Lam Kinh là khu di tích lịch sử lớn có ý nghĩa đặc biệt quan trong đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nơi đây vốn là quê hương của anh hùng dân tộc Lê Lợi, gắn với cuộc kháng chiến thắng lợi giặc Minh xâm lược và cũng là vùng đất phát tích của vương triều nhà Lê… Chính bởi vậy, khu di tích Lam Kinh hàm chứa những giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng to lớn.
Đường vào khu trung tâm di tích Lam Kinh, xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Trong những năm gần đây, khu di tích này đang từng bước được phục hồi, tôn tạo và phát huy giá trị, diện mạo của cố đô Lam Kinh đang dần được khôi phục. Trong số rất nhiều công trình điện miếu có quy mô to lớn ở Lam Kinh thì Chính Điện có một vị trí đặc biệt quan trọng (bản thân tên gọi Chính Điện đã phản ánh điều đó). Vì vậy việc nghiên cứu, tìm giải pháp để khôi phục lại Chính Điện đã được phê duyệt, dự kiến hoàn thành vào khoảng cuối năm 2014 để kịp cho “Năm du lịch Thanh Hóa - 2015”
Nhà bia Vĩnh Lăng ghi lại thân thế, sự nghiệp, công trạng của vua Lê Thái Tổ trong khu di tích Lam Kinh
Việc phỏng dựng đã đặt ra những yêu cầu hết sức cấp thiết, đó là bên cạnh khôi phục lại diện mạo kiến trúc, phải có giải pháp phục dựng nội thất và đồ thờ cho Chính Điện. Chính bởi vậy, việc xây dựng phương án phục dựng nội thất và đồ thờ Chính Điện để có những thiết kế cụ thể cho vấn đề này là hết sức cần thiết.
Bậc Thềm Rồng bước lên Chính Điện (Cửu trùng) trong khu di tích Lam Kinh.
Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó, bởi lẽ việc phục dựng có rất ít cơ sở, khi:
- Ghi chép của tư liệu thành văn về Lam Kinh, Chính Điện rất hạn chế, đặc biệt về nội thất, đồ thờ tự gần như không có.
- Lam Kinh là khu di tích lớn, in sâu đậm trong tâm thức dân gian, rất nhiều truyền thuyết, giai thoại liên quan trực tiếp đến Lê Lợi, Nguyễn Trãi, về các công thần nhà Lê, về nghĩa quân Lam Sơn…tuy nhiên, thông tin cụ thể, chi tiết về các công trình điện miếu, về Chính Điện trong đó có nội thất, đồ thợ tự…hoàn toàn không có.
- Kết quả nghiên cứu, khai quật khảo cổ học tại Lam Kinh cho thấy khá phổ biến đồ ngự dụng, hoàng cung, đồ thờ bằng gốm sứ và đất nung ở hầu khắp các khu vực, trong đó tập trung chủ yếu ở khu vực Thái Miếu. Còn với khu vực Chính Điện, những tài liệu liên quan đến nội thất, đồ thờ tự dường như không thấy xuất hiện ngoại trừ rất ít những mảnh gốm sứ nhỏ .
Mảnh đĩa gốm, bát gốm ngự dụng tìm thấy trong quá trình khai quật khảo cổ khu di tích Lam Kinh.
Chính bởi vậy, có thể nói cơ sở chính để các nhà thiết kế đưa ra phương án là đối sánh tư liệu ở kinh thành Huế cũng như suy dựng theo tín ngưỡng thờ cúng truyền thống, trên cơ sở nội thất và đồ thờ tự được phục chế theo “thức” thời Lê.
Mặc dù hiện nay đã có phương án cho việc phục dựng nội thất và đồ thờ trong Chính Điện, song đó mới chỉ là phương án ban đầu, hi vọng thời gian tới đây, trên cơ sở xin ý kiến bổ sung của các chuyên gia, nội dung này sẽ được hoàn thiện hơn. Với tư cách là những người trực tiếp tham gia nghiên cứu và khai quật tại Lam Kinh, chúng tôi xin có một vài lưu ý sau:- Trong khi tiến hành phục dựng, cần lưu ý tới chức năng của toàn bộ khu di tích Lam Kinh đối với triều đại nhà Lê, trong đó mỗi công trình kiến trúc điện miếu đảm nhiệm chức năng khác nhau. Vậy, với Chính Điện thì chức năng chính là gì (nơi thiết triều, nơi vua ở, việc thờ cúng có hay không, hay chỉ tập trung ở các tòa Thái Miếu ?). Xác định rõ chức năng của Chính Điện trong tương quan tổng thể khu di tích là vô cùng cần thiết cho việc phỏng dựng, trong đó có nội thất và đồ thờ tự.
- Sử sách ghi khi việc xây dựng Lam Kinh hoàn thành, vua Lê Nhân Tông đã đích thân về Lam Kinh, đặt tên cho các tòa điện chính là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diễn/Diên Khánh. Việc ghi chép của sử sách và nhận diện chúng trên thực địa là công việc không hề đơn giản. Có nhiều ý kiến khác nhau về tên gọi này. Liệu đó có phải là tên gọi của 3 tòa điện tương ứng với nền hình chữ Công hiện thấy ?. Vấn đề này liên quan đến việc đặt tên, chữ trên hoành phi ở mỗi tòa ?.
- Thực tiễn nghiên cứu khảo cổ học cho thấy quá trình tồn tại của Lam Kinh kéo dài suốt hơn 300 năm tương ứng với lịch sử nhà Hậu Lê. Trong diễn biến mặt bằng tổng thể cho thấy di tích Lam Kinh được liên tục trùng tu, sủa chữa, đặc biệt là những lần xây dựng mới, qui mô lớn dưới thời Lê sơ (thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16) và Lê trung hưng (thế kỷ 17-18). Kết quả khai quật đã xác định được các mặt bằng kiến trúc, các vật liệu, trang trí kiến trúc, các đồ gốm cao cấp, hoa văn trang trí thể hiện rõ tính chất hoàng tộc, cung đình… đặc trưng cho mỗi thời kỳ. Chính bởi vậy, trong quá trình phục hồi, tôn tạo cũng như phỏng dựng, trên cơ sở tham khảo các mẫu vật hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lam Kinh, các nhà thiết kế nên chú ý thể hiện tính thống nhất và đồng bộ trong kiến trúc ngoại thất cũng như nội thất, thể hiện qua kiểu thức, hoa văn trang trí, loại hình di vật… để có thể phần nào phản ánh đúng bối cảnh đương thời, tương ứng với lịch sử thời Lê sơ và Lê trung hưng.
TS.Nguyễn Văn Đoàn
(Trưởng phòng NCST)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.