Thứ Bảy, 07/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

17/06/2013 14:31 5212
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
1. Ngoài những phát hiện lẻ tẻ của một số nhà Khảo cổ người Pháp, cho đến trước ngày giải phóng (1975), Khánh Hòa hầu như là vùng đất trống đối với khảo cổ học tiền - sơ sử.

Chính phát hiện di chỉ Xóm Cồn của Nguyễn Trọng Hiền, lúc đó là cán bộ Bảo tàng huyện Cam Ranh (năm 1978) và sự trợ giúp nhiệt tình của ông đã thu hút sự quan tâm của cán bộ Viện Khảo cổ, Ban Khảo cổ thuộc Viện Khoa học Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tới tiền - sơ sử Khánh Hòa. Sau nhiều đợt khảo sát, tháng 9 năm 1980, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Phú Khánh (cũ) khai quật di chỉ Xóm Cồn lần thứ nhất với diện tích 79m2. Đây là cuộc khai quật đầu tiên đặt cơ sở quan trọng trong việc nghiên cứu văn hóa Xón Cồn cũng như khảo cổ học tiền - sơ sử Khánh Hòa. Tròn 30 năm kể từ cuộc khai quật đầu tiên, bùi ngùi nhìn lại, chúng ta tưởng nhớ tới các nhà Khảo cổ học đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho Khảo cổ học Tiền - sơ sử Khánh Hòa. Giáo sư Trần Quốc Vượng, ông Nguyễn Trọng Hiền, Tiến sỹ Quang Văn Cậy, Họa sỹ Trịnh Căn, nhà Khảo cổ học Trương Hoàng Châu, Tiến sỹ Nguyễn Công Bằng….

2. Các tác giả tham gia khảo sát và khai quật Xóm Cồn đã đưa ra nhiều ý kiến khác nhau khi nghiên cứu di chỉ quan trọng này. Trịnh Sinh và Nguyễn Trọng Hiền xếp Xóm Cồn vào văn hóa Sa Huỳnh, nhưng lưu ý tới sự gần gũi về đồ đá giữa nó với các di tích ở Thuận Hải, và đồ gốm với các văn hóa Hạ Long, Hoa Lộc. Đặc biệt, tác giả có lưu ý tới tầng văn hóa dưới có thể giúp chúng ta tìm hiểu một số vấn đề về các giai đoạn văn hóa sớm trước văn hóa Sa Huỳnh cổ điển ở vùng này (Trịnh Sinh và Nguyễn Trọng Hiền, 1979). Trương Hoàng Châu xếp Xóm Cồn thuộc giai đoạn đầu của văn hóa Sa Huỳnh (Trương Hoàng Châu, 1981). Nguyễn Duy Tỳ và Bùi Chí Hoàng thì khẳng định Xóm Cồn là di tích cư trú đầu tiên tìm thấy ở ven biển miền Trung có tính chất giống với các cồn sò điệp Quỳnh Văn, Quỳnh Hồng, Gò Long Bắc (Nghệ Tĩnh), có niên đại chuyển tiếp từ Hậu kỳ đá mới sang Sơ kỳ kim khí, khoảng 3.500 - 4.500 năm cách ngày nay (Nguyễn Duy Tỳ, Bùi Chí Hoàng, 1980). Còn Vũ Công Quí xếp Xóm Cồn vào giai đoạn Sa Huỳnh sơ kỳ của loại hình Phú Khánh - Thuận Hải - Đồng Nai và đặt tên giai đoạn này là Xóm Cồn – Hòa Vinh (Vũ Công Quí, 1991). Với kết quả khai quật năm 1980, chúng tôi coi Xóm Cồn là di tích thuộc Sơ kỳ Thời đại đồng thau, tồn tại trong khoảng thiên niên kỷ II trước Công nguyên, nhưng khác với các tác giả kể trên, chúng tôi coi Xóm Cồn là một di tích năm ngoài hệ thống văn hóa Sa Huỳnh (Vũ Quốc Hiền, 1983).

Trong tình hình tư liệu và quan niệm về văn hóa Sa huỳnh còn rất hạn chế của những năm 80 thế kỷ XX, những ý kiến đánh giá khác nhau quanh địa điểm Xóm Cồn là điều bình thường và dễ hiểu. Chính những nhận định khác nhau của nhiều nhà nghiên cứu về Xóm Cồn, một di tích có tầng văn hóa dày hiếm hoi ở Miền Trung, có niên đại sớm liên quan đến nguồn gốc văn hóa Sa Huỳnh là một trong những yếu tố thúc đẩy Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh lần thứ nhất vào năm 1981. Trong hội thảo này, mặc dù còn có những ý kiến khác nhau nhưng đa số các nhà nghiên cứu đã tán thành quan niệm văn hóa Sa Huỳnh chỉ tồn tại trong Thời đại Sắt sớm của Giáo sư Hà Văn Tấn (Hà Văn Tấn, 1983). Chúng tôi cũng định hướng tiếp tục nghiên cứu Xóm Cồn theo quan niệm này.

3. Từ năm 1988, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh thực hiện chương trình nghiên cứu dài hạn khảo cổ học Tiền - sơ sử trên địa bàn tỉnh. Năm 1989, Phú Khánh tách thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, chương trình vẫn được tiếp tục trên cả địa bàn hai tỉnh mới. Ngót chục địa điểm khảo cổ học Tiền - sơ sử đã được phát hiện trong các đợt khảo sát dọc theo các huyện, thị ven biển Phú Yên, Khánh Hòa từ đèo Cù Mông tới vịnh Cam Ranh (Nguyễn Công Bằng và Quang Văn Cậy, 1988). Qua điều tra, thám sát sơ bộ đã phát hiện nhiều địa điểm có niên đại và tính chất tương đồng với di chỉ Xóm Cồn. Nhiều di tích trong số này đã được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin Phú Yên, Khánh Hòa tổ chức khai quật, nghiên cứu. Năm 1990 là địa điểm Bình Hưng trên đảo cùng tên thuộc xã Cam Bình, huyện Cam Ranh (Quang Văn Cậy, 1991). Di chỉ Xóm Cồn được khai quật lần 2 vào năm 1991 (Quang Văn Cậy, 1992), cùng năm, di chỉ Gò Ốc và Giồng Đồn thuộc xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên cũng được khai quật (Trương Hoàng Châu, 1993). Năm 1993, di chỉ Bích Đầm trên đảo Hòn Tre, Thành phố Nha Trang được khai quật. Trên đảo Hòn Tre, đoàn khảo sát của Giáo sư Trần Quốc Vượng và Tiến sỹ Lâm Thị Mỹ Dung đã phát hiện hai địa điểm Bãi Trủ và Đầm Già (Trần Quốc Vượng và Lâm Thị Mỹ Dung, 1990)…

Như vậy, sau nhiều năm kiên trì khảo sát, khai quật và nghiên cứu, các nhà khảo cổ của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa, Phú Yên, khoa Sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội đã phát hiện một hệ thống di tích tiền sử phân bổ ven biển Phú Yên, Khành Hòa, trải dài trên 200km từ vũng Cù Mông tới vịnh Cam Ranh. Hệ thống di tích này bước đầu xác định 8 di tích: Xóm Cồn, Bình Hưng, Bình Ba, Bích Đầm, Bãi Trủ, Đầm Già (Khánh Hòa), Gò Ốc, Giồng Đồn (Phú Yên). Các di tích này có môi trường sinh thái, đặc trưng gốm và công cụ giống nhau… đủ để xác lập một văn hóa khảo cổ mới tồn tại trước văn hóa Sa Huỳnh, đó là văn hóa Xóm Cồn.

Thuật ngữ văn hóa Xóm Cồn được sử dụng lần đầu để đặt tên cho một chuyên khảo nhan đề: Văn hóa Xóm Cồn với Tiền và sơ sử Khánh Hòa do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa ấn hành năm 1993 (Nguyễn Công Bằng và NNK, 1993). Nội dung và các mối quan hệ của văn hóa Xóm Cồn cũng đã được làm rõ hơn trong Luận án phó Tiến sỹ Khoa học Lịch sử của Vũ Quốc Hiền năm 1996 (Vũ Quốc Hiền, 1996).

4. Văn hóa Xóm Cồn được xác lập với những đặc trưng cơ bản sau:

- Dù phân bố ở đất liền hay các đảo ven bờ, cư dân văn hóa Xóm Cồn đều chọn địa điểm là các cồn cát gần mép nước biển làm nơi cư trú. Biển mà các cư dân văn hóa Xóm Cồn hướng ra đều là biển kín hay đúng hơn là vũng, vịnh biển. Gắn với những vũng, vịnh này là hệ thống rừng núi liền kề. Hệ thống rừng núi này vừa là bình phong tự nhiên che chắn gió bão, vừa là môi sinh lí tưởng đối với cư dân Xóm Cồn.

- Ngoại trừ di chỉ Bình Ba vừa có tính chất cư trú, vừa có tính chất mộ táng, các di chỉ khác thuộc văn hóa Xóm Cồn cho đến nay đều là di chỉ cư trú trên các cồn cát ven biển. Trong tầng văn hóa của các di chỉ văn hóa Xóm Cồn đều tích tụ một khối lượng nhất định vỏ nhuyễn thể biển. Sự tích tụ này khác nhau giữa các di tích và không đồng nhất ngay trong cùng một di chỉ. Có hai loài nhuyễn thể khác đặc trưng, trong các di chỉ thuộc Thời đại Kim khí ở Việt Nam cho tới nay (1996) mới thấy phổ biến trong tầng văn hóa Xóm Cồn là Ốc tai tượng (Tridacna sp.) và Ốc mặt trăng (Turbo sp.).

- Cư dân văn hóa Xóm Cồn khai thác nguyên liệu đá tại chỗ để chế tác công cụ, đó là loại đá trầm tích biến chất và cuội sông, biển. Kỹ thuật chủ yếu mà người Xóm Cồn sử dụng để chế tác đồ đá là ghè, đẽo và mài, họ cũng khá thuần thục với kỹ thuật cưa, khoan trong việc chế tác đồ trang sức.

- Đặc trưng nổi bật trong sưu tập đồ đá văn hóa Xóm Cồn là sự độc tôn của rìu không có vai và sự hiếm hoi của đồ trang sức. Sự bảo lưu công cụ đá ghè đẽo kiểu Hòa Bình và ưa sử dụng rìu hình thang đốc thu nhỏ, lưỡi xòe cân là đặc điểm đáng lưu ý của cư dân văn hóa Xóm Cồn.

- Xương động vật và vỏ các loài nhuyễn thể biển rất được người Xóm Cồn chú ý khai thác và trở thành một trong những nguồn nguyên liệu chính để chế tác công cụ và đồ trang sức. Người cổ Xóm Cồn đưa kỹ thuật chế tác đá vào chế tác vỏ nhuyễn thể, với một số loại hình lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam như công cụ ghè đẽo, lõi vòng từ ốc tai tượng, đặc biệt là công cụ vảy ốc, có thể xem đó như là đặc trưng cơ bản của văn hóa Xóm Cồn.

- Đa số đồ gốm Xóm Cồn thuộc loại gốm thô vừa phải, xương ít cát thô và vỏ nhuyễn thể, chủ yếu được nặn bằng tay. Loại hình đồ gốm khá đơn giản với 2 loại chính là đồ đựng miệng loe không chân đế và đồ đựng có chân đế dạng bát bồng hay cốc chân cao với các loại miệng khá đơn giản.

Nét đặc trưng của văn hóa Xóm Cồn thể hiện rõ trên hoa văn trang trí gốm: gốm văn chải chiếm gần như tuyệt đối và chủ yếu gắn với các loại đồ đựng miệng loe không chân đế, hoa văn in chấm với các đồ án độc lập; gốm tô màu và vẽ màu.

Tới hôm nay, cơ bản văn hóa Xóm Cồn đã được thừa nhận là một văn hóa khảo cổ trước Sa Huỳnh, có nhà nghiên cứu còn cho nó là một văn hóa tiền Sa Huỳnh. Dù quan niệm thế nào chúng ta cũng thấy nhiều yếu tố của văn hóa Xóm Cồn còn bảo lưu rõ nét trong văn hóa Sa Huỳnh. Đó là kỹ thuật hoa văn in chấm, tô màu trên gốm… cùng phương thức sống gắn liền với nguồn lực của cả biển và rừng…

5. Hơn một thập niên gần đây, Khảo cổ học Tiền - sơ sử Khánh Hòa đã có nhiều phát hiện thuộc những giai đoạn khác nhau như Hòa Diêm (Nguyễn Công Bằng, 2005), Văn Tư Đông (Trần Quí Thịnh, Nguyễn Ngọc Quí, 2009), Vĩnh Yên (Nguyễn Khắc Sử, Phan Thanh Toàn, 2009)… Đó là những phát hiện quan trọng đối với Khảo cổ học Tiền - sơ sử Khánh Hòa. Tuy không được trực tiếp nghiên cứu nhưng qua các tài liệu đã công bố, tôi thấy ít nhiều chúng đều có liên quan tới các yếu tố thuộc văn hóa Xóm Cồn.

Xác lập văn hóa Xóm Cồn là một dấu mốc quan trọng trong nghiên cứu Tiền - sơ sử Khánh Hòa, việc tiếp tục nghiên cứu nó trong mối liên hệ tổng thể, đa chiều với những di tích khảo cổ khác ở Khánh Hòa cũng như khu vực Miền Trung, theo tôi, vẫn rất hữu ích.

TS. Vũ Quốc Hiền

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Tài liệu dẫn:

- NGUYỄN CÔNG BẰNG 2005. Di tích Hòa Diêm, Khánh Hòa nhìn từ văn hóa Đồng Nai, Khảo cổ học số 4: 48 - 54.

- NGUYỄN CÔNG BẰNG VÀ QUANG VĂN CẬY, 1998. Những phát hiện mới về Khảo cổ học: 57 -58.

- NGUYỄN CÔNG BẰNG, TRỊNH CĂN ,QUANG VĂN CẬY XŨ QUỐC HIỀN, PHẠM VĂN HOÁN, NGÔ THẾ PHONG, 1993. Văn hóa Xóm Cồn với Tiền sử và Sơ sử Khánh Hòa. Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam -Sở Văn hóa - Thông tin Khánh Hòa, Nha Trang.

- QUANG VĂN CẬY, 1991. Di chỉ Bình Hưng (Khánh Hòa). Thông báo khoa học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: 30 - 36.

- QUANG VĂN CẬY, 1992. Kết quả khai quật di chỉ Xóm Còn lần thứ hai năm 1991. Những phát hiện mới về Khảo cổ học: 95 - 100.

- TRƯƠNG HOÀNG CHÂU, 1981. Mấy vấn đề về văn hóa Sa Huỳnh. Báo cáo tại Hội nghị nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.

- TRƯƠNG HOÀNG CHÂU, 1993. Khai quật di chỉ Gò Ốc và di chỉ Giồng Đồn (Phú Yên). Thông báo khoa học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: 1 - 24.

- VŨ QUỐC HIỀN, 1983. Di chỉ Xóm Cồn (Phú Khánh). Thông báo khoa học, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam: 39 - 44.

- VŨ QUỐC HIỀN, 1996. Văn hóa Xóm Cồn và vị trí của nó trong thời đại kim khí ven biển miền Trung. Luận án phó Tiến sỹ Khoa học Lịch sử.

- VŨ CÔNG QUÍ 1991. Văn hóa Sa Huỳnh. Nxb, Văn hóa Dân tộc.

- TRỊNH SINH VÀ NGUYỄN TRỌNG HIỀN 1979. Di chỉ Xóm Cồn (Phú Khánh). Những phát hiện mới về Khảo cổ học: 150 - 152.

- NGUYỄN KHẮC SỬ, PHAN THANH TOÀN 2009. Di chỉ Vĩnh Yên trong hệ thống khảo cổ học Tiền - sơ sử Khánh Hòa. Khảo cổ học số 1: 12 - 24.

- TRẦN QUÍ THỊNH, NGUYỄN NGỌC QUÍ 2009. Di chỉ Văn Tứ Đông (Khanhs Hòa). Tư liệu qua khai quật năm 2006. Khảo cổ học số1: 3 -18.

- NGUYỄN DUY TỲ VÀ BÙI CHÍ HOÀNG 1980. Thám sát lại địa điểm Xóm Cồn (Phú Khánh). Những phát hiện mới về Khảo cổ học: 147 - 150.

- TRẦN QUỐC VƯỢNG VÀ LÂM THỊ MỸ DUNG 1990. Báo cáo kết quả khảo sát khảo cổ học tại tỉnh Khánh Hòa. Những phát hiện mới về Khảo cổ học: 209 - 211.

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội, Việt Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội, Việt Nam

  • 10/06/2013 10:02
  • 3937

Bảo tàng Lịch sử quốc gia chính thức được thành lập ngày 26-9-2011 tại Hà Nội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.