Di tích hành cung Cổ Bi thuộc tổ dân phố Bình Minh, Thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm - Hà Nội), cách trung tâm Hà Nội khoảng 14 km về phía Đông. Vùng đất này xưa kia thuộc phủ Thuận An, trấn kinh Bắc, sau thuộc tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Sau năm 1945, hành cung Cổ Bi thuộc xã Quang Trung, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.
Cổ Bi là một vùng đất cổ, nơi có nhiều dấu ấn lịch sử đậm nét từ đầu Công nguyên là nơi hội quân, luyện tập võ nghệ của nghĩa quân Hai Bà Trưng trước khi tiến đánh Luy Lâu, thủ phủ của phong kiến đô hộ nhà Hán. Hiện nay, dấu tích còn lưu ở đền thờ thần Đô Hồ - một vị tướng tài ba của Hai Bà Trưng.
Đình Bình Minh trong khu di tích hành cung Cổ Bi.
Đến thời Lý, Trần và Lê, Cổ Bi đã là một thắng địa, nổi tiếng ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long. Sử sách đều xác nhận Cổ Bi xưa thuộc vùng Kinh Bắc, là vùng đất văn hoá lâu đời, nơi có phong cảnh hữu tình. Vào đầu thế kỷ , vùng đất này càng nổi tiếng vì liên quan mật thiết tới các chúa Trịnh, đặc biệt là Nhân vương Trịnh Cương - một vị chúa gần đây được giới nghiên cứu đánh giá là có nhiều đổi mới cải cách trong lĩnh vực kinh tế/tài chính thời Lê - Trịnh.
Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục: tháng 11 (1727) Trịnh Cương dựng phủ đệ mới ở Cổ Bi vì Cổ Bi là địa danh nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc, lại tiếp giáp với xã Như Kinh, là quê hương Trương Thái phi, mẹ đẻ của Trịnh Cương, nên Cương thường tuần du đến xã ấy… bèn sai xây dựng phủ đệ mới, công việc làm một tháng đã hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành.
Tiếp đó, vào năm Ất Hợi (1755), chúa Trịnh Doanh lại cho dựng cung miếu ở Cổ Bi, bởi cũng muốn “thiên đô” đến nơi này.
Cảnh quan khu vực di tích hành cung Cổ Bi
Tuy nhiên, trong quá trình tồn tại, cùng với hai lần xây dựng, Cổ Bi cũng có hai lần bị ảnh hưởng nặng nề, một là vào tháng 7 năm 1929 do “nước sông lên to, đê Cự Linh bị vỡ nước cuốn đi, đổ nát”, và một lần là do con Trịnh Cương là Trịnh Giang “gặp lúc Cương mất bèn nối ngôi” và ra lệnh “đình chỉ việc xây dựng cung điện”.
Theo truyền thuyết dân gian, cho đến giữa thế kỷ 18, Hành cung Cổ Bi là một hệ thống thành luỹ, cung điện nguy nga bề thế. Trên đồi Cổ Bi, đặt đại bản doanh chúa Trịnh, là một cung điện lớn, kiến trúc gỗ, hệ thống đường thành đi lên cung điện rộng rãi, hai bên có đặt các con thú lớn được tạo bằng đá xanh, ngồi chầu ở tư thế cân đối. Xung quanh Cổ Bi là hệ thống các hành dinh của các quan tuỳ tùng trong phủ chúa Trịnh. Bên trong thành Cổ Bi có rất nhiều cây cổ thụ, cành lá sum suê, càng tạo cho Cổ Bi trở thành một quần thể kiến trúc tuyệt đẹp. Trong kháng chiến chống Pháp, Hành cung Cổ Bi bị tàn phá nặng nề, lâu đài chính và hành dinh bao quanh đều bị đốt trụi, nay chỉ còn trơ nền cũ với hai hàng tượng voi, sư tử và hổ đá có kích thước lớn, là những di vật đặc sắc của nghệ thuật điêu khắc thế kỷ 18 (ảnh 3,4,5,6).
Tượng sư tử đá, voi đá và hổ đá còn lại trong hành cung Cổ Bi.
Những ghi chép của sử thành văn đã cho thấy một thời "vàng son, huy hoàng" của hành cung Cổ Bi/phủ Kim Thành xưa, song qua thời gian, hiện nay qui mô của di tích còn lại quá khiêm tốn. Chính bởi vậy, việc nghiên cứu và tìm lại hành cung Cổ Bi xưa đã trở thành mục tiêu của đợt nghiên cứu khảo cổ học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Qua thám sát và khai quật khảo cổ học ở khu vực khu trung tâm (gò) đình Bình Minh hiện nay sẽ từng bước tìm hiểu và khôi phục lại diện mạo vốn có của di tích.
- Diễn biễn địa tầng khảo cổ cho thấy trước khi nơi đây được các chúa Trịnh chọn làm hành cung và phủ đệ, đã là nơi cư trú của cư dân thuộc văn hoá Đông Sơn qua mảnh gốm nằm ở độ sâu 1,8 - 1,85m. Thực tế này là minh chứng cụ thể và sinh động cho các truyền thuyết dân gian có liên quan đến các ngôi mộ Hán và thời kỳ Bắc thuộc (gò Nhất Tự, gò Bánh Dầy, gò Trâu Đực, gò Đống, núi Voi...)
Gia cố móng tường bao (dạng nữ tường) hành cung Cổ Bi.
Tiếp đó là vết tích công trình kiến trúc thời Trần (chân tảng đá sa thạch, ngói mũi hài) nằm ở độ sâu 1,2 - 1,5m. Mặc dù vết tích tìm thấy chỉ là đống đổ kiến trúc, chưa có đơn nguyên kiến trúc nào được xác định, song qua nghiên cứu đối sánh với các công trình kiến trúc khác cùng thời, có thể nhận thấy chúng là vật liệu của các công trình kiến trúc tương đối có qui mô (kiến trúc tôn giáo, phủ đệ...). Tuy sử sách không ghi chép cụ thể vào thời kỳ này trên vùng đất Cổ Bi có công trình kiến trúc nào, song kiến trúc thời thời Lý - Trần tìm thấy ở khu vực phụ cận thì có nhiều. Đây là gợi ý cho nghiên cứu tiếp theo về khu vực này.
Đậm đặc hơn cả là các vết tích kiến trúc thời Lê trung hưng, được xác định là các bộ phận của hành cung Cổ Bi và phủ Kim Thành xưa. Đó là các gia cố móng tường bao, đống đổ vật liệu kiến trúc và vệt gia cố dăm đá vôi tạo thành lối chính lên phủ ở độ sâu 0,5 - 0,7m đến 1,4 - 1,5m. Trong số đó, đáng chú ý nhất là vệt gia cố sử dụng các mảnh sành, gốm men và phế liệu kiến trúc lèn chặt, theo trật tự tạo thành mặt bằng tương đối, là kỹ thuật đặc trưng của kiến trúc thời Lê. Đây có thể là vết tích móng tường bao (dạng nữ tường), giới hạn phía tây của hành cung Cổ Bi và phủ Kim Thành xưa. Vệt gia cố này có chiều hướng phát triển tiếp về phía đông và tây.
Ngoài ra, địa tầng các hố đào cũng cho biết, vào thời Nguyễn, mặc dù không còn vị trí và vai trò lịch sử nữa, song nơi đây vẫn được chú trọng xây dựng qua vết tích các loại vật liệu (gạch Bát Tràng, ngói...) và đống đổ phế liệu kiến trúc, có thể là của ngôi đình do dân làng trong khu vực dựng để thờ thành hoàng là Nhân vương Trịnh Cương. Bên cạnh đó, đợt khai quật đã thu được nhiều loại hình di vật phong phú, trong đó chủ yếu là các vật liệu tham gia xây dựng hành cung Cổ Bi và phủ Kim Thành xưa.
Như vậy, thông qua các vết tích kiến trúc xuất lộ cùng bộ di vật đi kèm, đã xác nhận được việc tìm thấy hành cung Cổ Bi xưa với những nhận thức mới, đầy đủ và cụ thể hơn được sử sách ghi chép và lưu truyền trong dân gian. Trong các hố đào đều xuất hiện khá đậm đặc vết tích kiến trúc thời Lê - Trịnh, với nhiều loại hình vật liệu kiến trúc phong phú, qua đó có thể xác định phạm vi phân bố của hành cung Cổ Bi/phủ Kim Thành xưa là khá rộng với khu trung tâm lại tập trung chủ yếu trong phạm vi đình và khu tổ dân phố Bình Minh hiện nay. Ngoài khu vực trung tâm, hành cung Cổ Bi/phủ Kim Thành, còn có các vòng thành bao bọc, kéo dài từ đê sông Đuống đến Dốc Lời, qua trung tâm Thị trấn Trâu Quì, sang đê Hội Xá (vết tích đoạn thành cao 1m, rộng gần 3m trên đường vào thôn Cam, sang thôn Vàng).
Tuy nhiên, do hành cung Cổ Bi/phủ Kim Thành chỉ đảm nhiệm chức năng trong thời gian ngắn do hoàn cảnh lịch sử qui định, nên có lẽ nhiều công trình kiến trúc mới chỉ ở dạng "qui hoạch", hay là "ý tưởng" mà chưa được "hiện thực hoá" bằng việc xây dựng, hoặc có xây dựng cũng chưa đi đến hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Qua theo dõi các vết tích kiến trúc, đặc biệt là diễn biến các loại hình hiện vật, không thấy sự xuất hiện các loại hoa văn trang trí (chỉ có duy nhất 1 mảnh trang trí rồng, còn các loại ngói ống và âm dương không thấy đầu và yếm là nơi thể hiện trang trí công phu và sự hoàn mỹ của công trình. Theo chúng tôi, hành cung Cổ Bi/phủ Kim Thành khi đó chưa có nhiều lắm các công trình kiến trúc được hoàn thành. Có thể chỉ có một số công trình "cốt yếu" được xây dựng, còn các công trình khác mới chỉ là "dự định", chưa phải là một hành cung, một phủ theo đúng nghĩa là những công trình qui mô, bề thế, toà ngang, dãy dọc....
Di tích đã được ngành Văn hoá TP. Hà Nội và các cấp chính quyền cùng bà con thân tộc họ Trịnh quan tâm, khoanh vùng bảo vệ, lập hồ sơ khoa học, phục vụ nghiên cứu lâu dài cũng như bảo tồn và phát huy giá trị. Trong thời gian tới, sau khi di tích đã được xếp hạng cấp Thành phố, cần có kiến nghị từng bước tiến tới xếp hạng cấp Quốc gia. Và khi đó, nên chăng, tên gọi của di tích sẽ là hành cung Cổ Bi, thay cho tên gọi đình Bình Minh như hiện nay, bởi như vậy mới xứng đáng và đúng với tên gọi của di tích.
TS. Nguyễn Văn Đoàn (Trưởng phòng NCST)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.