Tại Huế, từ năm 1936 đến năm 1939, đồng chí Phan Đăng Lưu – nhà cách mạng, trí thức tiêu biểu của Đảng và dân tộc ta đã trải qua thời kỳ hoạt động báo chí sôi nổi, đầy nhiệt huyết với hàng trăm bài báo đăng trên các báo Sông Hương tục bản, Dân, Dân Tiến, Dân Muốn...
Không chỉ trở thành nhà báo cách mạng tiêu biểu, đồng chí Phan Đăng Lưu còn lãnh đạo lực lượng báo chí cách mạng ở Huế phát triển mạnh mẽ nhằm hiệu triệu quần chúng đứng lên đấu tranh chống chế độ thực dân phong kiến.
Khu vực Kỳ Đài và Hoàng thành Huế ngày nay
Làm báo bằng nhiều thứ tiếng
Trước khi hoạt động báo chí ở Huế, tại nhà tù thực dân đế quốc ở Buôn Mê Thuột, đồng chí Phan Đăng Lưu với tư cách là thành viên ban lãnh đạo những người cộng sản ở trong tù đã bí mật làm Doãn Đê tù báo bằng tiếng Ê Đê vừa để thực hiện công tác binh vận người dân tộc thiểu số vừa là tài liệu tuyên truyền nội bộ. Đồng chí đã tự học tiếng Ê Đê và kêu gọi các đồng chí khác cùng học để dễ hoạt động cách mạng trong nhà tù thực dân đế quốc. Đồng chí Phan Đăng Lưu còn chủ trương viết báo bằng cả tiếng Việt, tiếng Pháp, để khi có người được ra tù hoặc qua đường dây bí mật gửi đăng ở các báo nhằm tố cáo chế độ nhà tù, kêu gọi dư luận bên ngoài hỗ trợ cuộc đấu tranh của tù nhân.
Đồng chí Phan Đăng Lưu được ra khỏi nhà tù Buôn Mê Thuột tháng 2/1936 nhưng bị buộc phải “an trí” ở Huế. Tại đây, dù bị mật thám theo dõi thường xuyên, đồng chí vẫn tìm cách liên lạc với Đảng.
Chân dung nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu. Ảnh tư liệu
Ở Pháp, vào năm 1936, Mặt trận Bình dân Pháp lên nắm quyền và Chính phủ mới của nước Pháp ra sắc lệnh ân xá chính trị phạm ở Đông Dương và ban hành một số chính sách tiến bộ khác. Do bối cảnh lịch sử thuận lợi, Đảng đã tổ chức Mặt trận Nhân dân phản đế Đông Dương (sau đổi thành Mặt trận Thống nhất Dân chủ Đông Dương), nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân chủ và tiến bộ dưới khẩu hiệu hòa bình, tự do dân chủ, cơm áo. Đảng chủ trương kết hợp những hoạt động hợp pháp, nửa hợp pháp để xây dựng tổ chức Đảng, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của nhân dân.
Trước tình hình đó, Đảng đã giao cho đồng chí Phan Đăng Lưu phụ trách phong trào đấu tranh công khai, bán công khai ở Huế và Trung Kỳ, nơi trung tâm đầu não của thực dân Pháp và bọn phong kiến Nam triều.
Quy tụ, đoàn kết nhiều tờ báo để đấu tranh cách mạng
Đồng chí Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902 ở thôn Đông, xã Tràng Thành (nay là xã Hoa Thành ), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Đồng chí là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ (từ 1936), Ủy viên Ban Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ (3/1937), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1937), Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (1938 - 1940). Đồng chí hy sinh vào năm 1941.
Ngày 27/3/1937, tại Đông Pháp Lữ quán, số 7 đường Đông Ba ở Huế, Hội nghị Báo giới Trung Kỳ khai mạc với sự tham gia của hơn 70 nhà báo. Đồng chí Phan Đăng Lưu và các nhà báo cách mạng khác đã có công hướng Hội nghị vào những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa lúc bấy giờ. Hội nghị Báo giới Trung Kỳ đã thông qua 2 nghị quyết và chương trình hành động. Đó là lập Mặt trận thống nhất các nhà viết báo Đông Dương để đi tới tự do xuất bản sách báo, yêu cầu nhà chức trách cho tự do xuất bản, vận động nhân dân đấu tranh đòi tự do báo chí, và kêu gọi những người tiến bộ ở Đông Dương và Pháp ủng hộ nguyện vọng đòi tự do xuất bản; lập Hội Ái hữu báo giới Trung Kỳ…
Tờ báo Dân do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu lịch sử
Sau khi báo Nhành Lúa và báo Kinh tế Tân văn bị cấm phát hành, Xứ ủy Trung Kỳ không còn báo chí trong tay làm vũ khí đấu tranh công khai, hợp pháp trong khi cuộc đấu tranh quyết liệt giữa các lực lượng cách mạng và phản động vẫn đang tiếp diễn. Trước tình hình ấy, đồng chí Phan Đăng Lưu đã mua lại bản quyền tờ báo Sông Hương của Phan Khôi đang hoạt động cầm chừng vì ít người đọc và đổi tên thành Sông Hương tục bản mà không cần xin phép chính quyền.
Ngày 19/6/1937, Sông Hương tục bản ra số đầu tiên và được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ửng. Đồng chí Phan Đăng Lưu chỉ đạo nội dung và trực tiếp viết các bài xã luận, bình luận, tiểu phẩm. Mục “Chiếu điện” của tác giả Nghị Toét - bút danh của đồng chí Phan Đăng Lưu, vạch mặt, chỉ tên bọn tay sai bán dân, hại nước, dùng các âm mưu, thủ đoạn để lừa gạt cử tri. Còn 18 ứng cử viên là người của Đảng và có tư tưởng tiến bộ do Sông Hương tục bản giới thiệu, cổ vũ đã đắc cử vào Viện dân biểu Trung Kỳ. Sông Hương tục bản ra được 14 số (từ ngày 19/6 đến ngày 14/10/1937) thì bị chính quyền thực dân thu hồi giấy phép.
Báo Dân Tiến do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Ảnh tư liệu lịch sử
Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ tìm cách ra các tờ báo khác để tiếp tục đấu tranh và đã vận động các nhà báo, nghị viện dân biểu tiến bộ là ông Nguyễn Trác, Nguyễn Đan Quế, Nguyễn Xuân Các đứng tên xin phép để ra tờ báo công khai lấy tên là Dân. Nội dung chính do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo, số đầu tiên ra ngày 6/7/1938. Báo Dân cho đăng nhiều bài phản ánh nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đòi cải cách thuế khóa, đòi tự do dân chủ, đòi thả tù chính trị, đòi tự do thành lập Hội ái hữu và nghiệp đoàn; đồng thời vạch trần bộ mặt thối nát của chế độ thực dân phong kiến.
Nhớ về đồng chí Phan Đăng Lưu và tờ báo Dân, nhà thơ Tố Hữu đã viết trong sách “Nhớ lại một thời” rằng: “Anh Lưu nói: Báo ta (tức Báo Dân) hơi khô. Cậu biết làm thơ hãy làm những bài thơ về những người lao động nghèo khổ. Nghèo khổ không phải là số phận, mà do đế quốc, phong kiến bóc lột và do sưu cao thuế nặng nề. Những cảnh ăn mày, đầy tớ, trẻ mồ côi… có rất nhiều điều cần viết để thức tỉnh nhân dân. Cậu cố gắng viết để đăng được một số một bài hoặc vài số một bài, có thể nhờ đó mà dân ta thích đọc báo ta hơn, nhưng phải chú ý: dễ hiểu, dễ nhớ và đừng dài dòng”. Nhờ đó, báo Dân đã đoàn kết, động viên, giác ngộ chính trị cho hàng vạn quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp từ thành thị đến nông thôn. Tờ báo ra được 17 số (từ tháng 7 đến tháng 10/1938) thì bị cấm hoạt động.
Tượng đài nhà cách mạng tiền bối Phan Đăng Lưu ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ảnh: VOV
Xứ ủy Trung Kỳ và đồng chí Phan Đăng Lưu tiếp tục cho ra tờ Dân Tiến. Báo Dân Tiến ra tuyên ngôn: “Dân là dân, tiến là tiến tới. Dân tiến là dân tiến tới, dân cứ đi mãi. Dân có bị giết chết, bị tù, bị phạt, bị đói… dân vẫn cứ sống, vẫn cứ tới” (Dân Tiến, số 3, ngày 17/11/1938). Để tránh sự kiểm duyệt gắt gao của Khâm sứ Trung Kỳ, Báo Dân Tiến được biên tập ở Huế, sau đó đưa vào Sài Gòn in ấn, phát hành ở Nam Kỳ vì ở đó, báo chí dễ “thở” hơn. Báo Dân Tiến vẫn do đồng chí Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo. Báo ra được 5 số: số 1 ra ngày 27/10/1938; số cuối - số 5 ra ngày 22/12/1938 thì bị đóng cửa.
Xứ ủy Trung Kỳ và đồng chí Phan Đăng Lưu cho ra tiếp tờ báo mang tên Dân Muốn, vẫn biên tập ở Huế, in và phát hành ở Sài Gòn. Báo ra được 2 số: số 1 ra ngày 20/12/1938, số cuối - số 2 ra ngày 25/1/1939 thì bị đình bản.
Bên cạnh đó, đồng chí Phan Đăng Lưu còn phối hợp hành động với báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhà yêu nước kiên cường. Tại diễn đàn báo Tiếng Dân, đồng chí đã cô lập và vạch mặt những tên bồi bút tệ hại nhất, nịnh bợ chế độ thực dân.
Tháng 9/1939, trước tình hình chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra và chế độ thực dân Pháp tăng cường bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ, đồng chí Phan Đăng Lưu được Trung ương Đảng chỉ đạo rút vào Nam Kỳ hoạt động bí mật và được phân công phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Nam Kỳ.
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Phan Đăng Lưu (5/5/1902 - 5/5/2002), nhà thơ Tố Hữu đã nhận định: “Phan Đăng Lưu là nhà lãnh đạo lỗi lạc, trí tuệ uyên bác, tác phong giản dị, gần gũi đã có sức cuốn hút lớp trí thức trẻ như chúng tôi và cả những trí thức lớn như cụ Phan Bội Châu, cụ Huỳnh Thúc Kháng...”.
Nguyễn Văn Toàn