Thứ Năm, 12/09/2024
  • Tiếng Việt
  • English
  • French

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Vietnam National Museum of History

03/03/2022 10:02 2342
Điểm: 0/5 (0 đánh giá)
Bảo tàng Lịch sử quốc gia hiện nay đang lưu giữ và trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật, hình ảnh về sự kiện Hà Nội mở đầu Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, trong đó có một số tư liệu băng ghi âm, ghi hình những câu chuyện kể, kí ức của các nhân chứng lịch sử trực tiếp tham gia sự kiện lịch sử trên. Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2021), Bảo tàng Lịch sử quốc gia trân trọng giới thiệu kí ức của cụ Đỗ Văn Đa, pháo thủ duy nhất còn lại của khẩu đội pháo tại Pháo đài Láng, đơn vị đã bắn loạt đạn pháo đầu tiên mở đầu Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946.

1. Vài nét về tiểu sử cụ Đỗ Văn Đa

Cụ Đỗ Văn Đa (người làng thường gọi tên thân mật là cụ Đơ) sinh năm 1925, hiện thường trú tại Tổ dân phố 34, ngách 102/44 phố Pháo đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Năm 1946, cụ là pháo thủ của khẩu đội pháo tại Pháo đài Láng khai hỏa, bắn những loạt đạn pháo đầu tiên mở đầu cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Từ năm 1949 đến năm 1954, cụ Đỗ Văn Đa là lính Sư đoàn 308 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến trường nối tiếp chiến trường, từ năm 1955 đến năm 1972, cụ tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ, là lính Quân chủng Phòng không - Không quân tham gia trận “Điện Biên Phủ trên không năm 1972”. Năm 1973, cụ ra quân với quân hàm Thượng úy.
 
Tác giả và cụ Đỗ Văn Đa 
 

Pháo đài Láng, nơi nổ loạt đạn pháo đầu tiên mở đầu Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 

 Chân dung cụ Đỗ Văn Đa, chiến sỹ Pháo đài Láng năm 1946 (Nguồn: Bảo tàng Pháo binh)

2. Những câu chuyện lịch sử

Theo lời kể của cụ Đỗ Văn Đa, Pháo đài Láng được quân Pháp xây dựng năm 1940 nhằm mục đích phòng thủ thành phố chống phát xít Nhật đang tràn vào Việt Nam. Lúc ấy vào khoảng tháng 7, tháng 8 âm lịch, dân làng Láng Trung, xã Yên Lãng, tổng Hạ, Đại lý Hoàn Long (nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa) nhận được tin quân Pháp bắt dân làng phải nhổ lúa trên đồng để chúng quây dây thép gai xây dựng pháo đài chống quân Nhật. Lúc ấy dân làng bắt đầu bị đói nên mới bẩm với thầy lý, quan huyện cho dân làng ăn hết vụ lúa này thì quân Pháp về làm pháo đài, nhưng chúng không đồng ý. Mấy hôm sau chúng đưa xe ô tô chở lính, chở giây thép gai về làng cứ thế đóng cọc quây đồng lúa lại làm pháo đài.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Pháo đài Láng về tay chính quyền cách mạng. Khi mới tiếp quản Pháo đài Láng, do thiếu người canh gác, không có pháo thủ, nên chính quyền nhân dân đã kêu gọi những sỹ quan, binh lính trước đây phục vụ cho quân Pháp trở về Pháo đài Láng gia nhập cách mạng. Tuy nhiên, lực lượng bảo vệ, canh gác và chiến đấu tại pháo đài thì vẫn còn thiếu. Lúc này, lãnh đạo cấp trên mới chỉ thị Đội Oanh (sau này là Trung đội phó Pháo đài Láng) vào liên hệ với chính quyền xã Yên Lãng, lấy thêm các thanh niên làm nhiệm vụ canh gác, đồng thời huấn luyện họ cách sử dụng pháo để khi cần có thể tham gia chiến đấu luôn.
Cụ Đa còn nhớ như in cái ngày đặc biệt ấy, khi cụ cùng tám thanh niên được gọi ra quán Góc Thị để bàn việc. Lúc đầu, chúng tôi cũng chỉ nghĩ là được gọi ra làm nhiệm vụ canh gác, nhưng khi được Đội Oanh báo sẽ được học về pháo để khi cần có thể tham gia chiến đấu, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Bởi lẽ, chúng tôi lúc bấy giờ trình độ rất kém, chỉ biết ngày ngày đi dò la tin tức cho cán bộ cách mạng, theo dõi các hoạt động di chuyển của địch về báo cáo lại với tổ chức, tôi và các đồng đội cũng chưa hình dung được mình sẽ đánh Tây như thế nào. Mặt khác, chúng tôi cũng thích đánh nhau để xem bắn khẩu pháo này kêu to hay nhỏ để mà biết thôi, chứ cũng chưa hiểu gì cả. Thế là việc học bắn pháo được tiến hành gấp rút sau đó.
Trung đội Pháo đài Láng lúc mới thành lập có khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Nguyễn Ưng Gia làm Trung đội trưởng, đồng chí Nguyễn Khoát làm Chính trị viên, đồng chí Đoàn Hùng làm Khẩu đội trưởng, được trang bị hai khẩu pháo cao xạ 75mm và khẩu súng 12,7mm. Mỗi khẩu pháo có 5 người, mỗi người một nhiệm vụ. Trong khẩu đội pháo tại Pháo đài Láng, tôi là số 4 có nhiệm vụ tiếp đạn. Pháo của Pháo đài Láng là pháo tự động. Cách vận hành pháo như sau: Pháo thủ bê viên đạn đặt vào máng pháo, từ máng pháo sẽ đưa viên đạn vào trong nòng pháo. Khi viên đạn vào trong nòng pháo sẽ kêu cạch một cái, đít viên đạn đập gờ bật lên là nổ và bay đi. Bốn người phục vụ cho vị trí pháo thủ số 3 để điều khiển và vận hành khẩu pháo khi chiến đấu. Để tránh địch oanh tạc trúng trận địa pháo, chúng tôi được lệnh làm trận địa giả cách trận địa thật khoảng 500m. Anh em nghĩ ra sáng kiến làm hai cái ụ pháo và lấy hai đoạn tre vầu cưa bằng ống pháo, lấy nhọ nồi quét đen làm nòng pháo, trông giống như thật. Những ngày sau đó, địch liên tiếp oanh tạc chỉ đánh trúng vào trận địa giả hoặc ra cánh đồng.
Pháo đài Láng được Bộ Tổng chỉ huy lựa chọn để bắn loạt đạn pháo đầu tiên mở đầu Toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, bởi vì:  thứ nhất, Pháo đài Láng trông ra thành Hà Nội địa thế rất gần. Thứ hai, phạm vi quan sát của Pháo đài Láng rất rộng không vướng cây cối, nhà cao tầng che khuất. Thứ ba, đường giao thông đi lại thuận tiện. So với các pháo đài khác như Xuân Tảo, Xuân Canh, Thủ Khối, Pháo đài Láng ở vị trí thuận lợi nhất nên được Bộ Tổng chỉ huy lựa chọn để bắn loạt đạn pháo đầu tiên.khiêu khích, nổ súng, ném lựu đạn vào quân ta hòng tạo cớ gây hấn chiến tranh. Ngày 16/12/1946,
Từ ngày 15/12 đến ngày 17/12/1946, tình hình Hà Nội nóng lên từng giờ. Quân Pháp liên tục tiến hành Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp cùng Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ đến hỏi thăm, động viên anh em, kiểm tra lần cuối mọi công việc chuẩn bị và duyệt phương án tác chiến của Pháo đài Láng.
Đến ngày 18/12/1946, xe của Bộ chỉ huy về Pháo đài Láng, mang theo  phong thư và tờ giấy lệnh giao cho Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia, trong đó có ghi cặn kẽ những địa điểm mà pháo ta phải tấn công trong đêm 19/12. Trưa ngày 19/12/1946, chúng tôi vừa tập luyện xong thì đồng chí Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia tập trung anh em khẩu đội lại dặn dò: “Chiều hôm nay ăn cơm sớm, sau đó ai ở vị trí nào vào vị trí ấy, chờ lệnh, không được đi lại lộn xộn. Chú ý lắng nghe, có thể đêm hôm nay chúng ta tấn công địch”. Từ lúc đó, trống ngực chúng tôi cứ đánh thùng thùng. Đêm hôm ấy trời mưa rét, anh em pháo thủ chân không giầy, tất, đầu không mũ, chỉ mặc độc một bộ quần áo, đứng chờ ở vị trí chiến đấu.
 

Bản thảo “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”  của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/12/1946(Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

 

Bản đồ “ Diễn biến tác chiến đêm 19, ngày 20/12/1946” (Nguồn: Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hà Nội)

Đúng 20 giờ 03 phút ngày 19/12/1946, sau khi đèn điện toàn thành phố phụt tắt làm tín hiệu tấn công, Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia dõng dạc hô khẩu lệnh: “Bắn!, thế là tôi bê đạn đặt vào máng, lại bắn! lại đặt lại, lại hô bắn!”. Ba loạt đạn từ hai khẩu pháo tại Pháo đài Láng bắn lần lượt 6 viên đạn đầu tiên vào cơ sở của địch trong thành phố, đồng thời cũng là hiệu lệnh kháng chiến toàn quốc. Sau 3 loạt đạn, đồng chí Võ Nguyên Giáp gọi điện cho Trung đội trưởng Nguyễn Ưng Gia cho trinh sát vào trong thành xem có viên đạn nào lạc vào nhà dân không. Chỉ ít phút sau trinh sát báo về, đạn rơi vào trong thành địch chết nhiều lắm, chỉ có một viên đạn pháo của ta rơi ra ngoài thành nhưng không ảnh hưởng đến dân. Sau loạt đạn từ Pháo đài Láng vào thành, các pháo đài Xuân Canh, Xuân Tảo cũng lần lượt phát hỏa vào các mục tiêu đã định trước. Cũng trong sáng ngày 20/12, tại hang núi Trầm (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khiến cho khí thế đấu tranh của quân dân Hà Nội lại càng lên cao. Anh em pháo thủ tại Pháo đài Láng lại càng nức lòng khi Tổng Chỉ huy Võ Nguyên Giáp gọi điện biểu dương cán bộ, chiến sĩ Pháo đài Láng bắn giỏi, gọi loạt đạn Pháo đài Láng bắn đêm 19/12 là loạt đạn thần thánh, phá tan âm mưu của địch khi muốn giành thế chủ động trong trận chiến với ta.

Chiều ngày 21/12/1946, bằng cách ngắm bắn trực tiếp vì không có thước ngắm bắn, Pháo đài Láng đã bắn hạ được một máy bay trinh sát địch rơi ngay trên phố Hàng Bột, lập chiến công đầu tiên cho pháo binh Việt Nam.
Sang tháng 1/1947 địch tấn công Ô Chợ Dừa - Giảng Võ rất quyết liệt. Để bảo toàn lực lượng, ngày 11/01/1947, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho Pháo đài Láng phá hủy pháo và rút về hậu phương lên Việt Bắc tiếp tục cuộc kháng chiến trường kỳ bảo vệ Tổ quốc. Sau 60 ngày đêm, Pháo đài Láng đã cùng quân dân Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Giam chân quân địch ở Hà Nội, tiêu hao nhiều sinh lực địch, bảo toàn lực lượng để tạo điều kiện cho quân, dân ta chuẩn bị kháng chiến lâu dài và giành thắng lợi”.
 

Nòng pháo đại bác ở Pháo đài Láng (Hà Nội). Đoàn Pháo binh Thủ đô đã dùng chiến đấu trong ngày đầu Toàn quốc kháng chiến, tháng 12/1946. (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Hiện nay ở phòng trưng bày số 11-14 trong hệ thống trưng bày Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang trưng bày hiện vật gốc là nòng pháo đại bác ở Pháo đài Láng (Hà Nội) - một trong hai khẩu pháo cao xạ 75mm đã bắn loạt đạn đầu tiên mở đầu Toàn kháng chiến ngày 19/12/1946. Những câu chuyện kể qua kí ức của nhân chứng lịch sử Đỗ Văn Đa đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia ghi âm, ghi hình, biên tập, thẩm định nội dung thông tin, là nguồn tư liệu quý giá, bổ sung kịp thời cho nội dung trưng bày về sự kiện này. Đặc biệt là, nguồn tư liệu này sẽ góp phần làm nâng cao khả năng tương tác, trải nghiệm, tạo cảm xúc, khơi gợi ký ức chia sẻ của khách tham quan, giúp khách tham quan khám phá, hiểu rõ hơn nội dung trưng bày của một trong những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc.

Tài liệu tham khảo

Ban Liên lạc Truyền thống Trung đoàn Thủ đô 2005. Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh. Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội

Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố Hà Nội 2006. Lịch sử Chiến khu XI. Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội

Lê Đình Sỹ 2010. Thăng Long Hà Nội những trang sử vẻ vang chống ngoại xâm. Nxb. Hà Nội.

Võ Nguyên Giáp 2006. Tổng tập hồi ký. Nxb. Quân đội Nhân dân, Hà Nội.

Lê Mậu Hãn (chủ biên) 2010. Đại cương Lịch sử Việt Nam, tập III. Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

Nguyễn Thị Việt Thanh 2019. Địa danh Hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu hế kỉ 19 đến nay). Nxb. Hà Nội.

Phan Thị Kim Thanh 2016. Lời thề quyết tử. Nxb. Thanh Niên, Hà Nội.

Viện Sử học 2006. Việt Nam những sự kiện lịch sử (1945-1975). Nxb Giáo dục, Hà Nội.

http://quocphongthudo.vn: Viết tiếp truyền thống Pháo đài Láng anh hùng.

https://sknc.qdnd.vn: Ký ức người chiến sĩ pháo đài - Sự kiện nhân chứng - QĐND.

https:/giadinh.net.vn: Hồi ức pháo thủ cuối cùng.

Nguyễn Trọng Lượng 2017. Nghiên cứu sưu tầm bổ sung nguồn tài liệu, hiện vật, ghi âm, ghi hình về những sự kiện lịch sử tiêu biểu giai đoạn 1945-1954 qua các nhân chứng lịch sử ở Hà Nội (Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Viện). Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Chia sẻ:

Bài nổi bật

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

Nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh (1922-2010)

  • 08/07/2019 14:36
  • 4340

Duyên nghiệp sử sách cho tôi nhiều dịp may hiếm có, ví như bỗng một ngày, tôi được gặp nhà văn, nhà viết kịch Hoàng Công Khanh ở tọa đàm về cuộc đấu tranh của những người yêu nước và cộng sản ở nhà tù Sơn La do cụ Nguyễn Văn Trân tổ chức vào hè năm 2007. Không thể hình dung được ông nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, dáng cao manh mảnh, đôi mắt tinh anh, lại đã từng bị tù ở Sơn La cùng với bí thư chi bộ nhà tù Trần Huy Liệu.

Bài viết khác

Chí sĩ Trần Quý Cáp – người thầy “khai dân trí, chấn dân khí” truyền lửa yêu nước

Chí sĩ Trần Quý Cáp – người thầy “khai dân trí, chấn dân khí” truyền lửa yêu nước

  • 10/02/2022 10:57
  • 1902

Chí sĩ Trần Quý Cáp (1870 - 1908) lúc nhỏ tên là Trần Nghị, tự là Dã Hàng, Thích Phu, hiệu là Thai Xuyên. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân ở làng Bất Nhị, xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trần Quý Cáp nổi tiếng là người thông minh và là 1 trong những học trò xuất sắc của Đốc học Mã Sơn Trần Đình Phong. Tuy nhiên, con đường khoa cử của ông khá lận đận, đến năm 1904 ông mới đậu Tiến sĩ.