Cần Thơ, vùng đất phì nhiêu của đồng bằng Nam Bộ thường được gọi là Tây Đô vì đó là trung tâm kinh tế, chính trị của miền Tây Nam Bộ. Mảnh đất giàu có đó cũng là quê hương của đồng chí Châu Văn Liêm, một trong 5 sáng lập viên Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, ham học và thông minh, anh đã vượt qua nhiều thiếu thốn để theo học hết chương trình và tốt nghiệp trường sư phạm ở Sài Gòn năm 20 tuổi.
Thầy giáo Châu Văn Liêm sớm biết đến sách báo yêu nước. Đọc “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu, anh nghĩ nhiều đến vận nước. Đọc báo “Tiếng chuông rè” và nghe Nguyễn An Ninh diễn thuyết, anh gặp nhà trí thức tân học này để trao đổi về quốc sự. Năm 1926, được tin nhà yêu nước Phan Chu Trinh mất, Châu Văn Liêm đã vận động đồng bào địa phương và học sinh ở Long Xuyên là nơi anh dạy học tham gia lễ truy điệu.
Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902; mất ngày 4/6/1930
Thấy một số bà con còn mê tín, anh luôn luôn tìm cách giải thích cho họ hiểu về khoa học. Có lần, trong làng có người mắc bệnh dịch tả, một số gia đình lân cận lập đàn và làm heo quay để cúng bái. Anh khuyên dân chúng nên để tiền mua thuốc mới khỏi bệnh. Vốn người hiền lành, nhã nhặn, xuề xòa và vui tính nên bà con vùng này đều mến nể thầy giáo Liêm.
Với trách nhiệm của một người cán bộ lãnh đạo, Châu Văn Liêm luôn đi sát phong trào quần chúng để trực tiếp chỉ đạo và góp ý kiến cho cán bộ cơ sở. Anh thường đề nghị cán bộ của mình chú ý tập dượt đấu tranh cho quần chúng bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình đòi quyền sống. Chính anh đã nhiều lần tổ chức, lãnh đạo nông dân ở địa phương biểu tình kéo lên quận đòi giảm thuế, giảm sưu.
Tháng 6-1929, với tư cách là một trong 3 đại biểu của kỳ bộ Nam kỳ, Châu Văn Liêm đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Hương Cảng. Sau Đại hội, nhận thức được tình hình cấp bách của việc thành lập Đảng Cộng sản thay thế cho tổ chức thanh niên ở Việt Nam, Châu Văn Liêm về nước tích cực hoạt động ở Nam kỳ vận động thành lập An Nam Cộng sản Đảng.
Trước tình hình trong nước cùng một lúc tồn tại ba đảng cộng sản, Châu Văn Liêm cũng như nhiều nhà cách mang lúc đó rất băn khoăn, lo lắng cho phong trào. Anh cùng một số đồng chí của An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Đảng tìm cách gặp nhau để bàn bạc về việc thống nhất đảng. Đúng lúc đó, nhận được giấy triệu tập đi dự họp với đại diện Quốc tế Cộng sản, đồng chí Châu Văn Liêm cùng với đồng chí Nguyễn Thiệu được cử thay mặt tổ chức sang Hương Cảng dự hội nghị thống nhất. Tại hội nghị, dưới sự chủ tọa của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Châu Văn Liêm, với lòng yêu nước sâu sắc và sự quan tâm thống nhất tổ chức để lãnh đạo phong trào, đã đóng góp hết sức mình đưa hội nghị tới thành công.
Ngày 4-6-1930, Châu Văn Liêm trực tiếp lãnh đạo cuộc biểu tình có hàng nghìn quần chúng tham dự kéo từ huyện Đức Hòa lên Chợ Lớn. Từ trên một mô đất cao, Châu Văn Liêm kêu gọi mọi người xông lên đấu tranh chống áp bức bóc lột của đế quốc phong kiến. Nghe những lời hiệu triệu đanh thép của anh, đoàn biểu tình xô lên như sóng vỡ bờ, kéo về thành phố để đưa yêu sách, bọn thực dân liền huy động lính ra chặn đường, gặp đoàn biểu tình, chúng cho lính dàn ra, chĩa súng vào đoàn người tay không. Những người biểu tình đứng lại, xiết chặt hàng ngũ, hô khẩu hiệu đòi giảm sưu, giảm thuế. Bọn thực dân ra lệnh mọi người giải tán, hăm dọa nổ súng. Hàng ngũ quần chúng xôn xao. Trước tình hình đó, Châu Văn Liêm hùng dũng bước ra khỏi đoàn biểu tình, tiến lên đòi phải giải quyết yêu sách. Tên thực dân lồng lộn, ra lệnh bắn. Châu Văn Liêm và một số đồng chí đồng bào đã hy sinh, máu của người tham gia sáng lập Đảng đã hòa vào máu quần chúng trong cuộc đấu tranh để tô thắm lá cờ đỏ búa liềm của Đảng./.
Hà Thu