Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

26/03/2013 16:00 3845
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Quan tâm đến công chúng; không ngừng tìm tòi, sáng tạo, đổi mới cách thu hút công chúng và phục vụ công chúng ngày càng tốt hơn, luôn là mong muốn và nhiệm vụ của tất cả các bảo tàng. Với Bảo tàng Lịch sử quốc gia - bảo tàng đầu hệ về loại hình bảo tàng lịch sử xã hội, điều này rất cần thiết.

Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục như: hướng dẫn phục vụ khách tham quan tại Bảo tàng; khai thác, sử dụng tài liệu, hiện vật của bảo tàng cho việc học tập môn sử ở các trường học; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học, địa phương tổ chức tham quan ngoại khóa phục vụ học tập; tổ chức nói chuyện chuyên đề; giao lưu nhân chứng lịch sử, giờ học sử tại bảo tàng v.v… Những hoạt động đó đạt được nhiều kết quả tốt; thu hút được sự quan tâm và đồng thuận của công chúng. Trong đó, Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử’ là một mô hình đã được dư luận công nhận có hiệu quả giáo dục tốt. Ra đời từ năm 2007, là sáng kiến của phòng Trưng bày- Tuyên truyền, nay là phòng Giáo dục, Công chúng, CLB “Em yêu lịch sử” đã đi được một chặng đường hơn 6 năm. Đối tượng tham gia CLB này là tất cả học sinh phổ thông các cấp học từ tiểu học trở lên. Ban Chủ nhiệm CLB là cán bộ của phòng Giáo dục, Công chúng. Đồng hành với CLB là đội ngũ những cán bộ giáo viên dạy môn lịch sử của các cấp học phổ thông. Nội dung sinh hoạt của CLB bám vào các sự kiện lịch sử, ngày lễ lớn; hoặc theo chương trình học của sách giáo khoa tùy theo đối tượng học cấp nào.

Ảnh: Một giờ học của CLB “Em yêu lịch sử” tại BTLSQG

Nội dung mỗi kỳ sinh hoạt được BCN và các trường học bàn bạc, thống nhất và phối hợp thực hiện. Mỗi lần sinh hoạt CLB là một chủ đề khác nhau, không lần nào giống nhau. Chủ đề sinh hoạt vì thế khá phong phú, nhưng tập trung vào 5 nhóm nội dung gồm: các sự kiện lịch sử Việt Nam tiêu biểu; các nhân vật lịch sử tiêu biểu; các di tích lịch sử (di tích văn hóa) tiêu biểu; các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước và lịch sử địa phương (đối với những lần tổ chức thí điểm ở các tỉnh, thành phố khác). Đặc biệt chú trọng hình thức tổ chức mỗi lần sinh hoạt làm sao để hấp dẫn các em, Ban Chủ nhiệm và các trường đã có nhiều kịch bản để yếu tố “học mà chơi, chơi mà học” luôn hỗ trợ cho nhau. Th.s Nguyễn Kim Thành -chủ nhiệm CLB từng chia sẻ: “làm sao để mỗi lần tới CLB, các em được chơi hết mình, tư tưởng thật thoải mái, nhưng chơi mà lại là học, học một cách tự nhiên, trực giác: tai nghe- mắt thấy- tay sờ- cảm nhận- ghi nhớ. Học như thế mới nhớ kỹ và nhớ rất lâu. Làm sao để biến mỗi kỳ sinh hoạt đều trở thành một bức tranh về lịch sử, về quá khứ hào hùng của dân tộc thông qua hình ảnh, hiện vật, trò chơi, kể chuyện; các em được khám phá, tìm hiểu trực tiếp và từ đó yêu thích lịch sử, yêu thích và tự hào về truyền thống lịch sử của dân tộc mình.” Đó cũng chính là mục tiêu hoạt động của CLB “Em yêu lịch sử” trong những năm qua.

Ảnh: Học sinh tiểu học trong giờ học lịch sử tại BTLSQG

Với mục đích nhằm đánh giá, phổ biến kinh nghiệm của mô hình Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử”, từ đó đề xuất hướng triển khai tới nhiều bảo tàng trong nước việc xây dựng các chương trình, hình thức dạy lịch sử cho học sinh phổ thông, thông qua các hoạt động giáo dục của bảo tàng, năm 2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cho phép Bảo tàng Lịch sử quốc gia thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: “Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục của bảo tàng đối với học sinh phổ thông (nghiên cứu trường hợp Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)”. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã 2 lần tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học đánh giá hoạt động của CLB và tìm hướng đi thích hợp cho mô hình này. Tại Hội thảo khoa học được tổ chức ngày 20-3-2013, tham luận và ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các giáo viên dạy lịch sử các cấp học, các cán bộ quản lý giáo dục, các cán bộ quản lý các bảo tàng khác… đã khẳng định những đóng góp có giá trị khoa học và thực tiễn của CLB.

Ảnh: Hội nghị Khoa học về CLB “Em yêu lịch sử” lần thứ nhất (25-10- 2012)

- Về giá trị khoa học: CLB “Em yêu lịch sử” là một mô hình sáng tạo của Bảo tàng Lịch sử quốc gia trong việc tìm cách tiếp cận với công chúng, đặc biệt là đối tượng tuổi trẻ học đường; cụ thể ở đây là học sinh phổ thông các cấp. Quá trình hoạt động, CLB đã khẳng định một xu thế “mở” của các Bảo tàng hiện nay. Bảo tàng không chỉ là nơi lưu trữ hiện vật; hiện vật không chỉ là sự im lặng của quá khứ; mà trái lại quá khứ lịch sử vẫn luôn song hành với cuộc sống của con người đương đại. Hiện vật lịch sử vẫn có ngôn ngữ của nó khi bảo tàng biết kết nối quá khứ với hiện tại thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục công chúng có hiệu quả.

- Về giá trị thực tiễn: CLB “Em yêu lịch sử” là phương pháp dạy sử, học sử thông qua hiện vật bảo tàng một cách sinh động, dễ hiểu và dễ nhớ. Như ý kiến của Th.s Lê Mai Hương (G.V dạy Lịch sử Trường THPT Chu Văn An - HN): thời lượng dạy và học môn Sử ở nhà trường ngắn và không đề cập hết các vấn đề; SGK khô cứng, trìu tượng, không có đạo cụ trực quan như các bộ môn khác, khó làm các em hình dung và hiểu hết vấn đề; giáo viên đôi khi ngại không muốn mở rộng kiến thức nên khả năng truyền đạt hạn chế, khiến cho giờ học Sử trở nên tẻ nhạt, không hứng thú. Trong khi đó tại bảo tàng lại có tất cả những điều đó, hỗ trợ và giải quyết cho việc dạy sử và học sử rất tốt. Nhưng thật tiếc là giờ học Sử tại Bảo tàng lại quá ít, quá ngắn, phạm vi đối tượng còn hạn hẹp vì vẫn là mô hình thực nghiệm của Bảo tàng Lịch sử quốc gia (chưa phổ biến, phổ cập rộng) nên việc phát huy cũng chưa được nhiều. Trong khi chưa có văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hệ thống nhà trường quy định số tiết học lịch sử tại bảo tàng; làm căn cứ để các trường triển khai; thì Bảo tàng Lịch sử quốc gia mở cửa 30 ngày/tháng để phục vụ công chúng nhưng chỉ có 1 ngày các trường học đăng ký tham gia CLB “Em yêu lịch sử”; tần suất học tại Bảo tàng như vậy là còn rất hạn chế.

- Về những khó khăn, hạn chế của CLB: Bên cạnh việc đạt được nhiều kết quả tốt trong thời gian qua, CLB cần khắc phục một số vấn đề như: mở rộng phạm vi nội dung hơn, bám sát chương trình học của SGK và đặc biệt kiến thức thi môn lịch sử tốt nghiệp phổ thông.v.v…Về hình thức hoạt động: bên cạnh hệ thống trò chơi đã có, CLB cần cải tiến, áp dụng thêm các tiến bộ của công nghệ nghe nhìn, mở rộng không gian khám phá sáng tạo cho các em; nâng cao kỹ năng hướng dẫn hoạt động CLB…

Ảnh: Tổ chức Lễ kết nạp Đội tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia

- Về các giải pháp để phát huy hiệu quả và mở rộng tầm hoạt động của CLB: Thật may, ngày 16-1-2013, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành thông tư số 73/GD-BGDĐT-BVHTTDL “Hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm Giáo dục thường xuyên”. Văn bản này đã gắn kết việc sử dụng di sản văn hóa trong việc dạy và học ở các trường phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên ; gắn kết trách nhiệm giữa các trường học với ngành văn hóa mà cụ thể hơn là các bảo tàng từ trung ương tới địa phương tổ chức cho học sinh được học ngoại khóa tại các di sản văn hóa, các bảo tàng v.v… Tuy nhiên để thực hiện được Thông tư này, cần có cơ chế phối hợp thật cụ thể giữa hai ngành; quan trọng hơn đó là sự nhập cuộc nhiệt tình, tâm huyết của cả hai bên.

Gần 7 năm hoạt động, CLB “Em yêu lịch sử” với những kết quả đã đạt được đã trở thành một “thương hiệu” riêng của Bảo tàng Lịch sử quốc gia - ý kiến phát biểu đó của bà Nguyễn Hải Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, cũng là một đánh giá chính xác, khách quan về mô hình hoạt động này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chủ trì hội thảo cho rằng: trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nhận thức xã hội, về cơ chế phối hợp, về kinh phí hạn hẹp, nhưng giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia (mà cụ thể là CLB “Em yêu lịch sử” của Bảo tàng) đã phối kết hợp tốt với các Trường học trong và ngoài địa bàn Hà Nội mang lại những lợi ích tối đa cho các em học sinh. Điều đó là một nỗ lực rất đáng biểu dương. Những ý kiến đóng góp khách quan của các đại biểu tại Hội thảo giúp cho Bảo tàng Lịch sử quốc gia có thêm tầm nhìn, định hướng cho nhiều công việc tương lai của bảo tàng.

Ảnh: TS. Nguyễn Văn Cường chủ trì Hội thảo “Nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục của bảo tàng đối với học sinh phổ thông (nghiên cứu trường hợp Câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia)”.

Tiến sĩ cho biết thêm: trong tương lai không xa, khi Bảo tàng Lịch sử quốc gia có được cơ ngơi mới, với một tòa nhà Không gian khám phá, sáng tạo và Trưng bày ngoài trời dành riêng cho công chúng, bảo tàng đặc biệt ưu tiên cho giới trẻ sẽ làm thỏa mãn các nhu cầu khám phá, học tập, vui chơi, giải trí, sáng tạo của các em. Đó cũng là một trong những hoạt động của Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhằm hướng tới mục tiêu “bảo tàng góp phần thay đổi xã hội” mà hiện nay, CLB “Em yêu lịch sử” đang tích cực góp phần xây nền móng./.

Minh Vượng

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Bài viết khác

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia – Kết quả và định hướng

Hoạt động nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia – Kết quả và định hướng

  • 18/03/2013 11:24
  • 4919

1. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ký ngày 26/9/2011, có nguồn nhân lực dồi dào (gồm trên 230 cán bộ viên chức, đa phần có trình độ đại học và trên đại học, với 6 Tiến sĩ, hơn 30 Thạc sĩ, 8 Nghiên cứu sinh và hàng chục học viên Cao học).