Thứ Tư, 18/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

18/03/2013 11:24 4919
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
1. Bảo tàng Lịch sử quốc gia là đơn vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Việt Nam theo Quyết định số 1674/QĐ-TTg ký ngày 26/9/2011, có nguồn nhân lực dồi dào (gồm trên 230 cán bộ viên chức, đa phần có trình độ đại học và trên đại học, với 6 Tiến sĩ, hơn 30 Thạc sĩ, 8 Nghiên cứu sinh và hàng chục học viên Cao học).

Bảo tàng đang hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, từng bước phát triển và lớn mạnh để sớm trở thành một trung tâm nghiên cứu và giáo dục về lịch sử, văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động nghiên cứu sưu tầm, hệ thống trưng bày hiện vật phản ánh tiến trình lịch sử Việt Nam.

2. Để thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ của mình, Bảo tàng đã tổ chức thực hiện nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực: Khảo cổ học, Lịch sử, các khoa học liên ngành, kỹ thuật ứng dụng khác và Bảo tàng học, cùng việc nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của khoa học kỹ thuật nói chung. Có thể thấy đối tượng và phạm vi nghiên cứu của Bảo tàng Lịch sử quốc gia rất rộng, yêu cầu trình độ chuyên sâu. Mỗi hiện vật khi đưa lên trưng bày, giới thiệu tới công chúng, cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

TS.Nguyễn Văn Cường tại Hội nghị Báo cáo kết quả khai quật di tích Tháp Mẫm (Bình Định) năm 2011

3. Công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng Lịch sử quốc gia thời gian qua được quan tâm đặc biệt và đạt những kết quả đáng ghi nhận trên các lĩnh vực như: điều tra, khảo sát, khai quật về Khảo cổ học và Lịch sử; Tổ chức trưng bày chuyên đề, triển lãm trong và ngoài nước; Bảo quản hiện vật; Tổ chức và tham gia các hội thảo, hội nghị trong nước và quốc tế; Nghiên cứu, biên soạn và xuất bản ấn phẩm; Chủ trì thực hiện các dự án quy mô lớn như Dự án xây dựng Nội dung và Hình thức Trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia; các đề tài khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và liên ngành; Tham gia giảng dạy đại học và đào tạo trên đại học; Thẩm định các chương trình, đề tài nghiên cứu; Giám định cổ vật cho các tổ chức và cá nhân…

4. Khái quát kết quả công tác nghiên cứu khoa học của Bảo tàng thời gian qua.

4.1. Trước tiên, trong các hoạt động nghiên cứu phải kể tới việc thực hiện hàng loạt các đợt điều tra, khảo sát và khai quật các di tích khảo cổ trên phạm vi cả nước, nghiên cứu và sưu tầm hàng ngàn hiện vật các thời kỳ Tiền – sơ sử cho đến ngày nay về bảo tàng phục vụ trưng bày, lưu giữ bảo quản và phát huy giá trị. Qua đó cung cấp tư liệu và bổ sung nhận thức mới, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề mang tính “thời sự” về lịch sử - văn hóa dân tộc.

Thực tiễn hoạt động nghiên cứu đã khẳng định vị thế của Bảo tàng Lịch sử quốc gia là một trong ba trung tâm khảo cổ học của cả nước.

Đặc biệt, trong năm vừa qua, việc đẩy mạnh các đợt điều tra, khảo sát và khai quật các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh, Champa ở miền Trung; các di tích thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Nam đã được tiến hành trên diện rộng, có hệ thống.

Hợp tác cùng Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc khai quật di tích Đình Tràng (Hà Nội) năm 2010

Bảo tàng đã thực hiện hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, khai quật khảo cổ học với các nước như: Trung Quốc (Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Khu tự trị Dân tộc Choang (Quảng Tây); Viện Khảo cổ học Tứ Xuyên, Viện Khảo cổ học Thiểm Tây, Bảo tàng Thủ đô Bắc Kinh…); Với Hàn Quốc (Bảo tàng Quốc gia và Viện Nghiên cứu Di sản Văn hóa Biển); Với Nhật Bản (Đại học Nữ Chiêu Hòa và Bảo tàng Kyushu)…Trọng tâm phối hợp nghiên cứu chủ yếu là giai đoạn hình thành nhà nước sơ khai ở Việt Nam cách ngày nay khoảng 2.000 năm trong trào lưu chung của khu vực châu Á và di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam – Hàn Quốc – Nhật Bản. Kết thúc mỗi đợt nghiên cứu, khai quật là những bộ hồ sơ khoa học, hội thảo và xuất bản các ấn phẩm nghiên cứu: Di tích Mả Tre (Đông Anh – Hà Nội); Di tích Đình Tràng (Đông Anh – Hà Nội).

Bảo tàng cũng tham gia giúp các địa phương tiến hành nhiều đợt nghiên cứu và khai quật hệ thống các di tích thuộc các thời kỳ lịch sử; góp phần thiết thực phục vụ trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di tích. Các đợt nghiên cứu quy mô lớn, đáng kể như: Di tích Lam Kinh (Thanh Hóa), Di tích Cố đô Huế, Di tích Hoa Lư (Ninh Bình), Thương cảng Vân Đồn (Quảng Ninh), Thành cổ Sơn Tây, Dương Kinh (Hải Phòng)… Đặc biệt là kết quả nghiên cứu hệ thống các di tích ở Hoàng thành Thăng Long Hà Nội và phụ cận rất có ý nghĩa trong Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trưng bày kết quả khai quật khảo cổ học di tích chùa Báo Ân và Kim Lan (Hà Nội) phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội

4.2. Từ kết quả nghiên cứu, Bảo tàng đã xây dựng hồ sơ khoa học cho các di tích và di vật, từng bước tiến hành những hoạt động tiếp theo như xác định nội dung cho trưng bày; lập hồ sơ khoa học cho công tác kiểm kê, đánh giá và bảo quản, hội thảo, hội nghị, xuất bản ấn phẩm.

- Với việc nghiên cứu phục vụ trưng bày thời gian qua cũng đạt những kết quả có ý nghĩa. Hệ thống trưng bày chính đã được chỉnh trang, nâng cấp hiện đại, được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao, lượng khách tham quan ngày càng tăng mạnh. Hàng năm Bảo tàng tổ chức nhiều trưng bày chuyên đề hấp dẫn ở trong nước (2 đến 3 cuộc), đặc biệt trưng bày tại các nước Philippines, Indonesia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Bỉ, Mỹ…, trong đó nhiều nhất là với Trung Quốc. Cùng với trưng bày là các ấn phẩm đi kèm như: Con đường tơ lụa trên biển; Cổ vật Việt Nam; Trống đồng Việt Nam; Báu vật phương Đông…

- Với công tác nghiên cứu bảo quản kéo dài “tuổi thọ” cho hiện vật cũng được đẩy mạnh thời gian qua. Phòng Bảo quản của Bảo tàng được coi là một trung tâm nghiên cứu, bảo quản phục chế hiện vật của cả nước, là địa chỉ tin cậy cho các bảo tàng địa phương. Rất nhiều hiện vật đã được kịp thời xử lý khoa học trên cơ sở tiếp cận và ứng dụng khoa học hiện đại nhất về bảo quản hiện nay qua chương trình phối hợp với các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan… Các chất liệu như giấy, gỗ, vải đã được bảo quản thành công bước đầu theo đúng tiêu chuẩn của Hiệp hội Bảo tàng Thế giới (ICOM). Đây vốn là vấn đề nan giải lâu nay của giới bảo quản hiện vật bảo tàng với môi trường khí hậu nóng ẩm như nước ta. Kết quả nghiên cứu bảo quản đang từng bước được ứng dụng, chuyển giao để có thể nhân rộng ra các bảo tàng địa phương trong tương lai.

- Kết quả nghiên cứu ở các lĩnh vực nêu trên của Bảo tàng là cơ sở cho việc hình thành các đề tài khoa học các cấp. Trong năm 2011, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng đã thực hiện 12 đề tài khoa học cấp cơ sở. Nội dung của các đề tài tập trung chủ yếu vào công việc trọng tâm mà Bảo tàng đang triển khai, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Kết quả ấy cũng gắn liền với việc đào tạo ở bậc đại học và trên đại học, ở các hội đồng khoa học chuyên ngành. Các chuyên gia của Bảo tàng tham gia nhiều hội đồng, hướng dẫn và đào tạo bậc sau đại học, tham gia các hoạt động chuyên môn của giới Khảo cổ học và Sử học.

- Công tác nghiên cứu cũng gắn chặt với việc xuất bản các ấn phẩm có nội dung và hình thức ngày càng được nâng cao. Đây chính là một phần quan trọng, là sản phẩm của kết quả nghiên cứu các đề tài khoa học. Trong những năm gần đây có hàng chục đầu sách đã xuất bản được giới chuyên môn đánh giá cao: 2000 năm gốm Việt Nam, Cổ vật Việt Nam, Gốm hoa nâu Việt Nam, Gốm sứ thời Thanh ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Cổ vật Long Biên, Cổ ngọc Việt Nam…Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng xuất bản thường niên cuốn Thông báo Khoa học, cập nhật những thông tin khoa học, những vấn đề trao đổi được giới chuyên môn trong và ngoài nước quan tâm.

- Các cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng đã tham gia các hội thảo quốc tế tại nhiều nước trên thế giới, tham gia Hiệp hội Bảo tàng quốc gia châu Á (ANMA), Hiệp hội Bảo tàng thế giới (ICOM); từng bước tiếp cận những phương pháp nghiên cứu hiện đại, góp phần giới thiệu và quảng bá truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời của dân tộc Việt Nam.

Tham dự khai mạc trưng bày “Nghệ thuật cổ Việt Nam: Từ châu thổ ra biển lớn” tại New York (Hoa Kỳ) năm 2010

5. Với vị trí là bảo tàng quốc gia, thời gian tới sẽ là một giai đoạn quan trọng, có tính bước ngoặt, hướng phấn đấu là xây dựng thành công Bảo tàng Lịch sử quốc gia, mở cửa đón khách tham quan vào năm 2015, theo đó, công tác nghiên cứu khoa học đã được Ban Lãnh đạo định hướng kịp thời và bước đầu thực hiện với nội dung cơ bản sau:

- Khắc phục kịp thời tình trạng việc nghiên cứu bị động, thiếu tính hệ thống, chưa có kế hoạch cụ thể (hắn hạn và dài hạn); chưa đều khắp ở các khâu công tác, các bộ phận trong Bảo tàng. Gắn chặt hơn nữa việc nghiên cứu và ứng dụng trong thực tiễn, gắn nghiên cứu với trưng bày – tuyên truyền, luôn hướng tới cộng đồng.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lên tầm cao mới, phát triển toàn diện và đầy đủ trên mọi lĩnh vực hoạt động của Bảo tàng, trong đó đặc biệt chú trọng đến đào tạo và nâng cao trình độ cho cán bộ trẻ, sắp xếp, bố trí và định hướng nghiên cứu cho hợp lý, phù hợp với khả năng và lĩnh vực phụ trách, tạo nguồn nhân lực đáp ứng tốt những nhiệm vụ chính trị của Bảo tàng trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

- Đẩy mạnh hơn nữa các chương trình hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học Việt Nam và khu vực trên tinh thần song phương, đa phương; tranh thủ tận dụng mọi thời cơ. Nhiều chương trình nghiên cứu, trưng bày, bảo quản hiện vật đã được phối hợp thực hiện với nhiều nước trên thế giới, từng bước giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua các di sản văn hóa dân tộc.

- Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Vụ Khoa học Công nghệ cùng các Cục, Vụ chức năng quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ Bảo tàng Lịch sử quốc gia, hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, xây dựng dự án, các đề tài cấp Bộ, cấp Nhà nước, tổ chức đào tạo cho các nghiên cứu viên chính trở thành chuyên gia giỏi, có trình độ chuyên sâu về Bảo tàng học, Sử học, Khảo cổ học… nhằm xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia là cơ quan nghiên cứu khoa học có chất lượng cao của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

TS.Nguyễn Văn Cường

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Trưởng ban XDND & HTTB BTLSQG

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: