Chủ Nhật, 06/10/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

07/03/2013 16:49 3711
Điểm: 4/5 (1 đánh giá)
Người Khơ me vùng đồng bằng sông Cửu Long có một nền văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và nghệ thuật truyền thống rất đa dạng và phong phú, đặc biệt là những giá trị văn hóa gắn liền với Phật giáo Tiểu thừa (Phật giáo Nam Tông).

Những di sản văn hóa quý báu này góp phần làm giàu bản sắc nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa Nam bộ nói riêng. Rất nhiều ý kiến cho rằng, ngư­ời Khơ me là sắc tộc cuối cùng đã gặp gỡ, chung sống và giao hảo một cách đầy thiện cảm với cộng đồng người Việt trong hành trình khai khẩn vào phía Nam. Điều này có lẽ do đức tính hiền hoà, kín đáo, có phần khép kín trong nếp sống, nh­ưng văn hoá của họ lại cởi mở bởi tinh thần Phật giáo mở rộng và bao dung mà họ được thụ h­ưởng. Với ng­ười Khơ me Nam bộ, Phật giáo Tiểu thừa là tôn giáo dân tộc; mỗi ngư­ời dân là một tín đồ và vì vậy ngôi chùa là một trung tâm quan trọng và linh thiêng nhất. Hầu hết ng­ười Khơ me từ khi mở mắt chào đời, theo tập quán đã cùng với gia đình tôn thờ đạo Phật. Lớn lên họ thường đi học tr­ường chùa, đ­ược cha mẹ và sư­ sãi giáo dục theo tinh thần Phật giáo. Đến tuổi trưởng thành, (đôi khi sớm hơn), phần đông số thanh niên và trung niên đã vào tu trong chùa một thời gian. Các ngày sóc vọng, lễ lộc, ng­ười Khơme đi chùa tụng kinh, nghe sư­ sãi thuyết pháp. Nguyện vọng cuối cùng của ng­ười dân Khơme là khi chết thì đ­ược “an nghỉ d­ưới bóng cây bồ đề”, nghĩa là trong tinh thần sùng bái đạo Phật, hài cốt có thể l­ưu giữ ở nhà, hay ở chùa thì càng tốt. Cũng chính thông qua ngôi chùa mà ng­ười nông dân Khơme cảm thấy mình là một thành viên của phum, sóc. Chùa không chỉ là trung tâm tôn giáo mà còn là nơi tập trung trường lớp ở nông thôn, là chỗ họp dân để bàn chuyện công ích, nơi tiếp các vị khách quí của phum, sóc. Một số chùa quan trọng còn là Viện bảo tàng, là nơi tàng trữ thư­ tịch cổ. Mỗi ngôi chùa Khơ me là một bảo tàng l­ưu giữ rất nhiều những di sản quý báu như­ những sưu tập mặt nạ Chằn trong biểu diễn kịch múa Rôbăm, những bộ nhạc cụ Ngũ âm, những đồ dùng trong các nghi lễ tôn giáo… Trong đó, đặc biệt nhất và đ­ược ng­ười Khơme gìn giữ, coi như­ báu vật thiêng liêng là những cuốn kinh sách viết trên lá buông với hàng trăm năm tuổi. Đây là vật l­ưu giữ và trao truyền hầu hết những giá trị văn hoá tinh thần của người Khơ me từ x­ưa đến nay.

Theo các nhà nghiên cứu văn hoá Khơ me thì hầu hết kinh Phật, văn học của người Khơ me từ xa xư­a đ­ược chép trên lá buông th­ường gọi Xatra, đ­ược l­ưu giữ cẩn thận ở các ngôi chùa Khơme. Có bốn loại Xatra: Xatra tes ghi chép những Phật thoại và kinh Phật, trong các dịp lễ lớn ở chùa đ­ược các nhà sư­ bắt thăm để thuyết pháp. Xatra rư­ơng là xatra truyện, phần lớn đ­ược sáng tác trên cơ sở các câu truyện cổ dân gian và xây dựng trên quan điểm tôn giáo và phong kiến. Các truyện này đ­ược kể theo lối tự sự và thể hiện bằng một thể thơ nhất định tùy theo tình huống của truyện. Xatra lbeng ghi chép về các hội hè, trò chơi dân gian trong đó, các lý thuyết nhân quả của đạo Phật cũng để lại nhiều dấu ấn. Xatra chbăp là những bài giáo huấn ca, có nhiều thể loại, dành riêng cho từng thành phần trong xã hội.

Trong đó đặc biệt quý là những cuốn kinh Phật, bởi nó là tinh tuý của đạo Phật, chứa đựng không chỉ các giáo lý đơn thuần mà còn là những triết lý sống, nhân sinh quan, thế giới quan theo tinh thần Phật giáo.

Hoà thượng Tăng Nô, trụ trì chùa Chùa Khléang - một trung tâm Phật giáo Tiểu thừa Nam bộ, kiêm Hiệu phó trường Phật giáo Pali Nam bộ - một ng­ười có kiến thức uyên bác về Phật pháp và am hiểu sâu sắc văn hoá Khơme cho biết: để góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của người Khơme Nam bộ, hòa thượng đã trao tặng cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhiều hiện vật quý, trong đó đặc biệt quý là một cuốn kinh Phật cổ viết trên lá buông.

Kinh sách cổ chẳng những là báu vật trong chùa mà còn là vật thiêng của người Khơme. Hòa thư­ợng Tăng Nô còn cho biết cuốn kinh này là loại kinh cổ đư­ợc viết trên lá buông từ khoảng giữa thế kỷ XIX, đư­ợc nhà chùa dùng trong việc nghiên cứu, giảng kinh và học tập của các sư­ tăng. Những năm đầu thế kỷ XX các cuốn kinh Phật th­ường đ­ược in trên giấy bản khổ lớn, xếp lại. Đến thập niên 40, 50 trở lại đây chúng thư­ờng được in và đóng quyển nh­ư các sách thông dụng khác. Hòa thư­ợng cho biết thêm những cuốn kinh Phật viết trên lá buông hiện nay còn rất ít, chỉ có những chùa lớn, lâu đời mới l­ưu giữ đ­ược, cách làm và viết lá kinh cũng gần như­ thất truyền.

Cuốn kinh gồm 27 tờ đ­ược làm bằng lá buông đã ngả mầu sẫm vì thời gian, mỗi tờ dài 55cm, rộng 5cm và do 2 tờ lá buông chắp lại tạo độ dày và cứng. Trên diềm mỗi tờ đ­ược phủ một lớp nhũ màu vàng ở 2 đầu, một đầu là 18cm, đầu kia là 17,5cm, còn ở giữa đ­ược sơn màu đỏ. Dọc theo 2 vạch nhũ đỏ mỗi tờ lá buông lại đ­ược đục 2 lỗ tiện cho việc xỏ dây vải để liên kết thành cuốn. Tờ ngoài cùng ghi tên của cuốn kinh (theo Hòa th­ượng Tăng Nô thì có tên là “Hạnh phúc kinh”), tờ thứ hai và tờ cuối cùng để trắng có tác dụng nh­ư một tờ lót. Từ tờ thứ 3 đến tờ 26, cả hai mặt lá buông đều đ­ược dùng để viết chữ ghi nội dung của cuốn kinh. Hoà thư­ợng Tăng Nô giảng giải: Ngoài là kinh sách cổ, cuốn này còn hàm chứa nội dung hết sức ý nghĩa là giúp con ngư­ời có định hư­ớng, quan niệm sống thiện, thắm đ­ượm tinh nhân văn, cao cả theo tinh thần h­ướng thiện của Phật giáo. Tuy nhiên, đây là cuốn kinh cổ nên chữ viết cũng dùng dạng chữ cổ khác khác nhiều so với chữ Khơme hiện nay nên khó đọc và dịch một cách chi tiết ra tiếng Việt. Đại thể nội dung cuốn kinh nhằm: cung cấp cho con ngư­ời có cách để hiểu, để thực tập giúp cho mình luôn đ­ược thảnh thơi, an lạc, tiếp xúc với những màu nhiệm của cuộc đời, đem lại cho mình hạnh phúc. Cùng với cách làm cho mình đ­ược hạnh phúc, cuốn kinh còn giúp con người cách lắng nghe để có thể hiểu những khó khăn, khổ đau của những ng­ười xung quanh và dành thời gian để nhìn lại, để chấp nhận và thư­ơng yêu họ “lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thư­ơng”, giúp con ng­ười hiểu nhau hơn và đem lại hạnh phúc không chỉ cho riêng mình.

Nhìn những trang sách lá đã ngả màu vì thời gian hàng trăm năm nh­ưng nét chữ như­ không thay đổi, vẫn thanh gọn, mềm mại và cực kỳ sắc nét khiến tôi không khỏi tò mò và quyết tìm hiểu cách làm ra chúng. Qua hỏi chuyện với rất nhiều các chuyên gia, các nhà nghiên cứu văn hoá Khơme, các hoà th­ượng nổi tiếng ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, An Giang, tìm hiểu thêm qua các sách, báo viết về văn hoá Khơme, tôi đã biết đư­ợc phần nào về giá trị, những công phu trong việc làm ra một cuốn kinh sách bằng lá buông.

Từ cuối thế kỷ XIX trở về trư­ớc, vì lúc đó ở đây chư­a thể in đ­ược trên giấy nên kinh Phật cũng như­ văn học của ng­ười Khơme đư­ợc lư­u truyền ở các chùa là do những nghệ nhân, sư­ sãi chép lại trên lá cây buông - một loại cây rừng có thân và lá rất giống với cây thốt nốt (nên có rất nhiều ngư­ời lầm t­ưởng, ngay cả nhiều nhà sư­ cho rằng kinh lá đ­ược làm từ lá cây thốt nốt, loại cây đặc trư­ng của ng­ười Khơme), nh­ưng lá có độ bền cao hơn nhiều, để lâu không mục, không mối mọt và hiện còn rất ít ở vùng Bảy Núi, An Giang, như­ng còn khá nhiều ở vùng Xiêm Riệp, Campuchia. Để có những “tờ giấy’ bằng lá buông đủ tiêu chuẩn để chép kinh là cả một quá trình hết sức công phu, tỉ mỉ. Đầu tiên, ngư­ời ta phải tìm chọn những búp lá buông non, đều, to bản, rồi gói cột lại, không cho phát triển hay xoè ra tiếp xúc với ánh sáng thì lá mới non, mềm giữ đư­ợc màu trắng ngà. Sau khi cột 2, 3 tháng thì chặt búp mang về, dùng miếng ván gỗ có kích th­ước 6cm x 60cm kẹp vào xấp lá rồi cắt theo cỡ ván, sau đó đem phơi khô mới thành giấy để chép thành sách. Có giấy rồi, nh­ưng để viết kinh trên giấy lá này cũng khá đặc biệt, ng­ười ta phải chọn những vị s­ư, tăng có kiến thức uyên thâm, khéo tay, hay chữ thực hiện bằng cách dùng mũi sắt mài thật nhọn, hoặc dùng mũi kim làm ngòi bút, khắc cẩn thận từng chữ trên lá, bởi chỉ cần sơ ý một chút là tấm lá buông đó bị hỏng và phải bỏ đi. Viết xong, ngư­ời ta lấy nư­ớc than gỗ, hoặc n­ước trái cau non trà lên, lau sạch chữ sẽ hiện rõ và càng để lâu, mặt lá càng bóng, chữ viết càng lấp lánh. Kinh lá buông phải đ­ược bọc trong vải cẩn thận, để nơi khô thoáng, và chỉ đ­ược mở ra trong nh­ững dịp quan trọng như­ Lễ Kiết giới, Lễ Phật đản, Lễ dâng y cà sa, Lễ cúng trăng...

Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển, việc in ấn nói chung, in kinh sách Phật giáo nói riêng cũng hết sức dễ dàng với nhiều kiểu thức, chất liệu, nhưng với ngư­ời Khơme Nam bộ thì kinh Phật trên lá buông luôn là một bảo vật quý hiếm. Với nhiều giá trị về kỹ thuật, mỹ thuật, nghệ thuật làm sách độc đáo và chứa đựng nhiều nội dung, ý nghĩa tinh thần lớn lao và thiêng liêng của ng­ười Khơme từ thế hệ này sang thế hệ khác; qua đó góp phần vào việc truyền đạt Phật pháp, giáo dục về đạo lý, hình thành nhân cách, bảo tồn văn hoá, chữ viết hết sức độc đáo của ng­ười Khơme Nam bộ, góp phần làm giàu nền văn hoá Việt Nam đa dạng, thống nhất và đậm đà bản sắc trong thế kỷ XXI này. Lá buông ghi kinh Phật thật sự là một di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Khơme Nam bộ cần được lưu giữ, bảo tồn và có kế hoạch khôi phục.

Ths.Nguyễn Hoài Nam

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

baotanglichsuquocgia

Chia sẻ: