Năm 2004 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) cùng Ban Quản lý Dự án Trùng tu -Tôn tạo và Phục hồi di tích Lam Kinh phối hợp tiến hành điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học Khu trung tâm di tích Lam Kinh lần thứ 7. Đây gần như là một công việc thường niên, thực hiện từ năm 1996 nhằm phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích.
Đợt công tác này do Tiến sĩ Nguyễn Văn Đoàn – phòng Nghiên cứu - Sưu tầm (Bảo tàng Lịch sử Việt Nam) phụ trách, dưới sự tư vấn chuyên môn của Giáo sư Trần Quốc Vượng (Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng các cán bộ chuyên môn: Lê Văn Chiến, Nguyễn Ngọc Chất, Lê Hoài Anh (cán bộ kỹ thuật); Trịnh Đình Dương, Hồ Hải Hà (Ban QLDATT-TT-PH Di tích Lam Kinh). Những nghiên cứu tập trung xác định vị trí, qui mô và kết cấu kiến trúc 3 khu vực: Tả Vu, Hữu Vu và sân Rồng. Tiến hành khai quật với diện tích là 3000m2 thực hiện trong hơn 4 tháng.
Kết quả khai quật:
Khu vực Hữu Vu: Năm 1996 – 1997 đã nghiên cứu và xác định những dấu tích, nền móng kiến trúc có niên đại TK XIV – đầu TK XV. Hố khai quật mở trên toàn bộ nền đất chạy song song và cách tường thành Nội phía tây 2m, phía nam cách thành Ngoại 3m. Diễn biến địa tầng có thể nhận thấy dấu vết cư trú và mặt bằng kiến trúc ở khu vực Hữu Vu được phát triển liên tục qua nhiều giai đoạn biến đổi từ TK XIV đến đầu TK XIX. Vết tích kiến trúc, dấu tích còn lại bao gồm nền, móng, chân tảng kê chân cột, đá bó móng, trụ gia cố chân tảng.
Vết tích kiến trúc khai quật khu vực Hữu Vu
Các vết tích đã xuất lộ cho thấy có 3 kiến trúc được xây dựng và sửa chữa trên cùng một mặt bằng với quy mô, kết cấu và niên đại khác nhau.
Mặt bằng kiến trúc thứ nhất hình chữ nhật, quy mô khá lớn, các bó móng còn thấy rõ ở 3 vị trí bắc, nam và tây, qua đó có thể suy dựng được mặt bằng của kiến trúc quay mặt hướng đông, hướng về phía sân Rồng. Bó móng xây bằng gạch vồ màu xám, xếp so le, khít mạch, không thấy chất kết dính. Qua diễn biến địa tầng, vật liệu tham gia kiến trúc, có thể nói kiến trúc này có niên đại thời Lê Trung Hưng, khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Mặt bằng kiến trúc thứ hai nhỏ hơn nằm về phía tây bắc của kiến trúc thứ nhất, quay mặt hướng đông, nền móng cũng giống như nền móng của kiến trúc thứ nhất, nhưng cũng bị phá hủy nhiều. Móng phía bắc bó bằng hai hàng gạch, móng phía tây bó một hàng gạch vồ, móng phía nam được bó bằng gạch vồ nhưng có kích thước không đều nhau, móng phía đông bó bằng gạch vồ và đá tảng, đá thanh chờm ra sân Rồng (có thể là bó hiên của kiến trúc. Mặt bằng kiến trúc thứ ba nằm về phía nam của hố đào, đường bó móng được bắt góc với nhau, kiến trúc thứ nhất móng chạy dài theo hướng bắc-nam được xếp bằng gạch vồ màu đỏ và xám, kích thước khác nhau, có vị trí xếp so le, nhưng có vị trí lại xếp thẳng… và các vết tích kiến trúc khác (bó nền giáp Chính Điện, bậc cấp lên xuống, nền hiên, nền lát, bó móng đá). Căn cứ vào địa tầng kết cấu, bó móng và nguyên vật liệu cho thấy kiến trúc có niên đại muộn, khoảng thế kỷ XVIII-XIX.
Khu vực Tả Vu: Khu vực này nằm ở phía đông nam (bên trái) của Chính Điện, tiếp giáp với sân Rồng và đối diện với khu vực Hữu Vu. Nền đất khá bằng phẳng, có khá nhiều vật liệu kiến trúc và các chân tảng trên bề mặt di tích.
Các vết tích kiến trúc và mặt bằng Tả Vu
Địa tầng Tả Vu khá tương đồng với Hữu Vu, với dấu vết cư trú và vết tích của mặt bằng kiến trúc liên tục phát triển từ TK XIV đến TK XIX đã bị phá hủy rất khó xác định. Vết tích kiến trúc với nhiều phế tích có niên đại sớm muộn nằm kế tiếp nhau. Dấu tích còn lại gồm: bó móng (chạy song song hoặc cắt nhau chồng chất, phản ánh các mặt bằng kiến trúc khác nhau). Nền kiến trúc đã bị phá hủy nhiều, còn các mảng rải rác nằm trong hố khai quật. Mảng lát nền hình vuông màu đỏ và vàng gạch, các hàng gạch được lát thẳng và so le. Đây là dấu tích nền còn lại của kiến trúc Tả Vu, niên đại thế kỷ XVII-XVIII.
Chân tảng được làm bằng đá vôi màu xám trắng, kích thước khác nhau, có niên đại sớm muộn khác nhau nằm trong một mặt phẳng, phản ánh các đợt trùng tu xây dựng khá nhiều lần trong khoảng thế kỷ XV-XVIII, một số có u nổi tạo hình lục giác.
Các gia cố chân tảng được tạo bởi sỏi cuội và phế liệu kiến trúc đập nhỏ trộn lẫn với đất sét vàng lèn chặt.
Khu vực sân Rồng: là khoảng đất trống khá bằng phẳng, phía bắc giáp Chính Điện, phía nam giáp Nghi Môn, phía đông giáp Tả Vu và phía tây giáp Hữu Vu. Mục đích nghiên cứu là xác định qui mô, kết cấu của sân và lần tìm lối đi từ Nghi Môn đến Chính Điện. Tiến hành đào 4 hố thám sát ở các vị trí khác nhau làm xuất lộ các vết tích kiến trúc và đã giải quyết được vấn đề đã nêu ra.
Các vết tích ở khu vực sân Rồng
Qua các vết tích của nền sân Rồng cho thấy nền sân được lát gạch vuông, bên cạnh đó cũng thấy được lát bằng gạch vồ màu đỏ tươi thời Lê Sơ và đá lát, ngoài nền lát này có một hàng gạch vồ bó vỉa chứ không phải rải cuội sỏi hay để nền đất.
Di vật: Ngoài việc phát hiện các dấu tích và mặt bằng kiến trúc có qui mô to lớn tại khu vực Tả Vu, Hữu Vu, sân Rồng, trong đợt khai quật này đã thu được bộ sưu tập hiện vật với nhiều loại hình mới thuộc các chất liệu khác nhau có niên đại tương ứng với các lớp kiến trúc. Bổ sung nhận thức về khu di tích Lam Kinh trong quá trình tồn tại.
Vật liệu tham gia kiến trúc: chủ yếu là gạch và ngói với các kiểu khác nhau: gạch vồ màu đỏ tươi, xám xanh, xám mốc, kích thước khác nhau, gạch lát nền hình vuông; các loại ngói: ngói mũi hài, ngói ống, ngói âm dương, ngói lá…
Di vật ngói mũi hài và trang trí đầu ngói
Trang trí kiến trúc gồm 2 hiện vật tiêu biểu: gạch ốp trang trí hình rồng và gạch trang trí hoa cúc dây; các diềm trang trí: hình nhũ đinh (núm vú), hình chữ nhật, dẹt, được phủ men vàng (niên đại TK XVII – XVIII), diềm trang trí hình chữ L (số lượng lớn), diềm trang trí chữ T…
Trang trí bờ nóc tạo hình hoa 4 cánh; khối tượng rồng trang trí kiến trúc. Và một số hiện vật khác như: đinh sắt, hoa ốp cửa khóa bằng sắt.
Đồ gốm sứ:
Đồ gốm Việt Nam từ TK XIV đến TK XVIII. Đồ sứ Trung Quốc: Bát sứ, đĩa sứ, chén sứ. Đồ sứ Nhật Bản: số lượng ít đều thuộc loại men trắng có niên đại TK XVII.
Bát gốm men trắng vẽ lam
Các di vật khác: Lư hương đất nung; đồ kim loại: tiền đồng, vòng sắt, các mảnh sắt và xương răng động vật.
Nhận xét: Từ các hố khai quật ở 3 khu vực, Tả Vu, Hữu Vu, sân Rồng có thể thấy đợt khai quật thứ 7 tại khu trung tâm di tích Lam Kinh đã đem lại những nhận thức mới, bổ sung nguồn tư liệu về di tích với các mặt bằng kiến trúc và các di vật xuất lộ trong lòng đất.
Với kiến trúc Tả Vu và Hữu Vu: Khai quật cho thấy có qui mô to lớn, sự chồng chéo của nhiều lớp kiến trúc phản ánh các di tích được trùng tu sửa chữa liên tục trong suốt quá trình tồn tại. Quá trình đó diễn ra mạnh mẽ từ TK XV đến TK XVIII, đặc biệt là vào TK XVII – XVIII. Lần đầu tiên thông qua nghiên cứu hai khu vực này chúng ta đã tìm thấy các dấu tích kiến trúc thời Nguyễn với việc tái sử dụng nguyên vật liệu và mặt bằng kiến trúc thời Lê. Điều này được thể hiện trong ghi chép của các bộ sử thời Nguyễn về di tích Lam Kinh. Thông qua tài liệu khảo cổ chứng minh đây là một vấn đề mới để lý giải sự tồn tại của di tích Lam Kinh khi vương triều nhà Lê suy tàn.
Về tên gọi của hai di tích là Tả Vu và Hữu Vu được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xác định từ năm 1974 trên cơ sở so sánh vị trí kiến trúc này trong mối tương quan của Chính Điện Lam Kinh với kiến trúc ở Hoàng Thành Huế, với tả Vu – Hữu Vu ở Hoàng thành Huế.
Với kiến trúc khu vực sân Rồng: kết quả đã chứng minh sân được lát gạch khá qui chuẩn. Trong quá trình tồn tại, sân Rồng cũng liên tục được tu sửa. Với hai diện tích liền kề là Tả Vu – Hữu Vu đã xác định được kích thước sân khá lớn (55m x 57m) mặt bằng gần vuông. Những vết tích lát gạch và bó lối đi chính giữa sân Rồng cho biết có tới ba lối dẫn đi lên Chính Điện.
Sưu tập hiện vật: Các di vật thu được là một sưu tập có số lượng khá lớn. Sưu tập này sau khi chỉnh lý, phân loại, sẽ rất có giá trị nghiên cứu và trưng bày.
Như vậy kết quả nghiên cứu khảo cổ năm 2004 (cùng với các đợt trước đó) cho thấy mặc dù được khai quật trên diện tích khá lớn, song mật độ dày đặc cũng như quá trình tồn tại liên tục của di tích nên có những vấn đề được giải quyết, có những vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu, đặc biệt là khu vực Tả Vu.
Lê Thị Huệ (tổng hợp)
Nguồn: Báo cáo khai quật Khu di tích lịch sử Lam Kinh lần thứ 7 (2004). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử quốc gia.