yếu tố điển hình của văn hoá Đông Sơn (loại hình Làng Vạc) phân bố khá phổ biến trong các di tích mộ táng Sa Huỳnh .

Rìu đồng lưỡi xòe cân tìm thấy tại khu di tích Bãi Cọi

Tuy nhiên, nếu nghiên cứu các di vật đồ gốm Bãi Cọi, ta lại thấy sự phát triển của truyền thống gốm Sa Huỳnh từ kiểu dáng đến hoa văn trang trí, loại hình, chất liệu, kỹ thuật, điển hình như các loại bình con tiện. Song, gốm Bãi Cọi cũng ảnh hưởng đậm văn hoá Đông Sơn qua kiểu hoa văn đập trên thân các đồ gốm. Đặc biệt là sự xuất hiện của chõ gốm, loại di vật vốn được cho là của văn hoá Đông Sơn (loại hình Làng Vạc).

Bình con tiện và hoa văn trang trí trên bình tìm thấy tại khu di tích Bãi Cọi.

Còn nhiều, nhiều nữa những đặc điểm của cả hai văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh hội tụ trong di tích và di vật Bãi Cọi, có những điểm đã rõ nét, có những điểm mới chỉ là giả thiết cần trao đổi. Chính bởi vậy nên nhiều ý kiến đã xếp di tích Bãi Cọi thuộc văn hoá Sa Huỳnh phía bắc, nhiều người lại coi Bãi Cọi thuộc văn hoá Đông Sơn phía nam. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nếu khu vực Bãi Cọi được mở rộng khảo sát và nghiên cứu một cách hệ thống có thể sẽ còn phát hiện nhiều di tích cùng tính chất và niên đại, bên cạnh di tích mộ táng có thể sẽ thấy di chỉ cư trú. Và khi ấy, Bãi Cọi với những đặc trưng cơ bản thể hiện sự giao lưu, trao đổi và hội tụ cả hai nền văn hoá Đông Sơn và Sa Huỳnh có thể được coi là một văn hoá khảo cổ độc lập ?.

Trong chương trình phối hợp nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Bảo tàng quốc gia Hàn Quốc, tới đây các nhà khảo cổ học sẽ lại tiếp tục thực hiện công việc nghiên cứu và khai quật di tích Bãi Cọi với qui mô lớn hơn, trong đó sẽ ưu tiên phục chế, phục dựng hiện vật tiến tới trưng bày chuyên đề tại Hà Nội và Hàn Quốc, theo đó là xuất bản ấn phẩm về di tích Bãi Cọi. Hi vọng chúng ta sẽ có thêm những hiểu biết mới về một quá khứ xa xưa của lịch sử văn hoá dân tộc.

TS. Nguyễn Văn Đoàn

(Trưởng phòng NC-ST)

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Khai quật tàu đắm cổ Bình Châu- Con tàu cổ thứ VI trong vùng biển Việt Nam.

Khai quật tàu đắm cổ Bình Châu- Con tàu cổ thứ VI trong vùng biển Việt Nam.

  • 23/07/2013 11:24
  • 4542

Vào tháng 9 năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã phát hiện một số đồ gốm sứ trong tàu cổ bị đắm. Dấu tích tàu cổ cách bờ biển Bình Châu khoảng 200m và nằm sâu 3,5-4m so với mực nước biển. Đây là tàu đắm cổ thứ 6 trong vùng biển Vệt Nam.