Thứ Ba, 10/12/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

01/05/2013 09:20 11483
Điểm: 4.67/5 (3 đánh giá)
Thăng Long - Hà Nội là nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi kết tinh sức sống của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng văn hóa, văn minh Việt Nam. Người Việt Nam dù là ai, ở bất cứ nơi đâu cũng đều yêu thương gắn bó, coi Thăng Long - Hà Nội là quê hương máu thịt của mình.

Thăng Long - Hà Nội - kinh đô trên nghìn năm tuổi. Không chỉ ở khu vực Đông Nam Á, mà nhìn rộng ra trên phạm vi toàn thế giới, thật hiếm có thủ đô của một quốc gia nào lại có bề dày lịch sử - văn hóa như Thăng Long - Hà Nội.

Ngay từ ngày đầu định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã cho xây tòa thành Thăng Long rộng lớn, mở 4 cửa các phía Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong thành, ông cho xây dựng một hệ thống các điện, cung, chùa…nguy nga, tráng lệ, đủ làm chỗ ở của đế vương, với kỳ vọng đây sẽ là nơi “thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Bắc Môn

1.Vị trí, quy mô:

Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được xác định có quy mô vùng lõi = 18,39ha (khu thành cổ: 13,86ha, khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu: 4,53ha) và vùng đệm 108ha. Hai khu vực lõi là một thể thống nhất nằm sâu trong Cấm thành (Trung tâm Hoàng thành Thăng Long). Đây cũng là trung tâm hành chính chính trị của Nhà nước quân chủ, nơi trị vì đất nước và nơi ở của Hoàng Đế và Hoàng gia. Giai đoạn bị thực dân đô hộ, đây là đại bản doanh của quân đội tại Đông Dương. Kể từ sau 1954 khu vực này là trung tâm, đầu não quân sự của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khu vực vùng đệm chủ yếu là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia - Khu trung tâm Ba Đình.

Cổng phía Đông - Thành Cổ

2. Nhận diện đặc thù về quy hoạch và tổ chức cảnh quan

Trong 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và xa hơn là 2300 năm từ Cổ Loa thời Thục An Dương Vương, kinh thành Thăng Long - Hà Nội đã là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều nền văn minh lớn trong khu vực, nơi tiếp nhận ảnh hưởng từ nhiều tôn giáo như: Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo; nhiều hệ tư tưởng như: Dân chủ tư sản và chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được tiếp thu, chọn lọc để phù hợp với văn hóa, điều kiện tự nhiên tạo nên bản sắc độc đáo riêng biệt của Thăng Long - Hà Nội thể hiện rõ nét và trước hết là ở cấu trúc quy hoạch, ở tư tưởng phong thủy, ở sự kết hợp hài hoà các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, nghệ thuật tạo hình và cảnh quan đô thị. Để thấy rõ hơn có thể so sánh với các trung tâm quyền lực khác ở Châu Á như Trường An, Tử Cấm thành - Bắc Kinh - Trung Quốc, Nara - Nhật Bản hay kinh đô Huế….; cho thấy Thăng Long - Hà Nội có cấu trúc đặc thù từ tổ chức không gian theo trục chính (Hoàng đạo) Bắc - Nam và có các trục phụ gắn kết với cảnh quan. Trong cấu trúc này yếu tố địa lý, khí hậu được khai thác rõ trong quy hoạch. Không gian mặt nước (hồ, suối nhỏ), cây xanh (trong đó còn giữ lại những chủng loại cây được quy hoạch từ cuối thế kỷ 19 do quy hoạch thời Pháp rất đáng quan tâm). Tổ chức không gian các công trình kiến trúc hiện diện và qua di tích khảo cổ cho thấy có sự đa dạng về phong cách song hài hoà, tôn trọng công trình chủ thể, mỗi khu vực với chức năng riêng có điểm nhấn kiến trúc riêng.

3. Nhận diện các công trình di sản

Tính liên tục và đa dạng với kế thừa chọn lọc trong các công trình là những di sản hiện diện qua khảo cổ rất cần được quan tâm.

- Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu: những kết quả khai quật cho thấy các di tích trên thành Đại La, thành Thăng Long, thành Hà Nội với quy mô, kết cấu gỗ, mái ngói và đặc biệt là các trang trí mái (đầu rồng, phượng, ngói úp mái, ngói ống có hoa văn,...) cho phép hình dung ra các công trình tráng lệ có thẩm mỹ cao. Hơn thế nữa, những đồ gốm, đồ kim loại mà khảo cổ phát hiện cho thấy công trình gắn kết với chức năng sử dụng có sự thống nhất đặc biệt (hình thức - chức năng sử dụng - nội thất).

- Kỳ Đài (Cột cờ) là kiến trúc thời Nguyễn còn lại nguyên vẹn.

- Nền điện Kính Thiên : được xây dựng giữa thế kỷ 15 trên nền điện Càn Nguyên thời Lý được xây dựng ở vị trí trung tâm Hoàng Thành với cốt nền cao hơn các nơi khác đã tạo nên giá trị kiến trúc nhất và từng được xem là “tuyệt tác kiến trúc”.

- Đoan Môn và cổng phía Nam là lối đi chính vào Cấm thành giữa Đoan Môn và điện Kính Thiên là không gian trống (sân rồng - Đan trì), nơi cử hành các nghi lễ (ngày nay có thể xem là quảng trường). Đây là cấu trúc không gian cần quan tâm để áp dụng cho các công trình văn hóa - hành chính.

- Hậu Lâu : công trình hiện còn là do người Pháp xây dựng song cho ta hình dung được khu lầu Công chúa hay Hậu điện thời Nguyễn, nơi nghỉ ngơi của các cung tần, mỹ nữ.

- Bắc Môn : cổng phía Bắc,xây dựng đầu thế kỷ 19 (thời Nguyễn) với tầng đế nghiêng và Vọng lâu 2 tầng là loại hình kiến trúc thể hiện rõ giải pháp kiến trúc với các chi tiết mái dốc, máng thoát nước,...đặc thù của Việt Nam mà chưa được khai thác.

Cổng phía Tây Thành Cổ

- Tường bao và 8 cổng hành cung thời Nguyễn xây dựng từ thời Nguyễn theo kiểu thành Vauban. Đây cũng là công trình có giá trị từng được người Pháp xếp hạng (1925).

- Các công trình kiến trúc Pháp: trong khu thành cổ, người Pháp đã xây dựng nhiều công trình như nhà chỉ huy Pháo binh (trên nền điện Kính Thiên), một số công trình khai thác theo phong cách tân cổ điển - tiền thuộc địa đã được chỉnh sửa để phù hợp với điều kiện khí hậu.

- Nhà và hầm D67: được xây dựng mới từ năm 1967, đây là nơi làm việc của đầu não quân sự Việt Nam trong chiến tranh thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định những giá trị của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long và Thành cổ Hà Nội bao gồm:

- Giá trị nhận diện bản sắc: Di sản Hoàng Thành Thăng Long là minh chứng sống động về nét độc đáo riêng biệt của Hà Nội dựa trên sự hội nhập các yếu tố cổ và hiện đại. Hơn nữa, bảo tồn di sản Hoàng Thành cũng là bảo tồn minh chứng hữu hình về sự phát triển liên tục của lịch sử dân tộc Việt Nam và đặc trưng của tổ chức Nhà nước Việt Nam hơn 1.000 năm qua.

Thành cổ HN – Bản đồ Đồng Khánh (1886-1888)

- Giá trị lịch sử: Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, kể cả di tích khảo cổ học phát hiện trong lòng đất và các di tích trên mặt đất, phản chiếu bề dày lịch sử gần như liên tục từ thủ phủ An Nam, thành Đại La thế kỷ 7 – 9 thời thuộc Đường, đến Cấm thành Thăng Long từ thời Lý qua Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê trung hưng cuối thế kỷ 18, rồi thành Thăng Long – Hà Nội thời Nguyễn thế kỷ 19, qua thời Pháp thuộc cho đến hiện nay.

- Giá trị văn hoá: Di tích Hoàng Thành góp phần tăng cường hiểu biết lịch sử nhân loại, nâng cao hình ảnh của Hà Nội và Việt Nam như một trung tâm văn hoá có bề dày lịch sử, từ đó khuyến khích niềm tự hào dân tộc.

- Giá trị tuyên truyền giáo dục về truyền thống: Di tích Hoàng Thành là một giáo cụ trực quan sống động về lịch sử, là nguồn cung cấp nhiều tư liệu độc đáo, minh chứng thuyết phục vị thế của Hà Nội là kinh đô của nước Đại Việt, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết của người dân về quá trình phát triển Hà Nội và lịch sử dân tộc.

- Giá trị phát triển du lịch: Việc bảo tồn khu di tích Hoàng Thành sẽ tạo sức hút lớn về du lịch cho thành phố Hà Nội và Việt Nam nói chung. Phát triển hệ thống di sản Hoàng Thành góp phần quan trọng đưa Hà Nội vào danh sách điểm đến trên thế giới. Đây là nhân tố ảnh hưởng lớn trong việc khuyến khích nghành du lịch trong nước đi lên theo hướng chuyên nghiệp và thu hút được nhiều lợi ích từ bên ngoài.

- Giá trị khoa học: Khu di tích với bề dày lịch sử khoảng 13 thế kỷ, trong đó có gần 10 thế kỷ từ khi vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long đến nay, là nơi diễn ra sự giao thoa nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa toàn cầu của phương Đông và thế giới, biểu thị trong quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng. Trên cơ sở nền văn hóa có cội nguồn bền vững bên trong, các giá trị và ảnh hưởng bên ngoài được tiếp thu và kết hợp với các giá trị bên trong, được vận dụng một cách hài hòa phù hợp với điều kiện tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Di tích này sẽ cung cấp những tư liệu lịch sử độc đáo, xác thực phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu.

- Giá trị kiến trúc quy hoạch:

+ Di tích thành cổ Thăng Long - Hà Nội là trung tâm chính trị của nước Việt Nam trong suốt thời gian dài và liên tục từ năm 1010 đến năm 1802 và sau năm 1954 cũng là căn cứ của Tổng hành dinh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

+ Khu di tích KCH 18 Hoàng Diệu nằm trong khu vực Cấm Thành tức trung tâm của Hoàng Thành.

+ Thông qua hệ thống mặt bằng kiến trúc của di tích bao gồm nền nhà, sân gạch, chân tảng đá, trụ móng, cột gỗ và hệ thống đường cống thoát nước, đường đi, giếng nước có thể bước đầu nhận diện về quy mô và diện mạo của các kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long.

Thềm rồng - Nền điện kính thiên Thành Cổ

- Giá trị nghệ thuật và vật liệu xây dựng:

+ Sự đa dạng về đề tài, kiểu dáng trang trí trên các vật liệu đất nung được tìm thấy ở khu di tích Hoàng Thành cho thấy nghệ thuật tạo hình đã rất phát triển. Thông qua đó có thể hiểu thêm về phong cách nghệ thuật, ứng dụng kỹ thuật dân gian và sự phối hợp tài tình các vật liệu của thời đại trước.

+ Dựa vào quy mô của các phế tích kiến trúc cho thấy với kỹ thuật truyền thống có thể dựng những công trình có quy mô lớn gấp nhiều lần với ngôi nhà dân gian. Kết quả khảo cổ cho thấy có nhiều sáng tạo trong xử lý nền móng như: gia cố trụ móng bằng sỏi, đất, gạch trên nền đất yếu. Kỹ thuật xây giếng, vỉa nền, sản xuất vật liệu, gạch, ngói… là những kinh nghiệm dân gian quí báu có thể khai thác khi phục chế, tu bổ, tôn tạo công trình cổ.

- Với tất cả giá trị đó, khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã được đánh giá là Di sản Văn hoá thế giới:

+ “Thể hiện sự chuyển đổi quan trọng của các giá trị nhân văn, qua một thời kỳ hay bên trong một khu vực văn hoá của thế giới, về những phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, quy hoạch thành phố hay cảnh quan”.

+ “Chứa đựng một minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác thường về một truyền thống văn hoá hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc diệt vong”.

+ Có mối liên hệ trực tiếp hoặc rõ ràng với những sự kiến hay truyền thống còn hiện hữu trong cuộc sống hiện tại, với các tư tưởng hay tín ngưỡng, với các tác phẩm nghệ thuật và văn học có giá trị nổi bật toàn cầu.

Chính vì Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mang trong mình những giá trị toàn cầu - được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: Chiều dài lịch sử văn hóa; Tính liên tục của tài sản với tư cách là một trung tâm quyền lực và các tầng di tích di vật phong phú nên đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 01/8/2010.

ThS. Nguyễn Hải Vân

Ban XDND&HTTB Bảo tàng LSQG

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: