Hình ảnh đọng lại trong lòng Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ về Đại tướng Mai Chí Thọ là hình ảnh của một lãnh đạo gần gũi, thân thương, chí tình chí nghĩa. Nhân dân nhớ tới đồng chí đó là người cán bộ giản dị, gương mẫu, trung thành tận tụy, sẵn sàng chiến đấu hi sinh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Sáng 12/7, Bộ Công an và Thành ủy TP Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Đại tướng Mai Chí Thọ với lực lượng công an nhân dân Việt Nam và Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Hoạt động nhân Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ (15/7/1922 – 15/7/2022).
Chủ trì hội thảo có các đồng chí: Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Trung tướng Trần Vi Dân, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Cục trưởng Cục Khoa học chiến lược và lịch sử Công an; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Cùng dự hội thảo có các đồng chí là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các bộ ngành, địa phương, quê hương và gia đình đồng chí Mai Chí Thọ.
Hết lòng vì nước vì dân
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu chào mừng Hội thảo
Phát biểu khai mạc và chào mừng hội thảo, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ vinh dự, tự hào được phối hợp tổ chức hội thảo khoa học này. Bí thư Thành uỷ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đồng chí Mai Chí Thọ là người chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng, vị Đại tướng đầu tiên của ngành công an, cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh. Điểm lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi hơn 70 năm của Đại tướng Mai Chí Thọ, đồng chí Nguyễn Văn Nên khẳng định, hình ảnh đọng lại trong lòng nhân dân, cán bộ chiến sĩ về Đại tướng là hình ảnh của một lãnh đạo gần gũi, thân thương, chí tình chí nghĩa. Nhân dân nhớ tới đồng chí đó là người cán bộ giản dị, gương mẫu, trung thành tận tụy, sẵn sàng chiến đấu hi sinh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, đồng chí luôn có mặt ở đầu sóng ngọn gió, được giao nhiều trọng trách khác nhau và ở cương vị nào cũng hoàn thành xuất sắc. Nhiều sự kiện lịch sử đã gắn với tên tuổi đồng chí Mai Chí Thọ, trong đó mọi người hẳn còn nhớ là trận đánh Tua Hai tháng Giêng năm 1960 mà đồng chí Mai Chí Thọ là một trong những chỉ huy trực tiếp. Trận đánh như phát pháo mở ra giai đoạn đấu tranh mới trên khắp chiến trường miền Nam.
Trong công cuộc xây dựng đất nước, phát triển Thành phố, đồng chí Mai Chí Thọ là nhà lãnh đạo bản lĩnh, có tầm nhìn xa, tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo quyết liệt. Từ thực tiễn của TP Hồ Chí Minh đã lan tỏa nhiều nơi trong cả nước, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước.
Khi trở thành Bộ trưởng Bộ Công an, đồng chí đã cùng đảng ủy, tập thể lãnh đạo Bộ đề ra nhiều chủ trương, biện pháp quan trọng chỉ đạo lực lượng công an thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, bảo vệ an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, tô thắm truyền thống anh hùng của lực lượng công an Nhân dân vì nước quên thân vì dân phục vụ.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: “Di sản của cố Bộ trưởng để lại khó mà kể hết được. Nhưng có thể nói đối với cán bộ chiến sĩ trong lực lượng công an Nhân dân, những gì đọng lại nhiều nhất về đồng chí đó là một nhân cách lớn, phẩm chất đạo đức trong sáng, tấm lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Tính cách mạnh mẽ, khẳng khái, bộc trực nhưng đầy lòng nhân ái vị tha, tình yêu thương con người, hết lòng vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của Nhân dân”.
Trong những năm cuối đời, đồng chí Mai Chí Thọ vẫn dành trọn tâm sức của mình cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh. Hình ảnh chú Năm Xuân đã trở nên thân thương với người dân Thành phố với những đóng góp lớn của đồng chí trong công tác xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, công tác khuyến học và nhiều hoạt động xã hội khác còn mãi đọng lại trong lòng người dân.
Cuộc hội thảo này không chỉ ôn lại thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Mai Chí Thọ, mà còn rút ra những bài học sâu sắc từ tấm gương của một chiến sĩ cách mạng, một đảng viên cộng sản kiên định, một tấm lòng, một tâm huyết của con người dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm và luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách. Qua đó củng cố thêm niềm tin, động lực cho cán bộ đảng viên các thế hệ nối tiếp học tập, noi theo.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã làm rõ những đóng góp, phẩm chất cao quý của đồng chí Mai Chí Thọ
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị các đại biểu đi sâu, làm rõ, tôn vinh những đóng góp, phẩm chất cao quý của đồng chí Mai Chí Thọ. Cụ thể, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, làm rõ về 3 nội dung: Đại tướng Mai Chí Thọ - tấm gương sáng tiêu biểu cho tính nhân đạo, cho lý tưởng cộng sản cao đẹp của vị đại tướng công an; Đại tướng Mai Chí Thọ - người đặt nền móng cho sự nghiệp đổi mới công tác công an theo tinh thần Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Đồng chí Mai Chí Thọ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.
Một cán bộ xuất sắc mẫu mực
Tại Hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện chân thật, ý nghĩa về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Mai Chí Thọ.
Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an chia sẻ, ngay từ khi còn là một cán bộ trẻ, mới tham gia phong trào cách mạng, nhưng Đại tướng Lê Hồng Anh đã sớm được nghe những câu chuyện cảm động và rất đáng khâm phục về tấm gương tận tụy, dũng cảm, trí tuệ của đồng chí Mai Chí Thọ.
“Trong cảm nhận và suy nghĩ của nhiều đồng chí, đồng bào, anh Năm Xuân (đồng chí Mai Chí Thọ) là một nhà lãnh đạo rất sâu sát với đời sống chiến sĩ và Nhân dân, rất “tâm lý” với những suy tư, trăn trở và những khó khăn của cấp dưới. Cương quyết, thậm chí quyết liệt với kẻ thù, nhưng với đồng bào, đồng chí, anh Năm Xuân bao giờ cũng thể hiện một thái độ đúng mực, tỉnh táo, mềm mỏng”, Đại tướng Lê Hồng Anh bày tỏ.
Chia sẻ tại Hội thảo, đồng chí Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đồng chí Mai Chí Thọ sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong đó, với trọng trách Bí thư Liên Tỉnh ủy miền Đông, từ năm 1960 đồng chí Mai Chí Thọ là Bí thư Khu ủy miền Đông Nam bộ, hoạt động lãnh đạo của đồng chí Mai Chí Thọ gắn liền với những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong cuộc kháng chiến ác liệt, gian khổ của quân dân miền Đông và miền Nam.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên và đồng chí Tô Lâm cùng các đại biểu trò chuyện với gia đình đồng chí Mai Chí Thọ bên lề Hội thảo
Sau ngày giải phóng, khi làm lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, đồng chí Mai Chí Thọ luôn gần gũi với dân, quan tâm cuộc sống người dân. Khi làm cố vấn cho công tác xóa đói giảm nghèo của TP Hồ Chí Minh, đồng chí từng nói, cái quyết định là phát triển kinh tế giàu mạnh và công bằng xã hội. Không thể chấp nhận đất nước đổi mới mà người thiệt nhất lại là những người dân nghèo. Làm như vậy thì còn gì là xã hội chủ nghĩa. Đồng chí rất nhiệt thành với việc xóa đói, giảm nghèo, với sự tập trung, nhiệt huyết và từ trái tim, sức lực. Đồng chí còn nhắc nhở, cán bộ đảng viên phải tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo của TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc khuyến khích làm giàu.
Tự hào về người anh hùng, người con của quê hương Nam Định, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc nhấn mạnh: “Quê hương Nam Định tự hào đã sinh ra đồng chí Mai Chí Thọ, một người cộng sản kiên cường, mẫu mực. Từ thủa thanh niên ra đi làm cách mạng cho tới khi trở thành nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước, do điều kiện công tác, đồng chí không có nhiều dịp về thăm quê hương nhưng trong sâu thẳm lòng mình, đồng chí vẫn dành cho quê hương những tình cảm sâu nặng, nghĩa tình. Đó luôn là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và Nhân dân Nam Định vượt mọi khó khăn, tích cực góp phần trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo”.
Sinh ra ở Nam Định, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí lại gắn bó máu thịt với mảnh đất Nam bộ. Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Tưởng nhớ, biết ơn, học tập đồng chí Mai Chí Thọ, các thế hệ ngày nay của Thành phố quyết tâm nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ Thành phố đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung, vì sự phát triển của Thành phố, quyết tâm xây dựng Thành phố xứng đáng là Thành phố anh hùng, Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Lan toả hơn nữa những cống hiến to lớn của Đại tướng
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an cho biết, Hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Mai Chí Thọ. Với ý nghĩa và tầm quan trọng của hội thảo, hơn 100 bài tham luận và ý kiến đóng góp của các đồng chí đã góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu quý báu, khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng anh dũng, kiên trung của Đại tướng.
Đại tướng, GS.TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ Trưởng Bộ Công an phát biểu bế mạc Hội thảo
“Là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, dù khi nắm giữ chức vụ hay đã nghỉ hưu, Đại tướng Mai Chí Thọ luôn chăm lo xây dựng phát triển đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân, cho cán bộ chiến sĩ; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng. Cuộc đời Đại tướng là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; một nhân cách với tấm lòng nhân đạo cao cả, yêu nước, thương dân, hết lòng, hết sức chăm lo cho khối đại đoàn kết dân tộc, cùng toàn Đảng, toàn dân hiện thực hóa lý tưởng cộng sản cao đẹp vào trong cuộc sống”, đồng chí Tô Lâm nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, thời gian tới, tình hình chính trị - an ninh thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang và sẽ làm thay đổi căn bản mọi mặt đời sống xã hội. An ninh phi truyền thống tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam. Tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều phương thức, thủ đoạn và dạng mới của tội phạm, đặt ra cho công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Công an nhân dân những yêu cầu, nhiệm vụ mới hết sức nặng nề. Trong khi đó, “bốn nguy cơ” mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn còn tồn tại. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu rất lớn, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục phát huy hơn nữa kinh nghiệm quý báu của các thế hệ cha anh đi trước để vận dụng sáng tạo vào đường lối bảo vệ, xây dựng đất nước trong tình hình mới.
Để kết quả Hội thảo đi vào thực tiễn, đồng chí yêu cầu các cơ quan, đơn vị sau Hội thảo cần tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các ý kiến tham luận, đóng góp của các đồng chí đại biểu, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện báo cáo kết quả Hội thảo. Đồng thời, cần lồng ghép nội dung tuyên truyền về cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Mai Chí Thọ trong các chuyên đề sinh hoạt chính trị và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp tục sưu tầm, khai thác những tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Đại tướng để lan toả hơn nữa những cống hiến to lớn của Đại tướng đối với lực lượng Công an nhân dân và Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hồ Chí Minh qua các thời kỳ.
Thay mặt gia đình, bà Phan Thị Thanh Xuân đã gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cùng các đại biểu đã dành những tình cảm, sự quý mến cho cha mình.
Chia sẻ tại Hội thảo, bà Thanh Xuân khẳng định bà và các anh chị em may mắn được làm con của người cha đặc biệt, người mà họ luôn tự hào, yêu quý. “Đối với chúng tôi, ông là người cha nhân từ, bao dung, đầy khí phách và vô cùng sâu sắc mà bình dị, chan hòa tình cảm. Dù đã trải qua thời tuổi trẻ trong nhà tù, chiến trường, nhưng ông rất mạnh mẽ, lạc quan, tích cực, nhanh nhẹn”.
Do chiến tranh và nhiệm vụ của cha mà cả gia đình chỉ vỏn vẹn có 16 năm thật sự được đoàn tụ, nhưng đó là những tháng ngày vô cùng hạnh phúc. Thế nhưng, theo bà Thanh Xuân, đồng chí Mai Chí Thọ không chỉ có gia đình nhỏ, đối với đồng chí, tất cả mọi người anh em bạn hữu, mọi nhân vật lịch sử ít nhiều có cơ duyên đã trợ giúp ông trên các chiến tuyến, các đồng nghiệp chí cốt, các gia đình cơ sở cách mạng đều là gia đình lớn của đồng chí.
Đồng chí Mai Chí Thọ, tên khai sinh là Phan Đình Đống, còn có tên là Nguyễn Xuân Mai và Năm Xuân, sinh ngày 15 tháng 7 năm 1922 tại xã Địch Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, Đại tướng Mai Chí Thọ đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Đảng và Nhà nước ta; Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; Huân chương Quân công hạng nhất; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huy chương “Vì An ninh tổ quốc” và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng, Nhà nước và bạn bè quốc tế.