Đại tướng Chu Huy Mân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Nghệ An giàu truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng; được Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh soi đường, đồng chí sớm xác định tinh thần và quyết tâm sẵn sàng đối diện với những thử thách, khó khăn trên con đường cách mạng.
Ngay từ những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng (1929), đồng chí Chu Huy Mân đã gắn bó với lực lượng vũ trang. Vận dụng đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn luôn sâu sát thực tiễn chiến trường, tổng kết, đúc rút, đề ra những phương châm, phương pháp tác chiến phù hợp, qua đó không ngừng trưởng thành trong thực tiễn chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và trở thành một nhà quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tài thao lược trong kháng chiến chống Pháp
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (2-9-1945), mở ra một trang sử mới trong lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, niềm vui độc lập nhân dân Việt Nam được hưởng chưa lâu, với dã tâm xâm lược, ngày 23-9-1945, thực dân Pháp nổ súng gây hấn ở Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng đã điều động nhiều cán bộ chính trị ưu tú vào hoạt động trong quân đội và nhiều người đã trở thành những cán bộ xuất sắc của Đảng, một trong số đó là đồng chí Chu Huy Mân.
Thượng tướng Chu Huy Mân bàn phương án tác chiến tại chiến trường Khu 5
Toàn quốc kháng chiến bùng nổ (19-12-1946), cuối năm 1946, đồng chí Chu Huy Mân được cử làm Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc. Từ năm 1947 đến năm 1949, đồng chí là Trung đoàn trưởng, Bí thư Trung đoàn ủy các trung đoàn 72, 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng. Tháng 5-1951, đồng chí là Phó chính ủy, sau đó làm Chính ủy Đại đoàn 316, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316. Như vậy, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), đồng chí Chu Huy Mân đã trải qua nhiều cương vị, tham gia chiến đấu và chỉ huy chiến đấu ở nhiều chiến trường khác nhau. Qua thực tiễn kháng chiến, đồng chí Chu Huy Mân đã trở thành người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm, người lãnh đạo thực tiễn xuất sắc.
Đặc biệt, từ năm 1951, trên cương vị Phó chính ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 316, đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần đặc biệt to lớn cùng cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Chu Huy Mân cùng toàn thể Ban chỉ huy Đại đoàn 316 đã tham gia nhiều chiến dịch lớn có ý nghĩa chiến lược làm thay đổi cục diện chiến tranh như Chiến dịch Tây Bắc 1952, Chiến dịch Thượng Lào 1953. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, Đại đoàn 316 đảm nhiệm hướng tiến công phía đông, góp phần quyết định đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Geneva vào ngày 21-7-1954. Thành tích đạt được trong kháng chiến chống Pháp cho thấy, dù trên cương vị nào, đồng chí Chu Huy Mân cũng tỏ rõ là người lãnh đạo thực tiễn xuất sắc. Chính do luôn nắm vững thực tiễn, đi sát thực tiễn, am hiểu tình hình địa phương nơi đơn vị đóng quân, tác chiến, hiểu rõ tình hình đơn vị và đời sống bộ đội, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng lãnh đạo, chỉ huy các trung đoàn rồi đến Đại đoàn 316 đề ra những chủ trương và biện pháp phù hợp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó, góp phần vào thành tích chung của cuộc kháng chiến.
Tài thao lược trong kháng chiến chống Mỹ
Trong kháng chiến chống Mỹ, trên cương vị Phó bí thư Khu ủy, rồi Chính ủy, Bí thư Quân Khu ủy Quân Khu 5, Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Mặt trận B3 Tây Nguyên, Phó bí thư Quân Khu ủy, Tư lệnh Khu 5, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 luôn nung nấu tìm mọi cách đánh để giành thắng lợi, bộ đội ta giảm bớt thương vong. Với tài năng quân sự và nhãn quan chính trị sắc sảo, đồng chí Chu Huy Mân luôn có những dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường để xác định cách đánh phù hợp. Theo đồng chí, bộ đội chủ lực không thể phân tán, đánh nhỏ, đánh tiêu hao, mà phải tác chiến tập trung quy mô thích hợp, đánh tiêu diệt từng đơn vị địch, có cách đánh phù hợp với chiến trường, bảo đảm càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng. Quán triệt tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân vào thực tiễn chiến trường, đồng chí Chu Huy Mân chỉ đạo lực lượng vũ trang tích cực thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược. Bản thân đồng chí luôn bám sát thực tế chiến trường để kịp thời hướng dẫn, chỉ thị cho các đơn vị, các địa phương tăng cường phối hợp chiến đấu. Trước mỗi trận đánh, mỗi chiến dịch, đồng chí thường xuống các đơn vị trao đổi, bàn bạc dân chủ với cán bộ, chiến sĩ để tìm ra cách đánh Mỹ. Mặt khác, đồng chí cùng các đồng chí lãnh đạo Quân khu 5 chú trọng xây dựng cho từng đơn vị giỏi một chiến thuật (sở trường) và đánh tốt các chiến thuật khác. Đồng chí thường xuyên nhắc nhở cán bộ trung, cao cấp: “Ta đánh để lấy miếng tuyệt đối không đánh để lấy tiếng, đánh thắng mà bộ đội thương vong cao, ta nghĩ gì về xương máu bộ đội” và phê phán nghiêm khắc tư tưởng đánh tiêu hao, đánh theo kiểu góp gió thành bão, tìm chỗ chộp một vài tên địch để lấy thành tích.
Thiếu tướng Chu Huy Mân nhận nhiệm vụ từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại 30 Hoàng Diệu trước khi vào mặt trận Khu 5 và Tây Nguyên, 1966.
Trong chỉ đạo tác chiến, đồng chí luôn quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, lấy ít địch nhiều, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng, giành thắng lợi cả về quân sự và chính trị, giữ vững thế chủ động chiến lược. Đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần phát triển nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là đỉnh cao của chiến tranh nhân dân ở Khu 5. Kết hợp đấu tranh “hai chân, ba mũi” là một trong những phát triển sáng tạo rất độc đáo và nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt Nam, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân.
Hơn nữa, trong điều kiện phải lấy ít địch nhiều, đồng chí Chu Huy Mân luôn coi trọng sự kết hợp chặt chẽ các yếu tố lực, thế, thời, mưu để đánh địch, buộc địch phải đánh theo cách đánh của ta. Cách đánh “vây điểm, diệt viện, nghi binh, lừa địch” được đồng chí vận dụng rất sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Điển hình như trong Chiến dịch Plei Me (từ ngày 19-10 đến ngày 26-11-1965), đồng chí đề ra những chủ trương, giải pháp mang tính đột phá cả về công tác Đảng, công tác chính trị và nghệ thuật quân sự để lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến dịch, phát huy sở trường đánh gần, “nắm thắt lưng địch mà đánh” để hạn chế điểm mạnh về hỏa lực và sức cơ động của quân Mỹ; dùng mưu kế lừa địch, dụ quân Mỹ vào khu vực ta đã lựa chọn để tiêu diệt.
Tài năng quân sự của đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần quan trọng cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Khu 5 cũng là chiến trường đồng chí đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “Vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp: Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Mậu Thân (1968), Bắc Bình Định (1972) và đòn tiến công chiến lược giải phóng Huế - Đà Nẵng trong Đại thắng mùa Xuân 1975... góp phần cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có thể khẳng định, bản lĩnh kiên cường, trí tuệ sáng tạo với những phát kiến rất độc đáo, mang tính đột phá chiến lược trong lãnh đạo xây dựng, phát huy thế trận chiến tranh nhân dân, phát động quyết tâm đánh giặc toàn dân của đồng chí Chu Huy Mân cùng các đồng chí trong Đảng ủy Bộ tư lệnh Quân khu 5, Đảng ủy Mặt trận Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là những bài học kinh nghiệm vô cùng quý báu.
Bản lĩnh của một vị tướng tài ba trong giai đoạn mới
Đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, đồng chí Chu Huy Mân tiếp tục tham gia công tác trong Quân đội. Trí tuệ, tài năng quân sự, chính trị được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng của đồng chí Chu Huy Mân đã góp phần làm phong phú nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam, từng bước xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh. Đặc biệt, đồng chí luôn chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị, nêu cao tinh thần tiến công cách mạng “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.
Đồng chí đã viết nhiều bài giới thiệu về nghệ thuật quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đồng chí nhấn mạnh giá trị hiện thực của những kinh nghiệm ấy, nhất là cần biết vận dụng, phát huy nghệ thuật “lấy ít thắng nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “lấy chất lượng cao thắng địch quân số đông, trang bị kỹ thuật hiện đại” một cách hết sức linh hoạt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đúc kết kinh nghiệm xây dựng và chiến đấu của Quân đội, đồng chí đề ra yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang cần phải biết “động viên khả năng tiềm tàng của cán bộ và chiến sĩ trong cả ba thứ quân, trong các quân chủng và binh chủng, trong các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần, kỹ thuật, trong các học viện, nhà trường… tham gia nghiên cứu khoa học và nghệ thuật quân sự, sáng tạo ra những cách đánh hay nhất, có hiệu lực nhất nhằm đánh thắng quân thù”.
Trong những năm 1976 - 1986, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều chủ trương và quyết sách đúng đắn, đồng thời trực tiếp lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, chăm lo xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”. Trên những trọng trách được trao, với vốn kiến thức rộng lớn, khả năng tư duy nhạy bén, sắc sảo, cùng những kinh nghiệm cả về quân sự và chính trị đã được tôi luyện trong những năm tháng chiến tranh, đồng chí đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Campuchia, đáp ứng yêu cầu mới.
Tuy nhiên, Đại tướng Chu Huy Mân không chỉ là nhà quân sự mà còn là nhà chính trị sắc sảo của Đảng, Nhà nước và Quân đội nhân dân Việt Nam. Điểm nổi bật ở đồng chí Chu Huy Mân là tư duy chính trị và tư duy quân sự luôn gắn kết nhuần nhuyễn và thống nhất với nhau. Đại tướng được đồng chí, đồng đội và nhân dân biết tới với tên gọi trìu mến được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt: "Hai Mạnh (mạnh cả về quân sự và chính trị)". Đặc biệt, với kinh nghiệm thực tiễn phong phú, tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sau này trên các cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng đã cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương và Bộ Quốc phòng đề xuất nhiều vấn đề mang tầm chiến lược về nhiệm vụ chính trị, quân sự, quốc phòng, đặc biệt là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; chống bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, tham ô, lãng phí.
Khi Quân đội thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng của Tổng cục Chính trị thực hiện quán triệt, phổ biến, hướng dẫn các đơn vị trong toàn quân thực hiện nghiêm túc nội dung của Nghị quyết. Từ việc bám sát thực tiễn, đồng chí đã kịp thời báo cáo giúp Bộ Chính trị sớm phát hiện những vấn đề nảy sinh trong việc đổi mới cơ chế lãnh đạo của Đảng, để từ đó tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 27/NQ-TW góp phần giữ vững, củng cố, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Những đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân mang tầm chiến lược, sâu sắc, thiết thực, sát với hoàn cảnh mới kể cả về quân sự, quốc phòng, đặc biệt là vấn đề xây dựng Đảng, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ chính trị, cán bộ chỉ huy binh chủng hợp thành cấp chiến lược, chiến dịch. Những đóng góp đó đã góp phần trực tiếp xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng trưởng thành vững mạnh, đặc biệt là về chính trị, tạo ra cơ sở vững chắc để Quân đội tiếp tục phát triển, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trải qua 93 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, hơn 55 năm liên tục rèn luyện, chiến đấu, công tác trên nhiều cương vị, nhiều địa bàn khác nhau, cả trong nước và ngoài nước, dù ở đâu, làm gì, trong điều kiện khó khăn gian khổ nào, Đại tướng Chu Huy Mân cũng luôn nêu tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung và là nhà quân sự tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét:“Đồng chí Chu Huy Mân là một cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, một tướng lĩnh xuất sắc, chính trị, quân sự song toàn của quân đội ta, là một tấm gương sáng cho toàn quân, toàn dân ta học tập”.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác... Trong giai đoạn cách mạng mới, cùng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tấm gương đạo đức cách mạng của các vị lãnh đạo tiền bối, việc học tập, chắt lọc và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Chu Huy Mân - vị tướng tài ba của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam là đặc biệt quan trọng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới.
ĐẠI TÁ, PGS, TS. NGUYỄN VĂN SÁU –
(Phó viện trưởng Viện lịch sử Quân sự - Bộ Quốc phòng)