Trong đời sống của người Việt, gỗ là nguyên liệu khá phổ biến được sử dụng làm đồ gia dụng, vật liệu và trang trí kiến trúc.
Trải qua hàng ngàn năm, những sản phẩm bằng chất liệu gỗ còn lại đến ngày nay không nhiều và khó nguyên vẹn. Tuy nhiên, Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay lại lưu giữ một sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng vô cùng phong phú, trong đó có những hiện vật khá tiêu biểu, quý hiếm. Những tác phẩm này không chỉ thể hiện sự tài khéo của nghệ nhân xưa mà còn chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật triều Nguyễn.
Nghề sơn ở nước ta được người Việt sử dụng từ rất sớm. Trong thời kỳ văn hóa Đông Sơn, đã xuất hiện dấu vết của sơn trên chiếc mộc da (tấm chắn) trong mộ Việt Khê (Hải Phòng). Trải qua các triều Ngô - Đinh - Tiền Lê, Lý, Trần,...cho đến triều Nguyễn, từ cung điện cho đến đền, chùa, đình, miếu đều được tu bổ thêm rất nhiều công trình kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ,...Công cuộc kiến tạo kinh đô, chùa tháp lộng lẫy trong đó có nhiều bộ phận trang trí kiến trúc bằng gỗ sơn son thếp vàng chính là yếu tố kích thích nghề sơn trở nên hưng thịnh tạo nên những thợ mộc, thợ sơn, thếp tài hoa. Kế thừa truyền thống đó, nghề chạm khắc gỗ sơn son thếp vàng tiếp tục được người Việt nối đời gìn giữ, phát triển và những tác phẩm sơn son thếp vàng thế kỷ 19 - 20 là kết quả của sự kế thừa ấy.
Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng (thế kỷ 19-20), đồ thờ.
Sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng thế kỷ 19 -20, trưng bày ở Bảo tàng chủ yếu là đồ thờ như: Hoành phi, câu đối, ngai, mõ, cây quán tẩy,...với các đề tài trang trí như: tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), loài vật (chim, hạc, chim sẻ, chim phượng, dơi,...), các hình tượng khác (đồng tiền, hình mặt trời, âm dương, chữ thọ,...), ...Trải qua thời gian, nhưng những tác phẩm gỗ sơn son thếp vàng vẫn còn nhẵn, óng và thể hiện được nét chạm tinh xảo qua từng đề tài trang trí.
Chất liệu để tạo tác đồ thờ thường là loại gỗ mít, dổi, vàng tâm bởi các loại gỗ này đã đáp ứng được những yêu cầu cơ bản về độ bền, thẩm mỹ, dễ chạm,...Gỗ mít hoặc gỗ dổi lúc còn tươi thì rất mềm, rất dẻo, nhẹ giúp nghệ nhân dễ dàng tạo những nét chi tiết của đồ thờ một cách nhanh chóng, mềm mại, sống động theo ý tưởng của họ. Hơn nữa, các thớ gỗ có sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo độ mịn cho thân gỗ dễ tạc, dễ ăn sơn hơn và chống nứt vỡ qua thời gian.
Để tạo nên tác phẩm gỗ sơn son thếp vàng đẹp lộng lẫy, người thợ phải có tay nghề cao tính được tỉ lệ (chiều cao, chiều rộng) chính xác của những đồ thờ tạo tác. Quy trình chế tác đồ gỗ sơn son thếp vàng bao gồm nhiều công đoạn khác nhau.
Chạm gỗ: Sau khi chọn được gỗ tốt, người thợ đục phác lấy dáng đồ vật, đục chi tiết từng bộ phận. Đặc biệt, người thợ kết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp chạm nổi, chạm lộng và trổ thủng sao cho các mảng khối phải thể hiện kỹ các đường uốn lượn tinh tế của sản phẩm. Sau đó, giáp mịn bề mặt đồ gỗ.
Làm sơn: Sơn của nước ta được chế ra từ nhựa cây sơn trên rừng. Cây sơn có tên khoa học là Rhussueeldanea, là đặc sản của nước ta và có ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Cây sơn gồm có sơn tự nhiên và sơn trồng. Cây sơn trồng từ khi gieo hạt tới lúc lấy được nhựa phải mất 3 năm. Người ta có thể lấy nhựa ở cây sơn trong 6 đến 8 năm liền, rồi sau chỉ hạ xuống làm củi, vì cây đã hết nhựa. Nhựa sơn lấy từ cây sơn gọi là sơn sống. Sơn sống được để nguyên tại chỗ ba, bốn tháng cho đứng sơn (lắng sơn) và tạo ra nhiều lớp sơn khác nhau. Lớp lỏng trên cùng có màu nâu, gọi là sơn mặt dầu, đây là lớp sơn tốt nhất. Tiếp đó, là sơn dọi. Dưới nữa là sơn thịt, sơn hom. Lớp cuối cùng là sơn thép (hay gọi là sơn nước thiếc). Với nồng độ sơn của mỗi lớp, người thợ sơn pha chế thành các loại sơn khác nhau. Sơn có 3 màu chính: màu đen gọi là sơn then, màu nâu gọi là sơn cánh gián, màu đỏ gọi là sơn son. Sơn then được làm rất cẩn thận và có bí quyết riêng. Muốn có sơn then, thì đem trộn với nhựa thông và phèn đen, rồi đem quấy kỹ. Quấy như thế, là để sơn chín kỹ. Sơn mà không chín già, thì màu sơn không bóng và sơn bền kém. Muốn có sơn son và sơn cánh gián thì cũng phải làm tương tự như vậy. Có điều khi pha chế thì có tỉ lệ khác. Để tạo màu sơn cánh gián thì người thợ phải trộn ba phần sơn sống với một phần nhựa thông; để tạo màu sơn son thì lấy sơn trộn với son, nguyên liệu làm son được lấy từ quặng chu sa, thần sa có nguồn gốc ở Cao nguyên Thanh Tạng (Trung Quốc), được nghiền kĩ, lọc nhiều lần, tạo thành nhiều màu son khác nhau (son chai, son đỏ, son thẫm), là có màu sơn son theo ý muốn.
Ngai thờ, đồ gỗ sơn son thếp vàng (thế kỷ 19-20)
Sơn, thếp đồ vật: Công việc sơn thếp đòi hỏi phải thật tỉ mỉ. Người thợ dùng giấy giáp đánh nhẵn đồ vật đã được chạm khắc. Việc sơn then hoặc sơn son thếp vàng rất công phu. Bước đầu là gắn sơn, sơn lót, rồi mới tới việc sơn phủ. Đấy là sơn hàng trơn, còn như muốn đồ vật hàng sơn hào nhoáng hơn, thì ta dát vàng quỳ lên lớp sơn phủ khi còn ướt. Công việc làm vàng quỳ cũng vô cùng quan trọng. Quỳ là một loại bột từ vàng miết trên một tờ giấy mỏng (giấy quỳ). Người ta đem những lá vàng dát mỏng thành những mảnh vuông, xếp vào giữa những tờ giấy, rồi dùng búa nện đều cho đến khi vàng tan thành bột. Lớp sơn này khi khô thì giữ lớp vàng quỳ này thật chắc và màu sắc của vàng quỳ làm đồ vật thêm lộng lẫy, sang trọng.
Bộ sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng thế kỷ 19 -20, trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia không chỉ phản ánh cuộc sống sung túc, sự phong phú trong tín ngưỡng của cư dân triều Nguyễn mà còn minh chứng sống động về nghề sơn cổ truyền của nước ta phát triển trong suốt một thời gian dài.
Kế thừa sự phát triển của những trung tâm sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ nổi tiếng xưa như: làng nghề Hạ Thái (Thường Tín, Hà Nội), làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), làng nghề Thiết Úng (Đông Anh, Hà Nội),…các sản phẩm gỗ sơn son thếp vàng không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam được ưa chuộng ở thị trường trong nước mà còn được xuất khẩu sang các quốc gia có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ với quy mô xuất khẩu hàng năm vào khoảng 1,5 tỷ USD, chiếm 1/5% thị phần trên toàn thế giới. Điều đó cho thấy, cánh cửa mở ra đối với doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ là vô cùng lớn. Song để hàng thủ công mỹ nghệ trở thành ngành mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế đất nước, thì Việt Nam cần có nhiều chính sách ưu đãi hơn nữa đối với các làng nghề truyền thống sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ như: đa dạng hóa hơn nữa về mẫu mã sản phẩm, đầu tư làm những sản phẩm có tính sáng tạo cao, đáp ứng yêu cầu thay đổi nhanh về thị hiếu của khách hàng, chuyên môn hóa sản xuất theo từng công đoạn,…Đây không chỉ là yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mà góp phần xây dựng, hoạch định những chính sách đúng đắn nhất để bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như phát triển làng nghề thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế đất nước trong hiện tại và tương lai.
Phạm Thanh Huyền
Phòng Giáo dục, Công chúng