Triều Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, được thành lập trên cơ sở thống nhất toàn vẹn đất nước, từ Nam Quan đến Mũi Cà Mau, bao gồm toàn bộ lãnh thổ, lãnh hải cùng các đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Trong thời kỳ đầu của Triều Nguyễn (1802-1858), từ Vua Gia Long đến Vua Tự Đức, đất nước ta là một nước độc lập, có chủ quyền, do đó việc phòng ngừa ý đồ “can thiệp” của các thế lực bên ngoài rất được đề cao. Bên cạnh đó, quá trình đấu tranh để khôi phục và thống nhất đất nước của Vua Gia Long cũng gắn liền với các hoạt động trên biển đảo. Vì vậy, các vua triều Nguyễn đều ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo đối với việc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước, mà cụ thể là mở mang giao thông đối ngoại, phát triển kinh tế hàng hóa và khai thác các nguồn lợi thủy sản từ biển Đông. Từ năm 1820, Vua Minh Mạng lên cầm quyền, kế thừa tư tưởng của Vua Gia Long, Nhà vua càng có ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của biển đảo trong việc phòng thủ, bảo vệ chủ quyền, thể hiện qua nhiều chính sách bài bản và nhất quán về biển đảo. Do đó, vị thế về chính trị quân sự của biển đảo Việt Nam càng được vua Minh Mạng xác định là một vấn đề chiến lược của triều đại. Nhà vua từng nói rõ:
“Việc trị quốc phải nhìn xa trông rộng. Từ khi thân chinh, trẫm thường nghĩ kế lâu dài cho nước, đắp Trường Thành ở Quảng Bình, xây hùng quan ở Hải Vân, những nơi ven biển xung yếu như Thuận An, Tư Dung… không nơi nào không xây pháo đài, lợi dụng địa thế hiểm trở để củng cố phòng vệ cho đất nước”[1].
Quan điểm và chính sách của Triều Nguyễn về biển đảo được đề cập nhiều trong Châu bản và các bộ chính sử của Triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên và tiền biên, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Đại Nam nhất thống chí… Tuy các tư liệu không mang tính hệ thống, ít tập trung, nhưng đây là nguồn tài liệu quan trọng để chứng minh cho việc xác lập và thực thi chủ quyền của Triều Nguyễn đối với biển đảo. Đặc biệt, các hình ảnh được chạm khắc trên Cửu Đỉnh (nhóm hiện vật đã được công nhận là Bảo vật quốc gia vào năm 2012) đặt trong Hoàng cung là một trong những minh chứng sinh động nhất thể hiện về chủ quyền biển đảo nước ta dưới thời Nguyễn. Cửu Đỉnh là 9 đỉnh đồng lớn được Vua Minh Mạng cho đúc vào tháng 12-1835 và hoàn thành tháng 6-1836. Đây không chỉ là những tác phẩm đúc bằng đồng có giá trị rất cao về kỹ thuật và mỹ thuật, mà còn được ví như là một “bộ Đại Nam nhất thống chí bằng đồng” mà Vua Minh Mạng muốn gửi đến các thế hệ mai sau, khẳng định niềm tự hào và sự trường tồn của một đất nước Việt Nam/Đại Nam giàu đẹp. Trên thân Cửu Đỉnh có chạm khắc nổi 153 hình ảnh về vũ trụ, núi sông, sản vật tiêu biểu nhất của nước ta, trong đó có cả phần lãnh hải của Tổ quốc với đủ ba vùng biển ở 3 mặt: Đông Hải được chạm khắc vào Cao đỉnh, Nam Hải được khắc vào Nhân đỉnh và Tây Hải được khắc vào Chương đỉnh, đây cũng là ba đỉnh lớn nhất tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên của Triều Nguyễn.
Đáng chú ý là, trên thân Cửu Đỉnh còn khắc nổi các loại thuyền đi biển, thuyền tuần tiểu, thuyền chiến...của người Việt trong thời Nguyễn, điều đó cho thấy khả năng chinh phục biển và sự quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền cũng như tầm nhìn về biển Đông của vua Minh Mạng.
1. Tầm nhìn về biển đảo của Vua Minh Mạng thể hiện bằng hình ảnh Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải trên Cửu Đỉnh
Tiếp nối kế thừa giữ gìn và phát huy chủ quyền biển đảo của đất nước, Vua Minh Mạng đã chủ trương thực hiện nhiều chính sách cụ thể nhằm khẳng định chủ quyền biên cương hải đảo. Minh chứng cụ thể nhất mà du khách thập phương ai cũng nhìn thấy mỗi khi đến tham quan Quần thể Di tích Cố đô Huế, đó là biển đảo Việt Nam đã được khẳng định chủ quyền bằng hình ảnh sinh động trên Cửu Đỉnh đặt trước Thế Miếu.
Đông Hải[2] (東 海), chỉ vùng biển phía Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam[3]. Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở vùng biển này cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 hàng năm, thường có bão gió mạnh, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa, nên còn gọi là quần đảo Bão Tố. Biển Đông được xác định là kho tàng tài nguyên vô tận của nước ta[4].
Tây Hải[5] (西 海), chỉ vùng biển nằm về phía Tây thuộc chủ quyền nước ta; biển phía Tây có nhiều tài nguyên, nhất là những động vật sống dưới đáy biển.
Nam Hải[6] (南 海), chỉ vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền nước ta. Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo, như đảo Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Thổ Chu… Trên một số đảo này có nhiều cây mọc tự nhiên cho dược liệu quý. Theo Đại Nam nhất thống chí, thời còn tranh chấp với nhà Tây Sơn, một số đảo này được xem là căn cứ ẩn náu của Nguyễn Vương (Nguyễn Ánh).
Gia Long là vị vua khởi nghiệp của Triều Nguyễn, có cuộc đời gắn liền với biển cả, là người xông pha trên biển, vì vậy, ông là người am hiểu nhận thức được vị trí chiến lược về quân sự cũng như kinh tế của biển đảo trong hệ thống phòng thủ của đất nước. Khi lên ngôi, Vua Gia Long đã khẳng định sự khó khăn trong việc làm chủ biển đảo, luôn nhắc nhở các triều thần và những người cầm quyền về sau phải có ý thức bảo vệ: “Côn Lôn, Phú Quốc, Thị Nại, Cù Mông trẫm cùng với tướng sĩ các ngươi đã trăm trận đánh vất vả mới có ngày nay. Lúc yên đừng quên lúc nguy. Đó thực là đạo giữ nước yên dân”[7]. Kế thừa tư tưởng của Gia Long, Vua Minh Mạng dù hài lòng với khung cảnh thanh bình của đất nước và với Kinh đô Huế “rồng cuộn hổ ngồi, địa thế hùng mạnh”, thì vẫn luôn suy nghĩ về việc lợi dụng địa thế hiểm trở của bờ cõi và sông núi để xây dựng thành trì và pháp đài, đóng tàu bọc đồng, xây dựng bến cảng quân dụng... để bảo vệ đất nước. Nhà vua hết sức lo lắng trước mối đe dọa từ nước ngoài về chủ quyền của Việt Nam, nên ông đã coi các cửa biển, đặc biệt là cửa biển Thuận An, Tư Dung là những nơi xung yếu, phải giữ gìn để phòng ngự khi cần. Tầm quan trọng của biển đảo thể hiện rất rõ qua những suy nghĩ và hành động của Nhà vua. Ông luôn coi trọng tăng cường quân bị, xây dựng lực lượng hải quân, có tư tưởng quân sự “lấy thủy quân làm trọng”. Vua Minh Mạng đã từng nhấn mạnh: Việt Nam “dựng nước trong vùng khí hậu nóng, phần lớn đất đai ven biển, thủy quân là quan trọng nhất, nên luyện tập để thuộc về hàng hải, khi có việc mới tiện sử dụng”[8].
Các hình thức thực thi chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khởi nguyên từ Chúa Nguyễn Phúc Nguyên được tiếp tục và phát triển trong thời Tây Sơn và triều Nguyễn. Kế tiếp tư tưởng của vua cha, Vua Minh Mạng đã cho triển khai hàng loạt các hình thức và biện pháp thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa như viễn thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để lưu dấu ghi nhớ, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết...
Lực lượng mà Triều Minh Mạng đưa ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm các đội Thủy quân, Vệ giám thành, Biền binh, binh đinh và dân phu. Mỗi chuyến đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đều phải có quyết định của Triều đình dưới hình thức “tờ sai để thi hành công vụ” và nhiều khi chính Nhà vua trực tiếp chỉ đạo việc quyết định cho thuyền ra khơi hay tạm dừng vì bão gió. Sau khi kết thúc công việc họ phải chạy thuyền thẳng về Kinh đô Huế để báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công để kiểm tra đánh giá và tùy mức độ đóng góp hay vi phạm mà luận công hay định tội, thưởng phạt công minh[9].
Xuất phát từ tư tưởng “thiên nhân cảm ứng”, thành tâm thờ cúng các vị thần biển với ý thức cầu xin thần biển để phù hộ, Nhà vua cho lập miếu, dựng bia nhằm cầu xin thần biển phù hộ độ trì để biển yên sóng lặng, an toàn cho hàng hải, vận tải cho đường thủy và bền vững mãi mãi cho vùng lãnh hải của đất nước. Sách Đại Nam thực lục có ghi:
"Minh Mạng năm thứ 14 (1833), nhà vua bảo Bộ Công rằng: Dải Hoàng Sa trong hải phận Quảng Ngãi, xa trông trời nước một màu không phân biệt được nông hay sâu. Gần đây thuyền buôn thường bị hại. Nay nên dự bị thuyền bè đến sang năm sẽ phái người tới dựng miếu, lập bia, lại trồng nhiều cây cối. Ngày sau cây cối to xanh tốt, người dễ nhận biết, có thể tránh được nhiều mắc cạn. Đó cũng là việc lợi muôn đời vậy"[10].
Năm 1835, Triều đình cho dựng ‘thần từ’ (miếu thờ thần) ở Hoàng Sa... “Hoàng Sa ở hải phận Quảng Ngãi có một chỗ nổi cồn cát trắng, cây cối xanh tốt, giữa cồn có giếng, phía tây nam có miếu cổ, có tấm bia khắc 4 chữ Vạn Lý Ba Bình... Năm ngoái vua (Minh Mạng) định lập miếu ở chỗ ấy, vì gặp lúc sóng gió không làm được. Đến nay mới sai đội thủy quân là Phạm Văn Nguyên đem lính và giám thành cùng phu thuyền hai tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu (cách tòa miếu cổ 7 trượng). Bên trái dựng bia đá, phía trước miếu xây bình phong. Mười ngày làm xong rồi về"[11].
Tài liệu Châu Bản triều Nguyễn ngày 12 tháng 2 năm Minh Mạng thứ 17 (1836), đã khẳng định có nhiều chuyến tuần tra, khảo sát ở Hoàng Sa của đội quân Triều Nguyễn: “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 cọc gỗ {mỗi cọc dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc} khắc sâu dòng chữ to: Minh Mệnh thập thất niên. Năm Bính Thân, các viên Cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh. Lần này, viên Chánh đội trưởng Thủy quân được cử đến Hoàng Sa là Phạm Hữu Nhật, giờ Mão hôm trước đã đi thuyền từ cửa Thuận An đến tỉnh Quảng Ngãi, chuyển ngay {số cọc ấy} cho viên này”[12].
Theo Châu Bản ngày 21 tháng 6 năm Minh Mạng thứ 19 (năm 1838) do Bộ Công trình tấu về kết quả khảo sát Hoàng Sa, thì hàng năm các đoàn đi khảo sát các xứ ở Hoàng Sa, mỗi năm đoàn khảo sát được 12 hòn đảo. Nếu cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 1833 thì đến năm 1838, các đoàn đã khảo sát được 85 hòn đảo.
Là vị hoàng đế rất coi trọng bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong thời gian trị vì của mình, Vua Minh Mạng đã tích cực củng cố việc xác lập chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng như phòng thủ, giữ gìn các hải đảo khác của đất nước.
Một tài liệu khác là Châu Bản ngày 19 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 19 (năm 1838) ghi lại việc viên quan Bố chánh tỉnh Quảng Ngãi trình báo xin miễn thuế khóa cho thuyền lớn tham gia thực hiện công vụ tại Hoàng Sa.
Ngoài việc tăng cường xây dựng thủy quân, xây dựng phép thủy chiến, Nhà vua còn đặt lệ tuần biển để bảo vệ lãnh hải, đánh đuổi cướp biển và kịp thời phát hiện, đối phó với các hành vi xâm lấn có thể xảy ra từ hướng biển. Hoàng đế Minh Mạng cũng là người nhận thấy cần huy động sức mạnh của người dân trong việc gìn giữ chủ quyền biển đảo. Vào năm Bính Thân (1834), Nhà vua đã trang bị vũ khí cho các ngư dân, dân chúng sống tại các đảo ngoài biển, đây là một lực lượng bán vũ trang có nhiệm vụ vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
Có thể nói, chính sách quản lý vùng biển đảo Hoàng Sa,Trường Sa của Vua Minh Mạng là khá toàn diện và tương đối chặt chẽ, từ xây dựng hệ thống bản đồ, lập bia cắm mốc đến thường xuyên cử đội thuyền ra các đảo hay thực hiện việc cứu hộ các tàu buôn nước ngoài... Tất cả những điều đó đã minh chứng Triều Nguyễn là chủ nhân thực sự của một vùng rộng lớn trên biển Đông, những hình ảnh sinh động được chạm khắc trên Cửu Đỉnh đã phần nào thể hiện điều đó.
2. Ý thức biển đảo của Vua Minh Mạng thể hiện qua hình ảnh Thuận An Hải Khẩu trên Cửu Đỉnh
Vua Minh Mạng coi cửa bể Thuận An có vị thế trọng yếu, là cửa ngõ yết hầu trong phòng thủ và bảo vệ Kinh đô của triều đại. Hình ảnh cửa biển Thuận An đã được nhà vua khắc lên Cửu Đỉnh, điều này thể hiện được tầm quan trọng của chủ quyền và giao thông đường biển.
Thuận An Hải Khẩu[13] (順 安 海 口), tức là cửa biển Thuận An, thời xưa gọi là Noãn Hải, có lúc gọi là Yêu Hải, tức cửa Eo, năm Gia Long thứ 13 (1814) đổi tên Thuận An.
Tại Kinh đô Huế, ngoài tuyến phòng thủ từ xa và tuyến phòng thủ trung tâm trên đường bộ, Triều Nguyễn còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng hệ thống đồn lũy, cửa trấn ven biển. Năm 1813, Vua Gia Long cho xây Trấn Hải Thành ở cửa biển Thuận An. Ngoài pháo đài này là một hệ thống đồn lũy khác bên cạnh cửa Thuận An, gồm đồn Hòa Duân, đồn Côn Sơn, đồn Hạp Châu và đập chắn Thuận An. Hệ thống đồn lũy này đều được bố trí một lực lượng lớn binh lính với các vũ khí mạnh nhất của Triều Nguyễn. Ngoài cửa Thuận An, Triều Nguyễn còn cho xây dựng hệ thống đồn lũy phòng thủ ở các cửa biển Hải Vân, Chu Mãi (Chân Mây), Cảnh Dương và cửa Tư Hiền để bảo vệ các vùng biển quan trọng thuộc Kinh đô. Sách Đại Nam thực lục có chép:
“Đổi cửa Eo làm cửa Thuận An (chỗ này nguyên tên là Noãn Hải Khẩu), tục gọi là cửa Eo, ý nói nơi nông hẹp khó đi. Xây đài Trấn Hải sai Nguyễn Đức Xuyên trông coi công việc. Vua thấy là nơi trọng yếu của hải cương, bèn xây đài ở bên cạnh”[14].
Dưới Triều Minh Mạng, Nhà vua đã nhận thấy, biển không đơn thuần chỉ là nơi phòng bị để đối phó với phương Tây mà trực tiếp hơn, nó còn gắn với sự an nguy, tồn tại của triều đại mà trước hết là Kinh đô Phú Xuân. Theo đó, các cửa biển Thuận An, Tư Hiền, Tư Dung được xem là những cửa biển có vị trí chính trị, quân sự quan trọng, là tiền đồn trong phòng thủ Kinh đô Huế. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi:
“Kinh sư là nơi miền núi, miền biển đều hợp về, đứng giữa miền Nam miền Bắc, đất đai cao ráo, non sông phẳng lặng; đường thủy thì có cửa Thuận An, cửa Tư Hiền sâu hiểm; đường bộ thì có cửa Hoành Sơn, ải Hải Vân chắn ngăn”[15].
Các vua Gia Long và Minh Mạng coi cửa biển Thuận An có vị thế trọng yếu, là cửa ngõ yết hầu trong phòng thủ và bảo vệ triều đại. Sách Minh Mệnh chính yếu chép:
“Vua đi tuần ngự đến cửa biển Thuận An xem pháo đài Trấn Hải, lại ngự đến cửa bể Tư Dung lấy cớ bể ấy phải phù sa bồi đắp, mới sai các cánh quân theo xe nhà phải khai cho thông đi. Vua bảo quan hầu rằng: “Nơi đây là chỗ quan yếu cho Kinh Thành (Thuận Hóa), trước kia Đức Thái tổ Gia Dụ Hoàng đế mở bờ cõi về phương Nam, từ cửa bể này đi vào. Kịp khi giặc Tây Sơn khởi loạn cũng từ bể này đi vào. Đức Duệ tôn Hiếu Định Hoàng đế ngự sang phương Nam cũng từ cửa biển này ra đi. Đến Đức Thế tổ Cao Hoàng đế là Hoàng khảo của trẫm lấy lại được Kinh Thành cũng từ cửa bể này đi vào. Như vậy cửa bể này là quan hệ đến thịnh suy của quốc vận, nay nên hết sức khơi đi để nước chảy lưu thông”[16].
Hơn nữa, xét về vị trí địa lý, cửa Thuận An còn là “nơi thiết yếu ở vùng bể, ở ngay kẽ nách của Kinh đô”[17]. Vì thế Thuận An được coi là tấm lá chắn phòng ngự tầm xa vững chắc, được ví như là hệ thống thành quách tự nhiên vững chãi chắn giữa phía Đông của Kinh đô Phú Xuân.
Vua Minh Mạng coi cửa biển Thuận An là nơi xung yếu, gìn giữ và luôn cảnh giác cao với việc di chuyển của các loại tàu, áp dụng nhiều biện pháp phòng ngự khi cần, luôn quan tâm theo dõi về cửa biển Thuận An, đặt đèn hiệu để báo hiệu các tàu bè ra vào được thuận tiện và còn cho treo cờ các ngày lễ lớn của dân tộc để thể hiện rõ ý thức chủ quyền về biển đảo của nhà vua: “Thuyền nhà nước từ ngoài biển sắp vào cửa biển Thuận An, nếu gió nước không tiện thì người án thủ Trấn Hải đài dương treo cờ đỏ ở trên đài trước và bắn hai tiếng súng để bảo cho phóng thẳng đi. Định làm lệ mãi mãi. Lại sai truyền khắp cho các thuyền hiệu của Thủy quân biết”[18].
Tất cả các đài trấn ở biển đều được nhà vua cho làm đài cờ, cột cờ và cờ vàng treo cờ các ngày Khánh đản, Nguyên đán… để thể hiện rõ nghi lễ và pháp độ.
Vua Minh Mạng có tư tưởng kính thiên vị thần và thiên nhân cảm ứng, Nhà vua cho rằng, sở dĩ có tai nạn thiên nhiên xảy ra là vì trời muốn nhân ái và giáo dục người đứng đầu nhà nước quân chủ: “Trời có lòng nhân ái quân chủ, nếu quân chủ có sai lầm, như là sự xuất hiện của vĩ nhân, không phải căm ghét quân chủ, mà để giáo dục quân chủ… cho nên đối với việc quân chủ trị nước, điều quan trọng không phải không có tai nạn, mà là biết sợ khi gặp tai nạn”[19].
Vua Minh Mạng xem vùng biển Huế “là nơi quan trọng của bờ cõi Kinh đô”, những đê đá bị đắp xói mòn ở vùng biển, khó mà xây lại vững chắc bằng nhân lực, “chỉ có thể mượn sức thần mới làm được”. Nhà vua cử Thượng thư Bộ Lễ Phan Huy Thị đi miếu Long Vương Nam Hải, thành khẩn cầu xin thần trợ giúp để “phù sa ngày càng đắp cao, để bền vững mãi mãi”[20]. Vua Minh Mạng coi trọng thờ cúng thần biển được xem là sự thể hiện ý chí của trời, không ngừng nâng cấp thờ tự cho miếu Hội Đồng và các vị thần biển để cầu xin thần biển phù hộ biển yên sóng lặng, an toàn cho hàng hải, vận tải đường thủy và bền vững mãi mãi cho bờ cõi biển.
Các vua đầu triều Nguyễn đương thời đều thân hành xem xét các cửa biển, đặc biệt là cửa Thuận An và Đà Nẵng, có những đánh giá rất cao về vị thế chiến lược của các cửa biển này. Như năm 1830, Minh Mạng xem pháo đài Trấn Hải và đánh giá: “thật là thành bằng đồng và hào chứa nước sôi của Kinh sư vậy”[21]. Không chỉ có ở Kinh sư, tại những tỉnh khác, các cửa biển có ý nghĩa chiến lược rất lớn về mặt quân sự.
3. “Cần Giờ Hải Khẩu” trong chính sách biển đảo của Vua Minh Mạng
Cần Giờ Hải Khẩu[22] (芹 蒢 海 口) là cửa biển Cần Giờ, tức cảng Cần Giờ, là một cửa cảng lớn nằm sát trung tâm phố thị tỉnh Gia Định xưa, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Do tính chất quan trọng của cửa biển này, năm Thiệu Trị thứ 2, Triều đình nhà Nguyễn cho xây thành, đắp lũy tấn bảo để canh gác. Cửa biển Cần Giờ có vị thế chiến lược kinh tế, quốc phòng và lịch sử phong phú của vùng đất Nam Bộ ngay từ buổi đầu mở cõi.
Vua Minh Mạng rất quan tâm đến cửa biển này: “Đổi cửa biển Cần Giờ thuộc Trấn Biên cho thuộc về Phiên Trấn; lấy Khâm sai thuộc nội cai đội Phan Văn Đồng làm Thủ ngự đánh thuế cảng các thuyền buôn. Rồi ra lệnh dự trữ lương thực, phàm có người cùng dân Bình Thuận trở ra đến Thuận Hóa đáp thuyền buôn đến thì lượng cấp cho”[23].
Vua Minh Mạng còn rất quan tâm đến việc bảo vệ an ninh lãnh thổ biển, nhà vua đã tổ chức nhiều đội tuần tra kiểm soát nhằm bảo vệ an ninh biển. Đây cũng là việc làm bảo đảm an toàn cho các thuyền buôn yên tâm đi lại trên biển. Việc làm này nhằm phát triển nền hàng hải trên biển, thời gian 21 năm trị vì của Vua Minh Mạng cũng có thể coi là đỉnh cao của nền hàng hải thuyền buồm và công cuộc xây dựng hải quân thời cổ đại Việt Nam. Vua ra sức đẩy mạnh sự nghiệp hàng hải, khuyến khích đóng các loại tàu thuyền bền chắc, xây dựng thủy quân vững mạnh, hết sức quan tâm nền an ninh cõi biển và phòng thủ biển. Vua Minh Mạng đã ban bố các quy chế như “tuần dương chương trình”, “tuần thuyền quy thức”... nhằm mục đích chống cướp biển, trạm dương và giữ gìn an ninh cho các loại tàu thuyền hoạt động ven biển.
Cần Giờ là vị trí chiến lược quan trọng, là cửa ngõ giao lưu buôn bán với các nước phương Tây, nhà vua đã xác nhập đội quân ở đây rất hùng mạnh lập đội “Bình Hải” để tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát, tàu thuyền đắm thì cho người trục vớt và có nhiều chính sách đối với người đi biển và truy tặng: “thuyền bang gặp bão đắm ở ngoài biển Cần Giờ, vua thương xót truy tặng”[24].
Vua Minh Mạng đã có nhiều chính sách để bảo vệ các cửa biển và chủ quyền trên biển cũng như khi tàu bè đến buôn bán và trú tất. Ngoài ra, Nhà vua xây dựng các hệ thống đài để kiểm soát từ xa và được xem là nhân tố, là cơ sở để phòng thủ, bảo vệ quốc gia từ xa trước sự nhòm ngó của bên ngoài, nhất là các nước phương Tây.
4. “Đà Nẵng Hải Khẩu” trong chính sách biển đảo của Triều Minh Mạng
Đà Nẵng Hải Khẩu[25] (沱 海 口) là cửa biển Đà Nẵng, còn gọi là Cửa Hàn, lại gọi Vũng Thùng, Vịnh Hàn. Thương nhân nước ngoài khi đến buôn bán Đàng Trong, thường ghé vào Cửa Hàn, làm nơi trung chuyển đến Phú Xuân.
Tại cửa biển Đà Nẵng - Quảng Nam, khu vực được xem là cửa ngõ mặt Nam của Kinh đô Huế, nơi có cảng quốc tế Hội An vốn đã hoạt động từ hàng trăm năm trước, Triều Nguyễn cũng đặc biệt chú ý đến vấn đề phòng thủ cửa biển. Vua Gia Long quy định việc đón tiếp các đoàn sứ ngoại quốc đến quan hệ với vương triều bắt buộc phải qua cảng Đà Nẵng. Các vua Triều Nguyễn kế tiếp sau như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... đều nhất quán thực thi luật định này một cách nghiêm túc.
Hệ thống phòng thủ cảng biển Đà Nẵng được Triều Nguyễn đầu tư và xây dựng khá kiên cố, với trang thiết bị vũ khí hùng mạnh đã phát huy tích cực khả năng chặn đánh quân xâm lược. Ngoài Huế và Đà Nẵng, các địa phương ven biển khác cũng được Triều Nguyễn quan tâm xây dựng hệ thống đồn lũy phòng thủ ở các vị trí xung yếu, nhất là vùng cửa sông, cửa biển.
Vua Minh Mạng cho rằng, về ý nghĩa quân sự của biển đảo gắn với sự an nguy của triều đại thì không nơi nào bằng vịnh Sơn Trà (Đà Nẵng). Nơi đây địa thế hiểm trở, thuận tiện cho phòng thủ mà khó khăn để tấn công, vì thế là nơi vừa có thể giao thiệp, vừa ngăn chặn các hoạt động quân sự xâm nhập từ các nước phương Tây. Điều này được chính Vua Minh Mạng khẳng định với các cận thần: “Vả lại chỗ yếu lại không đâu bằng vũng Sơn Trà. Tàu ngoại quốc đến chỉ có thể đậu ở đấy, mà chướng khí rất dữ, giếng độc hơn 10 cái. Trước có tàu Tây dương đến tránh gió ở đấy, cuối cùng cũng bị nước độc làm hại, do đấy mà nói rằng người ngoại quốc dù có muốn nhòm ngó cũng không sao làm được. Hơn nữa do đó ta lại giữ được chỗ hiểm để vận dụng tàu thuyền kia mà”[26].
Cửa biển Đà Nẵng không chỉ xuất phát từ sự xung yếu của nó, mà còn bởi các hoạt động thương mại, giao thông trên biển dưới Triều Nguyễn đều được thực hiện thông qua cửa biển này. Cho nên, về quân sự, việc phòng thủ ở đây là thực sự quan trọng và cần thiết. Vua Minh Mạng đã từng chỉ dụ cho Nguyễn Tri Phương lúc nhận chức Tuần phủ tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi phải luôn đề cao ý thức cảnh phòng nơi đây nhằm đảm bảo sự vững yên của bờ cõi: “Cửa bể Đà Nẵng là chỗ xung yếu ở vùng bể, vì thuyền bè đi lại là phải qua cửa bể ấy. Ngươi có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc dù muốn nhòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta, đó là kế hoạch rất lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình”[27].
Triều Nguyễn cho “Dựng công quán ở cửa biển Đà Nẵng, ở Quảng Nam (một tòa nhà 3 gian 2 chái) làm nơi trú tất cho những phái viên ở Kinh khi đến làm việc công hay tàu ngoại quốc đến đậu, mà cần phải đợi đến để hỏi han, thì lấy đấy làm nơi làm việc công, lại cấp cho hai chiếc thuyền nhanh nhẹn (theo kiểu thuyền sai, dài 27 thước, ngang 4 thước 5 tấc, sau 2 thước 2 tấc) để dùng đi tuần xét”[28].
Triều Nguyễn quy định, những quan thuyền đi công việc ở ngoại quốc về, tạm đỗ ở hạt nào, thì quan địa phương lập tức phái quân lính phải để ý phòng kỹ càng hơn, nếu có kẻ đem thuốc phiện lên bờ, lập tức bắt cả người và tang vật tâu lên, thuyền nào đỗ hẳn ở cửa biển Đà Nẵng thì do quan trấn, đỗ hẳn ở Kinh thì do phái viên 2 Bộ Binh, Hình hội đồng với thị vệ, đến lấy cung, chắc chắn sẽ khám xét cẩn thận, nếu vì tình riêng mà bao che cho nhau, khi việc phát giác thì người phạm sẽ phải trị tội nặng, mà viên kiểm sát cũng bị nghiêm xử[29].
Việc báo hiệu khi có tàu lạ vào hải phận cũng được quy định rõ: “Định rõ lệ bắn đại bác ở hai pháo đài Điện Hải và An Hải trong cửa biển Đà Nẵng thuộc trấn Quảng Nam (khi có tàu đồng lớn vào hải phận, bắn 3 phát súng thì 2 đài cũng đều bắn 3 phát súng; nếu có nhiều thuyền lớn cùng vào một lúc đầu có bắn nhiều phát súng, hai đài cũng chỉ bắn một đài 3 phát)[30].
Vua Minh Mạng tăng cường rất nhiều biện pháp phòng ngự ở các cửa biển xung yếu với ý thức phòng thủ biển và chống xâm lược từ biển. Nhà vua xác định cửa biển Đà Nẵng là nơi neo đậu của thuyền phương Tây sang mậu dịch ở Việt Nam, Vua liền cho ra lệnh xây dựng các Trấn Hải, Điện Hải và Định Hải… tăng cường sự phòng thủ. Vua Minh Mạng cho rằng phòng chống xâm lược của phương Tây thì ngày thường phải cẩn thận, không thể cho người phương Tây nắm hết thực hư của mình. Vua Minh Mạng cũng coi trọng cải cách binh chế, yêu cầu thủy quân học tập chiến thuật thủy chiến của phương Tây, ngày đêm tập dượt để tăng sức chiến đấu phòng ngự biển.
5. Ý thức về giao thông trên biển đảo và sự nghiệp phát triển biển của Vua Minh Mạng thể hiện qua hình ảnh các loại thuyền trên Cửu Đỉnh
Ý thức coi trọng hải quân của Vua Minh Mạng cũng thể hiện sinh động thông qua hình ảnh các loại vũ khí, thuyền bè khắc trên Cửu Đỉnh. Những hình vẽ trên chủ yếu là hỏa khí và tàu thuyền, những hình vẽ về tàu thuyền chủ yếu bao gồm các tàu thuyền trên biển. Để đối phó với bọn cướp biển, Vua Minh Mạng còn đích thân chỉ đạo xây dựng kế hoạch đóng loại tàu tuần dương cỡ vừa, giữa tàu bọc đồng lớn, tàu Ô Lê nhỏ và nhanh nhẹn có khả năng tấn công. Các loại thuyền đi biển quan trọng nhất của nhà Nguyễn trong thế kỷ XIX được khắc trên Cửu Đỉnh Huế.
Ô Thuyền[31] (烏 船) là loại thuyền đi biển, sơn màu đen, cánh buồm cũng đen, thuyền có 12 tay chèo. Đầu Triều Nguyễn có trang bị loại thuyền này cho quân tuần tiễu dọc bờ biển, loại Ô Thuyền này vừa có buồm vừa có tay chèo nên tốc độ lướt sóng nhanh.
Đa Sách Thuyền[32] (多 索 船) là loại thuyền khá lớn có nhiều dây buồm. Vì thuyền lớn nên cũng gọi là tàu, loại thuyền này dùng đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương.
Lâu Thuyền[33] (艛 船) là loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu rất đẹp được chế tạo dưới triều Vua Gia Long và Minh Mạng, loại thuyền này thường chỉ được dùng cho Nhà vua và Hoàng gia, các quan đại thần hộ giá đi lại trên sông Hương hoặc xa lắm cũng chỉ đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình hoặc vào Quảng Nam. Thuyền có tầng lầu chính là thành tựu nổi bật nhất của ngành đóng tàu thuyền nước ta dưới thời nhà Nguyễn.
Mông Đồng Thuyền[34] (艨 艟 船) là loại thuyền có nhiều tay chèo được chế tạo dưới triều Vua Gia Long, Minh Mạng, là loại phương tiện thủy chiến dưới thời Minh Mạng dùng đi sông lớn và ven biển, dùng cho thủy binh.
Hải Đạo[35] (海 導) là một loại thuyền chèo chiến đấu chuyên đi biển, được sản xuất nhiều dưới triều Vua Gia Long và Minh Mạng. Thủy binh nhà Nguyễn điều động loại thuyền này rất linh hoạt trong chiến đấu và diễn tập trên sông nước.
Sách Minh Mệnh chính yếu cho biết cụ thể như sau: “Vua lấy cớ các đảo và bãi ở ngoài biển thuộc các địa phương có nhiều dân cư, chợt gặp giặc bể không lấy gì để chống giữ, mới sai Binh Bộ truyền dụ các Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát ở địa phương có hải phận, bắt dân sở tại phải đóng kiểu thuyền đi được nhẹ nhàng, phí tổn do nhà vua cấp phát. Lại cấp binh khí, súng ô sang và đạn dược để phòng bị lúc không ngờ”.
Quy chế thủy quân cũng được Minh Mạng cải tiến, nhà vua định kích thước và kiểu dáng cho từng hạng thuyền, thống nhất trong phạm vi cả nước để các xưởng thuyền theo các quy thức đó mà đóng cho chuẩn. Đặc biệt, Vua Minh Mạng đã cho đóng thuyền bọc đồng theo mẫu của người Pháp. Vào năm Nhâm Ngọ (1822), Vua cho mua một chiếc thuyền bọc đồng của Pháp đưa về Huế, đặt tên là Điện Dương, để làm mẫu cho các xưởng đóng thuyền tại Kinh đô nghiên cứu, triển khai đóng theo mẫu thuyền này. Ngoài việc cho đóng nhiều tàu chiến, trang bị đại bác theo kiểu cách truyền thống, Vua Minh Mạng còn quan tâm đến những tiến bộ của nền khoa học, kỹ thuật phương Tây áp dụng vào, trong đó có việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền. Không chỉ chú trọng gia tăng số lượng, Nhà vua còn cho tăng chủng loại tàu thuyền.
Sách Đại Nam thực lục cho biết tháng 6 năm Nhâm Ngọ, Vua “sai Thống chế thủy sư Phan Văn Trường coi đóng thuyền hiệu theo kiểu Tây dương”. Chiếc thuyền bọc đồng đầu tiên hoàn thành được đặt tên là Thụy Long, sau đó hàng loạt thuyền bọc đồng được đóng thêm chủ yếu là thuyền chiến, một số là thuyền dùng trong các chuyến công cán ở nước ngoài.
Vua Minh Mạng có ý thức học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của phương Tây đương thời. Nhà vua chú ý việc cải tiến kỹ thuật đóng thuyền của các nước để ứng dụng và nâng cao năng lực chuyên chở, chiến đấu cho đội thủy quân Triều đình.
Vua Minh Mạng cũng là người đã đúc rút kinh nghiệm, tìm tòi, sáng tạo ra loại thuyền tuần tiễu trên biển dựa trên việc kết hợp những ưu điểm giữa các loại thuyền đã có của thủy quân Triều Nguyễn.
Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ có ghi: “Nhà vua nhận thấy: Trong việc tuần tra lùng bắt giặc biển, từ trước đến nay, đều phái các thuyền thuộc hạng dài, lớn, nên xoay chuyển chậm đến nỗi giặc thường chạy thoát. Thuyền Ô, Lê lại thấp bé, khi có giặc, mình (chỉ thủy quân triều Nguyễn) không khỏi ở thế thấp đánh cao. Nay ra lệnh châm chước giữa 2 thứ ấy đóng riêng một thuyền Tuần dương bọc đồng dài 4 trượng 4 thước 1 tấc, rộng 1 trượng 4 tấc, sâu 7 thước 2 tấc"[36].
Quy chế thủy quân cũng được Minh Mạng cải tiến, đặc biệt quan tâm đến việc luyện tập cho hải quân và tăng cường công tác diễn tập khi tuần tra: "Đi tuần phòng ven bể, một là để thao luyện cách lái thuyền cho quen thuộc dòng nước, một là để tập đánh dưới nước, biết rõ đường bể, khiến cho bọn giặc bể nghe tin không dám gây sự. Thế có phải là một việc mà ba điều lợi không"[37].
Lực lượng thủy quân dưới thời Minh Mạng được sự quan tâm thích đáng của Triều đình, đã trở thành một đội quân hùng mạnh với nhiều loại thuyền chiến và vận tải khác nhau, có thể đáp ứng những yêu cầu phục vụ cho chiến trận cũng như giao thương trên sông nước của triều đình và các địa phương.
Vua Minh Mạng cũng từng ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển.
Để quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền, Triều Nguyễn đã ban hành nhiều chỉ dụ, nội dung bao gồm tuần hành xem xét tàu qua các cửa biển và ra khơi theo đoàn; quản lý chặt chẽ tình hình tàu thuyền ra vào lạch và cửa biển dưới hình thức "Nhật ký công tác", tổ chức tìm kiếm thuyền bị nạn hay niêm phong thuyền khi cần thiết.
Vua Minh Mạng với tầm nhìn chiếc lược về biển đảo, đồng thời kế thừa những tri thức, kinh nghiệm xây dựng và bảo vệ đất nước của các triều đại trước để xây dựng một quốc gia thống nhất, vững mạnh có uy tín và vị thế trong khu vực. Đặc biệt khi những cuộc thăm dò của phương Tây dưới danh nghĩa buôn bán thương mại và truyền giáo ngày một nhiều và lộ rõ ý đồ xâm lược, thì nhu cầu bảo vệ quốc gia từ phía biển được đặt ra cấp thiết. Vua Minh Mạnh xác định biển có một vị trí quan trọng, thể hiện rõ trong các hoạt động kinh tế và chính sách an ninh quốc phòng. Nhận thức về vị trí của biển và mối lo ngại về việc có thể bị tấn công từ phía biển nên nhà vua đã ý thức được việc bố phòng cẩn mật tại bờ biển thì việc thực thi chủ quyền trên biển cũng thường xuyên được tiến hành bằng nhiều chính sách. Bằng chứng chủ quyền biển đảo còn lưu lại đến nay chính là hình ảnh về biển đảo trên Bảo vật quốc gia Cửu Đỉnh được đặt một vị trí quan trọng trong Thế Miếu - Đại Nội Huế.
Tài liệu tham khảo
1.Dương Phước Thu (2010), Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế, Nxb. Tri Thức.
2.Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb.Thuận Hóa, Huế, tập 5.
3.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, 2, bản dịch của Viện Sử học, Nxb.Giáo dục.
4.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb.Thuận Hóa, Huế.
5.Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Minh Mệnh chính yếu, Nxb.Thuận Hóa, Huế.
6. Ủy ban Biên giới Quốc gia (2013), Tuyển tập Châu bản Triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb.Tri thức, Hà Nội, 2013, trang 175.
[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 2, bản dịch của Viện Sử học, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, trang 758.
[2] Minh Mạng năm thứ 17 (1836), khi đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng biển Đông lên Cao đỉnh.
[3] Chỉ vùng biển phía Đông thuộc hải phận của nước ta, không bao gồm cả vùng biển Đông rộng lớn như ngày nay.
[4] Dương Phước Thu (2010), Đất nước Việt Nam qua Cửu Đỉnh Huế, Nxb. Tri Thức, trang 83.
[5] Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua cho chạm khắc hình tượng vùng biển phía Tây trên Chương đỉnh.
[6] Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua cho chạm khắc hình tượng vùng biển phía Nam trên Nhân đỉnh.
[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, trang 881.
[8] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 89.
[9] Ủy ban Biên giới Quốc gia (2013), Tuyển tập Châu Bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Nxb.Tri thức, Hà Nội.
[10] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, Chính biên, quyển 104, Nxb.Giáo dục, trang 743.
[11] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, Chính biên, quyển 154, sđd, trang 673.
[12] Ủy ban Biên giới Quốc gia (2013), Tuyển tập Châu Bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sđd, trang 175.
[13] Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), nhà vua cho chạm khắc hình tượng cửa biển Thuận An trên Nghị đỉnh.
[14] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 857.
[15] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb.Thuận Hóa, Huế, trang 13.
[16] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Minh Mệnh chính yếu, Nxb.Thuận Hóa, Huế, trang 1636-1637.
[17] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Minh Mệnh chính yếu, sđd, trang 1663.
[18] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 987.
[19] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, sđd, trang 636.
[20] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 867.
[21] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, tập 3, sđd, trang 240 – 241.
[22] Năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho chạm khắc hình tượng cửa biển Cần Giờ vào Thuần đỉnh.
[23] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 36.
[24] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 1, sđd, trang 603.
[25] Năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho chạm khắc hình tượng cửa biển Đà Nẵng lên Dụ đỉnh.
[26] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 2, sđd, Nxb.Giáo dục, Hà Nội, trang 759.
[27] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010), Minh Mệnh chính yếu, sđd, trang 1636-1637.
[28] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 3, sđd, trang 117.
[29] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 3, sđd, trang 169.
[30] Quốc Sử Quán triều Nguyễn (1992), Đại Nam thực lục, tập 3, sđd, trang 174.
[31] Năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho chạm khắc hình tượng Ô Thuyền lên Dụ đỉnh.
[32] Năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho chạm khắc hình tượng loại Đa Sách Thuyền này lên Cao đỉnh.
[33] Năm Minh Mạng thứ 17, nhà vua cho chạm khắc hình tượng chiếc Lâu Thuyền lên Nhân đỉnh.
[34] Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, nhà vua cho khắc loại Mông Đồng Thuyền lên Chương đỉnh.
[35] Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, nhà vua cho chạm khắc hình tượng Hải Đạo thuyền lên Nghị đỉnh.
[36] Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb.Thuận Hóa, Huế, tập 5, trang 428.
[37] Nội Các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại nam Hội điển Sự lệ, sđd, trang 432.